Độc thoại nội tâm trong truyện ngắn phan thị vàng anh

7 865 4
Độc thoại nội tâm trong truyện ngắn phan thị vàng anh

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

ĐỘC THOẠI NỘI TÂM TRONG TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH Hoàng Thị Thuỳ Dương 1 rong dòng chảy của văn học hiện đại, Phan Thị Vàng Anh được xem là cây bút nữ có khả năng làm "nóng bầu không khí văn chương". Nhiều độc giả biết đến chị với phong cách riêng, độc đáo và cuốn hút, đặc biệt là cách sử dụng độc thoại nội tâm đem lại giá trị nghệ thuật cao. Với thủ pháp nghệ thuật này, ngòi bút của Phan Thị Vàng Anh vô cùng biến ảo. Tìm hiểu cách thức thể hiện ngôn ngữ độc thoại nội tâm và hiệu quả của chúng trong văn bản nghệ thuật là hướng đi cần thiết, qua đó, người viết không chỉ làm rõ đặc điểm nhân vật, khẳng định phong cách tác giả mà còn giúp người đọc tiếp cận sâu sắc giá trị tác phẩm. 1. MỞ ĐẦU Trong dòng chảy chung của văn xuôi nữ thời đổi mới, Phan Thị Vàng Anh nổi lên như một tài năng trẻ, giàu sức sáng tạo. Những sáng tác của chị mang âm hưởng của thời đại, đem đến cái nhìn đa chiều, đa màu sắc trong cuộc sống. Khảo sát hai tập truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh: Khi người ta trẻ (1993), Hội chợ (1995), chúng tôi nhận thấy một trong những điều tạo ra sự cuốn hút của ngòi bút nữ này chính là việc đi sâu khám phá đời sống tâm hồn nhân vật bằng ngôn ngữ độc thoại nội tâm linh hoạt, phong phú; có khi đó là những dòng ý thức tự vấn, tự bạch của nhân vật; có khi là độc thoại dưới dạng nhật ký; hoặc cũng có khi là lời đối thoại trong độc thoại nội tâm. Chính cách thể hiện đầy "biến ảo" này là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên phong cách độc đáo Phan Thị Vàng Anh. 2. NỘI DUNG 2.1. Độc thoại nội tâm dưới dạng tự bạch Độc thoại nội tâm đóng vai trò chủ yếu trong phương thức trần thuật văn xuôi thời kỳ đổi mới. Qua dòng độc thoại tự bạch, những trăn trở, suy tư khó nói, khó giãi bày, chia sẻ của nhân vật dần được phơi lộ. Hoá ra, bên ngoài cái bề mặt tưởng chừng phẳng lặng của con người lại ẩn chìm biết bao "sóng ở đáy sông", trong mỗi nhân vật là những "vòng sóng đến vô cùng". Trong các truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh, dạng truyện tự vấn, tự bạch chiếm khá nhiều, ta có thể bắt gặp trong các tác phẩm: Đi thăm cha, Truyện trẻ con, Mười ngày, Si tình, Sau những hẹn hò, Nhật kí, Người có học Những suy nghĩ trong sâu thẳm trái tim, miên man theo dòng chảy của tâm trạng của các nhân vật nữ được Phan Thị Vàng Anh thể 1 Học viên Cao học, K15, Trường ĐHSP Hà Nội 2 T hiện ở mọi phương diện, mọi cung bậc của cảm xúc, niềm vui và nỗi buồn, khát khao và đam mê Tuyền trong Có con tự ý thức về mình: "mình già rồi", "mình không muốn chịu đựng cơ mà!". Tuyền có những suy nghĩ giản đơn, ráo hoảnh khi thất bại "Khi nào chán quá thì mình chết". Hạnh phúc, tình yêu với Tuyền mơ hồ, bảng lảng, cuộc đời trở nên nhạt nhẽo, chán chường, vô nghĩa. Tuyền đặt ra hàng loạt câu hỏi cho mình nếu có con: Tuyền còn tự quyết được đời mình không? Tuyền còn tự do không? Tuyền được lấy chồng không? Tuyền có chán con như chán một đồ vật không? Những câu hỏi là dòng tự vấn của nhân vật với tâm trạng rối bời, ngổn ngang. Rồi khi biết mình không có bầu, Tuyền "thấy cuộc đời trước