1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Đặc điểm hình tượng nhân vật danh nhân trong truyện danh nhân đất việt

10 546 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 10
Dung lượng 217,34 KB

Nội dung

ĐẶC ĐIỂM HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT DANH NHÂN TRONG TRUYỆN DANH NHÂN ĐẤT VIỆT Phùng Thị Vân Anh 1 , Bùi Thị Hương Quế 1 Tóm tắt: Bài viết chỉ ra những đặc điểm tiêu biểu của hình tượng nhân vật danh nhân Việt Nam. Họ là kết tinh những phẩm chất, những tài năng, những nét đẹp của con người Việt Nam được thử thách qua nhiều thế hệ. Họ là niềm tự hào, là biểu tượng của dân tộc Việt. 1. MỞ ĐẦU Danh nhân là những nhân vật có thật trong lịch sử. Đó là những con người nổi tiếng bởi họ có phẩm chất, có đóng góp lớn lao cho cộng đồng trên những lĩnh vực khác nhau, được nhân dân tôn vinh và lưu phương bách thế. Qua hình tượng nhân vật danh nhân, một phần những truyền thống sáng đẹp của dân tộc được tái hiện. Ở đó, ta gặp lại những tấm gương về lòng yêu nước, thương nòi, tinh thần dũng cảm, xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, về con đường trau dồi đạo đức, tài năng và trí thông minh sáng tạo cũng như phẩm chất lao động cần cù, giản dị, tiết kiệm… của ông cha ta thuở trước. Trong khuôn khổ bài viết này, bước đầu chúng tôi chỉ ra những đặc điểm tiêu biểu của hình tượng danh nhân đất Việt. Đó là những con người lịch sử, những nhân vật kiệt xuất, những con người bình thường trong cuộc sống và những con người đem đến giá trị thẩm mỹ. Tài liệu bài viết khảo sát là các tập truyện Danh nhân đất Việt (Nxb Thanh niên 1995, 1988). 2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1. Danh nhân - nhân vật lịch sử Danh nhân là những nhân vật lịch sử có thật. Họ thuộc về mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, gắn liền với các sự kiện cụ thể nào đó, các chiến công nào đó… Họ là những nhân vật góp phần làm nên lịch sử, có tác động đến lịch sử ở nhiều phương diện khác nhau. Người viết truyện danh nhân không thể hư cấu một nhân vật theo ý thích chủ quan của mình rồi đem “gán” vào một giai thời nào đó. Nhân vật danh nhân thường có một lai lịch khá rõ ràng. Họ là những nhân vật có quê quán, có gia đình, có hành trang cuộc đời cụ thể. Dù cho đó là những danh nhân được lưu giữ qua truyền thuyết. Chẳng hạn Hai Bà Trưng (Hai Bà Trưng) có một “lí lịch” khá tường minh. Truyền thuyết và nhiều nguồn tư liệu cho thấy: Trưng Trắc là con gái của lạc tướng Mê Linh (đất Mê Linh nay thuộc vùng giáp giới giữa Hà Tây cũ với Vĩnh Phúc và ngoại thành Hà Nội). Thân sinh mất sớm, Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị được thân mẫu là bà Man Thiện (cũng có 1 ThS, Trường ĐHSP Hà Nội 2 truyền thuyết nói là bà Trần Thị Doan) nuôi dưỡng. Trưng Trắc còn là người phụ nữ đã kết hôn. Chồng của Trưng Trắc là Thi Sách (con trai của Lạc tướng Chu Diên. Đất Chu Diên nay là vùng giáp giới giữa Hà Tây với Hà Nam). Hai Bà phất cờ khởi nghĩa mùa xuân năm 40, mở đầu truyền thống đánh giặc giữ nước của người phụ nữ Việt Nam. Không chỉ có hai nữ tướng đó, sử sách và dân gian còn lưu truyền nhiều tên tuổi những nữ tướng khác đã sát cánh trong đội quân của hai người con gái, viết nên bản hùng ca bất diệt buổi đầu công nguyên. Đó là những bà Bát Nàn, Thiều Hoa, Thánh Thiên, Lê Chân… Những con người ấy, đến nay vẫn được dân gian tôn thờ, hương khói bất tuyệt trên khắp những miền quê. Phía sau Hai Bà là những thế hệ nối tiếp nhau: Triệu Thị Trinh, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Ngô Quyền… Họ đã từng sống, từng chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, dân ta nô