Hư cấu, tưởng tượng trong truyện đồng thoại

8 1K 3
Hư cấu, tưởng tượng trong truyện đồng thoại

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

HƯ CẤU, TƯỞNG TƯỢNG TRONG TRUYỆN ĐỒNG THOẠI Lương Thị Thu Huyền 1 , Đinh Thị Thu Ba 1 Tóm tắt: Hư cấu tưởng tượng là yếu tố làm nên thành công, sức hấp dẫn của đồng thoại viết cho thiếu nhi. Bài viết tìm hiểu hư cấu tưởng tượng trong đồng thoại trên các bình diện tiêu biểu: hư cấu tưởng tượng trong cốt truyện, trong tình huống truyện và thế giới nhân vật. 1. MỞ ĐẦU Nghiên cứu thế giới truyện đồng thoại, định nghĩa của Từ điển Từ Hải cho rằng, “đồng thoại là câu chuyện đặc biệt viết cho trẻ em, dựa vào óc tưởng tưởng, kể lại những truyện thần kì, chủ yếu là lấy sự hứng thú giáo dục tư tưởng cho các em hoặc bồi dưỡng cho các em thói quen đọc sách”. Quan niệm trên về truyện đồng thoại được đưa ra xuất phát từ một đặc trưng cơ bản dễ nhận thấy của loại sáng tác này. Chúng là những sản phẩm của óc tưởng tượng, sáng tạo. Có thể khẳng định rằng, hư cấu tưởng tượng là yếu tố làm nên thành công, sức hấp dẫn cho tác phẩm đồng thoại. Bài viết tìm hiểu sự hư cấu tưởng tượng trên các bình diện tiêu biểu như: hư cấu tưởng tượng trong xây dựng cốt truyện; hư cấu tưởng tượng trong xây dựng tình huống truyện và hư cấu tưởng tượng về thế giới nhân vật. 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1. Hư cấu, tưởng tượng trong xây dựng cốt truyện Một tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi thành công trước hết thuộc về cái hay của cốt truyện. Cốt truyện cũng giống như bộ khung của tác phẩm. Nó là yếu tố làm nên toàn bộ nội dung, ý nghĩa của tác phẩm. Có thể nói, cốt truyện đồng thoại là những truyện “bịa đặt” hoàn toàn. Tuy vậy, tài năng của nhà văn chính là ở sự tưởng tượng vô cùng phong phú. Truyện về muôn loài chim muông, cầm thú, hoa, cỏ, côn trùng và lại là những truyện ở muôn nơi, muôn xứ. Những truyện trong bếp, truyện diễn ra ở ao, ở vùng nước, ở trên rừng, ngoài cánh đồng. Đó là những cốt truyện hàm ẩn những chủ đề, đề tài phong phú. Trong các truyện đồng thoại, nhà văn đã rất quan tâm trong việc sáng tạo nên những truyện hư mà thực, thực mà hư. Sự hư cấu trong cốt truyện đồng thoại được thể hiện rõ qua sự nhào nặn, biến đổi của nhà văn, để rồi truyện trở nên kì lạ hấp dẫn. Trong truyện Con Cóc là cậu ông Giời, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã tiếp nối mạch của truyện dân gian kết hợp với một hiện thực khá kì thú của tự nhiên đó là: Cóc nghiến răng trời mưa xuống. Từ đó nhà văn đã hư cấu nên thiên đồng thoại hiện đại. Thực chất thì Cóc đâu có họ hàng gì với thiên đình. Đằng này, Cóc đã cầm đầu cả đoàn quân lên thượng giới kiện trời vì trời không mưa. Sự “bịa đặt” như vậy lại bắt nguồn từ một sự thật là, chúng ta hay gặp đại hạn làm hại mùa màng, muôn vật khốn khổ. Cảnh tượng hạn hán được miêu tả rõ ràng như thật. Cuộc kéo nhau lên trời như một cuộc hành quân rầm rộ. Lí do khiến các con vật chịu để cho Cóc “chỉ huy” thật hợp lí. Và, trận nhập cung của nhà 1 ThS, Trường DDHSP Hà Nội 2 Trời như một trận đánh có bài bản. Thắng lợi nhờ trí thông minh, chỉ huy tài giỏi, biết tận dụng thế mạnh của từng người kết hợp sức mạnh ấy để tạo nên sức mạnh tập thể, đó là một bài học thực