Lí do chọn đề tài Luận văn của chúng tôi lựa chọn đề tài Thời gian và không gian huyền thoại trong Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez xuất phát từ những lí do sau đây: Thứ nhấ
Trang 1NGUYỄN THỊ HẢO
THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN HUYỀN THOẠI TRONG
TRĂM NĂM CÔ ĐƠN CỦA
GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ
Chuyên ngành: Văn học nước ngoài
Mã số: 60 22 30
TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Hà Nội-2010
Trang 2-
NGUYỄN THỊ HẢO
THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN HUYỀN THOẠI
TRONG TRĂM NĂM CÔ ĐƠN CỦA GABRIEL
Trang 3MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 2
1 Lí do chọn đề tài 2
2 Lịch sử vấn đề 3
3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 9
4 Phương pháp nghiên cứu 9
5 Cấu trúc luận văn 9
6 Yêu cầu cần đạt 9
CHƯƠNG 1 HUYỀN THOẠI VÀ CHỦ NGHĨA 11
HIỆN THỰC HUYỀN ẢO 11
1.1 Huyền thoại (myth) 11
1.2 Thời gian và không gian huyền thoại 14
1.3 Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (Magic Realism) 17
CHƯƠNG 2 THỜI GIAN HUYỀN THOẠI 24
2.1 Trật tự (ordre) 24
2.1.1 Niên biểu (chronique) 25
2.1.2 Sai trật tự niên biểu (anachronie) 27
2.1.3 Quay ngược (analepsés) 33
2.1.4 Đón trước (prolepses) 35
2.2 Thời lưu (durée) 36
2.2.1 Thời sai 36
2.2.2 Tỉnh lược 39
2.3 Tần suất (fréquence) 40
2.3.1 Từ ngữ (Terme) 41
2.3.2 Thái độ (Attitude) 44
2.3.3 Hành động (Action) 46
2.4 Điềm báo (Foresight) 48
CHƯƠNG 3 KHÔNG GIAN HUYỀN THOẠI 52
3.1 Macondo huyền thoại 52
3.1.1 Khởi nguồn huyền thoại 52
3.1.2 Diễn tiến vòng tròn, khép kín kì lạ 56
3.1.3 Không gian của những biểu tượng 60
3.2 Tấm da thuộc - không gian tưởng tượng 62
3.2.1 Melquíades - chủ nhân huyền bí của tấm da thuộc 62
3.2.2 Tấm da thuộc biết nói 65
3.3 Không gian căn phòng 67
3.3.1 Phòng thí nghiệm 67
3.3.2 Căn phòng của Melquíades 69
3.3.3 Căn phòng của Rebeca sau khi kết hôn 71
KẾT LUẬN 75
TÀI LIỆU THAM KHẢO 78
PHỤ LỤC 80
Trang 4MỞ ĐẦU
1 Lí do chọn đề tài
Luận văn của chúng tôi lựa chọn đề tài Thời gian và không gian huyền thoại
trong Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez xuất phát từ những lí do
sau đây:
Thứ nhất: Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh thế kỉ XX là một trào lưu
văn học tiêu biểu, đã khẳng định được vị trí ưu việt của mình trên văn đàn thế giới Tuy nhiên, ở Việt Nam, những nghiên cứu về mảng văn học này còn lẻ tẻ
và chưa thành hệ thống Hầu hết các nghiên cứu mới dừng lại ở những bài giới thiệu, dịch thuật về tác phẩm, tác giả Vì thế, đi vào địa hạt văn học này nằm trong mong muốn góp phần hoàn thiện cái nhìn về văn học thế giới ở Việt Nam
ở chúng tôi
Thứ hai: Márquez (nhà văn Columbia) là một cây bút xuất sắc của văn học hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh Ông thành công trên cả thể loại tiểu thuyết và
truyện ngắn với các tác phẩm nổi tiếng: Trăm năm cô đơn (One Hundred Years
of Solitude, 1967), Ngài đại tá chờ thư (No one write to the Cononel,
1957)…Trong đó, ưu thế sáng tác thuộc về tiểu thuyết Đồng thời, tiểu thuyết cũng là một trong những thể loại “đinh” của văn học Vì thế, chúng tôi tập trung
vào tiểu thuyết của tác giả, cụ thể là tác phẩm Trăm năm cô đơn (One Hundred
Years of Solitude)
Xuất bản lần đầu vào tháng 6 năm 1967 nhưng thực tế, Trăm năm cô đơn đã
được tác giả hoài thai trước đó hơn một thập kỷ, do chưa tìm được giọng điệu thích hợp, nên nhà văn đã rèn luyện, mài sắc ngọn bút của mình qua nhiều sáng
tác: Đôi mắt chó xanh (1955), Đám tang của bà mẹ vĩ đại (1962)… Vì thế,
không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhân vật trong các tác phẩm này đều liên quan
đến nhau và nhiều lần qua lại làng Macondo - không gian chủ đạo của Trăm năm
cô đơn Tiểu thuyết này đã vinh dự nhận được giải Nobel văn học năm 1982 và
Trang 5nhiều giải thưởng cao quý khác như: giải Chianchano của Ý (1969), giải
Romulo Gallegos và Neustad của Venezuenla (1972)… Trăm năm cô đơn đã
mang đến cho Châu Mỹ Latinh “sự giàu có không lặp lại về thẩm mỹ và tinh thần” [3, tr.60], trở thành tác phẩm bậc thày trong kỹ thuật tiểu thuyết hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh
Thứ ba: Trăm năm cô đơn được bao phủ bởi một lớp thời gian và không gian
huyền thoại Lớp không-thời gian huyền thoại là một trong những yếu tố quyết định thành công của tác phẩm Chính vì thế, nghiên cứu không-thời gian huyền thoại trong tác phẩm cũng chính là đi tìm sợi chỉ đỏ dệt nên tiểu thuyết này Đồng thời, qua đó chúng ta có thể thấy được đặc trưng kĩ thuật tiểu thuyết hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh nhằm tiếp thu kinh nghiệm của tác giả bậc thày này Cuối cùng, bản thân tác giả luận văn rất say mê và đã từng giảng dạy văn học
Mỹ Latinh ở bậc đại học và phổ thông, nên tất yếu có những quan tâm đặc biệt đến Márquez
Với những lí do đó, chúng tôi mong muốn những kết quả nghiên cứu này sẽ hữu ích cho công tác giảng dạy và nghiên cứu Márquez nói riêng và văn học hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh nói chung
2 Lịch sử vấn đề
Qua một thời gian giảng dạy văn học Mỹ Latinh cùng với quá trình lâu dài nghiên cứu các tài liệu trong và ngoài nước, người viết nhận thấy hầu hết những tài liệu nghiên cứu về Márquez và tác phẩm của ông mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận xét, đánh giá chung, chưa đi vào cụ thể Ở đây, người viết chỉ trình bày những tài liệu liên quan đến đề tài của luận văn:
* Trong nước:
Từ khi Trăm năm cô đơn được Nguyễn Trung Đức dịch ra Tiếng Việt (năm
1982) đến nay, trong giới nghiên cứu xuất hiện nhiều bài viết lẻ tẻ về tác phẩm Trong đó, một số công trình đề cập đến thời gian và không gian trong tác phẩm
là gợi ý cho luận văn của chúng tôi như: Bài Hiệu quả nghệ thuật của không -
Trang 6thời gian trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Márquez của Nguyễn Trung
Đức (bài viết này cũng đã được chọn là lời giới thiệu cho bản Tiếng Việt của tác phẩm); bài viết nhan đề Cô đơn nghĩa là sự tiêu diệt của Lê Nguyên Cẩn; bài Từ
Đông ki sốt đến Trăm năm cô đơn của Đỗ Đức Dục; công trình Thi pháp huyền thoại của Eleaza Moiseevich Meletinsky do dịch giả Song Mộc và Trần Nho
Thìn chuyển ngữ sang Tiếng Việt; cuốn Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Gabriel
García Márquez của Lê Huy Bắc; Luận văn thạc sĩ Nghệ thuật tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Vũ Trung Kiên
Trong Hiệu quả nghệ thuật của không - thời gian trong tiểu thuyết Trăm năm cô
đơn của Márquez, Nguyễn Trung Đức tổng kết một cách ngắn gọn những nét cơ
bản về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Trong đó, tác giả xếp không gian, thời
gian và nhân vật vào kết cấu cơ bản của tác phẩm Ông viết: “Trăm năm cô đơn là
chuyện về dòng họ Buendía được viết tỉ mỉ đến từng chi tiết theo phương thức thời gian đồng hiện với kết cấu phức tạp và chặt chẽ” [4, tr.12] Trong đó, hai loại thời gian được Nguyễn Trung Đức đặc biệt lưu ý là: thời gian văn bản thứ nhất (văn bản tác phẩm) gắn với người kể chuyện thứ nhất - chính là thời gian tâm lý gắn với qua trình hồi tưởng lại và thời gian văn bản thứ hai (văn bản của Melquíades) - gắn với người kể chuyện thứ hai - chính là thời gian cốt truyện, mang tính biên niên sử Tác giả tiến hành phân tích hai loại thời gian này với những tiểu loại thời gian cụ thể hơn: thời gian vĩnh cửu, thời gian vòng tròn, khép kín, thời gian đa chiều…Tuy tác giả không phân tích trực tiếp vào thời gian huyền thoại, nhưng những phân tích về hiệu quả nghệ thuật sử dụng thời gian của tác giả mang những dấu hiệu về thời gian huyền thoại, là gợi ý đầu tiên với chúng tôi
Phần viết về không gian, tác giả chủ yếu tập trung vào không gian Macondo Nguyễn Trung Đức khẳng định các nhân vật trong tiểu thuyết được lấy nguyên mẫu từ người thật việc thật ở Aracataca Ông viện dẫn theo Hecman Vacgat - nhà phê bình văn học Columbia, đồng thời là bạn thân của Márquez rằng: cụ già bán sách cổ người Catalunha là Kamon Vinhet, bốn người bạn trẻ chơi thân với nhau chính là các bạn của nhà văn: Anvaro là nhà văn Anvaro Xepeda Xamudio,
Trang 7Vacgat là nhà phê bình Hecman Vacgat, Anponxo là họa sĩ Anponxo Xepeda Phuenmado Ông cũng chỉ ra: “Macondo là một địa danh hư cấu đủ sức dung nạp mọi chuyện, từ chuyện có thực đến chuyện tưởng tượng - dù tưởng tượng theo nguyên tắc huyền thoại” [4, tr.195] Tác giả bài viết tập trung vào phân tích thực tại mà nhà văn muốn phản ánh qua hình ảnh Macondo Phần viết về không gian hết sức cô đọng, ngắn gọn, chủ yếu nhấn mạnh ý nghĩa xã hội của biểu tượng Macondo, không dành sự quan tâm cho nghệ thuật xây dựng hình tượng Bài viết mới dừng lại ở việc nhận xét khái quát cấu trúc tác phẩm trên các phương diện cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian
Tiếp đến, bài viết của Lê Nguyên Cẩn đăng trên tạp chí Châu Mỹ ngày ngay,
số 1, năm 2000, có đề cập đến những yếu tố kĩ thuật độc đáo thể hiện đề tài cái
