ngoài đã được cấp phép và hoạt động
Mục đích kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động doanh nghiệp FDI, nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về quản lý doanh nghiệp, dự án đầu tư nước ngoài, bảo đảm quá trình đầu tư của dự án được tuân thủ theo các quy định về quản lý đầu tư, qua đó nhằm đảm bảo mục tiêu và hiệu quả xã hội của dự án.
Ngoài việc thẩm tra để sàng lọc bớt các nhà đầu tư thiếu năng lực là cần thiết nhưng để quản lý các dự án đầu tư FDI hiệu quả, khâu hậu kiểm sau cấp phép là quan trọng nhất. Đặc biệt, trong thời gian tới cần theo hướng xử lý mạnh tay hơn với các hành vi sai phạm; đồng thời cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan quản lý địa phương sở tại trong hoạt động giám sát các dự án đầu tư nước ngoài. Theo Giáo sư Nguyễn Mại, quy định hậu kiểm như vậy được ban hành sẽ có tác dụng răn đe, loại bỏ các nhà đầu tư có ý định trục lợi từ Luật Đầu tư quá thông thoáng của Việt Nam; đồng thời giúp nguồn vốn FDI phát huy hiệu quả thực sự cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam [34].
Đối với một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp đóng cửa để lại khoản nợ lớn, các ngành chức năng cần rà soát, điều
chỉnh quy hoạch chi tiết, nâng cao hiệu quả sử dụng đất công nghiệp, phát triển quỹ đất dịch vụ, nhà ở công nhân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động. Bên cạnh đó, tăng cường thu tiền thuê đất của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư còn đang nợ đọng; huy động nhiều nguồn vốn để tập trung xây dựng các hạng mục công trình, làm tới đâu dứt điểm tới đó. Tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư trong việc cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư; nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo nguyên tắc tuân thủ tổng thể phát triển các vùng kinh tế xã hội, quy trình, thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư đã được cấp phép vào những lĩnh vực đang được khuyến khích như: công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp công nghệ cao… Nhưng thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa có quy định về cơ chế ưu đãi chung hoặc quy định được xem xét cơ chế ưu đãi đặc thù, Sở KH&ĐT và Ban Quản lý các KCN cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp để tiến hành thủ tục điều chỉnh bổ sung ưu đãi cho dự án. Đối với các dự án thuộc diện được xem xét cơ chế ưu đãi đặc thù, cần nghiên cứu lựa chọn những dự án có suất đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng ít diện tích đất, có số nộp ngân sách lớn, phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất cơ chế ưu đãi đặc thù trình Uỷ ban nhân dân tỉnh để trình Chính phủ phê duyệt.
Sở KH&ĐT và các Ban, ngành liên quan có thể tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất hoặc kiểm tra chuyên ngành đối với các dự án đầu tư. Phương thức kiểm tra có thể thông qua báo cáo bằng văn bản, làm việc trực tiếp hay tổ chức đoàn kiểm tra, đoàn công tác… Quy định này là tương đối hợp lý, có thể đảm bảo việc quản lý sát sao của nhà nước đối với các dự án đầu tư, đặc biệt nó tạo ra một cơ chế rõ ràng cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức kiểm tra đột xuất các dự án nếu có vấn đề phát sinh.
Về nội dung kiểm tra, Sở KH&ĐT và các đơn vị liên quan có thể kiểm tra về việc cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư; việc ban hành và
thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn theo thẩm quyền; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; sự phù hợp của chính sách với điều kiện kinh tế - xã hội; việc tuân thủ các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển; công tác xây dựng quy hoạch; công tác thu hút vốn đầu tư; việc quy định ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài.
Trong đó, đối với các doanh nghiệp FDI, việc kiểm tra có thể được tiến hành với các nội dung như việc thực hiện các mục tiêu quy định tại giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; tiến độ góp vốn điều lệ/vốn đầu tư; tiến độ triển khai dự án; việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động; chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động; việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; tình hình thuê đất và sử dụng đất và các nội dung khác.
Đối với các doanh nghiệp FDI đang hoạt động cần tiếp tục tăng cường giám sát, theo dõi một cách thường xuyên, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động đúng quy định của pháp luật, đúng mục đích; phát hiện và ngăn chặn kịp thời những vi phạm quy định trong giấy phép đầu tư, quy định của tỉnh và pháp luật Nhà nước
Tại Phú Thọ, mặc dù có đình công ở một số công ty (chủ yếu là ở Pangrim Neotec) nhưng chỉ diễn ra quy mô nhỏ và thời gian ngắn, song qua bài học của các tỉnh như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Phú Thọ đã rút kinh nghiệm chú trọng hơn nữa vào các hoạt động quản lý, hoạt động Đảng, Đoàn thể trong các doanh nghiệp FDI. Nó không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của công nhân mà còn giúp đấu tranh chống lại những sai trái của chủ đầu tư, làm lành mạnh môi trường đầu tư trong tỉnh.