Các phương pháp điều trị cụ thể

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình sử dụng thuốc chống trầm cảm trên bệnh nhân trầm cảm tại viện sức khỏe tâm thần ở bệnh viện bạch mai (Trang 27)

Liệu pháp hóa dược: Sử dụng các thuốc chống trầm cảm nhằm kiểm soát các các triệu chứng của bệnh. Thuốc thường có tác dụng sau 2-4 tuần, và cho tác dụng đầy đủ sau 6-12 tuần [18],[64].

Liệu pháp tâm lý: Được áp dụng cho tất cả các bệnh nhân rối loạn trầm cảm nhưng chú trọng hơn với các bệnh nhân trầm cảm nhẹ khi bệnh không cần điều trị bằng các liệu pháp hóa dược hoặc các liệu pháp khác. Có 3 liệu pháp tâm lý được kiểm chứng hiệu quả nhiều trên lâm sàng thường được sử dụng trong điều trị trầm cảm là:

+ Liệu pháp nhận thức hành vi + Liệu pháp tâm lý động lực + Liệu pháp giữa cá nhân

Ngoài những liệu pháp tâm lý kể trên, còn có một số phương pháp khác được sử dụng với mục đích phối hợp điều trị hoặc hỗ trợ điều trị trầm cảm như: Liệu pháp tâm lý nhóm, liệu pháp gia đình, liệu pháp thư giãn luyện tập, liệu pháp giải mẫn cảm bằng vận động nhãn cầu, liệu pháp âm nhạc, vẽ, lao động liệu pháp [20]. Với phụ nữ có thai và cho con bú, khuyến cáo chỉ sử dụng liệu pháp tâm lý trong điều trị.

Kết hợp liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc chống trầm cảm: Chủ yếu sử dụng cho bệnh nhân có rối loạn trầm cảm vừa và nặng. Ngoài ra việc kết hợp này cũng hữu ích đối với những bệnh nhân nhẹ hơn có vấn đề tâm lý xã hội, xung đột tâm lý nội bộ [18].

Liệu pháp sốc điện (ETC): Là phương pháp cho dòng điện phóng qua não trong một khoảng thời gian ngắn nhằm gây ra các cơn co giật kiểu động kinh, giúp cải thiện trạng thái tâm thần. Liệu pháp sốc điện được khuyến cáo chủ yếu cho bệnh nhân có rối loạn trầm cảm nặng, không đáp ứng với điều trị tâm lý hay hóa dược, bệnh nhân có ý tưởng hay hành vi tự sát [64],[65].

Liệu pháp kích thích từ xuyên sọ (TMS): Từ tháng 10 năm 2008, FDA của Mỹ chính thức chấp thuận TMS được chỉ định để điều trị các rối loạn trầm cảm điển

hình [64]. TMS là tạo ra một từ trường cường độ cao xuyên sọ trong một thời gian ngắn thông qua một cuộn dây đặt trên da đầu. Từ trường mạnh sẽ đi xuyên qua hộp sọ và sau đó chuyển đổi thành một điện trường trong não. Đây là một kích thích não bộ thông qua da đầu không gây xâm lấn và không gây kích thích bề mặt [60].

Liệu pháp kích thích thần kinh phế vị (VNS): Từ tháng 7/2005, cục quản lý thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ đã chấp nhận VNS trong điều trị trầm cảm mạn tính hoặc trầm cảm kháng trị [88]. VNS là phương pháp sử dụng một thiết bị chạy bằng pin cấy vào trong cơ thể. Thiết bị này sẽ được nối với dây thần kinh phế vị tại vùng cổ và tạo nhịp liên tục 30 giây mỗi 5 phút. Thiết bị này thường được giữ trong cơ thể 10 tuần hoặc lâu hơn. VNS chủ yếu được sử dụng trên các bệnh nhân bị động kinh và bệnh nhân bị trầm cảm kháng trị [34].

Một số chọn lựa điều trị khác [25] - Trị liệu ánh sáng

- Liệu pháp gây mất ngủ

- Các thuốc chống động kinh mới

- Thuốc giảm viêm: dựa trên mối liên hệ giữa viêm và trầm cảm [63].

Trên thực tế lâm sàng, liệu pháp hóa dược vẫn được coi là quan trọng nhất và là nền tảng trong điều trị trầm cảm.

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình sử dụng thuốc chống trầm cảm trên bệnh nhân trầm cảm tại viện sức khỏe tâm thần ở bệnh viện bạch mai (Trang 27)