Kết quả các nghiên cứu trên cho thấy mô hình Logit phù hợp với nghiên cứu có biến phụ thuộc là nhị phân, đồng thời chứng minh được các yếu tố như kinh tế-xã hội, nhân khẩu học, thuộc tính sản phẩm và cảm nhận rủi ro, lợi ích của người tiêu dùng đối với sản phẩm là những yếu tố ảnh hưởng tới việc tiêu thụ và quyết định mua, trong đó các yếu tố đặc điểm nhân khẩu kinh tế-xã hội học chiếm vị trí quan trọng. Với mục đích là tìm hiểu người tiêu dùng có mua thịt gà hay không, mô hình logit được xem là phù hợp để xác định câu trả lời cho vấn đề này. Quyết định của người tiêu dùng được phân tích thông qua ba nhóm yếu tố ảnh hưởng, bao gồm: nhóm các yếu tố liên quan đến thuộc tính sản phẩm, nhóm các yếu tố thuộc cảm nhận của người tiêu dùng về một số vấn đề liên quan đến sản phẩm và nhóm các yếu tố nhân khẩu, kinh tế-xã hội học (hình 2.5). Những nhóm yếu tố này đã được một số tác giả nghiên cứu và kiểm định qua các nghiên cứu ở nhiều địa phương và nhiều dạng thực phẩm khác nhau. Cụ thể trong nghiên cứu này, bên cạnh việc tham khảo cơ sở lý thuyết về hành vi người tiêu dùng, tác giả xây dựng mô hình dựa trên các kết quả trong nghiên cứu của Hoang and Nakayasu (2006) và nghiên cứu của Abdullahi et al. (2011).
Tóm lại, chương 2 đã trình bày một số lý thuyết về thái độ và hành vi người tiêu dùng nói chung cũng như các yếu tố tác động đến quyết định mua của người tiêu dùng. Qua lý thuyết và một số nghiên cứu của các tác giả trước đây, điểm chung trong kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố tác động đến thái độ và hành vi người tiêu dùng đối với thực phẩm an toàn nói chung và thịt gà nói riêng bao gồm: các yếu tố kinh tế - xã hội, nhân khẩu học như độ tuổi, giới tính, thu nhập, số trẻ em trong gia đình, qui mô hộ gia đình; các yếu tố về thái độ, cảm nhận của người tiêu dùng về lợi ích, rủi ro đối với sức khỏe, các yếu tố thuộc kênh phân phối và đặc điểm của sản phẩm như sự sẵn có, hình thức cảm quan. Về phương pháp nghiên
cứu, mô hình logit chứng tỏ sự phù hợp trong nghiên cứu có biến phụ thuộc là biến nhị phân.
Học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, tôi đã sử dụng mô hình logit trong đề tài nghiên cứu của mình cùng với các biến phụ thuộc và độc lập được nêu chi tiết trong chương 3.
Hình 2.5. Mô hình nghiên cứu Các yếu tố nhân khẩu, kinh tế-xã hội học -Giới tính -Tuổi -Trình độ học vấn -Thu nhập -Tình trạng việc làm -Tình trạng hôn nhân -Số nhân khẩu trong hộ -Số trẻ em dưới 14 tuổi Quyết định chọn mua thịt gà an toàn Cảm nhận về rủi ro-lợi ích - Rủi ro về bệnh dịch - An toàn cho sức khỏe Các yếu tố về phân phối và thuộc tính sản phẩm -Sự sẵn có -Giá cả
-Chất lượng (tươi, vệ sinh) -Truy nguyên nguồn gốc
CHƯƠNG 3. THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU
Chương trước đã giới thiệu các lý thuyết và một số nghiên cứu liên quan đến đề tài, đồng thời đưa ra mô hình nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua của người tiêu dùng đối với thịt gà an toàn. Trong chương này, mô hình nghiên cứu trên sẽ được phát triển chi tiết với các biến liên quan, cùng với các phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu nhằm kiểm định sự phù hợp của mô hình và giả thuyết đề ra.