Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 1954)

Một phần của tài liệu Trách nhiệm pháp lý của đối tượng nộp thuế đối với các hành vi vi phạm pháp luật hải quan về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Trang 35)

Lịch sử phát triển của ngành Hải quan Việt Nam cũng như pháp luật về thuế quan gắn liền với sự hình thành và phát triển của chính quyền cách mạng ở nước ta. Mỗi thời kỳ phát triển của đất nước đều có những yêu cầu đặc biệt đối với nhu cầu quản lý về hoạt động xuất nhập khẩu để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ đất nước của thời kỳ đó. Lịch sử pháp luật về thuế quan hiện đại được bắt đầu ngay sau Cách mạng Tháng tám với Sắc lệnh số 27/SL ngày 10/9/1945 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa ký, thành lập "Sở thuế quan và thuế gián thu" - tiền thân của Tổng Cục Hải quan hiện nay. Với nhiệm vụ chính là xây dựng chính sách và tổ chức chỉ đạo quản lý việc thu các loại thuế xuất nhập cảng, các loại thuế gián thu, đồng thời đảm nhận công việc của “Sở Tổng thanh tra độc quyền muối và thuốc phiện” và các sở thương chính Bắc, Trung, Nam Bộ. Ở mỗi Kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) có “Sở Thuế quan”, ở mỗi tỉnh có “Sở Chánh thu thuế quan”; dưới Sở Chánh thu là “Sở Tiểu thu” phụ trách các đồng muối. Ở Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn có “Sở Tổng thu” tập trung các khoản thu của mỗi

29

kỳ. Riêng ở ba tỉnh, thành này có thanh tra thường trú phụ trách thu thuế xuất nhập cảng.

Có thể coi đây là một văn bản pháp lý quan trọng, không chỉ là mốc đánh dấu cho sự ra đời của thuế quan mà còn cả ngành thuế Việt Nam nói chung.

Ngay từ ngày đầu lập nước, Đảng và Nhà nước ta đã coi thuế quan là một nguồn thu quan trọng cho ngân sách quốc gia, hàng hóa xuất nhập cảng phải nộp thuế và vấn đề trách nhiệm của người nộp thuế cũng được quy định như trong Sắc lệnh số 158 về quyền định đoạt hòa giải đối với những vi phạm về thuế quan và thuế gián thu, ban hành ngày 20/8/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Những vụ vi phạm về luật thuế quan được quy định như sau:

“a) Các ông Giám đốc Thuế quan và Thuế gián thu địa phương có quyền định đoạt hòa giải - khi nào sự vi phạm không có tính cách quan trọng và người đương sự chỉ cần phải bị phạt chiếu lệ.

b) Khi nào số tiền phạt do luật lệ hiện hành ấn định hoặc do tòa án đã quyết định không quá 10.000đ. Nhưng nếu số tiền thuế mà vi phạm định trốn không quá 2.500đ, ông Giám đốc địa phương vẫn có thể định đoạt hòa giải mặc dầu số tiền phạt trên 10.000đ.

c) Ông Tổng Giám đốc có quyền hòa giải khi nào số tiền phạt không quá 40.000đ hoặc trên 40.000đ nếu số tiền thuế định trốn không hơn 10.000 đồng”.

Tuy nhiên, những năm đầu kháng chiến, nước ta bị bao vây, không có đường thông thương quốc tế, hoạt động ngoại thương không được duy trì một cách bình thường. Để phối hợp đánh địch trên các mặt trận, chủ trương lúc đó của Đảng và Nhà nước ta là “bao vây kinh tế địch”. Để thực hiện chủ trương đó, Sắc lệnh số 13/SL được ban hành ngày 3/2/1947 quy định "Trên toàn cõi

30

Việt Nam, mọi sự xuất cảng, nhập cảng các thứ hàng hóa đều cấm chỉ, việc xuất nhập mọi thứ hàng đều do Chính phủ đảm nhận". Ngay sau đó một tháng, ngày 16/3/1947, Chính phủ ban hành sắc lệnh 29B/SL sửa đổi, bổ sung một số điều của sắc lệnh 13/SL, vẫn quy định Chính phủ trực tiếp điều khiển hoạt động ngoại thương, nhưng các hàng hóa xuất nhập khẩu được chia thành 2 hạng. Hạng thứ nhất gồm những hàng hóa cấm chỉ xuất nhập cảng và những hàng hóa do Chính phủ trực tiếp đảm nhận việc xuất khẩu. Hạng hai là gồm những hàng hóa mà tư nhân được xuất nhập cảng dưới sự quản lý trực tiếp của chính phủ và nộp thuế.