cô đơn, trong đó có thời gian và không gian Tác giả đặc biệt nhấn mạnh các kỹ thuật về thời gian đồng hiện, không gian đa tuyến: “Cùng với kĩ thuật thời gian đồng hiện, cái đột biến nhiều tầng được đặt vào không gian đa tuyến tạo nên hiệu quả nghệ thuật đặc biệt Cốt truyện hai lần trùng lặp…tạo thành cảm giác như là
sự phóng đại, toàn cảnh, một kiểu phim màn ảnh rộng” [2, tr.45] Bài viết của ông đi sâu nghiên cứu cái cô đơn trong tác phẩm và chỉ ra ý nghĩa của nó Thời gian và không gian cũng được đề cập đến nhưng chỉ là điểm mặt gọi tên, góp phần làm sáng tỏ mục đích của bài viết
Đặt Trăm năm cô đơn ngang hàng với Don Kihote của Cervantes trong dòng
văn học viết bằng tiếng Tây Ban Nha, Đỗ Đức Dục viết: “Chính cái trào lộng nhiều cung bậc, cái tâm lý uẩn ảo, cái chiều sâu triết lý của tác phẩm, thể hiện bằng những thủ pháp nghệ thuật tinh vi như thời gian đồng hiện, thời gian phức hợp và chồng chéo, như cường điệu và kệch cỡm hóa, huyền thoại hóa (…) tất cả những cái đó thể hiện cái thực tại huyền ảo, là đối tượng mô tả của chủ nghĩa hiện thực kỳ diệu - đặc sản của nền văn học châu Mỹ Latinh hiện đại” [3, tr.65]
Theo Đỗ Đức Dục, để giới thiệu một tác phẩm cỡ lớn như Trăm năm cô đơn
thì trước tiên cần xác định tọa độ không-thời gian của tác phẩm một cách đúng đắn Ông đi vào phân tích thời gian lịch sử của tiểu thuyết này, chỉ ra những nét
Trang 8tương đồng với hoàn cảnh lịch sử của Columbia Đồng thời, tác giả bài viết cũng chứng minh những cuộc đụng độ văn hóa giữa các phát minh khoa học Tây
Âu kể cả tinh thần duy lý với một nền văn minh bán khai và hết sức lai tạp cùng tập tục, tín ngưỡng thô sơ của những người da đen (đặc biệt là người Anh điêng)
từ Châu Phi sang còn mang ý thức huyền thoại lạc hậu Theo Đỗ Đức Dục, đó là thời đại đã nảy sinh ra những áng trào lộng tuyệt vời Tình trạng trì đọng, chậm
phát triển của Mỹ Latinh sản sinh ra Trăm năm cô đơn dung chứa cả tiếng cười
ngậm ngùi cay đắng của Don Kihoté lẫn tiếng cười giòn giã của Gargantua và Pangtagruyel, yếu tố kệch cỡm (grotesque), hội giả trang (carnavalesque) và bợm nghịch (picaresque) của văn học Tây Ban Nha
Bài viết của Đỗ Đức Dục phân tích tọa độ không-thời gian là xuất phát điểm
để Márquez chắp bút cho tác phẩm Nó là gợi ý hữu ích khi chúng tôi phân tích cấp độ trật tự thời gian trong tác phẩm
Thi pháp huyền thoại của Eleaza Moiseevich Meletinsky được dịch ra tiếng
Việt và xuất bản năm 2004 dành 4 trang (trang 503 – 506) nói về tác giả Márquez
và các tác phẩm của ông (chủ yếu là Trăm năm cô đơn) với tư cách là cây bút đại
diện cho những dạng thức huyền thoại hoá khác nhau trong tiểu thuyết hiện đại Tác giả nhận định mối quan hệ giữa không gian và thời gian là một trong những biểu hiện độc đáo của sáng tác huyền thoại bên cạnh những mối quan hệ khác như: sự năng động và phức tạp giữa sự sống và cái chết, ký ức và sự lãng quên, người sống và người chết, v.v…Tác giả chỉ dừng lại ở những nhận định khái quát nhất, minh chứng bằng một số ví dụ cụ thể Do tính tổng hợp của cuốn sách, tuy
số trang dành cho tác giả không phải là nhiều trong tổng dung lượng hơn 500 trang, nhưng với quy mô và giá trị học thuật lớn lao của nó, đây đã là một sự khẳng định quan trọng về giá trị của tác phẩm Những phân tích tổng quan này gợi
ý cho chúng tôi về mối quan hệ giữa không gian và thời gian huyền thoại của tác phẩm
Năm 2005, Luận văn thạc sĩ Nghệ thuật tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Vũ
Trung Kiên bảo vệ tại Đại học Sư phạm Hà Nội nghiên cứu về nghệ thuật của tác
Trang 9phẩm, trên các phương diện: Cốt truyện và đề tài, điểm nhìn và các kiểu nhân vật đặc trưng Trong đó, trong chương 2 (Điểm nhìn), mục 2.3 với nội dung nói về không gian, tác giả có đề cập đến “Macondo - không gian tiền định" và “Căn phòng của Melquíades hay mảnh vỡ của thời gian”
Không gian Macondo được Vũ Trung Kiên nhấn mạnh là không gian tiền định Tác giả viết: “Về đặc điểm, Macondo, ngôi làng huyền thoại với bao điều kỳ ảo,
có một không gian giống như trong Kinh thánh tồn tại ngay từ thuở hồng hoang
cho tới ngày Khải huyền - ngày của sự tận diệt” [13, tr.54] Macondo cũng gắn với những thời gian cụ thể, rõ ràng mà lại rất mơ hồ
Phần 2.3.2 có tiêu đề “Căn phòng của Melquíades hay mảnh vỡ của thời gian” Vũ Trung Kiên chứng minh không gian căn phòng của Melquíades như một sự đối lập mang đậm tính huyền bí hoang đường
Như thế, tác giả có đề cập đến tính huyền ảo của không gian Macondo và không gian căn phòng của Melquíades nhưng chủ yếu là nghiên cứu dưới góc độ
điểm nhìn của nhân vật, không chú ý đến tính huyền thoại
Gần đây nhất, năm 2009, Công trình Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Gabriel
Garcia Márquez của tác giả Lê Huy Bắc chia làm hai phần với các nội dung:
Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và Gabriel Gacía Márquez Phần nói về sáng tác của Márquez là tập hợp các bài viết của tác giả đã được đăng tải trên các báo, tập san, có bổ sung một số bài mới Trong đó, chương 6 trực tiếp đề cập đến tác
phẩm Trăm năm cô đơn trên các phương diện: cốt truyện, nhân vật, huyền thoại
về cái cô đơn, trần thuật Phần 5 trong chương 6 đề cập đến Macondo huyền thoại Trong đó, tác giải thích nguồn gốc tên gọi Macondo và quá trình hư cấu để tìm ra tên gọi này Tác giả cũng phân tích quá trình hình thành, phát triển và diệt vong của làng Macondo gắn với yếu tố huyền thoại Phần 6: “Trần thuật mê lộ - biên niên sử huyền ảo” đề cập đến thời gian nhưng chủ yếu tập trung vào yếu tố
tự sự Những phân tích của tác giả về thời gian không gian trong công trình này cũng là những gợi ý bổ ích cho đề tài của chúng tôi
Trang 10* Ngoài nước:
Một số bài nghiên cứu rất có ích cho chúng tôi trong quá trình tìm đề tài như:
Bài của Jon Lee Anderson với nhan đề The power of Gabriel Garccía Márquez,
bài giới thiệu One Hundred Years of Solitude
Bài viết của Anderson dài 24 trang Đây là một công trình khái quát về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Márquez Trong đó, tác giả đề cập đến quan điểm sáng tác, những thăng trầm trong cuộc sống và sự nghiệp của nhà văn Anderson chú ý đến giá trị lịch sử được tạo ra bởi không-thời gian trong tác phẩm Theo ông, không-thời gian trong tác phẩm có mối quan hệ chặt chẽ, là sự kết hợp giữa hiện thực (reality) và huyền ảo (fantastic), nhằm tạo ra tính phi thời gian (timeless) cho tiểu thuyết
Bài giới thiệu One Hundered Years of Solitude đi từ việc giới thiệu bối cảnh lịch sử, biểu tượng, nhân vật, chủ đề chính… Phần 6 với tiêu đề The fluidity of
time (Trạng thái lỏng của thời gian) đề cập đến thời gian của tác phẩm Mở đầu
nội dung viết về thời gian tác giả khẳng định: “One Hundred Years of Solitude contains several ideas concerning time” [17, tr.18] (Trăm năm cô đơn chứa đựng
nhiều ý tưởng liên quan đến thời gian) Tác giả giải thích rằng mặc dù câu chuyện có thể được đọc theo sự phát triển tuyến tính của các sự kiện (a linear progression of events), khi xem xét lịch sử và cá nhân, nhưng Márquez đã đưa ra cách giải thích khác: ẩn dụ lịch sử được nhắc đi nhắc lại như một thuyết hiện tượng mang tính quay vòng (a circular phenomenism) Về cơ bản, tác phẩm có
đủ độ lớn về thời gian tuyến tính để phác hoạ, nhưng nó luôn có sự hiện diện của
cả quá khứ (past), hiện tại (present) và tương lai (future); khám phá ra tính phi thời gian (timelessnes / intemporalité) ngay trong thực tại Bài viết nhấn mạnh yếu tố phi thời gian và tính đồng hiện của thời gian trong tác phẩm Tác giả mới dừng lại ở việc đưa ra nhận định và một vài dẫn chứng tiêu biểu trong tác phẩm như việc José Arcadio Buendía sản xuất những con cá vàng, Úrsula cảm thấy thời gian quay vòng tròn
Tóm lại, những nghiên cứu trong và ngoài nước về Trăm năm cô đơn đều
Trang 11chưa bàn cụ thể về yếu tố thời gian và không gian huyền thoại của tác phẩm Chúng tôi khẳng định chưa có công trình nghiên cứu nào trùng với đề tài luận văn của chúng tôi
3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là thời gian và không gian huyền thoại
trong tác phẩm Trăm năm cô đơn của Gabriel Gaxia Márquez
Chúng tôi nghiên cứu trong phạm vi tác phẩm dựa trên bản Tiếng Anh được đăng tải trên website http://ntvan6959.googlepases.com, cập nhật ngày 15/07/2006 và bản dịch Tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Trung Đức, tái bản lần thứ năm, năm 2004 Ngoài ra, luận văn còn tham khảo các sáng tác khác của Márquez để có cái nhìn hoàn thiện về tác giả
4 Phương pháp nghiên cứu
Do tính chất tổng hợp của luận văn, nên chúng tôi kết hợp sử dụng các phương pháp nghiên cứu: phê bình huyền thoại; phê bình phân tâm học; phê bình cấu trúc; phê bình thi pháp học; phương pháp nghiên cứu liên ngành kết hợp với các thao tác: đối chiếu, so sánh (bản tiếng Anh và tiếng Việt), phân tích, tổng hợp, thống kê Trong đó, phương pháp chính là phê bình huyền thoại và thi pháp học
