Giấy phép môi trường

Một phần của tài liệu Pháp luật về các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay (Trang 87)

Nhiều nước trên thế giới như ở Mỹ, Anh và các nước là thành viên của OECD như Canada, Thụy Điển còn áp dụng hình thức "Giấy phép môi trường",

đây là loại Giấy phép thường được áp dụng cho các tài nguyên môi trường mà khó có thể quy định quyền sở hữu và vì thế thường bị sử dụng bừa bãi như không khí, đại dương. Theo đó, các nước này cho phép các doanh nghiệp có giấy phép có thể chuyển nhượng cho nhau một phần hoặc toàn bộ khả năng khai thác, sử dụng và xả thải vào môi trường mà trong Giấy phép quy định cho một hoặc nhiều doanh nghiệp khác để khai thác, sử dụng và xả thải vào môi trường (còn được gọi là quota xả thải, và quota này có thể mua bán được - Tradeable Emission Permit). Nguyên lý cơ bản của của thị trường giấy phép (quota) xả thải này là việc đặt ra giới hạn tối đa về lượng khí thải hoặc chất thải nào đó ở mức thống nhất với chỉ tiêu môi trường tại một vùng hay khu vực cụ thể. Một khi tổng lượng thải thải cho phép thấp hơn lượng thải mà các đơn vị hoạt động trong vùng muốn thải thì sẽ tạo nên sự khan hiếm về quyền được thải và làm cho nó có giá ở trên thị trường.

Để thực hiện được công cụ này, thì Nhà nước phải xác định được mức sử dụng môi trường có thể chấp nhận được trong một khu vực nhất định và trên cơ sở đó sẽ phát hành giấy phép. Việc này không đơn giản và đòi hỏi chi phí thực hiện khá lớn. Sau khi quy định được giới hạn mức thải trong vùng, có thể cấp giấy phép xả thải cho doanh nghiệp nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định của vùng đó (ví dụ cho phép Uỷ ban nhân dân các Tỉnh được quy định) hoặc có thể tổ chức bán đấu giá lượng xả thải này. Việc quy định như trên, sẽ kiểm soát được ô nhiễm môi trường trong vùng. Nếu bất cứ một doanh nghiệp nào muốn xả thải, thì chỉ được xả trong giới hạn cho phép của Giấy phép, nếu xả hơn một lượng tương tự với chất gây ô nhiễm tương tự thì buộc phải đi mua từ các doanh nghiệp vẫn còn lượng cho phép được xả thải được ghi nhận trong Giấy phép.

Nếu quy định được như trên, sẽ rất lợi cho các nhà đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo. Vì đa phần, các dự án sử dụng năng lượng tái tạo đều là các dự án có nguồn sản phẩm thân thiệt với môi trường, lượng xả thải của các doanh nghiệp, nhà máy này là thấp, do đó các doanh nghiệp này có thể bán lại khả năng xả thải của mình cho một doanh nghiệp khác trong vùng có cùng thành tố xả thải ra môi trường (như C02, SO2...). Nếu thị trường này phát triển, thì các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo, sẽ có cơ chế tài chính để bù trừ được khả năng vay nợ ngân hàng hoặc thu hồi vốn đầu tư nhanh, đồng thời khuyến khích được nhà đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu Pháp luật về các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay (Trang 87)