lệ. Và, họ đã đứng lên chống giặc cứu nước. Vì là những nhân vật trong lịch sử nên chúng ta có thể tái dựng chân dung họ một cách chân thực mà vô cùng sinh động. Người ta sẽ gặp một Trần Quốc Tuấn (1230 - 1300) thao lược và quyết đoán trong tình yêu hạnh phúc nhưng lại vô cùng thương yêu tướng sĩ, đặt lợi ích quốc gia lên trên tình cảm gia đình. Đó là một thầy Chu văn An (1292 - 1370) nghĩa khí, cương trực treo mũ, từ quan. Đó là một thiên tài Nguyễn Trãi (1380 - 1442) có số phận oan nghiệt… Danh nhân là những nhân vật lịch sử. Họ có thể là các bậc đế vương, là những anh hùng võ tướng, là nhà văn hóa, nhà thơ, nhà văn… có ảnh hưởng, tác động lớn đến lịch sử dân tộc trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Một vài dẫn dụ mà bài viết nêu ra đã minh chứng điều đó. 2.2. Danh nhân - nhân vật kiệt xuất Danh nhân vừa là con người bình thường mà cũng không phải con người bình thường. Trong cái vũ trụ kia, danh nhân là những “vì sao đất nước”. Trong nhân quần kia, họ là những vĩ nhân. Sự kiệt xuất ở họ thể hiện trên nhiều phương diện: ngoại hình, tài, đức, nhân cách và chiến công mà họ đã vươn tới có ích cho cuộc đời, cho cộng đồng. Qua cách miêu tả của nhà văn, nhân vật danh nhân thường có sức vóc, ngoại hình khác người bình thường. Tinh thần sử thi chi phối hình tượng nhân vật khá rõ. Các nhân vật được xây dựng là những con người có ngoại hình kì lạ, lẫm liệt, có sức khỏe hơn người. Đây là hình ảnh Bà Triệu: “Mặt hoa, tóc mây, mũi hổ, trán rộng, tay dài quá gối, tiếng như chuông lớn, mình cao chín thước…” [1, tr.33] (Bà Triệu). Vẻ đẹp của Bà Triệu là vẻ đẹp của một “con người khổng lồ”. Đó là Mai Thúc Loan cũng được miêu tả: “Đầu hổ, mắt rồng, tay vượn, đi như rồng, bước như hổ” [1, tr.53] (Mai Thúc Loan) . Nhân vật Phùng Hưng thì có “sức rất khỏe mạnh, có thể bắt hổ, vật trâu” (Phùng Hưng)… Sự kiệt xuất phi thường ở nhân vật danh nhân còn được nhà văn tập trung thể hiện ở tài đức, chiến công và sự cống hiến khác người bình thường. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã từng viết về Bà Triệu: Tỉnh Thanh Hóa có một bà, Tên là Triệu Ẩu tuổi vừa đôi mươi. Tài năng dũng cảm hơn người, Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương. Phụ nữ ta chẳng tầm thường, Đánh Đông dẹp Bắc làm gương để đời. Trong Danh nhân đất Việt, các tác giả đã xây dựng hình tượng Triệu Thị Trinh - một người con gái tài trí hơn người, bất khuất. Người nữ anh hùng dân tộc đã khiến cho kẻ thù run sợ. Bà Triệu quyết nối chí Hai Bà Trưng “giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ”. Hình ảnh Bà Triệu muôn thuở không phai mờ trong tâm trí nhân dân. Tài năng thao lược và võ nghệ của Bà được bộc lộ từ bé. Chính người mẹ của Triệu Thị Trinh là người rèn đúc cho con gái chí quật cường và tài thao lược. Trong lần về quê với mẹ, ông già họ Lí, người cầm đầu đất quê ngoại, nhìn ngắm đứa cháu gái mà hởi dạ: “cô bé mới bắt đầu lớn mà đã có dáng con nhà tướng: lưng beo, tay vượn và cặp mắt xếch sáng như sao! Đến lúc được xem đứa cháu nhỏ biểu diễn tài năng võ nghệ, được nghe những lời tâm huyết tự nhiên từ cửa miệng thơ ngây, ông già Lí sung sướng đến mức đem cả báu vật gia truyền trao lại cho cháu gái vào lúc Triệu Thị Trinh chia tay ông trở về núi Nưa. Đó là một thanh đoản kiếm hai lưỡi bằng đồng thau vàng chói. Điều làm Triệu Thị Trinh thích thú nhất là hình tượng một vị nữ thủ lĩnh trang nghiêm, xiêm áo chỉnh tề, được tạc rất khéo thành chiếc đuôi kiếm cầm gọn trong tay” [1, tr.34] (Bà Triệu). Lớn lên một chút, tài năng ấy thể hiện ở việc thu phục voi trắng một ngà, chiêu tập được nhiều binh sĩ. Ra trận, quân của Bà làm