5 Cấu trúc luận văn
Ngoài lời nói đầu và kết luận, luận văn bao gồm 3 chương:
Chương 1: Huyền thoại và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo
Chương 2: Thời gian huyền thoại
Chương 3: Không gian huyền thoại
6 Yêu cầu cần đạt
Nghiên cứu đề tài này chúng tôi nhằm đạt được các yêu cầu sau đây:
Thứ nhất: Có một cái nhìn tổng quan về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo
Thứ hai: Tìm hiểu các cấp độ thời gian làm nên thời gian huyền thoại trong
Trang 12Thứ ba: Nghiên cứu các kiểu không gian huyền thoại đặc trưng trong Trăm
năm cô đơn và ý nghĩa của nó
Cuối cùng, trên cơ sở nghiên cứu thời gian và không gian huyền thoại trong
Trăm năm cô đơn, chúng tôi muốn đề xuất hướng nghiên cứu lâu dài cho các tác
phẩm và sáng tác của Márquez nói riêng và văn học hiện thực huyền ảo nói chung
Trang 13CHƯƠNG 1 HUYỀN THOẠI VÀ CHỦ NGHĨA
HIỆN THỰC HUYỀN ẢO
1.1 Huyền thoại (myth)
Huyền thoại (Tiếng Anh: myth; tiếng Nga: mif; tiếng Pháp: mythe) là một thuật
ngữ được nghiên cứu trong nhiều ngành khoa học khác nhau: triết học, văn hoá học, văn học, lịch sử… Những vấn đề về huyền thoại đã được trình bày trong nhiều tài liệu khác nhau Trong luận văn của mình, chúng tôi chỉ giới hạn nói về những vấn
đề liên quan đến mục đích nghiên cứu của đề tài
“Myth” có nguồn gốc từ Tiếng Hy Lạp là “Muthos” Nghĩa khởi thuỷ của
“Muthos” là lời nói, câu chuyện, truyền thuyết, truyền thoại Trong khoa học về huyền thoại, thuật ngữ này được định nghĩa là những truyện kể thiêng liêng, giải thích quá trình hình thành và phát triển của nhân loại
Trong cộng đồng nguyên thủy, hệ huyền thoại là công cụ, phương thức cơ bản để tìm hiểu, khám phá thế giới Nó là cội nguồn của tôn giáo, triết học, khoa học và nghệ thuật, trong đó có văn học
Các nhà nghiên cứu chia huyền thoại thành hai nhóm lớn: hệ huyền thoại của các nền văn minh cổ đại như: Hy Lạp, La Mã cổ đại, Ai Cập, Ba Tư… và huyền thoại của các nhóm cộng đồng nguyên thủy (nguyên thủy hiểu theo nghĩa là xã hội
có trình độ phát triển cổ xưa hơn xã hội cổ đại, tương đương với cổ sơ) Mặc dù trong quá trình sưu tầm, hầu hết các huyền thoại thuộc hai nhóm này đều không còn giữ được những đặc trưng nguyên sơ của mình, nhưng nó là cơ sở quan trọng
để tìm hiểu bản chất của huyền thoại
Cùng với “myth” còn có thuật ngữ “mythology” được hiểu theo nghĩa phổ biến nhất là huyền thoại học (khoa học nghiên cứu về huyền thoại) Ngoài ra, thuật ngữ này cũng được dùng để chỉ tổng thể các câu chuyện huyền thoại và toàn bộ hệ thống các câu chuyện hoang đường Khoa học nghiên cứu về huyền
Trang 14thoại phát triển mạnh mẽ ở các nước phương Tây Nhiều lí thuyết và trường phái văn học được hình thành khi nghiên cứu huyền thoại: trường phái nghi lễ và chức năng (đại diện: James George Frazer, Malinowski…); trường phái xã hội học Pháp (Lucien Lévy Bruh…); lí thuyết biểu tượng về huyền thoại (E Cassier); lí thuyết phân tâm học (C G Jung…) Lịch sử phát triển và quan điểm của mỗi trường phái đã được trình bày rất chi tiết trong các tài liêu nghiên cứu về
huyền thoại, đặc biệt là cuốn Thi pháp huyền thoại của Meletinsky
Đi cùng với “myth” còn có khái niệm “archetype” (mẫu gốc, cổ mẫu, siêu mẫu) Đó là những nguyên mẫu trong thần thoại, trong các câu chuyện dân gian được sử dụng trong huyền thoại Ở huyền thoại hiện đại, các mẫu gốc thường tồn tại dưới dạng ẩn nên người đọc không dễ dàng nhận ra Việc tìm ra các mẫu gốc trong mỗi huyền thoại, đặc biệt là huyền thoại hiện đại là không thể thiếu khi nghiên cứu ý nghĩa của các hình tượng Nhà tâm lý học Thụy Sĩ C.G Jung cho rằng mẫu gốc làm cho huyền thoại không chỉ là phỏng dụ về đời sống vật chất
mà còn là đời sống tinh thần của các bộ lạc nguyên thuỷ Nó phản ánh trực tiếp
tư duy của đối tượng được phản ánh, là hình ảnh thu nhỏ, đặc trưng cho thế giới tâm linh của con người
Văn học và huyền thoại có mối quan hệ chặt chẽ Trước hết, huyền thoại là cội nguồn của văn học Những câu chuyện thần thoại, truyền thoại phản ánh tâm
tư nguyện vọng của con người Nó phát triển từ hình thức truyền miệng, rồi được ghi chép lại, sáng tác theo hình thức của văn học hiện đại Quan trọng hơn, văn học và huyền thoại có cùng một thuộc tính: khả năng tái hiện những quan niệm chung nhất trong một hình thức cụ thể - cảm tính Schelling, nhà triết học, mỹ học Đức thế kỉ XVII, đã rút ra nhận xét có tính quy luật rằng huyền thoại là điều kiện thiết yếu và vật chất đầu tiên của nghệ thuật, nó là vật chất nguyên sơ sinh
ra mọi cái, nghĩa là thế giới của các hình tượng nguyên thuỷ Huyền thoại đặt những viên gạch đầu tiên cho văn học, và sự vận động của văn học góp phần giữ gìn và phát triển yếu tố huyền thoại
Tùy theo phông văn hóa của mỗi vùng miền, huyền thoại sẽ có những đặc
Trang 15trưng riêng Huyền thoại Australia và Nam Mỹ thường nói về việc vi phạm các chuẩn mực hôn nhân gia đình và xã hội: đồng tục kết hôn hay loạn luận, chế độ nội hôn (endogamie) Những mối quan hệ không đúng đắn thường làm mất cân bằng vũ trụ Dục tính theo hướng loạn luân tượng trưng cho sự trưởng thành nhưng là sự trưởng thành không hoàn thiện, thiên về phát triển thể xác hơn là tinh thần Cốt truyện của huyền thoại Châu Á tạo thành chuỗi khép kín, diễn ra
sự quay ngược lại ở một số mô típ quen thuộc ví dụ mô típ chiếc lông ngỗng
Ở Việt Nam, “myth” được dịch là thần thoại và huyền thoại, trong đó thần thoại được hiểu là những câu chuyện kể về thế giới cổ xưa, huyền thoại là thần thoại được viết theo kiểu mới, đưa vào nhiều ý nghĩa và nội dung hiện đại theo chủ quan của nhà văn Với mục đích nghiên cứu của luận văn, chúng tôi chủ yếu
sử dụng cách hiểu thứ hai, áp dụng huyền thoại trong văn học hiện đại để nghiên cứu tác phẩm Từ đó, có thể kể ra đây một số định nghĩa tiêu biểu về huyền thoại: Huyền thoại là “những câu chuyện về các vị thần, thường được sắp xếp theo một hệ thống chặt chẽ, họ được tôn kính như có thật và thiêng liêng; họ được các nhà cầm quyền và các tư tế phê chuẩn; và gắn liền chặt chẽ với tôn giáo Một khi mối liên kết này bị phá vỡ, và các nhân vật trong câu chuyện không còn được coi
là các vị thần mà là những nhân vật mang tính người, phi thường hoặc thần kì, thì nó không còn là một huyền thoại nữa mà là một truyện kể dân gian Ở đâu mà nhân vật trung tâm mang tính chất thần thánh nhưng câu chuyện lại tầm thường… thì kết quả là truyền thuyết tôn giáo, mà không phải là huyền thoại”1
Theo Từ điển Văn học, năm 2004, huyền thoại được hiểu là những chuyện có
ý nghĩa sâu thẳm, vĩnh cửu, toàn nhân loại, thường dưới dạng biểu tượng và có chức năng biểu đạt thân phận con người
1
http://dictionary.reference.com/browse/myth: “Myths are "stories about divine beings, generally arranged in a coherent system; they are revered as true and sacred; they are endorsed by rulers and priests; and closely linked to religion Once this link is broken, and the actors in the story are not regarded as gods but as human heroes, giants or fairies, it is no longer a myth but a folktale Where
Trang 16Trong tập bút ký Huyền thoại ngày nay, Roland Barthes cho rằng huyền
thoại gắn chặt với ngôn ngữ và thông tin, trong đó đặc trưng của nó là một “hệ thống thông báo” hay một “thông điệp” Ý nghĩa của huyền thoại thường có nguyên cớ thông qua các loại suy
Theo Từ điển Robert, huyền thoại là một câu chuyện hoang đường, có nguồn
gốc trong dân gian từ thời sơ khai; nó kể chuyện dưới dạng biểu tượng, những con người, những sức mạnh thiên nhiên như là những mặt khác nhau của thân phận con người
Theo Claude Lévy-Strauss, huyền thoại vừa có tính lịch đại (với tư cách là một truyện kể về quá khứ), vừa có tính đồng đại (với tư cách là công cụ cắt nghĩa hiện tại và tương lai)
Như thế, nội hàm của huyền thoại có thể xác định là:
- Những câu chuyện kể về những điều kì diệu, hoang đường, có nguồn gốc từ trong dân gian sơ khai
- Nhân vật của huyền thoại thường là những người phi thường, có khả năng đặc biệt hay có những đặc điểm kì lạ
- Là phương tiện để phản ánh hiện thực, có ý nghĩa sâu thẳm, vĩnh cửu, thường được thể hiện dưới dạng biểu tượng
1.2 Thời gian và không gian huyền thoại
Huyền thoại là những câu chuyện gắn liền với cội nguồn, sự hình thành và phát triển qua các thời kỳ của một vùng lãnh thổ Vì thế, nó luôn gắn với thời gian và không gian
Thời gian và không gian huyền thoại là thời gian và không gian mang tính huyền thoại Đây là một trong những đặc điểm nổi bật tạo nên thành công cho các tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo
Không có điểm bắt đầu và kết thúc, cũng không dừng lại ở một thời điểm lịch
Trang 17sử cụ thể, thời gian huyền thoại có thể xuyên suốt, quay vòng từ điểm này đến điểm khác Thời gian này không mang tính xác định mà thường mang tính biểu tượng Nó luôn gợi nhớ về lịch sử nhưng không phải lịch sử thuần tuý mà là lịch
