Các biến cố bất lợi ghi nhận trên lâm sàng

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình sử dụng thuốc chống trầm cảm trên bệnh nhân trầm cảm tại viện sức khỏe tâm thần ở bệnh viện bạch mai (Trang 75)

Các biến cố ghi nhận trên triệu chứng

Kết quả nghiên cứu tiến cứu, phỏng vấn trực tiếp bệnh nhân của chúng tôi cho thấy biến cố bất lợi trên cholinergic hay gặp nhất trên nhóm bệnh nhân nghiên cứu: khô miệng (17,26%), táo bón (18,46%), nhìn mờ (7,69%). Tiếp đến hay gặp các biến cố trên thần kinh, ức chế tái hấp thu serotonin: đau đầu (15,38%), bồn chồn (12,31%).

Theo nghiên cứu của Nguyễn Thành Hải (2007), phần lớn các ADR là biểu hiện tác dụng kháng cholinergic như hạ huyết áp tư thế, mạch nhanh, táo bón, khô miệng, mờ mắt. Theo kết quả nghiên cứu của Tô Thanh Phương (2005) tại bệnh viện tâm thần trung ương 1 trên 101 bệnh nhân có 49 bệnh nhân gặp ADR, chiếm 48,5% [12].

Một trong các biến cố khác của các thuốc chống trầm cảm là an thần quá mức (ngủ gà, lơ mơ). Theo nghiên cứu của Nguyễn Thành Hải (2007), tỉ lệ an thần quá mức là tác dụng không mong muốn chiếm tỉ lệ cao nhất mà amitriptylin gây ra (26,3%). Theo nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ bệnh nhân gặp an thần quá mức là 9,23%. Ngoài ra một vài biến cố khác được ghi nhận trên nhóm bệnh nhân nghiên cứu như buồn nôn (13,85%), hạ huyết áp tư thế (9,23%), tiêu chảy (4,62%).

Nhiều tài liệu đã chỉ ra rằng, tác dụng phụ hay gặp nhất trên nhóm bệnh nhân sử dụng chống trầm cảm ba vòng là kháng cholinergic và an thần quá mức. Trên nhóm bệnh nhân sử dụng SSRI, tác dụng phụ hay gặp là buồn nôn, nôn, an thần, giảm chức năng tình dục [51],[42].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, biến cố bất lợi trên cholinergic và an thần quan sát được nhiều nhất trên nhóm bệnh nhân sử dụng amitriptylin (khô miệng

gặp 9/15 bệnh nhân, táo bón là 6/15 bệnh nhân và an thần là 3/15 bệnh nhân). Trên bệnh nhân sử dụng mirtazapin, hay gặp là bồn chồn, khô miệng, đau đầu với tỉ lệ gặp 3/31 bệnh nhân. Trên nhóm bệnh nhân sử dụng sertralin, quan sát biến cố bất lợi hay gặp nhất là đau đầu, bồn chồn với tỉ lệ 4/32 bệnh nhân, buồn nôn là 3/32 bệnh nhân. Tuy nhiên trong mẫu nghiên cứu, ngoài các thuốc chống trầm cảm, bệnh nhân còn sử dụng nhiều thuốc dùng kèm trong điều trị hỗ trợ các triệu chứng tâm thần. Nghiên cứu của chúng tôi lại chỉ mang tính chất quan sát nên các kết quả chỉ mang tính mô tả, ghi nhận lại biến cố bất lợi, chưa thể kết luận được chính xác thuốc gây ra các biến cố bất lợi trên.

Biến cố ghi nhận trên cân nặng

Theo nghiên cứu của chúng tôi trên toàn bộ bệnh nhân, cân nặng trung bình tăng 1,86±1,40 kg. Có 12 bệnh nhân có mức tăng trọng >7%, chiếm 18,46%.

Theo nghiên cứu của Nguyễn Thành Hải [9], mức tăng trọng lượng trung bình của nhóm sử dụng amitriptylin là 2,74±2,13 kg và mức tăng trọng lượng trung bình của nhóm sử dụng mirtazapin là 2,56±2,40kg sau 8 tuần điều trị.

Nghiên cứu của Robert Dent và các cộng sự tại Canada (2012) cho thấy mối liên quan giữa tăng cân và việc sử dụng các thuốc điều trị tâm thần, bao gồm các an thần kinh, chỉnh khí sắc, chống trầm cảm [77].

