Xây dựng chiến lược tạo nguồn vốn

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CHO THUÊ CỦA CÔNG TY CTTC NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM (Trang 92)

Từ trước đến nay, nguồn vốn của Công ty chủ yếu là vốn huy động từ các tổ chức tín dụng. Điều đó dẫn đến sự không chủ động trong hoạt động kinh doanh trung dài hạn của Công ty, ảnh hưởng đến kế hoạch và chiến lược phát triển dư nợ. Mặt khác, muốn tăng sức cạnh tranh trên thị trường đòi hỏi Công ty phải huy động được nguồn vốn đầu vào với mức lãi suất thấp nhất có thể. Do đó, giải pháp tạo lập nguồn vốn bằng nhiều hình thức cần được Công ty tích cực triển khai, sử dụng với mục tiêu tạo ra một cơ cấu vốn tối ưu với chi phí vốn bình quân thấp và sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

Như vậy, việc xây dựng chiến lược tạo nguồn vốn của Công ty là một việc làm rất cần thiết và cấp bách. Muốn tạo ra đủ nguồn vốn cần thiết cho nhu cầu kinh doanh của mình cũng như chi phí lãi suất đầu vào của nguồn vốn hợp lý thì Công ty phải đa dạng hóa các hình thức và các kênh huy động vốn như:

- Nguồn vốn vay từ NHTM và các tổ chức tài chính, tín dụng khác ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

- Nguồn vốn huy động từ phát hành kỳ phiếu, trái phiếu trung và dài hạn. - Nguồn vốn huy động từ tiền gửi có kỳ hạn của các tổ chức và cá nhân.

- Nguồn vốn có được từ việc trả chậm trong việc mua máy móc, thiết bị, phương tiện từ nhà cung ứng tài sản.

- Nguồn vốn có được thông qua việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp và tổ chức tài chính, tín dụng nước ngoài.

- Nguồn vốn khác như: nguồn vốn ủy thác,…

* Nguồn vốn vay từ ngân hàng mẹ và các tổ chức tín dụng khác

Nguồn vốn này nên được đặc biệt coi trọng. Việc vay từ ngân hàng mẹ (NHTMCPNTVN) là hiệu quả hơn cả vì Công ty sẽ được hưởng lãi suât điều hòa nội bộ thấp hơn so với lãi suất đi vay từ các tổ chức tín dụng khác. Ngoài ra, ngân hàng mẹ có thể bảo lãnh cho Công ty vay vốn nước ngoài. Việc vay vốn nước ngoài của Công ty thông qua hai hình thức vay bằng tiền hoặc ngân hàng mẹ bảo lãnh cho Công ty mua máy móc, thiết bị trả chậm để cho các doanh nghiệp thuê. Đây là hình thức huy động vốn rất có hiệu quả.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, việc vay vốn từ ngân hàng mẹ có thể không đáp ứng đủ nhu cầu về vốn của Công ty. Nếu cần thiết Công ty có thể đi vay các tổ chức tín dụng khác nhưng phải cân đối giữa lãi suất đi vay và lãi suất cho thuê để đảm bảo hoạt động của Công ty có lãi mà mức lãi suất cho thuê của Công ty vẫn mang tính cạnh tranh cao.

* Nguồn vốn từ huy động từ tiền gửi có kỳ hạn của các tổ chức và cá nhân:

Có thể nhận thấy tiềm năng nguồn vốn trong dân cư rất dồi dào. Nhận tiền gửi có kỳ hạn của các tổ chức và cá nhân sẽ giúp Công ty vượt qua được những khó khăn về vốn trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, Công ty phải tính toán và đưa ra được mức lãi suất, kỳ hạn gửi hợp lý để vừa huy động được vốn, vừa cạnh tranh được với các tổ chức tín dụng khác. Thông thường khi có nguồn vốn nhàn rỗi, các tổ chức và cá nhân thường tìm đến các NHTM còn công ty CTTC không phải là lựa chọn của họ. Ngoài ra, họ cũng có tâm lý không muốn gửi tiền dài hạn. Vì vậy, nếu muốn huy động được nguồn tiền này Công ty cần phải có mức lãi suất thật hấp dẫn để cạnh tranh với các NHTM hoặc có những điều kiện bổ sung hấp dẫn.

Ngoài ra, Công ty cũng nên tích cực tìm kiếm nguồn vốn huy động thông qua các công ty bảo hiểm, các khách hàng hiện đang thuê tài chính tại Công ty. Khoản tiền ký cược của khách hàng là nguồn vốn mà Công ty được phép sử dụng vào mục đích kinh

doanh nhưng không phải trả lãi hoặc chỉ trả lãi không kỳ hạn nên Công ty cần tận dụng nguồn vốn. Công ty cần đẩy mạnh hơn nữa công tác huy động nguồn vốn với biện pháp chủ động, tích cực, quan tâm, chăm sóc khách hàng thường xuyên và tìm kiếm các khách hàng mới để tìm được nguồn vốn với mức lãi suất hợp lý, đáp ứng đủ vốn cho yêu cầu kinh doanh.

* Nguồn vốn phát hành trái phiếu trung, dài hạn của Công ty.

Công ty có thể đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác để huy động thêm nguồn vốn trung, dài hạn sử dụng cho hoạt động cho thuê. Việc phát hành này một mặt giúp Công ty chủ động về quy mô và lãi suất của nguồn vốn huy động. Mặc khác, giúp nâng cao vị thế, hình ảnh, uy tín của Công ty trên thị trường CTTC. Tuy nhiên, cần tính toán mức lãi suất huy động với chi phí thích hợp để có lãi và phải đảm bảo quy định phù hợp về thời hạn trái phiếu cũng như phương thức thanh toán trái phiếu. Cách phát hành thuận tiện nhất là nhờ NHTMCPNTVN bảo lãnh phát hành để có thể giảm chi phí và huy động được nguồn vốn lớn, đúng hạn.

* Nguồn vốn trả chậm trong việc mua máy móc thiết bị từ nhà cung cấp.

Đối với nguồn vốn này, Công ty cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề tỷ giá. Công ty cần có những phân tích và dự báo thị trường chính xác để có thể tận dụng được nguồn vốn này. Để huy động được nguồn vốn này, Công ty nên thiết lập các mối quan hệ thường xuyên, lâu dài với các nhà cung cấp lớn, có uy tín trong và ngoài nước để từ đó có thể mua trả chậm trung, dài hạn các máy móc, thiết bị cho thuê.

* Nguồn vốn thông qua liên doanh, liên kết với nước ngoài.

Thông qua hình thức này, Công ty có thể giải quyết khó khăn khi thiếu vốn, đặc biệt là với các dự án thuê tài chính vượt quá khả năng của công ty và có nhiều cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp nước ngoài, mở rộng thị trường ra nước ngoài và học hỏi được nhiều kinh nghiệm về hoạt động cho thuê.

* Các nguồn vốn khác:

- Công ty có thể triển khai nghiệp vụ bán các khoản phải thu từ các hợp đồng CTTC cho các định chế tài chính. Đặc biệt là các khoản phải thu mà theo đánh giá của

Công ty sẽ là những khoản nợ khó đòi trong hiện tại và tương lai khi mà Công ty tự đứng ra thu nợ là không hiệu quả. Việc bán khoản phải thu này không những tạo thêm nguồn vốn cho Công ty mà còn giảm tỷ lệ nợ xấu trong hoạt động CTTC.

- Tiếp tục tăng vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo an toàn hoạt động và phát triển.

- Với các dự án lớn mà Công ty đã hết hạn mức cấp tín dụng đối với khách hàng, trong khi đó là những khách hàng tốt, có tiềm năng, Công ty có thể hợp tác đồng tài trợ với các Công ty CTTC khác. Việc đồng tài trợ này vừa giải quyết khó khăn về vốn, về hạn mức cấp tín dụng, đồng thời cũng hạn chế được rủi ro cho Công ty và cung cấp đầy đủ hơn các dịch vụ cho khách hàng.

- Công ty có thể nhận vốn ủy thác từ các Tổ chức tài chính quốc tế, Quỹ hỗ trợ phát triển của thế giới và trong khu vực tài trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam.

- Nhận tài trợ bằng tài sản của các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua phương thức cho thuê liên kết hay cho thuê giáp lưng…

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CHO THUÊ CỦA CÔNG TY CTTC NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM (Trang 92)