tế mà mỗi người chỉ huy cần phải hiểu đúng và nắm rõ. Chiến thắng của Cóc là chiến thắng vẻ vang đáng khâm phục. Chiến thắng ấy đã dẫn tới một giao ước, một tín hiệu tồn tại đến muôn đời… Hễ nghe Cóc nghiến răng là trời đổ mưa. Sự tưởng tượng thi vị, hấp dẫn, óc hư cấu, sáng tạo đến lạ kì của nhà văn đã tạo ra một câu chuyện hiện đại mang đậm chất dân gian, huyền ảo, kì bí nhưng cũng rất hấp dẫn sâu xa. Đồng thoại Cái tết của Mèo con được Nguyễn Đình Thi chọn một đặc điểm cơ bản của loài Mèo để tạo ra một câu chuyện rất thực. Mèo vốn là loài bắt chuột, ăn thịt chuột, thế nhưng Mèo con thì có thể chưa đủ sức để bắt loại Chuột cống, thậm chí có sự ngược đời, Mèo lại sợ chuột. Bởi vì, lũ Chuột già vừa to vừa hôi, và là kẻ sẵn sàng làm việc ác. Mèo muốn chiến thắng loài chuột vừa bẩn, vừa ác kia thì phải rèn luyện, phải thử sức và phải có kinh nghiệm thực tế. Cũng vì thế, Mèo leo trèo, đi lại và thuộc các góc xó xỉnh trong nhà. Mèo đã thử sức khi đánh nhau với rắn Hổ mang và để rồi cùng với sự trợ lực của bác nồi Đồng, của chị Chổi, Mèo đã thực sự đánh thắng Chuột. Một sự thật được hư cấu, tưởng tượng nhưng nhà văn đã tạo ra một câu chuyện sâu sắc, sinh động. Các nhân vật trong truyện là các loài vật, các vật dụng trong gia đình, song chúng đã có một cuộc sống. Chúng đã biết suy nghĩ, biết hành động giống như con người. Cuộc sống của Mèo con cũng giống như cuộc sống của chính các em thiếu nhi vùng thôn quê. Các em vừa được chăm sóc, quan tâm nhưng các em cũng phải độc lập, tự chủ trong việc bảo vệ chính cuộc sống của mình. Mượn câu chuyện về chú Mèo con, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã rất khéo léo, nhẹ nhàng và tinh tế nói về cuộc sống của chính các em thiếu nhi. Đề cao tình bạn, sự vị tha, nhà văn Xuân Quỳnh đã hư cấu nên cốt truyện Mùa xuân trên cánh đồng. Ở đó muôn vật đều vui vẻ, chỉ có chú Sẻ đồng buồn bã ngồi khóc. Để giải tỏa cho bạn nỗi oan ức, những người bạn nhỏ đã đi tìm sự thật và cuối cùng Ong đất và Sẻ đồng đã hiểu nhau. Cánh đồng chỉ còn một màu tươi vui chan hòa. Mùa xuân về mang lại không khí ấm áp tươi vui, mang lại niềm hân hoan phấn khởi cho muôn loài. Nhưng niềm vui sẽ không trọn vẹn khi trong không khí ấy vẫn còn có những người buồn bã, đau khổ. Vì nghĩa lớn, vì tình đời, các con vật đã đoàn kết nhau, mang lại niềm vui cho bạn bè, đồng loại. Tác giả Xuân Quỳnh đã thực sự tạo ra một câu chuyện nhẹ nhàng, tình cảm nhưng thấm đượm lòng nhân ái, vị tha. Mượn câu chuyện Cá chuối con, cá Chuối mẹ quên thân mình tìm kiếm thức ăn cho lũ Chuối con, nữ sĩ vừa ngầm ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng cao quý, vừa có dụng ý nhắc nhở các em rằng trong cuộc sống muốn tồn tại được thì chính bản thân mình phải biết học cách sống tự lập. Một câu chuyện thấm đẫm tình cảm mẫu tử, sự hi sinh thầm lặng của Chuối mẹ cũng thể hiện sự trưởng thành, khôn lớn của đàn Chuối con. Từ một hiện tượng có thật trong việc nuôi con của cá Chuối, nhà văn đã tạo ra một câu chuyện nhẹ nhàng rất cảm động, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ. Đó chính là sản phẩm của óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú của nữ sĩ Xuân Quỳnh khi viết cho thiếu nhi. Thành công trong việc xây dựng cốt truyện hư cấu, tưởng