5. KẾT CẤU CỦA ĐỀ TÀI
3.2.3.1. Xây dựng mô hình quản trị rủi ro tín dụng từ những ứng dụng
nguyên tắc BASEL về quản lý nợ xấu
Ngành Ngân hàng Việt Nam đang ở chặng đường của sự phát triển, cần có nhiều đổi mới và phát triển để đạt được những chuẩn mực quốc tế về hoạt động Ngân hàng. Nghiên cứu và ứng dụng có chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động kinh doanh Ngân hàng là con đường ngắn nhất để thực hiện mục tiêu này. Nguyên tắc Basel về quản lý nợ xấu có thể xem là một trong những cơ sở nền tảng khi xây dựng mô hình quản trị rủi ro tín dụng tại Việt Nam để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả và phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trong xây dựng mô hình quản lý rủi ro tín dụng nguyên tắc Basel có một số điểm cơ bản:
- Phân tách bộ máy cấp tín dụng theo các bộ phận tiếp thị, bộ phận phân tích tín dụng và bộ phận phê duyệt tín dụng cũng như trách nhiệm rạch ròi của các bộ phận tham gia.
- Nâng cao năng lực của cán bộ quản lý rủi ro tín dụng.
- Xây dựng một hệ thống quản lý và cập nhật thông tin hiệu quả để duy trì một quá trình đo lường, theo dõi tín dụng thích hợp, đáp ứng yêu cầu thẩm định và quản lý rủi ro tín dụng.
Những ứng dụng của nguyên tắc Basel về quản lý nợ xấu trong vệc xây dựng mô hình quản trị rủi ro tín dụng tại Việt Nam.
Trên cơ sở những nguyên tắc Basel về quản lý nợ xấu và đặc thù hoạt động Ngân hàng tại Việt Nam, các NHTM Việt Nam có thể áp dụng trong xây dựng mô hình quản trị rủi ro tín dụng như:
- Thực hiện phân tách chức năng bán hàng, chức năng thẩm định, quản lý rủi ro tín dụng và chức năng quản lý nợ trong hoạt động cấp tín dụng cho các doanh nghiệp. Theo đó toàn bộ việc xây dựng giới hạn tín dụng trên cơ sở xác định rủi ro tổng thể (thông qua thực hiện xếp hạng tín dụng, phân tích ngành, khả năng phát triển của khách hàng trong tương lai…
- Phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm pháp lý của bộ phận quan hệ khách hàng, quản lý rủi ro tín dụng và quản lý nợ. Sự rạch ròi trong phân định trách nhiệm sẽ đảm bảo tính công bằng trong đánh giá chất lượng công việc, là điều kiện để quá trình xử lý các dấu hiệu rủi ro tín dụng được nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời cũng như tạo sự yên tâm trong suy nghĩ, hành động của cán bộ các bộ phận.
- Tiêu chuẩn hóa cán bộ theo dõi tín dụng để đáp ứng các yêu cầu của nguyên tắc Basel. Theo đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý rủi ro tín dụng có kinh nghiệm, có kiến thức và khả năng nhanh nhạy khi xem xét, đánh giá các đề xuất tín dụng.
- Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả, đảm bảo sự liên lạc thường xuyên, liên tục và cập nhật kịp thời các thông tin trọng yếu giữa các bộ phận chức năng trong hoạt động cấp tín dụng.
- Nâng cao tính thực tiễn và khả năng đánh giá chính xác của hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, thực hiện xếp hạng theo định kỳ và duy trì một cách liên tục làm cơ sở trong xây dựng chính sách khách hàng về giới hạn tín dụng, áp dụng hình thức bảo đảm tiền vay thích hợp, các định hướng tín dụng với từng khách hàng.
3.2.3.2. Xây dựng Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của Ngân hàng để nâng cao hiệu quả thu hồi nợ
Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản có khả năng làm lành mạnh và minh bạch hóa tài chính của Ngân hàng, đảm bảo kinh doanh an toàn và bền vững, tránh tình trạng nợ tồn đọng không được xử lý dứt điểm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả cũng như tính an toàn trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của Ngân hàng cần phải được tập trung vào các hoạt động:
Tiếp nhận tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh của những khoản nợ khó đòi thuộc hệ thống Ngân hàng để quản lý, khai thác; phát mại, bán đấu giá tài sản theo hình thức thu tiền một lần, thu tiền nhiều lần; cho thuê tài sản; góp vốn mua cổ phần của các Doanh nghiệp khác bằng các tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh đã được giao cho Công ty quản lý khai thác; đầu tư, cải tạo để nâng cấp thay đổi công năng tài sản phù hợp với các mục đích và yêu cầu sử dụng tài sản.
Tiếp nhận, quản lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản bảo đảm nợ vay liên quan đến các khoản nợ để xử lý, thu hồi vốn nhanh nhất; hoàn thiện hồ sơ có liên quan đến các khoản nợ theo quy định của pháp luật; được quyền chủ động xử lý các tài sản bảo đảm nợ vay kể cả tài sản là bất động sản thuộc quyền định đoạt của Ngân hàng theo các hình thức: tự tổ chức bán công khai trên thị trường, bán qua trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, bán cho công ty mua bán nợ của Nhà nước theo quy chế mua, bán nợ; cơ cấu lại nợ tồn đọng; xử lý tài sản bảo đảm nợ vay.
Tư vấn trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản, xác định nguyên nhân phát sinh nợ quá hạn cho các tổ chức tín dụng. Thực hiện dịch vụ quản lý nợ và xử lý nợ cho các TCTD, các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản khác… Và thực hiện các hoạt động khác theo sự ủy quyền của Ngân hàng sở hữu.