sử hư ảo Thời gian lịch sử biến thành thế giới phi thời gian, thể hiện dưới hình thức không gian Nguyên nhân là do hành động và sự kiện của một thời gian xác định được hình dung như một nguyên mẫu vĩnh cửu
Thời gian huyền thoại là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng rõ ràng không thể phủ nhận dấu ấn của hiện thực Thời gian trăm năm cô đơn, thời gian thế kỉ ánh sáng… là những thời gian kiểu như thế Nhà triết học Đức E.Cassirer trong
tập Tư duy huyền thoại (1925) cho rằng cảm giác về thời gian trong huyền thoại
rất cụ thể và định tính Nó giống như cảm giác không gian gắn với các nhân vật huyền thoại Theo ông, quá khứ trong huyền thoại là nguyên nhân của sự vật Như thế, “thời gian được thể hiện như là hình thức độc đáo đầu tiên về sự biện giải tinh thần” [6, tr.56] Theo đó, thời gian sơ khởi của huyền thoại sẽ chuyển thành thời gian kinh nghiệm nhờ mối liên hệ với không gian Các con số trong huyền thoại có tác dụng chuyển dần cái trần tục vào thiêng liêng hoá
Frye còn chỉ ra 4 thời kỳ của tự nhiên tương ứng với các huyền thoại và các nguyên mẫu xác định hình tượng [6, tr.137]:
- Bình minh, mùa xuân, sự sinh trưởng tương ứng với huyền thoại về sự ra đời, bừng tỉnh, hồi sinh, tạo thành và tiêu vong của bóng tối và cái chết
- Thiên đình, mùa hạ, hôn lễ, khải hoàn - huyền thoại về sự tán dương
- Mặt trời lặn, mùa thu, cái chết - huyền thoại về sự suy tàn
- Bóng tối, mùa đông, nỗi tuyệt vọng - huyền thoại về lễ khải hoàn của các thế lực đen tối
Như thế, thời gian huyền thoại là cách thức làm cho một câu chuyện hiện thực bị tách ra khỏi bối cảnh lịch sử, bối cảnh xã hội của nó Câu chuyện hiện thực trở nên phi thời gian, cuộc sống diễn ra trong truyện có thể đã, đang và sẽ
Trang 18diễn ra tại bất cứ thời điểm nào mà không mất đi tính chân thực của nó Mốc thời gian lịch sử, thời gian xã hội trở nên không quan trọng để diễn đạt một hiện thực vĩnh cửu thuộc về con người Thời gian huyền thoại thường trải màu sắc bàng bạc của nó qua sự tái điệp thời gian (xét trong trật tự niên biểu) và những câu chuyện xảy lặp từ quá khứ đến hiện tại (của một nhân vật hay một số nhân vật), những đoạn ngưng của hồi ức, trữ tình ngoại đề khiến người đọc khó nắm bắt thời gian, sự mờ hóa thời gian Thời gian mang tính nghệ thuật, không nằm ở
vỏ ngoài mà nằm trong tâm thức, bản chất của nó
Không gian huyền thoại là không gian pha lẫn thực và hư Người đọc cảm giác mình đặt chân đến một miền đất vừa hư vừa thực Không gian huyền thoại thường có tính biểu tượng
Theo các tác giả của triết học huyền thoại, không gian huyền thoại là không gian cấu trúc Nó được đặt trong sự khác biệt với không gian toán học Trong đó, các quan hệ gắn kết ở dạng “tĩnh”, mọi quan hệ dựa trên sự đồng nhất ban đầu
Vì vậy, thế giới thường được xây dựng theo một mô hình xác định, theo kiểu làng Maconđo là hình ảnh thu nhỏ của Mỹ Latinh Những yếu tố quy định trực giác của con người: trên/dưới, xa/gần, trái/phải, trước/sau, ngày/đêm… và các khía cạnh giá trị: thiêng liêng/trần tục, cao cả/thấp hèn… quy định các quan hệ trong không gian huyền thoại Nó tạo ra các kiểu không gian đối lập, không gian biểu tượng…
Không gian huyền thoại không nhất thiết phải là những không gian kỳ bí như trong thần thoại: thiên đường, địa ngục hay miền đất xa lạ Nó là hiện thực ngay trong cuộc sống của chúng ta Không gian huyền thoại có địa danh, tên gọi, thuộc về một đất nước cụ thể Thế nhưng, khi đi vào tác phẩm, nó không chỉ dung chứa trong mình những đặc điểm của hiện thực mà được khoác thêm nhiều lớp áo khác Người đọc sẽ được du ngoạn đến một miền đất vừa lạ, vừa quen Quen bởi cảnh vật và con người lấy ở những nguyên mẫu có thật Lạ vì nó được thổi vào hơi thở của huyền thoại Cái ảo được tạo ra nhiều khi chỉ bởi những chi
Trang 19tiết rất nhỏ như cơm mưa, màu sắc của đất trời, gió,… Có những khi, tác giả đặt chân ngay trên miền đất quê hương của mình, mà ngỡ ngàng nhận ra mảnh đấy
ấy rất đỗi kì lạ
Thời gian và không gian huyền thoại có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau nhằm làm nổi bật ý nghĩa của tác phẩm Chốn không - thời gian uẩn ảo trong các sáng tác của chủ nghĩa hiện thực thật kỳ là yếu tố quan trọng góp phần thể hiện bản chất của nhân vật
1.3 Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (Magic Realism)
Thuật ngữ “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” (tiếng Anh: Magic Realism; tiếng Pháp: réalisme magique; tiếng Tây Ban Nha: realismo mágico) được sử dụng
trong lĩnh vực văn học lần đầu tiên vào năm 1935 bởi Angel Flores trong
Macgical Realism in Spanish American Fiction (1955) Ông định nghĩa: “Trong
chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, chúng ta tìm thấy sự chuyển hóa của cái chung vào cái gây kinh ngạc và cái phi thực Đó chủ yếu là một nghệ thuật của những điều ngạc nhiên Thời gian tồn tại trong một dạng của dòng chảy phi thời gian và cái phi thực xảy ra như một phần của hiện thực Một khi người đọc chấp nhận cái đã rồi (the fait accompli), thì mọi cái khác đi theo sau với sự chính xác logic”2
Kể từ đó, có nhiều định nghĩa khác nhau về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Luis Leal cho rằng chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là “thái độ đối với hiện thực” (an attitude toward reality).3 Thái độ này có thể diễn tả bằng hình thức “đại chúng” (in porpular) hay “bác học” (cultured form), thông qua phong cách tinh
tế (elaborate style) hay “thô mộc” (rustic style) Trong đó, nhà văn đối diện và khám phá ra hiện thực
2
http://www.public.asu.edu/~aarios/resourcebank/definitions/ : “Magical realism we find the transformation of the common and the everyday into the awesome and the unreal It is predominantly an art of surprises Time exists in a kind of timeless fluidity and the unreal happens
as part of reality Once the reader accepts the fait accompli, the rest follows with logical precision”
3
Luis Leal, Magical Realism in Spanish American Literature Magical Realism Ed Zamora and
Trang 20Mircea Eliade - nhà huyền thoại học Pháp khi nghiên cứu về tư duy huyền thoại đi đến kết luận rằng huyền thoại không phải là dối trá hay ảo ảnh Nó là kinh nghiệm tồn tại của con người cổ xưa, nhờ đó mà họ tìm thấy lại mình và hiểu được mình Hiện thực mà huyền thoại nói lên là hiện thực thiêng liêng nắm bắt được sự tồn tại và nguồn gốc của những ý nghĩa ở chiều sâu của chúng Từ
đó, Eliade giải thích sự kháng cự dai dẳng của tôn giáo đối với những biến đổi xã hội là do sự bền vững của các siêu mẫu, chẳng hạn như các cổ mẫu về thiên đường đã mất, sự trở về vĩnh cửu…
Văn học Mỹ Latinh là nền văn học của 20 nước, trong đó có Brazin nói tiếng Bồ Đào Nha và 19 nước nói tiếng Tây Ban Nha như: Columbia, Urugoay, Achentina… Tuy không phải là một khối đồng nhất, nhưng các nước Mỹ Latinh đều có hoàn cảnh lịch sử gần giống nhau, lại bắt nguồn từ nền văn học gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nên bên cạnh những nét riêng, văn học các quốc gia trong khu vực này có những điểm tương đồng Hơn nữa, trong quá trình phát triển, nền văn học của các quốc gia này có ảnh hưởng lẫn nhau rõ nét Các nhà văn ở lục địa này có ý thức cao
về sự tham gia của dân tộc mình vào vận mệnh chung của thế giới Họ nghiên cứu những đặc trưng quốc gia trong mối quan hệ với những vấn đề mang tính nhân loại Carpentier (nhà văn Cu ba) tâm sự: “Một lúc nào đấy, chủ nghĩa địa phương là không thể tránh khỏi Giờ đây, vấn đề là phải rút ra từ những truyền thống riêng biệt của mình những giá trị toàn nhân loại” [4, tr.111]
Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, văn học Châu Mỹ Latinh đã khẳng định được vị trí của mình, gây tiếng vang rộng rãi trên văn đàn thế giới, đặc biệt là trên lĩnh vực tiểu thuyết Bước sang thế kỉ XX, khi các nước phương Tây công khai nói đến cuộc khủng hoảng tiểu thuyết cũng là lúc tiểu thuyết Mỹ Latinh bước vào thời kỳ hoàng kim với sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo
Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là trào lưu văn học quan trọng của văn học Mỹ Latinh, gặt hái được những thành công rực rỡ nhất vào những năm 50, 60 của thế
Trang 21kỉ XX với các tên tuổi nổi tiếng: Alejo Carpentier với Vương quốc trần gian
(The Kingdom of this World), Miguel Angel Asturias với Người và Ngô (Men
and Maize) (1949), Gabriel García Márquez với Trăm năm cô đơn (One hundred
years of Solitude, 1967)
Sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là một bước phát triển mới của chủ nghĩa hiện thực phê phán của văn học châu Mỹ Latinh Dòng văn học này ra đời trên cơ sở kế thừa các truyền thống văn học cổ điển của người Anh điêng và các biểu hiện của huyền thoại cũng như nghệ thuật hiện đại của văn học phương Tây