tượng còn được thể hiện ở việc các nhà văn đã tạo ra những liên tưởng kì thú để cuộc sống các loài vật ấy giống như cuộc sống của con người. Trong truyện Bồ nông có hiếu, nhà văn Phong Thu đã phản ánh cuộc sống của loài Bồ nông. Từ một đặc điểm rất riêng, rất lạ của loài Bồ nông - Có túi ở miệng, nhà văn đã tưởng tượng ra một câu chuyện thật sinh động về mẹ con nhà Bồ nông. Bồ nông mẹ vì con mà bóp mồm bóp miệng để nuôi con. Cái túi thức ăn luôn đầy lại vơi mỗi khi về tổ, còn Bồ nông nhỏ, khi kiếm thức ăn cũng biết khoe biết mời mẹ. Hai mẹ con nhà Bồ nông cứ thế mà luôn quấn quýt bên nhau. Tác giả Phong Thu đã tưởng tượng để nhân hóa các loài vật, để chúng hiện ra thật sinh động, ngộ nghĩnh và đáng yêu. Câu chuyện vừa thực vừa không thực nhưng rất thú vị đã cảm hóa và thuyết phục các độc giả nhỏ tuổi. Như vậy, để tạo ra thế giới nghệ thuật độc đáo cho truyện đồng thoại, mỗi nhà văn lại tìm cách thể hiện sự liên tưởng, tưởng tượng óc sáng tạo của bản thân. Sự sáng tạo ấy được mỗi nhà văn thể hiện ở những khía cạnh khác nhau của tác phẩm như cốt truyện, xây dựng nhân vật hay tình huống truyện, hoặc ý nghĩa mỗi câu chuyện ấy. Khảo sát các truyện đồng thoại trong Tuyển tập truyện viết cho thiếu nhi, chúng tôi nhận thấy, khi xây dựng cốt truyện, trí tưởng tượng, óc sáng tạo của mỗi nhà văn được thể hiện ở những góc độ khác nhau. Đó có thể là một câu chuyện hiện đại nhuốm màu sắc dân gian, hay là câu chuyện đời thường của các loài vật nhưng lại giống bức tranh cuộc đời của thiếu nhi nông thôn. Nhà văn đã khai thác các cung bậc tâm sinh lí, nhận thức, tình cảm của các em thông qua bức chân dung các loài vật. Chính sự hư cấu tưởng tượng ấy đã thực sự tạo ra sự hấp dẫn cho truyện đồng thoại. 2.2. Hư cấu tưởng tượng về tình huống truyện Nghiên cứu các truyện đồng thoại cho thiếu nhi, chúng tôi còn nhận thấy mỗi câu chuyện đồng thoại còn là sản phẩm của việc tạo ra các tình huống truyện độc đáo. Tình huống truyện được hiểu là sự diễn biến của mạch truyện đối với nhân vật, thường có những bất ngờ mà nhân vật cần phải đối phó. Đó thường là những biến cố khá gay cấn đối với nhân vật, những tình huống bất lợi đặt ra sự thách thức, tác động trực tiếp tới nhân vật. Nhân vật cần dũng cảm thông minh, bình tĩnh Chẳng hạn truyện đồng thoại Cá Chuối con, Xuân Quỳnh đã tạo nên tình huống bất ngờ đối với cá mẹ. Đó là khi cá mẹ kiếm mồi về thì trong đàn con có con cá út chưa được ăn. Vì vậy, cá mẹ bèn ra đi kiếm mồi lần nữa. Lần ra đi đó, nó gặp tình huống nguy hiểm: gặp con Mèo, cá mẹ bị con Mèo vồ và phải chống trả để giành giật sự sống. Tình huống bất ngờ ấy đã làm nổi bật lòng yêu thương, đức hi sinh của cá mẹ đối với đứa con út ít. Dẫu rằng lỗi thuộc về đứa con. Với truyện Hoa râm bụt, tình huống bất ngờ ập đến với loài hoa trong vườn là cơn bão. Bão gió khiến các loài hoa ẻo lả, đẹp đẽ như hoa Huệ, hoa Hồng bị bầm rập, chỉ còn hoa Râm bụt là không bị hề chi. Qua tai hoạ đó, loài hoa đã thay đổi cách nhìn, không còn khinh rẻ loài hoa giản dị khiêm nhường đó nữa. Đối với đồng thoại Đôi cánh của Ngựa trắng, tác giả lại cho ta thấy, tình huống thử thách sự dũng cảm của chú ngựa con. Chú bị đặt vào tình huống khác thường: lần đầu tiên chú bứt ra khỏi mẹ để đi xa. Khi chú đã