cho quân Ngô khiếp vía. Đêm đêm, những tên lính mỏi mệt chống giáo ở cửa lều trận, than thở với nhau: “Hoành qua đương hổ dị, đối diện Bà Vương nan!” [1, tr.48] (Múa giáo đánh hổ còn dễ, giáp mặt với Bà Vương mới thật khó) (Bà Triệu). Nhân vật Mai Thúc Loan (Mai Thúc Loan) cũng hiện lên không phải con người bình thường. Sự không bình thường ấy không chỉ thể hiện ở ngoại hình khác người, mà còn ở trí tuệ khôn sáng kì lạ và một người con hiếu thảo, một người có tài, có đức. “Chú bé họ Mai khác biệt hẳn với những đứa trẻ cùng trong làng bởi vóc dáng bậm bạp ẩn tàng một sức khỏe phi thường, bởi sự tinh khôn sáng ý kì lạ, và còn bởi màu da đen sạm của chú” [1, tr.53] (Mai Thúc Loan). Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Bộ Lĩnh) ngay từ bé đã bộc lộ là một cậu bé vô cùng thông minh nhưng cũng rất nghich ngợm. Khi còn trẻ, cùng kết bạn với trẻ chăn trâu và hàng ngày cờ lau tập trận ở vùng núi Châu Đại Hoàng, sau này, ông đã dẫn họ và con cháu họ vác gươm đi chiến đấu hơn hai mươi năm ròng rã, đem lại nền thống nhất cho đất nước. Đinh Bộ Lĩnh làm vua được 12 năm. Sau khi thống nhất đất nước, Bộ Lĩnh xây dựng một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên, có triều nghi, phẩm phục, có quân đội hùng mạnh, pháp chế nghiêm minh (đặt tên nước là nước Đại Cồ Việt với kinh đô là Hoa Lư). Điều này đã làm nên một Đinh Bộ Lĩnh - nhân vật danh nhân đất Việt - nhân vật kiệt xuất “có tài, có tâm và có tầm vóc lớn” (Đinh Bộ Lĩnh). Trần Quốc Tuấn là một vị tướng tài giỏi, được vua Nhân Tông và văn võ bá quan nể phục, gắn liền với chiến công lãnh đạo nhân dân đánh bại giặc Nguyên hùng mạnh nhất thế giới thế kỉ XIII (Trần Quốc Tuấn). Khác với những nhân vật danh nhân trong lĩnh vực quân sự đã nêu trên, Chu Văn An là nhân vật danh nhân trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục. Là một người vốn điềm đạm, ít ham muốn, nhưng lại thẳng thắn, ngạnh trực, cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với các thế hệ học trò. Là một thầy giáo mẫu mực về tài năng, đức độ, nhân cách, ông luôn được các thế hệ học trò và nhân dân kính phục. Tài đức của thầy Chu đã khiến thần linh cảm phục. Ông có cả những học trò là Thủy Thần. Thủy Thần vì mộ đạo học của Chu Văn An đã hiện thân thành người học trò đến cửa của thầy theo học. Danh nhân đất Việt viết về thầy Chu văn An: “Đã nổi tiếng là một nhà nho có học vấn sâu rộng, có đạo đức mẫu mực, Chu Văn An còn nổi tiếng là một bậc thầy giáo tận tụy với nghề nghiệp và thương yêu học trò hết lòng” [2, tr.503] (Chu Văn An). Đối với học trò, từ những người cao tuổi đã trải qua nhiều năm đèn sách, cho đến những lớp thiếu niên trẻ, Chu Văn An đều hết lòng dạy dỗ. Ông uốn nắn từng nét chữ, sửa đổi câu văn, trau dồi từng nhận thức cho họ. Ngay cả những môn sinh đỗ đạt, nhiều người vẫn thường lui tới trường học của ông. Trong khi tiếp xúc ở ngoài, học trò của ông kể cả trình độ nào nếu có điều gì sai trái, nói năng không phải lẽ, ông đều trách quở, có khi còn quát mắng, đuổi ra khỏi trường hoặc không tiếp. Trong nghề dạy học, bên cạnh việc trau dồi kiến thức, Chu Văn An đặc biệt chú ý đến rèn luyện đạo đức cho học trò. Chăm chút vun trồng, nâng niu đào tạo con người, thương yêu học trò như con đẻ là điều vốn có của Chu Văn An. Mặt khác, ông cũng rất nghiêm khắc với họ như ông đã nghiêm khắc với chính đạo dạy người. “Học trò của ông rất đông có tới trên ba ngàn người. Đường vào làng Cung Hoàng ngày càng đông vui tấp nập. Học trò bốn phương kéo về, từ kinh sư cho đến các bộ đều có người đến học. Được làm học trò của Chu Văn An là điều vinh hạnh đối với họ. Do công phu rèn luyện