Châu Mỹ Latinh được mệnh danh là châu lục có “thực tại kỳ dị” (real maravilloso) Nhà phê bình văn học Cu Ba Arama viết về lục địa bùng cháy của mình: “Chúng ta không chỉ sống trong thế kỉ XX Trong hiện thực của chúng ta, tất cả các thời đại của nhân loại đều song song tồn tại, bắt đầu từ thời đại cổ xưa nhất, nguyên thủy, phong kiến, bộ lạc, tư bản chủ nghĩa, hiện đại, siêu hiện đại, công nghiệp và may mắn thay cả cách mạng nữa Nói một cách khác, chúng ta
có ở đây một lối kết hợp nhìn ra thực tại hỗn loạn” [14, tr.112] Thực tại kỳ ảo ở đây là thực tại đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc diễn ra ở những nước còn mang nặng tàn tích của quá khứ trong đời sống tinh thần con người Thực tại kỳ
ảo là một lục địa tồn tại cùng một lúc những hình thái xã hội cách biệt nhau về trình độ Đặc biệt, một phần quan trọng của dân chúng ở đây là thổ dân Anh điêng và người da đen Họ mang trong mình ý thức đa thần đậm nét cùng một kho tàng thần thoại phong phú Mặt khác, bất mãn trước thực tại chịu nhiều nô dịch, con người có xu hướng đắm mình vào tưởng tượng hư ảo để tìm sự an ủi Maguel Angel Asturias giải thích một cách cụ thể rằng một người dân da đỏ hoặc một người dân lai sống trong một làng nhỏ rất có thể mô tả cách thức anh ta thấy một tảng đá lớn hóa thành một người đàn ông khổng lồ thế nào, hoặc một đám mây biến thành một tảng đá ra sao Đó không phải là một thực tại ta sờ thấy được, mà là một thực tại có liên hệ tới sự hiểu biết sức mạnh siêu nhiên Một
Trang 22thiếu phụ rớt xuống vực sâu lúc đi lấy nước vì một rủi ro nào đó, hoặc một người cưỡi ngựa bị ngã ngựa Người ta có thể gọi đó là chuyện vụn vặt, nhưng những chuyện vụn vặt đó có thể biến thành thần kỳ Bỗng dưng, trong mắt người thổ dân, hoặc người dân kia, người thiếu phụ đã không rớt xuống vực mà chính cái tảng đá mà cô đập đầu phải hay dòng nước mà cô đã chết đuối trong đó đã gọi cô Cứ như vậy, các truyện trở thành truyền kỳ hoang đường Nền văn chương của thổ dân da đỏ trước kia, cũng như sách vở của họ viết ra trước kia, cũng như sách vở của họ viết ra trước khi người Châu Âu chinh phục Châu Mỹ,
những truyện Popul hoặc Los Anales los Xáhil đã nhuộm màu thực tại trung
gian Những huyền thoại của dân tộc Maia và thổ dân Mỹ Latinh phản ánh đời sống tinh thần phong phú của họ
Thực tại của châu Mỹ Latinh với những đặc điểm phức tạp về địa lý, lịch sử, chủng tộc, xã hội và văn hóa những đặc điểm khiến cho Mỹ Latinh khác biệt hẳn với những nền văn minh hình thành một cách ổn định ở Châu Âu cũng như ở
“thế giới thứ 3” đã đề ra trước mắt các nhà văn của lục địa này những nhiệm vụ phải tìm tòi một phương pháp nghệ thuật thích hợp để thể hiện thực tại đó trong tất cả đặc trưng của nó Muốn vậy, nhà văn phải nhìn theo nhiều góc độ và sự chuyển tải phải phù hợp với tư duy đa thần của thổ dân Anh điêng Với những lí
do đó, văn xuôi hư cấu mà tiêu biểu là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học Mỹ Latinh ra đời Người đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học Mỹ Latinh là Carpentier Và Márquez đã đưa chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đến đỉnh cao
Nguyên tắc sáng tác của nhà văn hiện thực huyền ảo là “biến hiện thực thành hoang đường mà không đánh mất tính chân thực” [10, tr.10] Để tạo hiệu quả, các tác giả sử dụng những hình tượng biểu trưng, ngụ ý, ám thị, khoa trương, hoà lẫn thực và hư, đảo lộn trật tự không, thời gian…
Các tác giả thường mượn những truyền thuyết dân gian cổ xưa để tạo ra các huyền thoại mới về hiện thực xã hội Châu Mỹ Latinh Vì thế, sáng tác của dòng
Trang 23văn học này thường dung chứa cả yếu tố li kì, huyền ảo và hiện thực, đem đến cho người đạo cảm giác về các hiện tượng nghịch lí Yếu tố huyền ảo còn thể hiện qua những giấc mơ của nhân vật Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo không mang tính phóng tưởng và cũng không truyền tải những cuộc thí nghiệm ý tưởng Nó thuật lại những câu chuyện từ góc độ những người cùng sống trong thế giới của chúng ta và trải nghiệm một thực tại khác biệt so với cái mà chúng
ta gọi là thực tại khách quan Nếu có một con ma trong câu chuyện thần kỳ, thì
nó không phải là huyễn tưởng mà là một thực chứng trong đời sống hiện tại Ở
đó, người ta tin là đã có ma và đã trải qua những kinh nghiệm có thực về ma Người đọc sẽ hóa thân hoàn toàn vào cái thực tại khác biệt này đến nỗi thông suốt nó Nếu như sau khi đọc xong một câu chuyện huyễn tưởng về ma mị, phù thủy của Ấn Độ hay của Australia, thì khi gấp sách lại chúng ta biết chắc chắn rằng cảm giác sợ hãi là do những gì vừa đọc xong tạo ra Thế nhưng, khi đọc
xong một huyền thoại về những nhân vật đó, như Nghi lễ của Lesllie Marmon Siko hay Đất dữ của Jorge Amado cảm giác về một thế giới có thật của những
phù thủy, ma mị cùng chung sống gần như là tuyệt đối Những cái tưởng chừng như không thể lại trở thành có thể Cục nước đá mà những người Digan đem đến Macondo là một cục nước đá bình thường ấy thế mà nó lại làm cho các nhân vật
trong chuyện kinh sợ đến mức không biết miêu tả như thế nào Ngài tổng thống
của Asturias có giấc mơ của Diện mạo thiên thần kì lạ với tiếng đàn lục huyền, tiếng xương vụn ra trong cuốn từ điển âm u và hầm tối Trong giấc mơ của nhân vật Camila có nhiều giấc mơ đan xen vào nhau và cả hiện thực: những vì tinh tú trò chuyện, hương xà phòng, hang cọp, tiếng trống, tiếng gõ cửa lẫn lộn
Mục đích sáng tác của dòng văn học hiện thực huyền ảo nhằm vạch trần các thế lực đen tối của các chế độ độc tài, phê phán tính trạng sống khép kín của con người Văn học hiện thực huyền ảo có tính chiến đấu cao Bằng ngòi bút tinh tế, Asturias đã viết bản án đanh thép lên án chế độ độc tài đang hoành hành trên quê
hương Thế kỉ ánh sáng của Carpentier (1962) phơi bày những quy luật cách
Trang 24mạng sâu sắc ở Mỹ Latinh Đất dữ (1943) của Jorge Amado là bức tranh sống
động về hiện thực đau thương của mảnh đất của những vũ điệu Samba: những rừng ca cao uống no máu người để nở ra hoa vàng rực rỡ Brazin thế kỉ XX là sản phẩm kỳ quái của chế độ thực dân nửa phong kiến và các thế lực tư sản ngoại bang và tư sản dân tộc Câu chuyện được lồng vào bối cảnh huyền thoại, ở
đó có yêu ma hiện ra trong đêm tối, có phù thủy cưỡi ngựa rong ruổi trên mọi nẻo đường với đủ các loại quỷ lùn, quỷ lạ, ma chó sói… Đó chính là những hình ảnh ẩn dụ cho những tên thực dân, phong kiến sừng sỏ đã đẩy người dân Brazin
vào cuộc sống khốn khổ Tiểu thuyết Têrêda của nhà văn tái hiện thực trạng
phân biệt chủng tộc, đời sống cùng cực của người lao động một cách sinh động Cuộc sống xa hoa, thói huyênh hoang, hợm đời và cách đối xử tàn ác, dã man của đại úy Guxto là hiện thân của chế độ bóc lột dã man ở Brazin Têrêda rơi vào hết đau khổ này đến đau khổ khác Chị em phụ nữ ở Bacrokinnha bị bắt di chuyển vô cớ, trở thành vô gia cư
Cần chú ý rằng tuy chủ nghĩa hiện thực huyền ảo phát triển có tiếp thu và kế thừa kinh nghiệm của những nền văn học tiên tiến nhưng không hề bị trộn lẫn Carpentier
và Asturias từng nói đến quan hệ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với các sáng tác của chủ nghĩa siêu thực Nhưng rõ ràng, điểm khác biệt cơ bản là ở chỗ: chủ nghĩa siêu thực là những tìm kiếm thuần túy thẫm mỹ, dung chứa ý muốn trốn chạy thực tại
tư bản chủ nghĩa của các nhà văn phương Tây thì chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của các nhà văn Mỹ Latinh là công cụ để khám phá và dấn thân vào thực tại đau thương
Nó diễn tả lương tâm đích thực của Thế giới thứ Ba, tức là những xã hội được tạo thành có một nửa, trong đó cái cũ có vẻ không thực chống lại cái mới làm cho người
ta sợ, trong đó sự tham nhũng thối nát công cộng của đám cầm quyền và nỗi khiếp sợ riêng tư của từng người, tất cả đều trở thành hiển nhiên
Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo không phải là trào lưu văn học chỉ có ở Mỹ Latinh, nhưng có thể nói rằng đây là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Tất nhiên, không phải chỉ có người dân Châu Mỹ, dân
Trang 25da đỏ, da đen mới đưa ra được những nhãn quan dị biệt Theo nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, bất kỳ một miền đất nào trên hành tinh này cũng tồn tại những điều kỳ diệu Trong luận văn của mình, chúng tôi trình bày trọng tâm vào chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh vì nó ảnh hưởng nhiều đến sáng tác của Márquez
Trang 26CHƯƠNG 2 THỜI GIAN HUYỀN THOẠI
Thời gian trở thành một phép nhiệm màu làm nên cánh đồng huyền thoại
trong Trăm năm cô đơn Nó không đi theo một đường thẳng và không phải lúc
nào cũng trôi về phía trước Quá khứ xa xăm thì có mặt trong từng khoảnh khắc hiện tại, tương lai thì đã xảy ra rồi
Những sự kiện nối tiếp nhau xảy ra Mỗi sự kiện dường như nằm ngoài thời gian thực tại của nó Có những sự kiện chỉ diễn ra vài tiếng đồng hồ nhưng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và ngược lại hàng thế kỉ chỉ thu vào một trang giấy Sự hiện hữu của những hồn ma, điềm báo, thần linh, phép màu, hiện tượng thiên nhiên kì lạ khiến độc giả có cảm giác thời gian là sự tái điệp vĩ đại chứ không phải là một tiêu điểm Thời gian có chảy trôi qua bảy thế hệ thì cuối cùng nó lại quay trở về tiêu điểm của hiện tại