mặt mình thăm thẳm". Tuyền thấy thương cho đứa trẻ vì đã tính toán chi li với nó. Qua đoạn độc thoại của Tuyền, Phan Thị Vàng Anh muốn rung lên một hồi chuông báo động về tình trạng thiếu vắng niềm tin, lý tưởng sống, nông nổi, dễ dãi trong quan hệ nam nữ của những người trẻ tuổi trong xã hội hiện đại. Cùng là những cây bút nữ viết về những người phụ nữ, song nếu Nguyễn Ngọc Tư chú ý nhiều đến hình ảnh những người phụ nữ thôn quê đằm thắm, nhân hậu, thì Phan Thị Vàng Anh, trong các truyện ngắn của mình, lại đem đến cả một thế giới nhân vật đặc biệt ồn ào, sinh động, trong đó hầu hết là các cô gái thành thị, tuổi đời còn rất trẻ. Họ có thừa sự hăng hái, nhiệt tình, nhưng cảm nhận và suy ngẫm của họ về tình yêu, cuộc sống còn khá non nớt, ngây thơ. "Tôi" trong Người có học  nhân vật đang ở tuổi cắp sách tới trường  có ý thức tìm kiếm giá trị đích thực cho tuổi trẻ, nhưng từ việc tranh giành chỗ ngồi trên giảng đường mà đã có biết bao chuyện xảy ra với "tôi". "Tôi" hoang mang, thất vọng vì tuổi học trò không còn thần tiên, thánh thiện như xưa nay người ta thường nghĩ. Hoá ra đằng sau những "mái tóc kẹp dài lưng đoan trang, những chiếc áo Soie hồng kín cổ như một nhà đạo đức" [1, tr.87] kia là thói du côn, ngổ ngáo. Khi bị cướp chỗ ngồi một cách trơ tráo mà không tài nào đòi lại, không có sự trợ giúp của bất cứ người hùng nào, "tôi" hốt hoảng và nhìn những con người dán mác trí thức bằng cái nhìn sợ hãi và hoàn toàn mất niềm tin: "Tôi nhìn tất cả, thấy sao ai còng kinh khủng quá, trớ tráo quá" [1. tr.87]. Trong khoảnh khắc ấy, "tôi" thấy thế giới bị đảo lộn, sự đối nghịch giữa giá trị hình thức bên ngoài và bản tính bên trong, "tôi" bắt đầu so sánh một bên là giới trí thức với vẻ ngoài "đoan trang" của những kẻ "có học" tưởng rất lịch thiệp, nhã nhặn ấy lại diễn ra bao việc làm, lời nói, cử chỉ không có học với một bên là thế giới của những con người "mất dạy" ở đó có những hành động nghĩa hiệp, sòng phẳng. Xuyên suốt tác phẩm ta bắt gặp nhiều cặp từ "hình như" chảy qua dòng độc thoại của nhân vật để khắc sâu thêm sự bất lực, cô đơn. "Tôi" đau đớn nhận ra "mình chỉ là một đứa hèn", "mình rốt cuộc chỉ là cái vỏ rỗng". Chỉ là những mâu thuẫn nhỏ, những câu chuyện của các cô cậu học trò nhưng cũng đủ làm cho trái tim của một cô gái mới lớn bị tổn thương, chao đảo. Một trong những khả năng của nghệ thuật độc thoại nội tâm là thể hiện những giằng xé âm thầm của con người. Nói như W.Faulkner: độc thoại nội tâm thể hiện "Trái tim con người đang gây hấn với nó". Cảm giác dường như là chất liệu trọng yếu để Phan Thị Vàng Anh khám phá thế giới nội tâm con người. Trước hành động không đúng, nhân vật cảm giác mình có lỗi. Trước một nghịch cảnh, nhân vật cảm giác mình khó có thể vượt qua. Trước sự tranh giành hạnh phúc, nhân vật cảm giác mình không đủ can đảm Cảm giác là cái ngưỡng không cho nhân vật vượt qua ranh giới mong manh của cái thiện để ngã mình sang cái ác, cái xấu xa tội lỗi. Phan Thị Vàng Anh đã để cho nhân vật tự đấu tranh để tìm một lối đi thích hợp. Và bao giờ cái thiện, cái đẹp cũng chiến thắng, con người lại trở về với những phẩm chất tốt đẹp của mình. Nhân vật của Phan Thị Vàng Anh không tha hoá là vì vậy. Trong Kịch câm, cha và con đã trải qua những suy nghĩ dằn vặt, đấu tranh với chính mình. Khi