g) Thực hiện nghiêm túc kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho thuê
3.3.2 Kiến nghị đối với NNHH Việt Nam
NHNN nên sớm ban hành những quy định hướng dẫn cụ thể về hoạt động mua bán bằng ngoại tệ để tạo sự chủ động cho các công ty CTTC nhằm hạn chế rủi ro, đặc biệt là rủi ro về tỷ giá.
NHNN cần nâng cao vai trò định hướng trong quản lý và tư vấn cho các tổ chức tín dụng thông qua việc thường xuyên tổng hợp, phân tích thông tin thị trường, đưa ra các nhận định và dự báo khách quan, mang tính khoa học để các tổ chức tín dụng có cơ sở tham khảo, định hướng hoạt động kinh doanh của mình để đảm bảo phát triển hợp lý. Xây dựng hệ thống báo cáo đồng bộ để giảm thiểu rủi ro và nâng cao chất lượng thông tin.
- NHNN cần nghiên cứu và ban hành các văn bản quy định cụ thể để các tổ chức tín dụng áp dụng chuẩn xác, kịp thời các công cụ bảo hiểm cho hoạt động tín dụng như bảo hiểm tiền vay, quyền chọn và các công cụ phái sinh khác.
- Do hoạt động cho thuê tài chính là hoạt động tín dụng trung dài hạn nên các quy định cụ thể của NHNN cần phải xem xét đến đối tượng áp dụng, có quy định riêng đối với hoạt động cho thuê chứ không đánh đồng giữa các công ty CTTC với các tổ chức tín dụng khác.
- Xây dựng đội ngũ thanh tra, kiểm soát chuẩn về nghiệp vụ ngân hàng, nghiệp vụ kiểm tra, có phẩm chất đạo đức tốt, hiểu biết đầy đủ về chính sách, pháp luật, thị trường để một mặt giám sát được hoạt động của các tổ chức tín dụng, mặt khác đưa ra được những nhận định giúp các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả hoạt động và hạn chế được rủi ro. Chương trình thanh tra cần được xây dựng chi tiết, khoa học, thông tin được thu thập cần được phân tích kỹ lưỡng, tránh mang tính hình thức, nội dung thanh tra phải thường xuyên được cải tiến để đảm bảo kiểm soát được các tổ chức tín
dụng và thực hiện được vai trò của mình là cảnh báo, ngăn chặn và phòng ngừa rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Xây dựng phương án bổ sung hoặc hoán đổi cán bộ thanh tra giữa các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo tính khách quan và tạo môi trường hoạt động đa dạng cho cán bộ thanh tra, kiểm tra trau dồi về nghiệp vụ.
- Việc huy động vốn trung và dài hạn để CTTC trong điều kiện hiện nay và tương lai có rất nhiều khó khăn, bởi tính chất nguồn vốn là vốn trung và dài hạn. Các công ty CTTC lại không có nhiều lợi thế do mạng lưới hẹp, số lượng lao động hạn chế. Do vậy, rất cần sự quan tâm của NHNN về tháo gỡ cơ chế chính sách như cho phép các công ty CTTC tham gia thị trường liên ngân hàng, được tiếp xúc với các tổ chức đầu tư quốc tế để tạo nguồn vốn lớn hơn, ổn định hơn cho đầu tư.
NHNN cần nâng cao chất lượng của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC): CIC là Trung tâm thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nơi được các tổ chức tín dụng trong đó có các công ty CTTC tìm đến để kiểm tra cũng như đánh giá những thông tin về khách hàng, từ đó đưa ra các quyết định cấp tín dụng. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống thông tin này là một vấn đề hết sức cần thiết.
Trong thời gian tới, Trung tâm thông tin tín dụng CIC cần được hoàn thiện và nâng cao chất lượng theo hướng sau:
- Chú trọng đổi mới và hiện đại hóa các trang thiết bị, thiết lập hệ thống sao cho việc thu thập cũng như cung cấp thông tin tín dụng được thông suốt, kịp thời.
- Thông tin tín dụng phải bao hàm tất cả các thông tin về tình hình vay vốn của khách hàng tại các tổ chức tín dụng, phải có sự phân tích, tổng hợp, đánh giá về khách hàng.
- NHNN cần có chính sách tuyển chọn và đào tạo cán bộ làm công tác quản lý mạng CIC không chỉ am hiểu về công nghệ thông tin mà còn phải có khả năng thu thập thông tin, phân tích, tổng hợp và đưa ra những nhận định, cảnh báo thích hợp thay vì những con số báo cáo thống kê khô khan để các tổ chức tín dụng tham khảo.