đi rất xa mẹ thì màn đêm sập xuống. Chú rất sợ hãi! Cộng vào đó lại có tiếng sói hú dài trong đêm làm chú càng hoảng sợ. Chính lúc đó, nhờ có sự khích lệ của Đại Bàng, lòng can đảm của chú ngựa non bừng dậy, chú đã chiến thắng sợ hãi và “bay” về với mẹ. Chú bay được bằng chính sức mạnh và nghị lực của mình. Trong truyện đồng thoại Chùm hoa của chú bọ Ngựa, tình huống mà chúng ta thấy ở thiên truyện này chính là lũ sâu cắn sạch những nụ hoa của cây phượng vĩ trước nhà Dũng. Đúng lúc đó, chú bọ Ngựa đã cứu được chùm hoa cuối cùng vì chú đã cần mẫn bắt sâu. Chú trở thành chủ nhân của chùm hoa, là ân nhân của chùm hoa duy nhất đó còn sót lại. Miêu tả cuộc sống của muôn loài, các nhà văn còn tạo ra những tình huống truyện đơn giản giống như những điều diễn ra trong cuộc sống thường nhật. Nhà văn Ngô Quân Miện từ không gian của một cánh rừng nguyên sinh, qua cái nhìn của một người đã gắn bó nhiều với cánh rừng ấy để tạo ra một câu chuyện hết sức bất ngờ về loài Sóc. Đặc sắc của tác phẩm Bạn nhỏ trong rừng được thể hiện ở chỗ từ một không gian quen thuộc, đơn giản nhà văn Ngô Quân Miện đã dẫn dắt độc giả đi đến tình huống một kết thúc bất ngờ, thú vị. Từ việc khám phá ra nơi sinh sống của bạn Sóc ta có thể nhận ra cái kho dự trữ thức ăn bí mật của anh bạn nhỏ đáng yêu này. Điều đó đã mang lại cho nhân vật một sự ngạc nhiên lẫn thán phục. Từ một câu chuyện về “kho dự trữ” bí mật thức ăn của loài Sóc, từ những hành động chuộc lỗi của nhân vật “tôi”, nhà văn đã nêu ra một thông điệp ý nghĩa và quý giá: Sóc là loài biết lo xa và cất giữ thức ăn lâu ngày mà không bị hỏng để rồi một liên tưởng, một nỗi lo chợt dấy lên: “không còn rừng con Sóc sẽ đi về đâu” một tình huống bất ngờ nhưng cũng khá thi vị đã giúp cho nhà văn có thể gửi gắm nhiều bài học nhận thức về cuộc đời, về những dự báo và lo toan cho tương lai và những ý nghĩa nhân sinh cho con người thông qua bức chân dung về loài vật. Khi tạo dựng cốt truyện đồng thoại, tình huống truyện là một trong những yếu tố giiúp nhà văn vừa thể hiện những trải nghiệm cuộc sống, vừa thể hiện tài năng khi sáng tạo nghệ thuật. Tình huống truyện có khi được nhà văn “xếp” ở ngay mở đầu câu chuyện; cũng có khi nằm ở giữa mạch kể, cũng có thể thuộc phần cuối tác phẩm. Vị trí của tình huống truyện được mỗi nghệ sĩ sắp xếp khác nhau nhằm những dụng ý riêng. Nếu như tình huống truyện được xếp ở phần đầu thường là nhà văn muốn gợi mở một không gian mới lạ hấp dẫn. Để có cái kết bất ngờ thú vị, nghệ sỹ chọn cách bố trí tình huống truyện gần phần cuối của mạch trần thuật. Việc “mở nút” sẽ đem lại ý vị riêng khi mâu thuẫn được đẩy lên cao trào rồi hạ màn sau đó để dẫn dắt độc giả đi vào thế giới nghệ thuật trong tác phẩm thì bố cục tình huống ở phần cuối truyện lại giúp cho mỗi nhà văn có thể đưa những mâu thuẫn, những xung đột truyện lên đỉnh điểm và từ đó tạo ra những kết thúc bất ngờ, thú vị nhưng cũng đầy sinh động sâu sắc. Ở truyện Bài học tốt từ hình ảnh chiếc mai kì lạ, nhà văn Võ Quảng đã xây dựng nên một câu chuyện hấp dẫn về sự ra đời của cái mai ấy. Hình ảnh cái mai rùa gắn liền với một câu chuyện về cuộc sống, về sự trưởng thành của nhân vật trong truyện. Có một triết lí ngầm qua thiên đồng thoại này: muốn tồn tại được con người