phát hiện bố ngoại tình, mọi hình ảnh nghiêm nghị, đẹp đẽ về bố tan biến trong suy nghĩ của con, thay vào đó là sự sầu hận, căm ghét, nề nếp trong gia đình đảo lộn "mọi thứ tự luật lệ sẽ thay đổi. Với mẩu giấy này, nó trở nên có vai vế trong nhà, nó sẽ được tự do" [1, tr.111]. Nó thả sức làm những điều mình thích "từ đây sẽ có gan nhìn thẳng vào mắt bố khi cần thiết" và "cười ngang hàng, không phải của con giành cho bố". Khi có "tờ giấy thông hành" nó thấy tiếc, giá như không nhặt được tờ giấy quái quỷ ấy nó không phải khổ sở như bây giờ: "Cay đắng, nó nghĩ đến cuộc sống đen tối mà nó sẽ phải có. Nó sẽ không được hồn nhiên trời phú như mẹ nó. Chồng nó, dễ gì có được cái địa vị mực thước như bố nó, có nghĩa cái gia đình tương lai ấy càng dễ tan nát gấp trăm lần cái tổ ấm bây giờ. Nghi ngờ, nó gác lại những kế hoạch yêu đương; sợ hãi và giễu cợt, nó nhìn những thằng bạn đi bên cạnh như những tên lừa đảo còn ẩn mình trong lá rủ" [1, tr.115 ]. Người đọc theo dòng tâm tư của nhân vật như chạm sâu vào nỗi cô đơn hiện hữu, con người khi đánh mất niềm tin sẽ thấy cuộc sống toàn những lọc lừa, giả dối. Người con diễn vai kịch câm với bố mình, chính vở kịch câm ấy làm cho khoảng cách của cha con ngày càng xa lạ hơn. Điều đau xót là vở kịch không diễn ra trên sân khấu mà được diễn ngay trong chính cuộc đời, giữa những người thân thuộc. Vì thế, nó càng thấm thía và sâu sắc. Song hành cùng với nỗi niềm của con là tâm trạng tội lỗi, ân hận của cha. Ông đau đớn khi đánh mất niềm tin, sự kính trọng của đứa con gái: "Nước mắt, người và xe nhòe nhoẹt, ông nghĩ đến đứa con gái lớn: "Mình mất nó thật rồi! Nó có rơi xuống bùn, mình cũng không đủ tư cách mà kéo nó lên, thò tay xuống kéo, biết đâu nó sẽ trừng mắt rồi tự nguyện lặn luôn xuống đáy!" [1, tr.116]. Rồi tủi thân, ông loạng choạng đạp xe giữa cây cỏ hai bên đường: "Mình chết đi, nó có khóc không?". Khi ông sắp mất đứa con gái cũng là lúc ông nhận ra bi kịch do mình gây ra. Giọt nước mắt muộn màng có tác dụng thanh lọc tâm hồn giúp người cha trở về bản chất đáng kính của mình. Để nhân vật tự tra vấn lương tâm như thế, một mặt nhà văn có cơ hội phân tích nguyên nhân gây ra sự đổ vỡ trong gia đình hiện đại, mặt khác sự dằn vặt của nhân vật có sức ám ảnh ghê gớm sẽ trở thành bài học cảnh tỉnh hữu ích đối với mỗi người trong cuộc sống để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nếu như văn học trước năm 1975 chủ yếu sử dụng điểm nhìn hướng ngoại, hoà cái tôi và cái ta chung thì văn học sau năm 1975, đặc biệt truyện ngắn, có xu hướng dịch chuyển điểm nhìn vào đời sống bên trong của tâm hồn. Con người giai đoạn này luôn sống trong tâm trạng bất an, hoài nghi về những thứ quanh mình, họ hoang mang trước những đổi thay của giá trị đạo đức. Bởi thế, tự vấn, tự bạch đã được nhiều nhà văn sử dụng khi khai thác dòng tâm tư của nhân vật. Các nhân vật trong truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh, nhất là các nhân vật nữ, cũng không phải là ngoại lệ. Họ thường xuyên bị ám ảnh, day dứt, trăn trở, tự vấn lương tâm về những sai lầm, vấp ngã trong quá khứ, bị đè nặng bởi những mặc cảm, hoài nghi. Rõ ràng, với thủ pháp này, nhà văn đã không chỉ giúp phát hiện ra con người bên trong đầy phức tạp của nhân vật, mà còn giúp mỗi độc giả tự nhận thức, đánh giá, soi xét lại chính bản thân mình. 2.2. Độc thoại nội tâm dưới dạng nhật ký Nhật ký là thể tài ngoài văn học, là loại văn ghi chép những sự kiện, sự việc, cảm nghĩ của cá nhân trong đời sống thường ngày. Nó ghi lại những gì đã xảy ra, đã trải nghiệm của chủ thể. Cảm xúc của chủ thể trong nhật ký là cảm xúc hướng nội. Độc thoại nội tâm của chủ thể trong nhật ký, dưới dạng nhật ký, vì thế, rất tự nhiên, chân thành. Nhân vật trong các "nhật ký" của Phan Thị Vàng Anh thường xưng "tôi" hoặc "em", người chứng kiến và kể lại mọi việc, hoặc là người trong cuộc kể lại chuyện mình thông qua những ghi chép cụ thể hàng ngày có đánh số ngày tháng, thời gian cụ thể. Khảo sát hai tập truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh, chúng tôi thấy xuất hiện với mức đậm đặc những trạng ngữ thời gian mà chúng ta thường bắt gặp trong nhật ký. Ví dụ:  Cha tôi: 4 giờ, 7 rưỡi, khi cha vào nằm bệnh viện, thỉnh thoảng, sau đó ít ngày, sau lễ hoả táng  Khi người ta trẻ: 11 giờ đêm, hàng tháng, dăm bữa sau, hàng ngày, sinh nhật cô, ít ngày sau, hai năm rồi, ngày đám tang cô  Si tình: 10 giờ đêm, tối thứ bảy, hàng ngày, 6 giờ tối, 8h30 tối  Hoa muộn: mấy năm nay, năm nào, 28 tết, mùng một, mùng hai tết, năm này, những ngày lễ tết, bây giờ, một chiều kia Những trạng ngữ thời gian làm cho những dòng độc thoại trở nên sinh động, cụ thể, gần gũi. Người đọc đồng cảm hơn với nỗi niềm của nhân vật. Đặc biệt trong Mười ngày, dòng độc thoại của "Em" được viết dưới hình thức nhật ký theo trình tự từng ngày một: 26 tết, 27 tết, 28 tết đến mùng 5 tết. Bằng cách liệt kê các trạng ngữ thời gian, người đọc cảm nhận liền mạch dòng cảm xúc của nhân vật tôi, mỗi ngày qua đi là những sự kiện khác nhau nhưng tất cả được đọng lại trong sự chờ đợi, nhớ nhung người yêu. Thực tế, ai rồi cũng trải qua mối tình đầu ngọt ngào thơ mộng, ai rồi cũng trải qua cay đắng của tình yêu. Đọc truyện của Phan Thị Vàng Anh, tất cả những cảm giác về tình yêu bỗng bừng dậy. Nó thức tỉnh tâm hồn con người, giúp ta yêu hơn, trân trọng hơn những xúc cảm ngọt ngào, những phút giây hạnh phúc đã có và đang có trong cuộc đời. Theo M.Kundera, mỗi nhân vật được chiếu sáng bởi những "cường độ ánh sáng" khác nhau và theo những cách khác nhau. Trong đó, có những nhân vật được "chiếu sáng" từ những nguồn sáng bên ngoài, đó là những nhân vật có đời sống tinh thần đơn giản. Với những nhân vật có đời sống tinh thần phong phú và phức tạp, nhà văn đặc biệt chú trọng đến khả năng chiếu sáng từ bên trong qua nhật ký. Độc thoại qua dòng nhật ký là cách thể hiện nội tâm của con người một cách sinh động, chân thực nhất. Từ câu chuyện "Đi thăm cha", nhân vật "tôi" bộc lộ những suy nghĩ về cuộc đời và lẽ sống, chết: "Chiều nay, tôi đi lên chùa Vĩnh Nghiêm thăm cha. Một nắm tro lặng lẽ. Trời ơi, tôi nghĩ, người ta không thể chết là hết " được. Từ khi cha mất, ý nghĩ "chết là hết" này đeo đuổi tôi. Tôi sợ lắm rồi cũng có lúc mình phải nằm im dưới đất " [1, tr. 23]. Cũng từ việc thăm cha trong một chiều mưa trên chùa, nhân vật tôi được trở về với ký ức hạnh phúc, vui vẻ trong những lần cùng cha đi thăm các ngôi chùa khác. Trong độc thoại nội tâm, Phan Thị Vàng Anh thường để nhân vật đặt câu hỏi với chính mình: "Cha tôi đây sao?", "Một nắm xương hay sao?" , nhờ thế, những suy tư, trăn