của Chu Văn An, học trò của ông nhiều người đỗ đạt, có người giữ chức vụ quan trọng trong triều đình. Phạm Sư Mạnh người Giáp Sơn, Hải Dương làm quan đến chức Nhập nội hành khiển Khu mật viện sự; Lê Quát người Đông Sơn Thanh Hóa làm quan đến chức bộc xạ đều là học trò của ông cả. Hai người đều do văn học mà được làm quan và nổi tiếng có tài năng đức độ trong một thời” [2, tr.504] (Chu Văn An). Một con người như vậy, quả là một người thầy của muôn đời! Là những con người vĩ đại, sự hi sinh của nhân vật danh nhân cũng phi thường khác người. Sách Danh nhân đất Việt viết về cái chết của Hai Bà Trưng như sau: “Quyết bảo vệ đất nước và cuộc sống tự do của mình, thà mất hết chứ không quay lại kiếp ngựa trâu, sức lực của người Việt hầu như đã dốc kiệt để sống mái với quân xâm lược theo ý chí của Trưng Vương. Những người nữ vương của đất nước, cho đến cùng, vẫn kiên quyết giữ mãi ý chí sống mái với quân thù. Và dòng sông quê hương, sau hết, đã nhận vào lòng nước mắt dạt dào chảy mãi về sau ý chí quý báu chói ngời ấy của Trưng Vương: phóng những ngọn lao và bắn đến những mũi tên cuối cùng, Trưng Trắc và Trưng Nhị đã lùi đến bờ sông sâu và gieo mình xuống đáy nước” [1, tr.28]. Bấy giờ là mùa hè năm 43 sau Công Nguyên (Hai Bà Trưng). Với Bà Triệu, sau hàng chục trận giao tranh với giặc, trận thứ 39 anh trai bà là Triệu Quốc Đạt tử trận, Bà Triệu lên làm chủ tướng và lập nên một cõi giang sơn riêng vùng Bồ Điền khiến quân giặc khó lòng đánh chiếm. Biết bà có tính yêu sự sạch sẽ, ghét tính dơ bẩn, quân giặc bố trí một trận đánh từ tướng đến quân đều lõa thể. Bà không chịu được chiến thuật đê hèn đó, phải giao cho quân sĩ chiến đấu rồi rút về núi Tùng. Bà đã quỳ xuống vái trời đất: “Sinh vi tướng, tử vi thần” (Sống làm tướng, chết làm thần) rồi rút gươm tự vẫn (Bà Triệu). Hoài văn Trần Quốc Toản là một nhân vật lịch sử sống ở thời kì trị vì của vua Trần Nhân Tông. Ông có công tham gia kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai. Cái chết của Trần Quốc Toản là cái chết oanh liệt trong lúc ra trận chống lại kẻ thù. Đó là khi Quốc Toản thúc ngựa đuổi theo tướng giặc, trong lúc sơ hở, ông đã bị một tùy tướng của giặc bắn một mũi tên cắm ngập vào ngực. Quốc Toản lảo đảo trên ngựa nhưng vẫn kiên quyết không để giặc chạy thoát: “Vừa thúc quân đuổi theo giặc vừa chuyển tay kiếm rút mũi tên đỏ nhuộm máu… Máu Quốc Toản đầm đìa chảy xuống con ngựa chiến. Máu rây lên mặt đường theo hướng ngựa chạy. Và, đến khi Quốc Toản kiệt sức, ngã nhào xuống đất thì người tướng già vừa đem đại binh tới… Quốc Toản đưa mắt nhìn những tướng sĩ của mình đứng vây quanh. Cặp môi Quốc Toản mấp máy như muốn nói điều gì, rồi trút hơi thở cuối cùng” [1, tr.470] (Trần Quốc Toản). Lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh chống xâm lược. Chính vì vậy, sự hi sinh của những nhân vật danh nhân thường là sự hi sinh phi thường gắn với các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân. Hình tượng danh nhân - nhân vật kiệt xuất được ví như những nhân vật “khổng lồ”. Họ có “họ hàng” với nhân vật trong truyền thuyết. Hình tượng danh nhân là những nhân vật kiệt xuất. Đó là những con người hội tụ nhiều phẩm chất, tài đức vẹn toàn, ý chí hơn người, chiến công phi thường, sự hi sinh của họ cũng hết sức phi thường. Danh nhân là biểu trưng cho dân tộc và con người Việt Nam. 2.3. Danh nhân - những con người bình thường trong cuộc sống Dù là những con người xuất chúng, song danh nhân cũng là con người như bất kì ai. Họ cũng có một có cuộc sống đời thường. Đằng sau ánh hào quang của những chiến công, sự cống hiến, tài năng và trí tuệ hơn người kia, là cuộc sống