cũng như các loài vật phải có sự hiểu biết, sự hiểu biết ấy được thu nhận, đúc rút từ sự nghiệm sinh. Những vết rạn trên mai rùa là bài học nhớ đời, là dấu ấn muôn đời không phai. Truyện nhẹ nhàng, chậm rãi như đặc trưng của loài rùa nhưng cũng thật kịch tính, độc đáo khi nhà văn dẫn dắt độc giả đến với nguyên nhân cuối cùng của sự hình thành chiếc mai ấy. Hư cấu truyện này, nhà văn Võ Quảng đã được thừa hưởng nghệ thuật kể chuyện của nghệ sỹ giân dan trong cổ tích loài vật, người Khơ Me có truyện Sự tích vết rạn trên mai rùa. Người Kinh kể chuyện về Hai con cò và con Rùa. Ở cả hai lời kể trên, con Rùa đều bị rơi từ trên cao xuống đất nên chiếc mai để lại dấu tích rạn nứt từ sau thảm họa ấy. Thực ra, văn chương là chuyện đời, chuyện của muôn loài, cũng như chuyện của con người. Trong cuộc sống biết bao tình huống có thể xảy ra mà ta không thể lường trước được. Có thể đó là sự may, rủi, buồn vui, hiểu lầm, ân hận Những tình huống truyện phong phú đã chứng tỏ vốn sống và tài năng của người cầm bút. Như vậy, để tạo ra một lời kể lí thú, mỗi nhà văn lại chọn cách tạo ra những tình huống truyện riêng. Tình huống ấy có thể là một không gian xa lạ mà trên đó các chuỗi sự kiện diễn ra; cũng có thể là một không gian đời thường hay đó là những mâu thuẫn đầy kịch tính để qua đó các nghệ sĩ gửi gắm những suy nghĩ của mình về cuộc sống về bài học làm người. Các thiên đồng thoại trong Tuyển tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi từ sau Cách mạng tháng Tám đều là những sáng tác tiêu biểu được tuyển chọn khá công phu. Mỗi truyện lắng lại một bài học, gợi ra một suy ngẫm hay một quan niệm sống ở trên đời. Để làm được điều đó, tình huống truyện là một trong những nhân tố quan trọng giúp nhà văn có thể gửi gắm những ý tưởng nghệ thuật và tài năng sáng tạo. 2.3. Hư cấu tưởng tưởng về thế giới nhân vật Một trong những yếu tố, làm nên thành công và sự hấp dẫn cho mảng truyện đồng thoại là hư cấu thế giới nhân vật trong tác phẩm. Nhân vật trong truyện đồng thoại thường là các loài vật bé nhỏ, hiền lành, đáng yêu gần gũi với trẻ thơ. Nhưng điều làm nên sự hấp dẫn cho thế giới loài vật ấy chính là bởi các con vật được nhân hóa. Nghệ sĩ đó gán cho chúng một đời sống nhân sinh phong phú. Ở đó, thế giới muôn loài cũng đa dạng về “tầng lớp”, về thói quen, về “tính cách”. Chúng cũng có đời sống lao động, cũng lo toan, cũng chắt chiu; chúng có đời sống tâm hồn, có tình cảm buồn, vui, yêu, ghét… chúng cũng được gọi với các đại tư nhân xưng trìu mến quen thuộc như con người: mẹ, con, anh, chị, chú, bác… Các loài vật trong truyện đồng thoại được mỗi nhà văn phác họa cụ thể vói những đặc điểm của từng loài. Miêu tả con Chim gáy, nhà văn Tô Hoài đã gợi ra hình ảnh chân thực. Đó là những chú chim Gáy béo mượt, đẹp đẽ, cần cù, qua những chi tiết như: “Chim gáy hiền lắm, béo nục. Đôi mắt nâu trầm ngơ ngác nhìn xa. Cái bụng mịn mượt, cổ quàng chiếc “tạp dề” công nhân đầy hạt cườm lấp lánh biêng biếc”. Con chim Gáy còn hiện ra qua các tập tục đặc tính của nó: chim Gáy thường bay về đồng mùa gặt. Xưa có hai vụ lúa nên “tháng năm chim Gáy đi ăn đôi, tháng mười chim gáy về theo đàn”. Chim Gáy hiện ra với nếp sống đặc trưng của chúng. Tô Hoài đã quan sát rất kĩ và tinh tường để có