trở của nhân vật dễ dàng thấm sâu vào tâm hồn bạn đọc. Tái hiện tâm trạng qua độc thoại nội tâm dưới dạng nhật ký, Phan Thị Vàng Anh đã bộc lộ khả năng nắm bắt diễn biến tình cảm con người, đặc biệt là phụ nữ. Đọc truyện ngắn của nhà văn, người đọc đồng cảm với những tiếng lòng được ngân lên từ những trải nghiệm. Dù là lời lẽ góc cạnh, những khẩu ngữ đời thường hay chút châm chọc ngoa ngoắt, sâu cay , thì ẩn sau những câu chữ vẫn luôn là những khát khao được sống trong tình yêu chân thành, trong sáng. 2.3. Đối thoại trong độc thoại nội tâm Đối thoại trong độc thoại nội tâm là một dạng đối thoại độc đáo, kiểu đối thoại ngầm với chính mình, giọng điệu trong lời độc thoại của nhân vật như bị xẻ làm đôi. Nói như M.Bakhtin thì "trong ý thức bản ngã của nhân vật đã có ý thức về người khác mà bó nhập vào". Đối thoại trong độc thoại nội tâm được sử dụng ngày càng nhiều trong văn học hiện đại và hậu hiện đại. Trong văn học hiện đại Việt Nam, thủ pháp nghệ thuật cũng không còn xa lạ. Có thể kể đến độc thoại nội tâm dưới dạng đối thoại tâm linh trong Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu hay những đối thoại với chính mình trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh Những đoạn độc thoại giống như lời đối thoại, giải thích ngầm được Phan Thị Vàng Anh sử dụng khá nhiều. Trong Si tình, nhà văn có cách "lạ hoá" khi miêu tả những cái hàng ngày và lối viết "biến ảo" đầy cuốn hút, chẳng hạn: "Trên kệ, vô thiên lủng tổ tò vò, một con tò vò đang cong đít bên cái tổ như cái nậm rượu, em lấy cán chổi đụng vào nó, tò vò hốt hoảng bay đi, rồi vo một cái nùi mạng nhện, em nhét vào cửa nhà nó (Một lần thấy em thế, có điều em nhét bằng cơm nguội, anh bảo: "Em ác quá!". A! Anh là người luôn mắng em ác)" [1, tr.60]. "Em đi lẩn thẩn giữa những hàng kệ tăm tối, ẩm mốc. Trong đống báo cũ em nhặt được một quả trứng gà (gà nhà em có tật xấu đẻ khắp nơi), trong đầu em lập tức tưởng tượng ra cái cảnh tường thuật lại cho anh chi tiết này" [1, tr.61]. "Em rửa mặt, đánh răng, nấu một nồi cơm, nhét chặt rau thịt vào một cái lon guygô mà đến lớp (Em tưởng tượng ra anh sẽ cười khi biết em bắt đầu làm cái trò nhà lành này)" [1, tr.64]. Nhân vật "em" ở trên, làm bất cứ công việc gì, dù vặt vãnh, cũng đều nghĩ đến người yêu, đến nét mặt, cử chỉ, giọng nói của anh và tưởng tượng ra như mình đang kể lể, đối thoại với người yêu. Bằng lối kể chuyện dí dỏm và một thứ ngôn ngữ chân thật, tự nhiên  ngôn ngữ của người đang yêu, nhà văn đã khiến cô gái đang yêu này trở nên đáng yêu hơn trong mắt người đọc. Đó chính là cái "lạ", cái hấp dẫn mà Phan Thị Vàng Anh làm được ở tác phẩm của mình. Cuộc sống vốn dĩ đa dạng, phức tạp, những nỗi buồn, niềm vui, những phút giây cảm động và tiếc nuối về cái gì đó, về ai đó luôn hoà trộn, xen kẽ với những toan tính mưu sinh. Bởi thế, tâm trạng ấy, nỗi lòng của người con gái đang yêu ấy thật đáng trân trọng. Phải rất tinh tế và nhạy cảm Phan Thị Vàng Anh mới chộp được những phút giây rung động thẳm sâu trong đời sống nội tâm, ghi lại được những thoáng chốc, những lát cắt tâm trạng nhân vật. Ngôn ngữ văn xuôi Phan Thị Vàng Anh có sức lay động và ám ảnh là vì thế. Đối thoại trong độc thoại nội tâm là yếu tố không nhỏ tạo nên "sức chứa" và "sức mở" lớn cho sáng tác của Phan Thị Vàng