2. Thực trạng về xuất khẩu gạo
2.3.4.1. Kênh phân phối xuất khẩu và năng lực cạnh tranh xuất khẩu
Kênh phân phối gạo xuất khẩu của Việt Nam những năm qua bao gồm các tổ chức, tập thể và cá nhân tham gia vào việc đưa sản phẩm gạo từ người sản xuất đến cảng xuất khẩu Việt Nam như cảng Sài Gòn, Cần Thơ, Hải Phòng. Sản xuất lúa gạo ở Việt Nam theo mô hình lớn như trang trại và hợp tác xã vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng lúa gạo của cả nước, hộ nông dân vẫn đóng vai trò chủ yếu, điều này gây khó khăn trong việc cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp do quy mô nhỏ, gây ảnh hưởng đến cả chất lượng và tổn thất về số lượng. Chuyên đề đã nói đến sự yếu kém trong khâu phơi sấy do phụ thuộc vào thời tiết nắng, hay mưa. Hiện nay có những loại máy sấy chất lượng tốt, nhưng giá thành tương đối cao và chỉ phù hợp cho sản xuất quy mô lớn. Đối với nước ta, sản xuất theo hộ gia đình sẽ không phù hợp và gây sự lãng phí lớn do sử dụng không hết công suất. Loại máy này ở Việt Nam chưa xuất hiện nhiều. Ngược lại, ở các nước khác như ở Mỹ, các khâu sản xuất và sau thu hoạch chủ yếu do máy móc đảm nhận vì sản xuất trên quy mô lớn, chủ yếu là trang trại. Từ đó việc thu mua lúa gạo cũng dễ dàng hơn do lượng gạo tập trung nhiều một chỗ, tốn ít thời gian hơn, giảm được chi phí vận chuyển.
Từ năm 1989, sự độc quyền của Nhà nước trong khâu lưu thông đã được bãi bỏ và các thành phần kinh tế đều được tự do kinh doanh mua bán, vận chuyển lúa gạo từ hộ nông dân đến người tiêu dùng trong nước và nhà xuất khẩu. Trong đó khoảng 95% khối lượng gạo xay xát xuất khẩu do tư thương đảm nhiệm. Hiện nay riêng hai huyện Ô Môn và Thốt Nốt ở Cần Thơ đã có gần 300 Doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạt động thu mua lúa, xay xát, chế biến gạo xuất khẩu. Các Doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò điều tiết và hướng dẫn. Tuy nhiên, Doanh nghiệp Nhà nước và các tư thương chưa có sự phối hợp hài hoà trong dòng chảy lúa gạo từ người sản xuất đến người tiêu dùng trong nước và các nhà xuất khẩu, biểu hiện qua việc giữa tư thương với nhau, thậm chí kể cả các Doanh nghiệp quốc doanh cũng tranh mua, tranh bán và mạnh ai nấy làm vì chưa có quy định cụ thể về phạm vi hoạt động theo cấp làng, xã, huyện, tỉnh. Thông thường, vào kỳ thu hoạch rộ vụ đông xuân (tháng 3) và kéo dài suốt vụ hè thu (tháng 7, 8) thường xảy ra tình trạng cung vượt cầu về lúa hàng hoá. Vấn đề đặt ra là cần phải mua dự trữ hết lúa hàng hoá trong những tháng có thừa để điều hoà cho những tháng thiếu, thông qua đó
giải quyết xuất khẩu lượng gạo thừa so với nhu cầu nội địa sao cho hợp lý và có hiệu quả. Nhưng cho đến nay, hầu như các Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động xuất khẩu gạo luôn bị động trong việc huy động nguồn hàng do thường xuyên thiếu vốn dự trữ hay rơi vào tình trạng chờ tàu sắp sửa vào ăn hàng rồi mới đi mua gạo, nhiều khi tạo ra cảnh ùn tắc tàu ở cảng do giao hàng không kịp, giá gạo bị đẩy lên cao do tranh mua nhất thời giữa các nhà xuất khẩu hay do các nhà cung ứng ép giá mà chất lượng đôi khi không đản bảo. Thậm chí, có lúc lúa gạo trên thị trường thế giới đã giảm, nhưng giá gạo cung ứng xuất khẩu trên thị trường nội địa chưa giảm, dẫn đến giá gạo nội địa cao hơn giá xuất khẩu, gây khó khăn trong việc huy động nguồn hàng của các Doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Hơn nữa, việc điều tiết quản lý luồng hàng của Nhà nước chưa tốt, nên thường xuyên xảy ra tình trạng xuất khẩu lậu qua biên giới với quy mô hàng trăm ngàn tấn mỗi năm. Nếu như những năm đầu xuất khẩu, lượng buôn bán này bình quân ước đạt khoảng 0,2 - 0,3 triệu tấn/năm; gần đây từ năm 2006 đã lên tới khoảng 2,8 triệu tấn và hơn thế nữa. Thực tế khó có thể biết được chính xác lượng gạo xuất khẩu qua tiểu ngạch này vì không có giấy phép của Bộ Thương mại. Theo đánh giá của Bộ Thương mại và các cơ quan chức trách, hầu hết hoạt động xuất khẩu gạo qua biên giới do trốn thuế, nên mức giá rẻ, thấp hơn 5 - 10% so với giá xuất khẩu chính ngạch.Điều này gây tổn hại cho nền kinh tế nước nhà mà còn làm rối loạn thị trường lương thực trong nước và những hậu quả khác. Tình trạng này cần sớm đượcngăn chặn để đảm bảo trật tự trong hệ thống lưu thông, phân phối gạo trong nước hiện nay.
Hầu hết khối lượng gạo trong buôn bán quốc tế bấy lâu thường được vận chuyển bằng đường biển. So với các phương thức vận tải quốc tế bằng đường sắt, đường hàng không, vận tải biển quốc tế thường đảm bảo tiện lợi, thông dụng vì có mức cước phí rẻ hơn. Do vậy, riêng phương thức này đã chiếm khoảng trên 80% buôn bán quốc tế. Việt Nam có vị trí giao thông đường biển rất thuận lợi. Hệ thống cảng biển Việt Nam nói chung đều nằm gần sát đường hàng hải quốc tế và có thể hành trình theo tất cả các tuyến đi Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Thái Bình Dương, Trung Cận Đông, Châu Âu, Châu Mỹ… Từ cảng Sài Gòn đến đường hàng hảI quốc tế thường chỉ hết 3 giờ hành trình với 40 hải lý. Từ cảng Sài Gòn, nếu xuất khẩu gạo đi Singapore thường hết 2 ngày hành trình, Nhật: 6 ngày,Indonesia: 3 ngày, Hàn Quốc: 5 ngày, Hồng Kông : 1 ngày, Pháp: 25 ngày, Hà Lan: 34 ngày, Anh: 35 ngày, Mỹ (Los Angelss): 25 ngày.
Hệ thống kho chứa là khâu cuối cùng trong kênh phân phối gạo xuất khẩu cũng đóng vai trò khá quan trọng. Hiện cả nước có hệ thống sức chứa của kho gạo là 5.875. 000 tấn, trong đó 50% là kho kiên cố, còn lại bán kiên cố. Sự phân bố không đồng đều, cùng với hiệu suất sử dụng kho thường rất thấp, chỉ đạt 30% tổng dung tích kho (tư nhân đảm nhiệm xay xát chủ yếu, nhưng lại sử dụng kho nhỏ gia đình). Dẫn đến tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa kho dự trữ gạo xuất khẩu trong những tuần cao điểm. Hiện nay trong khâu bảo quản ở nước ta còn quá ít các phương tiện phòng chống vi sinh vật gây hại như nấm mốc, chuột, mối mọt..., và chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế trong quá trình sản xuất lưu thông. Nông dân chỉ bảo quản tại nhà; các Doanh nghiệp có kho, nhưng lại không đảm bảo yêu cầu chất lượng do xây dựng lâu năm, bố trí không thích hợp. Theo kết quả điều tra của Viện Công nghệ sau thu hoạch và Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tổn thất trong khâu bảo quản sau thu hoạch là 3,2-3,9%.
Tóm lại, so với Thái Lan, chúng ta chưa đảm bảo được đồng bộ hệ thống phối hợp tối ưu giữa sản xuất - chế biến - kho tàng - cảng khẩu, do đó chất lượng gạo không đều, chi phí lưu thông cao, thời gian giao hàng chậm, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu.