1.1. Dự báo thị trường gạo thế giới trong tuơng lai và dự báo tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta năm 2010 vẫn là 6 triệu tấn như mức kỷ lục của năm 2009, nhưng kim ngạch sẽ tăng mạnh để đạt kỷ lục 3-3,2 tỉ USD. Điều này có nghĩa giá
gạo xuất khẩu sẽ dao động khoảng 500-533 USD/tấn, tăng 94,58-127,58 USD/tấn (23,33-31,47% so với năm 2009 là 405,42 USD).
Thay vì mức giá 583,4 USD/tấn đạt được trong năm 2009, mục tiêu hướng tới của Thái Lan trong năm 2010 là xuất khẩu với giá khoảng 556-578 USD/tấn, nghĩa là giảm 1-4,7%.
Thị trường xuất khẩu lúa gạo năm 2010 của Việt Nam được dự báo sẽ rất sáng sủa. Nhận định trên được dựa trên các nghiên cứu tổng quan về nhu cầu lương thực của thế giới tăng cao trong năm 2010. Mặc dù dự báo thị trường tốt, giá bán sẽ tăng, nhưng khó tăng đến mức cao như cơn sốt gạo hồi đầu năm 2008. Bởi theo tính toán, lượng gạo tồn kho của Việt Nam và Thái Lan – hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới còn nhiều. Vấn đề đặt ra là liệu các Doanh nghiệp có tận dụng được thời cơ này để nâng giá hạt gạo Việt Nam so với các nước xuất gạo trong khu vực.
Theo dự báo, năm 2010, nguồn cung trên thế giới bị thu hẹp khoảng 10 - 20 triệu tấn. Các nước xuất khẩu gạo như Philippines và Ấn Độ vừa qua bị bão và hạn hán nên ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lúa, nhu cầu nhập khẩu gạo của 2 nước này rất cao. Dự kiến Philippines sẽ nhập khẩu 3 - 4 triệu tấn trong năm tới. Nếu tình hình này kéo dài sẽ là cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Theo dự báo của USDA, tổng mức tiêu thụ gạo của thế giới đến năm 2010 là 439.324 ngàn tấn. Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ gạo bình quân năm 2010 là 0,9%/năm, trong đó số lượng gạo dùng làm thực phẩm là 399.023 ngàn tấn, sử dụng làm thực phẩm với mức độ tăng bình quân là 1%/năm.
Dự báo tiêu thụ gạo theo nhóm nước: tổng mức tiêu thụ của các nước đang phát triển sẽ tăng khoảng 1%/năm và tại các nước phát triển chỉ tăng 0,5%/năm. Dự báo tiêu thụ gạo theo mục đích sử dụng: tiêu dùng gạo như thực phẩm tại các nước đang phát triển sẽ tăng bình quân 1,1%/năm còn tại các nước phát triển là 0,3%/năm.
Nếu xét về cơ cấu tiêu thụ theo đầu người thì Myanmar có mức tiêu thụ theo đầu người cao nhất đạt 183,8kg/người/năm vào năm 2010, tiếp đến là Campuchia với 166kg/người/năm, thứ 3 là Indonesia là 158kg/người/năm.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA). Tới năm 2012, buôn bán gạo dự báo sẽ đạt trên 33 triệu tấn, tăng 25% so với mức kỷ lục đạt trong năm 1998.
Gạo hạt dài (Indica) sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng giao dịch gạo toàn cầu. Các nước nhập khẩu gạo chủ yếu là các nước Châu Á, Trung Đông, Cận Sahara Châu Phi và Mỹ La Tinh, trong đó phải kể đến Indonesia, Iran, Irắc, Philippin và Arập-xê-út sẽ vẫn là những nước nhập khẩu gạo hạt dài chủ yếu.
* Xuất khẩu:
Thái Lan và Việt Nam, hai nước đứng đầu về xuất khẩu gạo hạt dài, dự báo sẽ chiếm khoảng 44% trong tổng lượng gạo xuất khẩu toàn câù. Năng suất tăng trong khi mức tiêu thụ bình quân đầu người trên thị trường nội địa có xu hướng giảm đi sẽ tạo điều kiện tăng nguồn cung xuất khẩu của hai nước này.
Ấn Độ vẫn duy trì là nước xuất khẩu gạo lớn từ giữa thập niên 90 mặc dù gạo xuất khẩu của Ấn Độ chủ yếu là gạo hạt dài chất lượng thấp, gao cao cấp basmati chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu gạo của nước này.
Xuất khẩu gạo của Trung Quốc – nước đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gạo - chỉ tăng nhẹ trong những năm tới do Trung Quốc chuyển từ sản xuất gạo cấp thấp sang các loại gạo có chất lượng cao nhưng năng suất thấp để đáp ứng nhu cầu tăng lên về loại gạo này từ thị trường nội địa cũng như thị trường xuất khẩu.
1.2. Mục tiêu cần đạt được trong thời gian tới
Tăng lượng gạo xuất khẩu trên cơ sở vẫn phải đảm bảo lương thực quốc gia và có lãi cho người sản xuất và người xuất khẩu.
Mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời phải xây dựng được một hệ thống phân phối trên thị trường quốc tế. Cùng với việc thúc đẩy mở rộng thị trường là chú trọng chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam.
Nâng cao kim ngạch xuất khẩu trên cơ sở nâng cao giá gạo xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Để tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo thì ngoài việc tăng khối lượng hàng xuất, việc cải tiến chất lượng để tăng giá thành là vấn đề hết sức quan trọng.
Mở rộng mặt hàng xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, cải tiến mẫu mã, kết hợp các hình thức kinh doanh linh hoạt, tạo dựng và quảng bá thương hiệu và chất lượng gạo Việt Nam.
Phấn đấu đến hết năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 3-3,2 tỉ USD. Xuất khẩu 6,7 triệu tấn gạo.
Nâng mục tiêu tăng vọt giá gạo xuất khẩu của nước ta trong năm nay lên ngang ngửa với giá của Thái Lan (90-92%), trong khi năm 2009 chỉ bằng 69,45%.
Tận dụng ưu thế về giá nhân công, kỹ năng lao động và cải cách phương thức quản lý hạn ngạch, giảm thiểu thời gian chờ đợi của các đơn hàng quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo lợi thế lấn át các đối thủ cạnh tranh.