Anh. Bằng đối thoại trong độc thoại nội tâm, tác giả đã diễn đạt những giằng xé, dằn vặt của nhân vật trước những biến cố cuộc đời. Những câu hỏi, những suy tư, trăn trở của nhân vật được giải toả khi đối thoại với chính mình: "Vậy là hoá ra tôi hoàn toàn lý trí trong chuyện này, tôi quan sát tôi yêu chứ đâu phải tôi yêu? (Nghỉ hè) "Năm nay mình bao nhiêu tuổi? Vì sao những ngày lễ tết mình luôn phải nằm nhà?" (Hoa muộn) Rõ ràng là, sử dụng đối thoại trong độc thoại nội tâm, nhà văn có thể khám phá sâu hơn đời sống tâm hồn đầy trắc ẩn bên trong của mỗi nhân vật, mặt khác, cũng chính từ những niềm vui nỗi buồn, những trăn trở ưu tư ấy của mỗi nhân vật, độc giả tự ý thức về bản thân mình, đồng cảm và sẻ chia cùng nhân vật. 3. KẾT LUẬN Khai thác triệt để thủ pháp độc thoại nội tâm, Phan Thị Vàng Anh đã tạo hiệu quả nghệ thuật từ nhiều phía. Chính độc thoại nội tâm đã góp phần vén "bức màn bí mật", hé lộ những cảm xúc thường trực, những thoáng mong manh huyền vi, kỳ diệu trong thẳm sâu tâm hồn con người, đồng thời, nhờ ngôn ngữ độc thoại nội tâm, truyện của chị có sức cuốn hút và dấu ấn riêng. Với sự sáng tạo này, nhà văn đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phan Thị Vàng Anh, Khi người ta trẻ (tập truyện ngắn), Nxb Hội Nhà văn, H., 1993. 2. Phan Thị Vàng Anh, Hội chợ (tập truyện ngắn), Nxb Trẻ, H., 1995. 3. Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia, H., 2003. 4. Trần Thanh Đạm, Nghĩ về một xu thế đổi mới trong đời sống văn chương hiện nay, Báo Văn nghệ (Số 1) 1989. 5. Bùi Hiển, Vài ý nghĩ về truyện các cây bút trẻ gần đây, Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, 2001. 6. Đào Thị Hường, Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, Luận văn Thạc sĩ, ĐHSP Hà Nội 2, 2011. INNER MONOLOGUE LANGUAGE IN THE PHAN THI VANG ANH’S SHORT STORIES Hoang Thi Thuy Duong Abstract In the flow of modern literature, Phan Thi Vang Anh is considered women writers have the ability to "heat literary atmosphere". Many readers know her own style, unique and attractive. Especially using inner monologue brought high artistic value. With the way of this art, The pen Phan Thi Vang Anh extremely kaleidoscope. Sometimes it's like fake dialogue (monologue words in quotation marks) have to extend the lines of constant self-examination sense, character monologue or monologue in the form of diary, monologue dialogue Find out how to show the inner monologue language and their efficiency in text art direction is needed, not only to clarify the character traits, the authors assert that style also helps the reader to deep value approach works. . khát khao được sống trong tình yêu chân thành, trong sáng. 2.3. Đối thoại trong độc thoại nội tâm Đối thoại trong độc thoại nội tâm là một dạng đối thoại độc đáo, kiểu đối thoại ngầm với chính. ĐỘC THOẠI NỘI TÂM TRONG TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH Hoàng Thị Thuỳ Dương 1 rong dòng chảy của văn học hiện đại, Phan Thị Vàng Anh được xem là cây bút nữ có. đối thoại trong độc thoại nội tâm. Chính cách thể hiện đầy "biến ảo" này là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên phong cách độc đáo Phan Thị Vàng Anh. 2. NỘI DUNG 2.1. Độc thoại

Ngày đăng: 04/09/2015, 19:53

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan