Chế độ liều dùng vancomycin được sử dụng chủ yếu trong mẫu nghiên cứu là 1g/12h trên bệnh nhân có chức năng thận bình thường cũng như suy giảm chức năng thận (85,2%). Theo khuyến cáo thì chế độ liều 1g/12h được dùng với bệnh nhân có chức năng thận bình thường. Đối với nhóm bệnh nhân suy giảm chức năng thận thì đây chính là yếu tố nguy cơ gây độc tính trên thận. Vì vậy việc xác định hệ số thanh thải creatinin thông qua ghi nhân cân nặng và xác định creatinin huyết thanh trên nhóm bệnh nhân này có ý nghĩa rất quan trọng để xây dựng một chế độ liều phù hợp. Đồng thời, điều này cũng phản ánh thực trạng bác sĩ ít sử dụng hệ số thanh thải creatinin để hiệu chỉnh liều vancomycin cho bệnh nhân.
Hiệu chỉnh liều trong quá trình sử dụng vancomycin được thực hiện dựa trên hệ số thanh thải creatinin bằng cách giãn khoảng cách đưa thuốc. Đây cũng là xu hướng hiệu chỉnh liều phổ biến và một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc giãn khoảng cách đưa thuốc có hiệu quả tốt về mặt lâm sàng và tỷ lệ bệnh nhân đạt được nồng độ vancomycin điều trị cao hơn so với cách hiệu chỉnh liều theo Moellering (giảm liều dùng và giữ nguyên khoảng cách đưa thuốc) [43].
Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân được hiệu chỉnh liều bằng cách giãn khoảng cách đưa thuốc. Do hạn chế của việc giám sát chức năng thận của bệnh nhân, chúng tôi chỉ đánh giá liều dùng trên 87 (34%) bệnh nhân, bao gồm 48,3% bệnh nhân có liều dùng vancomycin phù hợp và 51,7% có liều dùng vancomycin không phù hợp. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Hà, tỷ lệ liều dùng vancomycin phù hợp đã tăng lên (từ 40% năm 2011)[5]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy chỉ có 4,3% bệnh nhân được hiệu chỉnh liều trong quá trình điều trị. Trong đó chỉ có 2/87 (2,3%) bệnh nhân được hiệu chỉnh liều phù hợp với khuyến cáo (gồm 1 bệnh nhân có chức năng thận bình thường và 1 bệnh nhân có ClCr< 60ml/phút).