Như vậy, vấn đề TNPL của đối tượng tham gia hoạt động xuất nhập khẩu đã được định hình. Tại Sắc lệnh số 222/SL ngày 20/8/1948 về việc truy tố những vụ phạm pháp về thể lệ mậu dịch giữa vùng tự do và vùng bị địch tạm chiếm quy định rõ hơn trách nhiệm với vi phạm, theo đó: “Các bị can đem xử trước tòa án thường sẽ phải phạt: từ ba tháng đến năm năm tù và phạt một số tiền không được dưới giá tổng số hàng lậu, hay một trong hai hình phạt đó. Các hàng hóa của bị can đều bị tịch thu và đem bán lấy tiền sung vào công quỹ".

Tóm lại, những đặc điểm của pháp luật về thuế quan ở thời kỳ này là: - Nhà nước ta đã sớm coi trọng vai trò của thuế quan, coi đó là một nguồn thu quan trọng của ngân sách quốc gia, coi việc quản lý nhà nước về thuế quan có ý nghĩa lớn trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, đấu tranh kinh tế với địch, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, do đó ngay sau khi cách mạng thành công đã ban hành các sắc lệnh thành lập “Sở thuế quan và gián thu” (ngày 29/5/1946 thì đổi thành “Nha thuế quan và thuế gián thu”, đến ngày 4/7/1951 được đổi thành “Cơ quan thuế xuất nhập khẩu”) tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và triển khai hoạt động quản lý nhà nước về thuế quan.

31

- Nhiệm vụ chính trị của việc quản lý nhà nước về HQ nói chung và thuế quan nói riêng luôn bám sát và phục vụ kịp thời nhiệm vụ của cách mạng, của đất nước qua từng thời kỳ: từ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong những năm đầu xây dựng chính quyền cách mạng, đến kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu, đấu tranh chống buôn lậu giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm, thực hiện chủ trương bao vây kinh tế với địch trong những năm kháng chiến.

- Mặc dù trong điều kiện kháng chiến, nhưng các chủ trương về quản lý xuất, nhập khẩu đều được thể chế hóa kịp thời, góp phần đưa các hoạt động xuất, nhập khẩu theo đúng định hướng, đúng quy chế của chính quyền cách mạng. Vấn đề TNPL của đối tượng nộp thuế cũng được quy định, tuy nhiên các văn bản này mới tồn tại dưới dạng Sắc lệnh, phục vụ yêu cầu trước mắt và nhanh chóng thay đổi theo yêu cầu của của mỗi thời kỳ kháng chiến.

- Trong thời kỳ này, việc áp dụng các hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế quan, buôn bán từ vùng tự do ra vùng tạm chiếm, vận chuyển hàng hóa theo quy định của thời chiến nên mang tính chất thời điểm.

Những bước đi đầu tiên này của quá trình xây dựng pháp luật về HQ nói chung và thuế quan nói riêng có một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển tiếp theo của ngành Hải quan và pháp luật về HQ ở nước ta, tạo ra những cơ sở, những tiền đề và nguyên tắc cho việc xây dựng các văn bản pháp quy về thuế quan trong thời kỳ sau này, mà nguyên tắc quan trọng nhất đã được chú ý ngay từ thời kỳ đầu tiên, đó là chính sách thuế quan phải phục vụ và bảo vệ sản xuất trong nước, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

2.1.2. Thời kỳ xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1954 - 1975)

Một phần của tài liệu Trách nhiệm pháp lý của đối tượng nộp thuế đối với các hành vi vi phạm pháp luật hải quan về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Trang 35)