Trong luận văn, trên cơ sở đi sâu nghiên cứu về các cấp độ thời gian trong tiểu
thuyết Trăm năm cô đơn, chúng tôi muốn phân tích cấu trúc tầng bậc đa chiều
của tác phẩm hay thời gian huyền thoại của nó Cho đến nay, giới nghiên cứu
văn học cũng đã có nhiều bài viết tìm hiểu về thời gian trong Trăm năm cô đơn
Tuy nhiên, hầu hết các bài viết đều đi vào tìm hiểu thời gian của tác phẩm trong mối tương quan với không gian, trên hai phương diện chính là thời gian đồng hiện và thời gian vòng tròn khép kín Hướng nghiên cứu này chủ yếu hướng đến nghiên cứu nội dung và ý nghĩa phản ánh của tác phẩm Xuất phát từ mong muốn tìm hiểu thời gian trong truyện kể từ góc độ nghệ thuật, dựa trên cơ sở lí thuyết của Gennet, chúng tôi sẽ đi và xem xét thời gian của tác phẩm ở các nội dung: trật tự (ordre); thời lưu (durée), tần suất (fréquence) và điềm báo
2.1 Trật tự (ordre)
Nghiên cứu trật tự là tìm và chỉ ra “thời gian kế tiếp nhau của các biến cố trong câu chuyện với trật tự giả - thời gian việc sắp xếp chúng của nhà văn trong truyện kể”
Trang 27[11, tr.242] Cấp độ này thể hiện trong Trăm năm cô đơn trên các phương diện: niên
biểu, sự sai trật tự niên biểu, đón trước và quay ngược
2.1.1 Niên biểu (chronique)
Tác phẩm có thời gian cốt truyện khoảng 100 năm Thời gian này tương ứng với hai văn bản: văn bản 1- người kể chuyện ở ngôi thứ ba (chính là văn bản thực của tác phẩm: bản tiếng anh (file PDF) 231 trang; bản dịch tiếng việt của Nguyễn Trung Đức, tái bản lần thứ năm 460 trang); văn bản 2 - tương ứng với văn bản tiếng Phạn do cụ Melquíades viết và Aureliano Babilonia giải mã Văn bản thứ nhất là thời gian tâm lí, gắn với những hồi ức Thời gian từ hiện tại lùi về hàng thế kỉ, kể về sự kiện tên cướp biển Drak, rồi lại tiếp nối sự kiện hiện tại Thời gian của văn bản thứ 2 là thời gian biên niên sử, thời gian thực tại Hai thời gian này hòa quện vào nhau tạo thành thời gian đồng hiện Ở đây, chúng tôi quan
tâm đặc biệt đến niên biểu nổi và chìm của tác phẩm
Trên nền thời gian thực tại (thời gian nổi) thời gian tâm linh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch ngầm suy nghĩ của các nhân vật Thời gian cốt truyện nổi và chìm tạo thành một vòng tròn khép kín Qua đó, tác giả gửi gắm thông điệp về tình đoàn kết yêu thương giữa người và người Nếu không có tình yêu thương, cuộc sống của con người trở nên vô nghĩa, thời gian sẽ tự động chuyển động vòng tròn
Thời gian văn bản dài 460 trang (bản tiếng Việt; 231 trang bản tiếng Anh) cho cốt truyện dài 100 năm Trung bình 460 trang/100năm = 4,6 trang/năm (gần 5
trang/năm) Nếu so sánh với Giọt máu (Nguyễn Huy Thiệp) 100 năm/40 trang = 2,5 năm/trang, tốc độ kể chuyện như vậy là tương đối chậm Tất nhiên, tác giả sẽ
chỉ tập trung vào những khoảng thời gian quan trọng, không dàn đều
Truyện kể chậm sẽ tạo ra nhịp kể phù hợp cho miền quá khứ, hồi tưởng đằng đẵng, với những hồi cố, trăn trở, nghĩ suy Độc giả sẽ có cảm giác đi trên một du thuyền với vận tốc cực nhỏ, để có thể cảm nhận hết cái hồn của cảnh vật và con
người nơi họ đi qua Nhịp điệu và tốc độ ấy tạo ra cho niên biểu Trăm năm cô
Trang 28đơn những đặc trưng nổi bật
Cả niên biểu chìm và nổi của Trăm năm cô đơn đều mang tính chất phi thời
gian Mặc dù trong tác phẩm xuất hiện những cụm từ chỉ thời gian có vẻ rất cụ thể: tháng ba hàng năm, sau hai tuần, ngay buổi chiều ấy, sau đó ba ngày, tết, bốn năm mười một tháng hai ngày Một ngày chủ nhật, tháng Chạp, ngày tết năm mới, nhưng người đọc không thể xác định là ngày tháng năm nào Ta chỉ có thể xác định khoảng thời gian (for of time) nhưng không thể xác định được mốc thời gian
cụ thể (since of time) Hơn nữa, dù có tính được khoảng thời gian cũng chỉ là một phép ước lượng, không thể chính xác Khi quá khứ, tương lai, hiện tại đồng hiện, quá khứ hiện hữu ngay trong hiện tại còn tương lai thì đã qua, tâm lí của nhân vật
sẽ rất gần với con người hiện tại về mặt thời gian
Các nhân vật có tuổi mà dường như không có tuổi Úrsula sống hơn 100 tuổi nhưng không thể biết chính xác là bao nhiêu, Pila Ternera sống hơn 114 tuổi nhưng cũng không thể xác định được, Rodrigo vừa sinh ra cũng không thể xác định được bao nhiêu ngày, ngoài ba nhân vật này, không một nhân vật nào được nhắc đến tuổi Tuy có dấu hiệu nhận biết họ già hay trẻ nhưng đó chỉ là dấu hiệu
để nhận diện đặc trưng tính cách Có thể nói, các nhân vật dường như không có tuổi vì tuổi của họ đã hòa vào năm tháng, tan chảy vào trăm năm cô đơn của dòng họ Buendía Dù họ bao nhiêu tuổi thì cũng không có ý nghĩa vì Macondo mãi mãi là một ốc đảo cô đơn Ấy mới là mấu chốt của vấn đề
Dấu vết của chiến tranh “hiện hữu” qua năm tháng Cuộc chiến giữa hai phái
Tự do và Bảo hoàng được đánh dấu bằng những mốc thời gian: chiến tranh kết thúc vào tháng năm; sáu tháng sau, đêm ấy, vào lúc nửa đêm thứ ba, sau chiến tranh, trong chiến tranh Những dấu hiệu nhận biết này không nhằm tường thuật các biến cố lịch sử, ngày, tháng, năm mà muốn làm sáng tỏ bản chất của cuộc chiến Tính phi nhân đạo, vô nghĩa của chiến tranh thể hiện rõ nét qua tâm trạng của chính những người tham gia lãnh đạo cuộc chiến, tiêu biểu là đại tá Aureliano Là người từng phát động 32 cuộc chiến tranh, vinh quang có, thất bại không thiếu nhưng cuối cùng đại tá Aureliano vẫn không hiểu lí tưởng chiến đấu
Trang 29của mình Trong cuộc nói chuyện với đại tá Herinendo Márquez, ngài đã bày tỏ những trăn trở của mình Khi được Márquez trả lời rằng anh ta chiến đấu vì Đảng Tự do vĩ đại, Aureliano nhận ra Márquez thật hạnh phúc Phần mình, Aureliano nói: “Còn phần mình, cho đến bây giờ hầu như tôi mới biết rằng mình chiến đấu vì lòng kiêu hãnh” Được người dân Macondo hết sức kính nể, thậm chí lấy tên Aureliano đặt cho một con đường, những tưởng ngài chiến đấu vì mục đích cao cả, thế mà cuối cùng đó là vị kỷ Có lẽ vì thế, quãng thời gian cuối đời, Aureliano chán nản, sống cuộc sống luẩn quẩn với những con cá vàng trong xưởng kim hoàn
Nhịp độ thời gian trong Trăm năm cô đơn vận động chậm hơn so với thời gian
khách quan, thể hiện qua lối xảy lặp, quay ngược (sẽ phân tích kĩ ở phần sau) Theo mạch chảy của niên biểu, mỗi chương, mỗi lớp truyện lại có tốc độ và nhịp kể khác nhau tùy theo thủ pháp thời gian tác giả sử dụng Dưới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu những tiểu cấp độ quyết định trực tiếp đến yếu tố huyền thoại của thời gian trong tác phẩm: sai trật niên biểu, đón trước và quay ngược
2.1.2 Sai trật tự niên biểu (anachronie)
Sai trật tự niên biểu là không tuân theo niên biểu của tự nhiên (từ quá khứ đến hiện tại, tương lai) của truyện kể Mặc dù cả bản tiếng Tây Ban Nha, bản tiếng Anh, tiếng Việt tác giả và dịch giả đều không đánh số chương, nhưng dựa vào
cách đánh dấu bằng chữ in hoa về nội dung, ta có thể thấy Trăm năm cô đơn
được chia làm 20 chương
Căn cứ vào thời gian cốt truyện (tức là số trang văn bản), ta có thể phân chia tiểu thuyết ra làm 11 lớp lớn dựa trên sự đứt đoạn về sự kiện và thời gian như sau:
Lớp 1(A): Sự kiện đại tá Aureliano Buendía bị đưa ra pháp trường (trang 23; 3 dòng):
“Rất nhiều năm sau này, trước đội hành hình đại tá Aureliano Buendía nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, cái buổi chiều cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá”…
Trang 30-> giữa trang 31; 8 trang):
“Thời ấy, Macondo là một làng gồm vài chục nóc nhà vách đất(…) Hết thảy những
ai quen biết ông từ thuở mời lập làng Macondo đều ngạc nhiên thấy dưới ảnh hưởng của Melquíades ông đã thay đổi biết nhường nào”
Lớp 3 (C): Những ngày đầu José Arcadio Buendía xây dựng làng Macondo (giữa trang 31 -> đầu trang 43; 12 trang):
Tác giả thuật lại quá trình hình thành tính cách của José Arcadio Buendía từ
ngày thành lập làng để chứng minh ảnh hưởng mạnh mẽ của Melquíades đến ông Lớp sự kiện này tiếp nối lớp sự kiện bên trên:
“Lúc đầu Arcadio Buendía là một vị trưởng giả trẻ tuổi, người vẫn thường hay dạy dân việc trồng cấy (…) Đấy là một phát minh lớn của thời đại chúng ta”
Lớp 4 (D): Nguyên nhân Úrsula và José Arcadio Buendía bỏ làng ra đi (đầu trang 43 -> giữa trang 48; 5 trang):
“Khi tên cướp biển Francis Drak tấn công Riocha ở thế kỉ XVI, bà tổ của Úrsula Igoaran
đã quá kinh ngạc trước tiếng nổ chát chúa nổ rền, đến mức quẫn chí ngồi vào một bếp than (…) Họ chỉ mải đi theo hướng ngược lại con đường dẫn tới Rioacha để không bỏ lại một dấu vết nào và để tránh chạm mặt người quen Đó là một chuyến đi kì dị”
Lớp 5 (E): Thời niên thiếu, trưởng thành của các nhân vật đời thứ hai và đạt
được thành công trong chiến trận của đại tá Aureliano (giữa trang 48 -> trang
157; 109 trang):
“Khi đoàn người đi được mười bốn tháng trời, với cái bụng quặn đau vì thịt khỉ và rắn, Úrsula đẻ ra một chú bé với tất cả các bộ phận người của chú (…) Đồ dê cụ - cậu thét - Đảng tự do muôn năm!”