thể tạo ra bức chân dung về loài chim bé nhỏ, gần gũi với người, với mùa màng, với làng quê Việt Nam (Đàn Chim gáy). Miêu tả chú Bồ nông trong truyện Chú bồ nông ở Sa mạc can, nhà văn đã rất tinh tế khi tạo ra hình ảnh một loài chim. Đó là những chi tiết như: “Đôi cánh xô lên tròn xoe như vòng bánh xe quay giữa trời xuân” hay “Con Bồ nông nằm trong ổ thò ra một mỏm đầu bơ phờ như đầu ngỗng con, hai mắt hấp háy, nửa ngủ, nửa thức”. Chỉ với vài ba chi tiết nhỏ ấy, nhà văn đem đến hình ảnh vừa ngộ nghĩnh đáng yêu, vừa sinh động lạ lẫm của con vật. Chú Bồ nông hiện ra trong cuộc sống đời thường, tự nhiên nhưng vẫn đáng yêu. Miêu tả thế giới loài vật, mỗi nhà văn thường chọn cho mình những cách thức thể hiện ngoại hình của chúng. Trong truyện ngắn Cái tết của Mèo con, Nguyễn Đình Thi tập trung diễn tả sự bé bỏng của nhân vật. Chú Mèo hiện ra với những đường nét ngây thơ, non nớt: “Hai con mắt xanh sợ hãi, nhìn lên hấp háy. Hai cái tai có đốm đen mượt như nhung động đậy”. Sự bé bỏng của chú còn được nhà văn thể hiện qua tiếng kêu “ngheo ngheo” yếu ớt. Nhà văn cũng cho thấy sự non nớt của chú mèo qua việc chống lại tình cảnh chú bị buộc vào sợi dây: “Chú Mèo nằm giơ cái chân bị buộc lên co giãy, nhưng chẳng ăn thua gì”. Hình ảnh chú mèo giống như hình ảnh của trẻ thơ vậy. Miêu tả loài vật, nhà văn có thể chọn những đặc trưng sinh sống của từng loài để khắc họa. Trong truyện Mùa xuân của chúng ta, nhà văn Thi Ngọc chọn cách giới thiệu một số nét đặc trưng của từng loài: “Gấu Khoang ngủ đông; Nhím có lông nhọn; Nai có gạc; Ngựa có vó; Khỉ Vượn biết đu cây; Ong Kiến có nọc”… Mỗi loài một vẻ, một đặc trưng, một tính nết, một thế mạnh riêng. Chúng tạo nên một xã hội sống động trong khu rừng. Nhà văn Thi Ngọc cũng phân chia thế giới loài vật làm hai phe đối lập nhau: bên thiện và bên ác. Chúng cùng đón mùa xuân nhưng với hai mục đích khác nhau. Bên này mở hội vui vẻ, bên kia lại rắp tâm tới bắt để ăn thịt. Cảnh tượng được dàn ra như một trận đánh. Khi miêu tả loài Rùa, nhà văn Võ Quảng đã chọn hình ảnh “chiếc mai Rùa” với những “vết sẹo” ngang dọc làm tâm điểm để khắc họa rõ về đặc tính của loài này. Vốn là loài vật hiền lành nhưng chậm chạp, mà lại muốn bám nhờ vào chân người khác “chạy hộ” để đi nhanh, nên rùa bị văng ra khỏi chân họ, đến nỗi mai bị tổn thương để lại dấu tích suốt đời. Cũng vì thế mà Rùa mới nhận được “bài học tốt” nhớ đời (Bài học tốt). Xây dựng thế giới loài vật thuộc xã hội sinh sống trên cánh đồng (Mùa xuân trên cánh đồng), nữ sĩ Xuân Quỳnh đã vẽ ra cả một thế giới sinh động, phong phú. Đó là xã hội của những “công dân” bé nhỏ như anh Chuồn Chuồn Ớt, Chuồn Chuồn Kim, Sóc Đá, Bọ Ngựa, Ả Cánh Cam, Cào Cào, Bọ Muỗn, các anh Sếu, cá Rô ron, cá Mài Mại Đuôi Cờ, Châu Chấu Ma, Xiến Tóc, Họa Mi, Ong Vàng, Cà Cuống, Dế Mèn, Ong Đất, Sẻ Vàng, Ếch Xanh… Một thế giới muôn loài hiện ra với những nét đặc trưng, đa dạng, độc đáo. Chuồn Kim có “Thân hình mảnh dẻ, mắt to, mình nhỏ xíu”, Bọ Ngựa “vung gươm tập múa võ”, anh Châu Chấu Ma “lầm lì”. Bức tranh thế giới nhân vật trong tác phẩm được tạo từ chính lòng yêu thiên nhiên, giàu tình thương và hiểu biết rất rõ về đặc trưng từng loài của người cầm bút. Không chỉ có vậy, những nhân vật rất đỗi bé nhỏ ấy còn được