Trong những năm qua, công tác quản lý và BVMT nước mặt luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như Luật BVMT 2005, Luật tài nguyên nước năm 1998 (sửa đổi năm 2012), Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, năm 2006, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020.
Ngoài các chính sách, chiến lược nêu trên Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản khác có liên quan, như Nghị định số Nghị định số 179/1999/NĐ- CP về phí BVMT đối với nước thải; Nghị định số 149/2004/NĐ-CP về cấp giấy phép, thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả thải nguồn nước.
Bộ TN&MT cũng đã ban hành các Thông tư hướng dẫn, quy định đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác sử dụng nước, xả nước thải và khả năng tiếp nhận
nước thải của nguồn nước…; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ công tác quản lý, bảo vệ môi trường nước.
Mặc dù Luật BVMT đã quy định khá đầy đủ cách tiếp cận kiểm soát ô nhiễm và hệ thống liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước. Tuy nhiên, các văn bản dưới Luật phần lớn lại chỉ tập trung cách tiếp cận bằng ĐTM, thanh tra môi trường, xử phạt hành chính… Trong khi đó, Luật cũng chưa quy định cụ thể về quản lý LVS, chưa quy định nguyên tắc, nội dung quản lý tổng hợp LVS… Cho đến nay, hệ thống chính sách, văn bản pháp quy liên quan đến bảo vệ chất lượng nước ở LVS còn thiếu và chưa đồng bộ. Do việc xây dựng quy hoạch BVMT cho các LVS vẫn chưa được ban hành. Vì vậy, việc triển khai thực hiện công tác quản lý tổng hợp LVS trên thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012).