2.4.7.1. Xây dựng nguồn nhân lực
Hiện nay, nguồn nhân lực làm công tác quản lý môi trường ở Việt Nam mặc dù vẫn tăng qua các năm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Ở cấp Trung ương, việc thiếu nhân lực làm công tác quản lý môi trường nói chung, quản lý môi trường nước ở cấp LVS nói riêng là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả quản lý môi trường nước.
Ở cấp địa phương, phổ biến là thiếu nhân lực, năng lực chuyên môn, kỹ năng quản lý chưa được đáp ứng yêu cầu. Chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, thiếu các cơ quan chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật. Ở cấp huyện, thiếu về số lượng, hầu hết làm công tác kiêm nhiệm. Điều này làm giảm hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về môi trường. Ở cấp xã, nhiệm vụ quản lý TN&MT nói chung chưa được phân cấp cụ thể. Tuy đều có cán bộ địa chính thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai nhưng nhiệm vụ quản lý môi trường lại chưa được triển khai.
Đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực quản lý môi trường nước ở nước ta trong thời gian qua chủ yếu tập trung cho khai thác, sử dụng. Đối với công tác quản lý, mức độ đầu tư còn thấp xa so với yêu cầu, khối lượng nhiệm vụ quản lý đặt ra. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý môi trường LVS nói riêng giữa các tỉnh cũng không đồng đều. Chính vì vậy, việc xây dựng nguồn nhân lực về công tác quản lý môi trường LVS ở các tỉnh đang ngày được quan tâm và chú trọng hơn. (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012).
2.4.7.2. Nguồn lực tài chính
Trong những năm qua, nguồn tài chính đầu tư cho công tác quản lý và BVMT nước nói chung, LVS nói riêng đã được đa dạng hóa, bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước, tài trợ quốc tế… Tuy nhiên, nguồn kinh phí chủ yếu vẫn tập trung vào nguồn ngân sách nhà nước.
Nguồn chi cho quản lý và BVMT nước nói chung, BVMT LVS nói riêng, chức năng quản lý và BVMT nước liên quan đến nhiều Bộ ngành khác nhau, do đó các khoản chi cũng được phân bố theo chức năng tương ứng của Bộ. Tuy nhiên, khoản chi này chủ yếu nằm trong ngân sách của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT (đối với cấp Trung ương) và Sở TN&MT, Sở NN&PTNT (đối với cấp địa phương).
Một vấn đề cũng đang phải đối mặt hiện nay đó là hiệu quả sử dụng vốn còn hạn chế, đầu tư còn trùng lặp, vấn đề đầu tư trọng điểm chưa thực sự phát huy hiệu quả.