bình thường trong những mối quan hệ rất đỗi bình thường như tình yêu, hôn nhân, gia đình và bạn bè của họ. Soi chiếu vào đó chúng ta có thể thấy những khiếm khuyết, những điều chưa hoàn thiện… Tuy nhiên, họ vẫn đặt lợi ích của quốc gia, của dân tộc lên trên hết. Thậm chí, họ còn phải hi sinh hạnh phúc của cá nhân để thực hiện nghĩa vụ lớn lao với đất nước. Bà Trưng Trắc đã gác tình riêng để thực hiện lí tưởng chung, đặt nợ nước lên trên thù chồng: Một xin rửa sạch nước thù, Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba kẻo oan ức lòng chồng, Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này. Với Bà Triệu, nuôi chí lớn, muốn đánh đuổi giặc Ngô ra khỏi bờ cõi đất nước, không nghĩ đến cuộc sống hôn nhân riêng tư là mục đích của nữ soái. Khác với Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Thúc Loan lại gắn liền với sự xuất thân kì lạ và quan hệ mẫu tử thiêng liêng. Thúc Loan sinh ra chỉ có mẹ mà không có bố. Theo sách Thiên Nam ngữ lục, mẹ Thúc Loan không chồng mà chửa do những hòn bọt muối như kim tinh lăn vào người. Gia phả để ở đền Đông Liệt chép: nguyên nhân của sự thụ thai này là do mẹ Mai Thúc Loan xem nấu muối, bị một làn khói muối ngũ sắc bao lấy mình. Mẹ Mai Thúc Loan mang thai mười hai tháng mới đẻ con: “Và một đứa trẻ bụ bẫm, cứng cáp, nước da đen như đồng hun ra đời, đã xóa tan nỗi khổ đau của mẹ”. Khi biết nỗi khổ đau của mẹ mình, Mai Thúc Loan từ một chú bé hồn nhiên tinh nghịch bỗng đổi hẳn tính tình, trở nên già dặn trước tuổi. Thúc loan thương mẹ hơn, đã xa dần các trò chơi vô bổ, lặng lẽ theo mẹ như bóng với hình, làm lụng giúp đỡ mẹ đủ việc. Ngày mùa thì cùng mẹ đi làm mướn gánh gồng gặt hái cho các nhà hào phú trong làng. Buổi giáp hạt thì theo mẹ vào rừng kiếm củi, chạy chợ. Nhưng bất hạnh thay khi bà chẳng ở với con được bao lâu, một tai nạn khủng khiếp đã xảy ra - Mai Thúc Loan chứng kiến một cảnh tượng thê thảm trong một lần đi lấy củi cùng mẹ: “Người mẹ đã ngã gục bên vũng máu và một con hổ vằn đang gầm gừ quần gục bên vũng máu man rợ…” [1, tr.60] (Mai Thúc Loan). Dương Vân Nga trong truyện Dương Thái Hậu là nhân vật bị các nhà nho phong kiến lên tiếng phê phán bởi bà “đa phu”. Bà không phải là người mẹ hết lòng vì con, không phải là con dâu hiếu thảo dốc sức vì cơ nghiệp nhà chồng theo quan niệm Nho giáo và đức hạnh phong kiến. Song hơn tất cả, bà là người công dân xuất sắc, biết đặt lợi ích quốc gia lên trên dòng họ, biết đặt giang sơn lên trên ngai vàng của con trai. Khi chồng là Đinh Tiên Hoàng băng hà, con trai còn nhỏ, bà đã chấp nhận tái giá làm vợ Lê Hoàn - một vị tướng tài giỏi để tránh cho đất nước một cuộc chiến tranh tàn khốc. Ý thức trách nhiệm của một người công dân trong người phụ nữ đó đã khiến cho bà hành động như vây. Điều này chứng tỏ tầm nhìn xa của một người phụ nữ - tầm nhìn có ý nghĩa lớn lao đối với vận mệnh đất nước. Chuyện chồng con của Dương Thái Hậu lại là nét đời thường khác lạ so với tình duyên của những phụ nữ khác (Dương Thái Hậu). Nhân vật Mạc Đĩnh Chi xuất thân từ một gia đình nhà nông bần khó, từ bé chỉ sống trong cảnh hai mẹ con và sống bằng nghề kiếm củi chạy chợ. Ông sinh ra đã có tướng mạo xấu xí “người thì thấp bé, cái trán dô ra, miệng rộng, nước da đen cháy nhưng đôi mắt lại thật lạ lùng” [2, tr.25] (Mạc Đĩnh Chi). Chính sự xuất thân cộng với tướng mạo xấu xí của mình đã khiến cho Mạc Đĩnh Chi vô cùng lận đận trong sự nghiệp tiến thân. Vua Trần Anh Tông không tin một người tướng mạo xấu xí, xuất thân thấp hèn như Mạc Đĩnh Chi lại là người đỗ Trạng nguyên. Vua đã đích thân xem lại bài thi của những người đỗ đạt năm đó. Vì ngạc nhiên và