nhà văn gọi tên với những cách xưng hô thân thương, trìu mến: anh, chị, ả, bác Nó còn thật dí dỏm khi nữ sĩ gọi loài Sếu là “Anh Sếu giang hồ”. Tất cả đã tạo nên những cảm xúc thân thương, gần gũi của độc giả đối với chúng. Ngoại hình là đặc điểm không thể thiếu khi tạo ra bức chân dung về các nhân vật độc đáo ấy. Thế giới loài vật được miêu tả khắc họa đa dạng, chân thực qua ngoại hình. Mỗi loài vật trong truyện đồng thoại có những dáng điệu riêng, tập tục, đặc trưng riêng song chúng đều là những con vật hiền lành, đáng yêu gắn bó với cuộc sống của chính các em thiếu nhi. Khắc họa chân dung các loài vật ấy, các nghệ sỹ còn gửi gắm cả những tình cảm, thái độ của bản thân đối với chúng. đồng thời nó còn thể hiện khả năng quan sát, liên tưởng của nhà văn, tài năng miêu tả nhân vật và sự am hiểu đời sống của chúng của nghệ sỹ. Không chỉ thành công trong việc miêu tả ngoại hình của các nhân vật là loài vật. Truyện đồng thoại còn thể hiện sự thành công trong việc phản ánh “suy nghĩ” “hành động” số phận của chính loài vật ấy. Mỗi loài vật hiện lên qua những trang văn đều là những nhân vật có suy nghĩ, có hành động. Một chú chim Sâu (Có một chú Chim Sâu), cũng biết nêu ra những thắc mắc của mình khi đón chờ mùa xuân. Ấy thế nhưng khi sắc xuân ngập tràn đất trời chú vẫn không quên nhiệm vụ bắt sâu. Cũng vì thế, các loài chim có mặt trong vườn đều yêu Chim Sâu có ích ấy. Chim Sâu tuy bé nhỏ nhưng gúp phần gìn giữ và làm đẹp khu vườn. Chú Chim Sâu ấy cũng có những suy tư giống như con người. Có lúc “Chú đâm nản lòng, chú nằm vo tròn trong cái tổ lá ngái treo đu đưa. Dáng chú uể oải”. Chú Chim Sâu cũng “ngại rét”… Nhờ biện pháp nghệ thuật nhân hóa, thế giới xung quanh con người trở thành bầu bạn, gần gũi biết bao nhiêu. Nhà văn Duy Khán cũng rất kì công khi tạo ra cả một thế giới loài chim. Thế giới ấy cũng được xếp bậc theo quan hệ: chú, bác, dì, cậu, em Đó là quan hệ họ hàng thân thuộc. Thế giới ấy cũng có những đặc tính giống như con người: Diều Hâu độc ác, Chèo Bẻo như kẻ cắp, Quạ Đen, Quạ Khoang hay ăn trộm, Chim Cắt nhanh nhưng ác, Liếu Điếu lắm lời… Trong xã hội loài chim, con nào ra con nấy: đẹp, xấu, lành, ác, thông minh, ngu ngơ, đáng yêu, và đáng ghét. Cái xã hội loài chim ấy có cái gì đó từa tựa hao hao như xã hội loài người. Đặt nhân vật trong mối quan hệ gia đình, nhà văn Duy Khán đã làm nổi bật tính cách đặc trưng của từng loài chim (Lao xao). Phản ánh đời sống hiện thực, nhà văn thường đặt nhân vật của mình trong các mối quan hệ để nhân vật tự lột tả, bộc lộ tâm lí, tính cách của mình. Nữ sĩ Xuân Quỳnh khi phản ánh tình cảm mẫu tử đã để Chuối mẹ bộc lộ hành động quên mình vì đàn con. Chuối mẹ sẵn sàng nằm giả chết, cho đàn kiến bu vào thân mình, mẹ đau đớn nhưng đàn con lại được no. Ta thấy cảm phục sự hi sinh lặng thầm, lòng dũng cảm của chuối mẹ. Còn lũ Chuối con, tuy là cá nhưng cũng biết thương mẹ. Vì thương mẹ chúng có hành động phê phán Chuối Út; cũng vì thương mẹ, chúng quyết định sống độc lập để mẹ đỡ vất vả. Tình yêu mẹ của đàn Chuối con cũng thật lớn (Cá Chuối con). Viết về loài vật, mỗi nhà văn thường gửi gắm những thông điệp về cuộc sống, về tình đời, tình người. Đó cũng là ý nghĩa nhân sinh lớn lao của biện pháp nhân hóa. Trong truyện