Lớp 6 (F): Đại tá Aureliano bị đưa ra pháp trường (trang 158 -> giữa trang 177; 19 trang):
“Chiến tranh kết thúc vào tháng năm (…) Tự giam mình trong phòng ngủ để khóc vụng, Amaranta lấy hai đầu ngón tay bịt kín lỗ tai để khỏi phải nghe thấy những tiếng người đuổi theo mình đang kể cho Úrsula nghe những tin tức chiến sự mới nhất, và mặc dù thèm nhìn chàng đến chết được cô vẫn đủ nghị lực để không ra tiếp chàng” Lớp 7 (G): Cái chết của cụ tổ José Arcadio Buendía (trang 177 -> trang 180; 3
Trang 31trang)
“Lúc ấy, đại tá Aureliano Buendía đã sắp xếp thời gian để cứ hai tuần một lần gửi một thông báo tỉ mỉ về Macondo Nhưng chỉ có độc một lần, sau gần tán tháng ra đi, chàng mới viết thư riêng cho Úrsula Một sứ giả đặc nhiệm đã mang đến nhà một phong thư được viết với lối chữ rất đẹp của đại tá: “Hãy trông nom cha cẩn thận vì cha sẽ mất”(…) Người ta buộc phải dùng gậy, sào mà hất hoa đi để lấy lối cho đám tang đi”
Lớp 8 (H): Mối tình loạn luân giữa cô Amaranta và cháu José Arcadio (trang
180 –> trang 225; 45 trang):
“Ngồi trên chiếc xích đu làm bằng gỗ liễu nhỏ, với đồ thêu thùa để trong lòng, Amaranta ngắm Aureliano José lần đầu tiên trong đời cạo râu (…) Ngày Tết năm mới bừng sáng với việc người chỉ huy trẻ tuổi của đội gác, cuồng điên trước hành vi vô ý tứ của Remedios-người đẹp, đã chết vì tình ngay bên cạnh cửa sổ phòng cô gái”
Lớp 9 (I): Quá trình phát triển tính cách của Aureliano Segundo ( trang 226 –> trang 413; 197 trang):
“Những năm sau này, hấp hối trên giường bệnh, Aureliano Segundo đã nhớ lại buổi chiều mưa tháng sáu, cái buổi chiều anh bước vào phòng ngủ để nhận mặt đứa con trai đầu lòng của mình” (…) Trong sự lộn xộn của những giờ phút cuối cùng, khi đưa thi hài hai người ra khỏi nhà đám thanh niên say rượu và buồn bã đã lầm lẫn quan tài và
do đó chôn quan tài người nọ vào huyệt người kia”
Lớp 10 (K): Aureliano Babilonia tự giam mình vào phòng thí nghiệm (trang
414 -> trang 436; 22 trang):
“Trong suốt một thời gian dài Aureliano không ra khỏi phòng của Melquíades (…) Buổi chiều hôm ấy, khi ở bếp, Aureliano nhớ José Arcadio nên đi tìm anh ta khắp nhà và thấy anh ta nổi lên trên mặt nước thơm trong bồn tắm, đã trương phềnh, nhưng lòng vẫn nghĩ đến Amaranta Đến lúc ấy Aureliano mới biết mình bắt đầu yêu mến anh ta như thế nào”
Lớp 11 (L): Dòng họ Buendía bị lưu đày vào cõi cô đơn (trang 437 -> trang 483):
“Amaranta Úrsula trở về vào đầu tháng mười hai, vui tươi và hớn hở, dắt theo một anh chồng ngoan ngoãn bằng sợi tơ buộc ở cổ (…) Tuy nhiên, trước khi đọc đến bài thơ cuối cùng, anh đã hiểu rằng mình sẽ chẳng bao giờ ra khỏi căn phòng này được bởi anh
Trang 32đã thấy trước rằng thành phố như những tấm gương (hay đúng hơn là thành phố ảo ảnh)
sẽ bị gió cuốn đi và sẽ bị xóa sạch khỏi kí ức con người trong lúc anh, Aureliano Babolonia, giải mã xong các tấm da thuộc, và tất cả những gì được viết trong những tấm da thuộc này sẽ không được lặp lại và mãi mãi không bao giờ lặp lại, bởi vì dòng
họ bị kết án trăm năm cô đơn không có dịp may lần thứ hai để trở lại làm người trên mặt đất này”
Theo tiến trình phát triển của dòng họ Buendía, tức là theo thời gian lịch sử chúng ta có thể sắp xếp lại các lớp sự kiện theo đúng trật tự niên biểu như sau: (Xin lưu ý với bạn đọc một điểm: Ngay cả trong mỗi lớp, phần của tiểu thuyết cũng có sự sai trật niên biểu, vì thế người viết chỉ đưa ra nội dung sự kiện chính)
Chúng ta thấy rõ có sự khác biệt giữa trật tự của các biến cố trong truyện và trật tự giả - thời gian do nhà văn sắp xếp trong truyện
Lớp A, tác giả đưa sự kiện nổi bật nhất cuộc đời đại tá Aureliano Buendía lên đầu nhằm đón trước số phận của đại tá và cả dòng họ Buendía “Tử hình” là cái án treo lơ lửng trong lá số tử vi quyết định vận mệnh của cả dòng họ Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm mở đầu bằng những suy nghĩ của đại tá Aureliano
NL
ĐT
ĐT
Trang 33Buendía khi đứng trước cọc xử bắn chờ lệnh giết mình trước quảng trường Macondo Hình ảnh này báo hiệu một loạt những điều khủng khiếp sẽ xảy ra: bệnh mất ngủ, bệnh lãng quên lây sang từ một làng Anh điêng, sự xuất hiện của chính quyền trung ương mà đại diện là quan thanh tra Don Moscote, sự tranh chấp giữa phái tự do và bảo thủ dẫn đến nội chiến đẫm máu kéo dài, mà đại tá là người
đã trải qua ba hai cuộc chiến tranh, 63 vụ phục kích, 14 vụ sát hại, một vụ xử tử và một vụ tự sát mà vẫn không chết, việc thành lập công ty chuối của bọn tư bản Bắc
Mỹ ở Macondo và những tội ác của nó với dân làng, đặc biệt là vụ tàn sát hơn ba nghìn người ở trên sân ga, trận mưa kéo dài mười một tháng hai ngày, khiến cho Macondo tàn lụi, sự tuyệt diệt của dòng họ Buendía trong cơn bão
Lớp A là đón trước cho lớp E, để tiếp tục kể về thời niên thiếu, quá trình trưởng thành và ra trận của nhân vật Đây là hành trình đi từ những vinh quang của chiến thắng, lần lượt trải qua 32 cuộc chiến, có 17 đứa con ở các miền để rồi cuối cùng nhận ra rằng chiến tranh là vô nghĩa và mình chiến đấu chỉ vì sự ích kỉ của bản thân Cuộc đời đầy hào quang ấy kết thúc bằng những năm tháng chạy trốn trong nỗi cô đơn, với công việc nhàm chán vô vị là đúc những con cá vàng đổi lấy vàng, rồi lại lấy vàng đó sản xuất ra những con cá vàng Đó là một vòng luẩn quẩn mà tất cả những người trong dòng họ, trừ Úrsula không ai thoát khỏi Đến chương thứ 7 mới xuất hiện sự kiện đại tá bị đưa ra pháp trường Như vậy là tác giả đón trước sự kiện của 7 chương
Lớp F là ngoái lại của lớp E Trải qua những thăng trầm trong chiến trận, sự kiện bị đưa ra pháp trường là một trong những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời chinh chiến của nhân vật Lớp A và F tạo thành một vòng tròn khép kín về thời gian của một kiếp người và của cả một dòng họ Thời gian vòng tròn khép kín là thời gian chuyển động vòng tròn không có điểm đầu và cuối, tạo nên kết cấu trùng lặp của tác phẩm Dòng họ Buendía là dòng họ đã được khẳng định, không phát triển tới tương lai, nên chuyển động vòng tròn Cuộc đời các nhân vật không có hướng mở mà trở thành một vòng luẩn quẩn Hình ảnh đám cưới Rebeca, hoạt động khâu vải niệm của Amaranta với ý nghĩ khâu xong tấm vải
Trang 34niệm cũng là lúc kết thúc cuộc đời mình; Thời gian quá khứ ùa về trong hiện tại nhưng tuyệt nhiên không thấy tương lai Mọi điềm báo đều hướng về sự hủy diệt
Thoạt nhìn, chúng ta có cảm giác câu chuyện diễn ra theo chu kì của trật tự thời gian tuyến tính, có “khởi đầu” với sự kiện những người đầu tiên đến làng Macondo và kết thúc là sự ra đời của đứa con có đuôi lợn Nó còn được không gian hóa bởi lời sấm truyền của Melquíades rằng khi Aureliano Babilonia giải
mã xong văn bản tiếng Phạn cũng là lúc lịch sử xóa sổ họ Các sự kiện chồng xếp nhau trong thời gian Điều đó tạo cho độc giả cảm giác bị quay vòng khi đọc tác phẩm, nó trở thành một xa lộ về thời gian khiến người đọc phải dồn hết tâm trí vào để đọc
Quá trình phát triển, tàn lụi và diệt vong của dòng họ Buendía gắn liền với làng Macondo Nếu như sự kiện đại tá Aureliano Buendía bị đưa ra pháp trường
là quan trọng đối với dòng họ thì sự kiện người Digan đến làng cũng có vai trò quyết định cho quá trình vận động với Macondo Nó đem đến những phát minh mới và làm xáo trộn cuộc sống vốn yên bình nơi đây Sự kiện này được đón trước ở lớp C và kể tiếp ở lớp D, đồng thời được nhắc đi nhắc lại ở những lớp khác theo lối xảy lặp (G, I, K)
Cùng một sự kiện có thể tại thời điểm này là đón trước, tại thời điểm sau là quay ngược Sự kiện đại tá Aureliano trước họng súng của đội hành hình được đón trước ngay ở những trang đầu tiên của tiểu thuyết, chương 7 mới xảy ra, sau
đó lại được ngoái lại ở những chương sau Việc Úrsula cảm thấy thời gian quay vòng tròn trở đi trở lại trong tác phẩm nhiều lần
Tóm lại, câu chuyện về dòng họ Buendía và câu chuyện về làng Macondo luôn vận động song hành Điều đó đòi hỏi cấu trúc song hành về thời gian Sự sai trật tự niên biểu cũng diễn ra tương ứng với nhịp vận động này Các sự kiện quan trọng đều được đón trước và ngoái lại theo lối xảy lặp Thủ pháp này đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của các sự kiện, tiên báo trước về số phận cô đơn của
cả dòng họ
Trang 35Về thời gian lịch sử, chúng ta có thể thấy nó trải qua khoảng trên dưới năm trăm năm, từ cuối thế kỉ XVI đến những năm 30 của thế kỉ XX Tuy dòng họ Buendía chính thức có bảy thế hệ chỉ bắt đầu vào thế kỉ XIX và kéo dài khoảng một trăm năm nhưng tiểu thuyết lại kể lại cả nguồn gốc xa xưa của dòng họ đó bắt đầu từ sự kiện tên cướp biển Francis Drak tấn công Riocha Trong tác phẩm
có chi tiết bộ xương người mặc giáp trụ cổ lủng lẳng đeo một hộp thánh tích đựng mớ tóc phụ nữ được tìm thấy dưới lòng đất Bộ xương này trùng khớp với hình ảnh những conquistador những kẻ tiên khu người Tây Ban Nha thế kỉ XV
đi chinh phục và khai thác Châu Mỹ kể từ sau khi Columbo phát hiện ra lục địa này
2.1.3 Quay ngược (analepsés)
Quay ngược là trong quá trình kể tác giả ngoái lại quá khứ Quay ngược trong truyện kể bao gồm quay ngược bên trong và quay ngược bên ngoài Quay ngược bên ngoài là quay ngược nằm bên ngoài của truyện kể, biên độ xa, quay ngược bên trong là quay ngược nằm bên trong của truyện kể, nhân vật quay ngược lại, câu chuyện thuộc về hoạt động của nhân vật Quay ngược bên trong đồng nhất truyện mang ý nghĩa gợi nhớ, hoàn trả
Trong tác phẩm, quay ngược không chỉ được thể hiện rõ nét ở các lớp sự kiện lớn mà còn thể hiện trong rất nhiều sự kiện nhỏ Khi Amaranta nghe điệu nhạc