Trên một nghiên cứu khác cho thấy mức tăng trọng lượng của nhóm bệnh nhân điều trị bằng chống trầm cảm ba vòng là 0,57-1,37 kg/tháng. Sau quá trình điều trị trên bệnh nhân sử dụng SSRI, mức tăng trọng lượng cơ thể ≥7% gặp phải là 25,5% với nhóm bệnh nhân sử dụng paroxetin; 6,8% với bệnh nhân sử dụng fluoxetin và 4,2% với bệnh nhân sử dụng sertralin [61]. Mirtazapin được cho là có mức tăng trọng lượng cơ thể cao hơn so với sertralin, paroxetin, venlafaxin, với mức tăng 0,8-3,0 kg sau 6-8 tuần [42]. Sự tăng trọng lượng này có thể là do tác dụng chẹn thụ thể histamin H1 của mirtazapin [61].

Tỉ lệ bệnh nhân có chỉ số BMI trong giới hạn bình thường tăng từ 69,23% lên 70,77%, bệnh nhân thừa cân tăng từ 9,23% lên 12,31% và bệnh nhân béo độ I tăng từ 4,62% lên 6,15%.

gặp trên bệnh nhân trầm cảm. Biến cố này đôi khi trở nên có lợi trên bệnh nhân, khiến bệnh nhân tin tưởng vào điều trị và tự tin trở lại. Tuy nhiên đối với bệnh nhân thừa cân phải lưu ý biến cố bất lợi trên cân nặng, do có thể dẫn đến các bệnh lý liên quan khác do béo phì như tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp.

Mức thay đổi chỉ sốALAT trên bệnh nhân

Trên 42 bệnh nhân có thực hiện xét nghiệm đánh giá chức năng gan thông qua chỉ số ALAT, kết quả cho thấy sau quá trình điều trị có 3 bệnh nhân (chiếm 8,11%) có chỉ số ALAT cao hơn mức bình thường 3 lần trong tổng số 37 bệnh nhân có chỉ số ALAT trước khi điều trị trong giới hạn bình thường. Có 2 bệnh nhân có chỉ số ALAT trước điều trị nhỏ hơn 3 lần giới hạn bình thường và sau điều trị, chỉ số này tăng cao quá 3 lần giới hạn bình thường.

Một nghiên cứu tổng kết về ảnh hưởng của thuốc chống trầm cảm lên chức năng gan của bệnh nhân [89] cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân có chỉ số ALT tăng cao quá 3 lần giới hạn bình thường trên nhóm bệnh nhân sử dụng sertralin là 0,5-1,3% và trên nhóm bệnh nhân sử dụng mirtazapin là 2%.

Như vậy đã có những ghi nhận về ảnh hưởng chức năng gan trên bệnh nhân trong quá trình sử dụng thuốc chống trầm cảm. Tuy không có bệnh nhân nào có biểu hiện về triệu chứng trên lâm sàng như vàng da, vàng mắt hoặc ảnh hưởng đến tình trạng bệnh lý, nhưng vẫn cần phải theo dõi và giám sát chặt chẽ trong quá trình điều trị.

Các yếu tố nguy cơ gây tổn thương chức năng gan của các thuốc chống trầm cảm còn ít được biết đến. Các thuốc khi sử dụng kết hợp cùng tác động lên isoenzym của cytocrom P450 có thể gây tổn thương chức năng gan [89].

Trên thực tế lâm sàng, các bác sĩ còn ít chú ý đến chức năng gan của bệnh nhân trong quá trình dùng thuốc. Đối với thuốc chống trầm cảm có nghi ngờ cao gây suy giảm chức năng gan cần thận trọng khi sử dụng trên bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính, bệnh nhân có tiền sử sử dụng rượu. Mặc dù không có nghiên cứu nào cho thấy mối liên quan rõ ràng giữa liều của thuốc chống trầm cảm và tác dụng phụ gây suy giảm chức năng gan trên bệnh nhân,

nhưng các nghiên cứu đều đưara khuyến cáo nên giảm liều trên những thuốc có nguy cơ cao gây ra suy giảm chức năng gan.

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình sử dụng thuốc chống trầm cảm trên bệnh nhân trầm cảm tại viện sức khỏe tâm thần ở bệnh viện bạch mai (Trang 75)