Đôi cánh của ngựa trắng, tác giả Thi Ngọc đã đặt Ngựa Trắng bé nhỏ vào một ước mơ thật lãng mạn: chú mơ có đôi cánh để bay được như Đại Bàng. Chính niềm mơ ước ấy đã giúp Ngựa trắng hiểu ra một thực tế, một chân lí sống: trên đời này, ai cũng có một đôi cánh. Sức mạnh, tài năng riêng, ý chí, lòng quyết tâm chính là đôi cánh giúp thực hiện ước mơ đẹp. Sức mạnh ấy, tài năng ấy cần phải được tôi luyện qua học tập, thử thách. Nhưng điều quan trọng là, sống ở trên đời, ai cũng cần có bạn bè. Bạn bè là những người luôn giúp ta trong hoạn nạn. Câu chuyện ngắn nhưng đã gợi ra rất nhiều suy nghĩ trong lòng độc giả. Tuy là chuyện về ước mơ của chú Ngựa, nhưng con người có thể học được những điều thật hữu ích. Tuy nhiên, trong cuộc đời này không phải cứ hiền lành là gặp hạnh phúc. Truyện Con Dog của Ma Văn Kháng lại phản ánh một khía cạnh thực tế khác của cuộc đời. Con chó nhỏ trong tác phẩm là một nhân vật đáng thương. Nó là một con chó nhỏ bị lạc, bơ vơ, nó hiền lành, nhút nhát, và thậm chí là yếu đuối. Số phận của nó thật long đong, con Dog không có nơi nào để đi về. Nó thèm một cuộc sống ấm áp nhưng cuối cùng vẫn bị con người xua đuổi. Đến cuối tác phẩm, người đọc như nghẹn lại vì nỗi thương xót cho thân phận của chú chó biết khao khát tình yêu thương ấy. 3. KẾT LUẬN Văn học là sản phẩm của hư cấu và tưởng tượng. Tuy vậy, ở thể đồng thoại, vai trò của hư cấu tưởng tượng lại vô cùng quan trọng. Hư cấu tưởng tượng cũng vô cùng phong phú. Từ những quan sát về loài vật, nhà văn đã hư cấu, tưởng tượng tài tình để tạo nên những cốt truyện hấp dẫn, những tình huống truyện mới lạ, bất ngờ và thú vị, một thế giới nhân vật giống như xã hội của con người qua biện pháp nhân hóa linh hoạt. Yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc đời, qua ngòi bút nghệ sỹ, thế giới nghệ thuật đồng thoại hàm chứa những triết lí nhân sinh giản dị mà sâu sắc. Đồng thoại là người bạn yêu mến của trẻ thơ. Hư cấu tưởng tượng trong đồng thoại giúp tâm hồn trẻ thơ bay bổng, các em yêu hơn giới xung quanh, thân thiện với thiên nhiên, coi thiên nhiên như bầu bạn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phong Thu tuyển chọn, Tuyển tập truyện viết cho thiếu nhi (từ sau cách mạng tháng 8), Nxb Giáo dục, H., 1999. FICTION, IMAGINATION IN STORY FOR CHILDREN Luong Thi Thu Huyen, Dinh Thi Thu Ba Abstract: Fiction and imagination are the factors that make success, create attraction of the story for children. The fiction and imagination are in some typical aspects: plot construction, story situation and character world. . biểu như: hư cấu tưởng tượng trong xây dựng cốt truyện; hư cấu tưởng tượng trong xây dựng tình huống truyện và hư cấu tưởng tượng về thế giới nhân vật. 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1. Hư cấu, tưởng. hiểu hư cấu tưởng tượng trong đồng thoại trên các bình diện tiêu biểu: hư cấu tưởng tượng trong cốt truyện, trong tình huống truyện và thế giới nhân vật. 1. MỞ ĐẦU Nghiên cứu thế giới truyện. HƯ CẤU, TƯỞNG TƯỢNG TRONG TRUYỆN ĐỒNG THOẠI Lương Thị Thu Huyền 1 , Đinh Thị Thu Ba 1 Tóm tắt: Hư cấu tưởng tượng là yếu tố làm nên thành công, sức hấp dẫn của đồng thoại viết

Ngày đăng: 03/09/2015, 20:22

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan