Nhóm giải pháp để kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý dự án bao gồm 3 nhóm giải pháp chính sau: lựa chọn mô hình quản lý dự án thích hợp, nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, và thống nhất, phối hợp hoạt động giữa các thành viên, bộ phận trong tổ chức quản lý dự án.
- Lựa chọn mô hình quản lý dự án thích hợp: Hình thức thực hiện quản lý dự án thường được áp dụng tại công ty là hình thức “chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện dự án”, đây là một hình thức quản lý phù hợp với đặc điểm, điều kiện của các dự án hiện nay tại công ty. Tuy nhiên, hình thức này chỉ nên áp dụng cho những dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản và gần với chuyên môn sâu của chủ đầu tư; trong tương lai, công ty muốn thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp
hơn thì phải có các mô hình tổ chức quản lý dự án linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện, tính chất từng loại dự án.
- Nhóm giải pháp nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý: Trước tiên, để thực hiện tốt công tác quản lý, công ty phải đảm bảo có được một đội ngũ cán bộ quản lý đủ về số lượng và tốt về chất lượng. Với mục tiêu tăng cường hoạt động và mở rộng quy mô đầu tư trong tương lai, công ty sẽ phải bổ sung thêm nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế hiện nay. Các cán bộ quản lý phải là người có kiến thức tổng hợp, hiểu biết nhiều lĩnh vực chuyên môn, có kinh nghiệm phong phú và có năng lực tổ chức, điều hành, thực hiện dự án, có kỹ năng giao tiếp và thông tin trong quản lý dự án. Công ty cần tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ sẵn có, thực hiện tuyển dụng, xây dựng chính sách thu hút nhân tài. Tập trung đào tạo và tự đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng quản lý, lãnh đạo, điều hành dự án. Có chính sách đãi ngộ, khuyến khích và tạo sức ép trong công việc cho các cán bộ, công nhân viên để tạo điều kiện phát huy hết năng lực của mỗi cá nhân. Thực hiện tốt công tác đánh giá năng lực, điều chuyển các cán bộ, nhân viên vào vị trí thích hợp nhất, phù hợp với điều kiện năng lực và sở thích, đam mê của mỗi cá nhân.
- Thống nhất, phối hợp hoạt động giữa các thành viên, bộ phận trong ban quản lý dự án: Xây dựng cơ cấu chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, cụ thể cho các đơn vị, phòng ban và từng cá nhân, tránh trường hợp trùng chéo về quyền hạn cũng như trách nhiệm của các thành viên tham gia dự án. Có chế độ giao ban, các cuộc họp trao đổi thông tin cần thiết giữa các lãnh đạo, trưởng phòng và trưởng ban quản lý dự án để có sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất giữa các phòng ban chức năng và các thành viên tham gia dự án.