mà Úrsula bật lên để dọn dẹp nhà cửa đón năm mới, cô nhớ da diết Pietro Crespi Ngoái lại ở đây không chỉ là gợi nhớ thông thường mà hoàn toàn trả và xây dựng trọn vẹn bức chân dung cô đơn của cô gái Thương yêu người yêu cũ đến nỗi bao năm cô vẫn nhớ từng đặc điểm của anh, từ bông hoa ngả vàng cài trên ve áo đến mùi oải hương lan tỏa từ cơ thể người yêu Có lẽ một phần vì thiếu thốn tình cảm nên cô đã chôn vùi nỗi cô đơn và thèm khát của mình với người cháu trai và mắc tội loạn luân Ngoái lại giải thích rõ hơn nguyên nhân đã đẩy Amaranta đến tâm trạng cô đơn và mắc tội loạn luân Tác giả đã tả lại cái thời khắc mà trong trái tim héo khô của cô đã bừng nở một tình cảm trong sáng, được thanh sạch nhờ thời gian Điều đó khiến độc giả tự ngoái lại những chi tiết
Trang 36Rất nhiều lần bà cụ Úrsula nhớ lại về những đức tính lặp đi lặp lại giữa các thế hệ và có cảm giác thời gian quay vòng tròn Đây là nhân vật có tần suất ngoái lại về thời gian nhiều nhất trong tác phẩm Tổng cộng có tất cả hơn 20 lần bà ngoái lại, trong đó có 8 lần ngoái lại để thấy sự giống nhau những người con trai cùng dòng họ (những Aureliano có trí thông minh tuyệt vời nhưng lại mắc chứng trầm tư, ủ dột và lánh đời; những José Arcadio bao giờ cũng khỏe mạnh, táo gan
và sống chan hòa) Tám lần ngoái lại để so sánh về sự giống nhau giữa những người con gái trong dòng họ và 4 lần về quá khứ của hai người Mỗi lần bà cụ đều nói những câu đại ý như: “Cứ như thể thời gian chạy vòng tròn và giờ đây chúng ta trở lại từ đầu” [7, tr 240] Bà sống gần như trọn vẹn tác phẩm và luôn than phiền bộ máy thời gian đã hỏng và cho rằng mọi việc lặp đi lặp lại y như cũ, thậm chí Úrsula tưởng nhầm chít Aureliano là con trai của mình
Khi ngắm Aureliano tỉ mẩn cạo râu, Amaranta chợt nhớ lại hình ảnh bố thằng
bé và nói: “Nom cháu giống Aureliano như đúc khi anh ấy vào tuổi cháu” Dựa vào kí ức và sự vận động của nó, cô kết luận: “Cháu đã lớn rồi đấy” [7, tr.181] Ngoái lại cho phép nhân vật có thêm độ tin tưởng cho kết luận của mình
Khi tuổi già cô đơn, mặc chiếc áo bông hoàng hậu ngày trước, Fernanda lại nhớ như in cảm giác thuở ban đầu Bà như cảm thấy mùi xi trên ủng một quân nhân đã đến tận nhà để cho bà làm hoàng hậu Fernanda vô cùng tiếc nuối những ngày tháng đã qua Quay ngược lại những hồi ức tươi đẹp của mình, với những
thứ giống như thiên đường mà người ta đã để mất như M Proust trong Đi tìm
thời gian đã mất, Fernanda thấy hiện tại đen tối, lạc lõng, cuộc sống rạn vỡ và vô
Trang 372.1.4 Đón trước (prolepses)
Đón trước là kể trước những sự kiện, biến cố về số phận nhân vật sẽ xảy ra hay “tình tiết tiền định”
Mở đầu tác phẩm tác giả dùng lối đón trước Ông đưa ra sự kiện đại tá Aureliano
bị hành hình Thời gian theo biên niên sử, xếp theo đúng vị trí sự kiện này phải nằm
ở chương 7 nhưng tác giả đưa lên đầu nhằm mục đích sau:
Trước hết, Márquez nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện này vì nó báo trước số phận không chỉ của đại tá Aureliano mà của cả dòng họ Buendía Đồng thời, tác giả cũng gián tiếp thông báo cho độc giả biết những phần kế tiếp ông sẽ
kể về thời niên thiếu, trưởng thành, tham gia chiến trận và thời điểm bị hành quyết của đại tá Aureliano
Thứ hai, tác giả tạo cho độc giả ham thích theo dõi các phần tiếp theo của câu chuyện Nhà văn bắt đầu giới thiệu một nhân vật bằng lối tỉnh lược “rất nhiều năm sau này” (many years later) Sau đó, thời gian lùi đi vài thập kỉ, thậm chí vài thế kỉ để kể về làng Macondo
Cũng nhằm báo trước về số phận của đại tá Aureliano, nhà văn đặc tả tiếng khóc của đại tá khi chào đời Ở đây dù không trực tiếp dùng từ chỉ thời gian nhưng tác giả gián tiếp thông báo cho chúng ta khoảng thời gian quan trọng trong đời kèm theo những tiền báo: “Cậu đã khóc trong bụng mẹ và lọt lòng với đôi mắt mở thao láo” [7, tr 38] Hành động được kể ở thời quá khứ Những hành động kì lạ của cậu bé dường như mang tính tiền định
Khi bắt đầu kể về những chặng đường quan trọng của Aureliano Segundo, tác giả cũng dùng lối đón trước như một định mệnh: “Những năm sau này, hấp hối trên giường bệnh, Aureliano Segundo đã nhớ lại cái buổi chiều mưa tháng sáu, cái buổi chiều anh ngỡ ngàng bước vào phòng ngủ để nhận mặt đứa con trại đầu lòng của mình” [7, tr 226] Sau đó, tác giả lại tiếp tục kể về cuộc đời nhân vật xoay quanh mối quan hệ với Petra Cotes và Fernanda
Trang 382.2 Thời lưu (durée)
Thời lưu là “độ lâu của các biến cố với tác giả - thời lưu (thực chất là độ dài văn bản)” [11, tr.242]; nhịp (rythme), tốc độ (vitesse) của truyện kể, tóm tắt (summaire); quãng ngưng (pause) (TT (thời gian truyện kể) = n; TC (thời gian cốt truyện) = 0); Tỉnh lược (ellipse) (T = 0; TC = n); lớp, cảnh (scene) Độ dài ngắn của mỗi biến cố so với thời gian thực sự của nó sẽ quyết định ý nghĩa của thời lưu khác nhau Trong tiểu thuyết này, thời lưu biểu hiện ở cấp độ thời sai và tỉnh lược
2.2.1 Thời sai
Thời sai là sự không bền vững về tốc độ (vitesse); được xác định thông qua mối quan hệ giữa thời lưu của sự kiện (được tính bằng giây, phút, giờ, tháng, năm…) với độ dài của văn bản (dòng, trang) Nghiên cứu về thời sai là nghiên cứu về nhịp của truyện kể “Một truyện kể có thể vượt qua sự sai trật niên biểu, nhưng nó không thể đi tiếp được mà không có thời sai, hoặc nếu ta thấy tiện hơn (như điều đó vẫn xảy ra), không có hiệu quả của nhịp rythme” [11, tr 248]
Trên cơ sở 11 lớp truyện kể trong Trăm năm cô đơn như trên chúng tôi lập
niên biểu cho toàn bộ 11 lớp sự kiện này Từ đó xác định thời gian cốt truyện tương đương với số trang văn bản, tìm ra tốc độ và nhịp kể cũng như ý nghĩa của
nó Xin lưu ý rằng bản thân thời gian trong Trăm năm cô đơn đã mang tính
tương đối Vì thế, bảng thống kê cũng mang tính chất tương đối, nên đôi chỗ chúng tôi dùng từ “khoảng” để chỉ thời gian sự kiện
Thời gian văn bản
Trang 39B 2 3 8 trang 30 năm 1 trang / 4 năm Chậm
C 3 2 12 trang 14 năm 1 tr /1 năm 2 tháng Nhanh
D 4 1 5 trang 4 thế kỉ 1 trang / 1thế kỉ Rất chậm
E 5 4 109 trang khoảng 40 năm 1 trang / 3 tháng Rất nhanh
H 8 8 45 trang khoảng 30 năm 1 trang / 1,5 năm Chậm
I 9 9 197 trang 50 năm 1 trang / 3 tháng Nhanh
K 10 10 22 trang 5 năm 1 trang / 9 ngày Chậm
L 11 11 46 trang 5 năm 1 trang / 1 năm Nhanh
Nhìn vào bảng thống kê trên, ta thấy rõ ràng có độ lệch giữa thời gian của sự kiện và độ dài văn bản Nhịp kể nhanh, chậm khác nhau giữa các sự kiện cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của nó Đồng thời, chúng ta có thể nhận ra dụng
ý của tác giả thông qua nhịp điệu và tốc độ kể
Độ lệch thời gian lớn nhất được thể hiện giữa lớp D và G (trung bình lớp D: 1 trang/1 thế kỉ; Lớp G: 1 trang/3 h) Lớp D giải thích nguyên nhân Úrsula và José Arcadio bỏ làng đi Nội dung chính mà tác giả muốn nhấn mạnh ở đây là truyền thống “loạn luân” của dòng họ, Úrsula và José Arcadio - khởi thủy từ sự kiện tên cướp biển Francis Drak tấn công làng Riocha Thời gian quay ngược lại thế kỉ thứ XVI, lược kể lại sự kiện này, rồi lại trở về thực tại Vấn đề tác giả chú trọng
ở đây không phải là thời gian, cũng không phải sự kiện mà là một chuỗi sự kiện
có tính chất giống nhau: Tội loạn luân truyền kiếp Vì thế, Márquez đưa lăng kính của mình trên bộ máy thời gian, chụp lại những sự kiện cùng loại và gom chúng về một mối Các sự kiện được “dồn nén” và khái quát hóa đến mức tối đa Ngược lại ở lớp G, sự kiện lại được chi tiết hóa tối đa Cái chết của trưởng lão José Arcadio được miêu tả tỉ mỉ Những miêu tả ấy làm cho nó trở nên huyền bí Ban đầu là “tiên đoán” của Aureliano qua lời dặn dò của anh với Úrsula “Hãy trông nom cha cẩn thận vì cha sẽ mất” [7, tr 178], tiếp đó là cuộc viếng thăm
Trang 40[7, tr 179] Và trong lễ tang của hoàng đế trời đất khóc thương tạo thành những trận mưa hoa vàng phủ kín mặt đường Tác giả đưa máy quay cận cảnh khiến người đọc có cảm giác như đang được chứng kiến tận mắt khoảng thời gian huyền thoại về vị trưởng lão Macondo Đồng thời, người đọc cũng có thời gian
để hồi tưởng những sự kiện quan trọng trong cuộc đời ngài
Nhịp và tốc độ nhanh, chậm đan xen lẫn nhau tạo cho người đọc tư thế linh hoạt, cảm giác hấp dẫn, không bị nhàm chán Có thể nói, xét về nhịp điệu và tốc
độ đây là một bản nhạc khi trầm khi bổng Người đọc sẽ phải luôn luôn chú tâm theo dõi sự thay đổi của sự kiện Vì thế, dù muốn hay không, câu chuyện vẫn cuốn người đọc vào dòng chảy của nó
Lớp F và lớp G có thời gian văn bản khác nhau (F = 19 trang > G = 3 trang) nhưng thời gian trung bình dành cho 1 trang bằng nhau: 1 trang/ 3 h Như thế có thể thấy độ “lèn” của F và G tương đương, nói cách khác cả hai sự kiện này đều được miêu tả hết sức tỉ mỉ Nhưng tại sao sự kiện lớp H, Aureliano trước giờ hành hình lại chiếm đến 19 trang văn bản trong khi sự kiện José Arcadio chết chỉ vẻn vẹn có 3 trang?
Cái chết của José Arcadio sau những ngày bị trói dưới gốc cây dẻ vì chúng điên loạn là tất yếu Vì thế, nguyên nhân và tiến trình của nó đã được miêu tả tỉ
mỉ ở những lớp sự kiện trước Đến lớp G, mục đích của tác giả là làm nổi bật tính chất kỳ bí trong cái chết của cụ
Aureliano trước giây phút hành hình là sự kiện được ưu ái đưa lên đầu tiểu thuyết Độc giả chắc chắn có nhiều trăn trở xung quanh sự kiện này Vì thế, miêu
tả kĩ lưỡng, sự kiện được đón trước 7 chương là một nghệ thuật thu hút sự chú ý của độc giả, thỏa mãn những thắc mắc mà độc giả chờ đợi từ trước đó 135 trang Đồng thời cũng nhấn mạnh điềm báo sự hủy diệt
Ta thấy, toàn bộ 11 lớp có 2 sự kiện về cái chết được miêu tả tỉ mỉ nhất ở lớp
F và G Chết không phải là đáng sợ, cô đơn mới là cái đáng sợ nhất Thế nhưng, cái chết chắc chắn là điềm báo của sự hủy diệt Có lẽ vì thế 2 sự kiện này được