thực sự cảm phục tài năng của Mạc Đĩnh Chi, vua Anh Tông phải cho Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng, nhưng trong thâm tâm vua và các viên đại thần triều Trần đều không có ý trọng dụng vị tân trạng nguyên có tướng mạo xấu xí ấy. Với học vấn uyên thâm và phẩm giá thanh cao, muốn giúp vua cứu nước, Mạc Đĩnh Chi không những đã cảm phục được nhà vua, các quan đại thần và nhân dân trong nước mà còn khiến cho triều đình nhà Nguyên vô cùng ngạc nhiên và nể phục. Những nhân vật danh nhân khác như Trần Thủ Độ, Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ mỗi nhân vật là một cuộc đời. Ở họ có cả cuộc sống của con người phi thường và cuộc sống của con người bình thường, họ cũng yêu, ghét, giận hờn, buồn, vui, may rủi Ngoài hào quang, con người còn phần đời rất đỗi “phàm trần”. Sự khiếm khuyết hay chưa hoàn thiện trong đời sống bình thường của các nhân vật danh nhân không những không làm mất đi hào quang của họ trong lịch sử mà khiến cho hình tượng họ thật hơn, gần gũi hơn, bình dị hơn và “con người ” hơn. Điều đó“ kéo họ” trở về giữa dân gian. 2.4. Hình tượng danh nhân đất Việt và những giá trị thẩm mĩ Bản thân nghệ thuật là cái đẹp. Bởi vậy, nghệ thuật có một giá trị đặc biệt. Đó là giá trị thẩm mĩ. Bởi vì, con người sáng tạo ra cái đẹp để làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa hơn. Nghệ thuật cũng là sự kết tinh những chiêm nghiệm, những kinh nghiệm về quan hệ của con người. Cấu trúc của hình tượng là một quan hệ xã hội - thẩm mĩ. Văn học là một loại hình của nghệ thuật. Mặt khác, nghệ thuật lại nằm trong lĩnh vực rộng là văn hóa thẩm mĩ. Nghệ thuật tuy không phải là toàn bộ văn hóa thẩm mĩ nhưng lại là đại diện quan trọng nhất. Cái đẹp trong tác phẩm văn học thể hiện tập trung nhất quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực. Cái đẹp của tác phẩm văn học chính là cuộc sống được tổ chức lại theo quan điểm thẩm mỹ của nhà văn. Tài năng của nhà văn chính là sự thể hiện cuộc sống trong tác phẩm của mình. Hình tượng danh nhân đất Việt sáng lên những giá trị thẩm mỹ. Ở đó biểu hiện cái đẹp, cái hùng, cái cao cả. Hình tượng danh nhân cũng là những hình tượng nghệ thuật lí tưởng, lãng mạn. Những giá trị thẩm mỹ kia hòa quyện trong nhau, thấm trong từng hình tượng nhân vật. Chúng đem đến cho độc giả những rung động thẩm mỹ phong phú và tích cực. Cái đẹp của hình tượng danh nhân không chỉ là vẻ đẹp ngoại hình thể hiện ở khuôn mặt, ở hình thể, trang phục mà còn hiện lên bởi vẻ đẹp bên trong toát ra từ ý chí, tình cảm, hành động, chiến công, sự hi sinh và toàn bộ đời sống tinh thần của nhân vật. Cái hùng hay cái cao cả cũng là phẩm tính nổi trội trong những nhân vật danh nhân. Hãy dừng lại chiêm ngưỡng chân dung vị nữ tướng Trưng Trắc: “Và đôi mắt mở to, sáng quắc trên khuôn mặt, bừng bừng một cơn kích động sôi sục kéo dài. Người nữ chủ Mê Linh mặ giáp phục rực rỡ: bên ngời bộ xống trùng áo ngắn là một tấm hộ tâm bằng đồng thau vàng rực, chạm khắc cầu kì, và chiếc thắt lưng khía đồng có đính một chuỗi nhạc nhỏ kêu lanh canh theo nhịp lắc của lưng voi” [1, tr.26]. Trước lúc trẩy quân, trong đám cừ súy đã có người xin nữ chủ tướng cho cử tang Thi Sách và mặc tang phục. Trưng Trắc trả lời: “Việc chiến trận phải quyền biến. Nếu tự làm tiều tụy thì nhuệ khí ắt tàn theo. Ta sẽ mặc giáp phục đẹp, để dân trông thấy thì phấn khích, mà giặc trông thấy thì kinh hoàng” [1, tr.25]. Quả đúng như lời của Trưng Trắc, dân Mê Linh vốn quý yêu người chủ tướng của mình bao nhiêu, thì buồn lo cho nỗi đau tang tóc của nữ chủ bấy nhiêu, “nhưng khi thấy Trưng Trắc, Trưng Nhị xuất hiện trước ngôi nhà làng, đẹp đẽ, lộng lẫy và nhanh nhẹn, hùng dũng bước lên mình voi, khoát mạnh tay ra lệnh nổi trống trẩy quân, thì tất cả đều như sống dậy, hò reo chuyển đất, ào ào bám theo chân voi, nhìn chủ tướng mà xốc tới”. “Khí thế ngất trời ấy của những người khởi nghĩa quả đã làm khiếp đảm quân thù. Tòa Đô úy trị trên đất Mê Linh chỉ gắng gượng chống cự được khoảnh khắc rồi vỡ. Dân Mê Linh trèo qua tường thành, phá tung cổng thành, đạp bằng dinh lũy của quân thống trị, đốt cháy tan hoang” [1, tr.25-27] (Hai Bà Trưng). Đó là vẻ đẹp của một lòng quyết tâm, của ý chí “xin vì nghĩa trừ tàn, cứu nước cứu dân ra khỏi bể cùng cực”. Hình tượng của các vị nữ tướng đã hội tụ cái đẹp, cái bi hùng, cái cao cả. Nối tiếp Hai Bà Trưng, đan xen giữa cái đẹp và cái bi hùng, hình tượng Triệu Thị Trinh cũng được dân gian ca ngợi là người nữ tướng oai vệ: Ru con con ngủ cho lành Để mẹ gánh nước rửa bành con voi Muốn coi lên núi mà coi Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng Sinh ra trong cảnh cha mẹ mất sớm, Triệu Thị Trinh ở với anh trai. Tính rất khác thường, mỗi khi bà phật ý thì chẳng có ai chống lại nổi. Hai mươi tuổi người con gái đó vẫn chưa lấy chồng, vì chí mưu việc lớn. Dáng vẻ của Triệu Thị Trinh hứa hẹn một vẻ đẹp nữ tướng: “Cô bé mới bắt đầu lớn mà đã có dáng con nhà tướng: lưng beo, tay vượn và cặp mắt xếch, sáng như sao!”; ý chí lớn hành động khác người, “từ nhỏ đã ham mê võ nghệ”. Cô gái họ Triệu càng ham tập võ nghệ, lôi kéo cả người anh vốn tính tình trầm mặc, cũng như cả đinh tráng trong làng theo mình. Chưa ai rõ được rèn binh luyện võ rồi đây sẽ ứng dụng vào đâu, nhưng mang máng sắp có việc lớn đổi đời đến nơi, tất cả đều say theo cái bản năng thượng võ của dân mình và đều cuốn theo cái vẻ hăm hở sục sôi của người nữ chủ trẻ tuổi” [1, tr38-39] (Bà Triệu). Lời nói của người con gái xứ Thanh thật khác lạ, dõng dạc, uy phong vang như sấm sét: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”. Triệu Thị Trinh đâu phải nữ nhi thường tình! Hình ảnh Hai Bà Trưng, Bà Triệu tiêu biểu cho người nữ anh hùng có sức khỏe, vừa có sắc đẹp, họ quyết tâm bảo vệ đất nước. Với hình tượng Lê Lợi (Lê Lợi), cái đẹp, cái hùng của hiện thực cũng là là cái đẹp của lí tưởng. Trước hết là lí tưởng thẩm mĩ của nhân dân đương thời. Cái đẹp, cái hùng ấy được thể hiện ở khá nhiều phương diện khác nhau của con người Lê Lợi. Tập trung nhất, đáng chú ý nhất là mối quan hệ phong phú giữa Lê Lợi với gia đình, quê hương, xứ sở, bạn bè, chiến hữu trong nghĩa quân Lam Sơn, với nhân dân địa phương mà ông tiếp xúc Ông là người anh hùng áo vải. Trong cuộc chiến trường kì, ông cũng phải chịu đựng nhiều gian khổ như đói khát, thiếu thốn “ăn cơm rau, cơm dưa như dân thường”; Ông biết tin vào dân, dựa vào dân, tổ chức được nhân dân thực hiện nghĩa lớn: “Khi mặt trời vàng chói vừa chênh chếch xế chiều, Bình Định Vương Lê Lợi đi thị sát chiến trường đã về bản doanh”. “Từ bấy đến nay, khắp vùng rừng núi đất Thanh trùng điệp, rồi Nghệ An hiểm trở mênh mông, gót chân tướng lĩnh cùng quân sĩ đã mòn và mái tóc của Bình Định vương đã lốm đốm bạc. Trong cuộc đọ sức với giặc, khi phá tan thành giặc, lúc phục binh giết giặc bất ngờ, hoặc bị vây khốn chí nguy, con người đang đứng trước mặt các tướng lĩnh vẫn thản nhiên, vững chãi như bàn thạch. Khó mà bắt gặp một niềm vui toát ra vội vàng trên khuông mặt vuông vắn, có đường nét hơi thô và cặp môi dày viền những đường viền rõ nét ấy. Trong nguy hiểm gian lao không hề thấy một biểu hiện lo âu hiện ra trên vầng trán phẳng và cặp mắt tròn lúc nào cũng rực sáng ” [2, tr634-635] (Lê Lợi). Hình tượng Lê Lợi hiện lên là một vị tướng tài đức, có trí tuệ. Cái đẹp, cái hùng toát ra từ phong thái ung dung, điềm đạm; từ ý chí và lời nói khiến cho mọi người đều khâm phục: “Bằng một cử chỉ thân thương quen thuộc như những ngày nằm gai nếm mật nơi núi rừng, Bình Định vương bước lại gần, đặt tay lên vai vị tướng trẻ. Vẻ hồ hởi hiện ra trong ánh mắt làm cho nét mặt của Lê Lợi bình thường có vẻ già hơn cái tuổi ngoài 40 của Người giờ đây như trẻ hẳn lại” [2, tr.637-638] (Lê Lợi). Những nhân vật trong Danh nhân đất Việt, mỗi nhân vật là một cuộc đời, một tính cách, một nét tiêu biểu về tài năng, song hội tụ ở họ giá trị thẩm mĩ nổi bật bởi cái hùng, cái đẹp và cái cao cả. Họ là những đế vương, võ tướng, những người giữ trọng trách của đất nước như Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Dương Thái Hậu, Lí Thường Kiệt, Lê Hoàn, Lê Lợi ; là những con người xuất chúng như Trần Quốc Toản, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Nguyễn Du ; những con người xuất thân bình thường như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Nguyễn Hữu Cầu Họ xuất hiện trên nhiều lĩnh vực: quân sự, văn hóa, chính trị là những tấm gương giáo dục tư tưởng, đạo đức, lòng yêu nước và những tình cảm cao đẹp cho học sinh đồng thời khẳng định vai trò tích cực của giá trị thẩm mĩ trong việc giáo dục thế hệ trẻ thành người công dân tốt. 3. KẾT LUẬN Từ những nguyên mẫu ngoài đời, nhân vật danh nhân được tái hiện trong một kiểu truyện đặc biệt: Truyện danh nhân. Riêng điều ấy thôi đã đem lại sức cuốn hút cho độc giả mọi lứa tuổi. Người ta tin yêu và ngưỡng vọng những nhân vật danh nhân như tìm thấy những nguồn trong trẻo từ quá khứ chảy về. Nó khích lệ con người trong niềm tin yêu những cái chân, thiện, mỹ. Bởi vì, những con người của văn chương kia là nhân vật có thực trong lịch sử. Nhân vật danh nhân có thể nâng đỡ con người cố găng vươn lên trong cuộc sống khi ta bi quan, bởi họ là những tấm gương giàu ý chí và lòng quả cảm. Họ đã làm nên những điều phi thường thấm đẫm chất hùng, chất cao cả. Nhìn về phía sau, họ cũng là những con người bình thường bước ra từ một làng quê nghèo nào đó, cũng như chúng ta vậy. Những đặc điểm của hình tượng nhân vật danh nhân được tái hiện là sự kết hợp hài hòa của sử liệu và nghệ thuật hư cấu, của lối kể chuyện dân gian và ngòi bút hiện đại, của lãng mạn sử thi và hiện thực. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Quỳnh Cư, Nguyễn Anh, Văn Lang, Danh nhân đất Việt, Tập 1, Nxb Thanh niên, H., 1995. 2. Quỳnh Cư, Nguyễn Anh, Văn Lang, Danh nhân đất Việt, Tập 2, Nxb Thanh niên, H., 1995. ICONIC FEATURES OF CELEBRITIES CHARACTER IN VIETNAMESE CELEBRITIES STORY Phung Thi Van Anh, Bui Thi Huong Que Abstract: The article points out typical features of Vietnamese celebrities character. They are crystallization of the qualities, talents, the beauty of Vietnam's people. They belong to many generations. They are the pride, the symbol of Vietnamese race. . ĐẶC ĐIỂM HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT DANH NHÂN TRONG TRUYỆN DANH NHÂN ĐẤT VIỆT Phùng Thị Vân Anh 1 , Bùi Thị Hương Quế 1 Tóm tắt: Bài viết chỉ ra những đặc điểm tiêu biểu của hình tượng nhân. bảo vệ nhân dân. Hình tượng danh nhân - nhân vật kiệt xuất được ví như những nhân vật “khổng lồ”. Họ có “họ hàng” với nhân vật trong truyền thuyết. Hình tượng danh nhân là những nhân vật kiệt. cuộc sống trong tác phẩm của mình. Hình tượng danh nhân đất Việt sáng lên những giá trị thẩm mỹ. Ở đó biểu hiện cái đẹp, cái hùng, cái cao cả. Hình tượng danh nhân cũng là những hình tượng nghệ

Ngày đăng: 03/09/2015, 20:09

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w