Trong điều kiện tự nhiên (chế độ thuỷ nhiệt) như ở Việt Nam, việc sử dụng các lớp móng đường ô tô bằng vật liệu gia cố (toàn khối) cho tất cả các loại cấp đường là hết sức thích hợp và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Tiêu chuẩn thiết kế mặt đường mềm (22TCN 211- 06), đã chỉ ra và quy định về yêu cầu thiết kế các lớp kết cấu áo đường có sử dụng vật liệu gia cố. Đây là tiền đề và cơ sở pháp lý cho việc thiết kế kết cấu áo đường cả cứng và mềm sử dụng các lớp vật liệu gia cố như đất, cát, đá gia cố xi măng.
Theo kinh nghiệm xây dựng và trong các chỉ dẫn về thiết kế thi công của các nước trên thế giới, móng đường của mặt đường BTXM phải toàn khối, trong đó có móng cát hoặc đá gia cố xi măng.
Ngoài ra, cũng từ tổng kết kinh nghiệm trong nhiều năm xây dựng đường ở nước ta và theo quy định 22TCN 211 - 06 về lớp trên của nền đường trong bài toán thiết kế tổng thể nền mặt đường là: Nếu không có điều kiện về vật liệu (vật liệu tốt như đất cấp phối đồi…) cần phải sử dụng đất tại chỗ gia cố với chất kết dính vôi hoặc xi măng với chiều dày 30cm để làm lớp trên của nền đường, đáp ứng yêu cầu về ngăn nước mao dẫn đồng thời tạo điều kiện cho việc thi công các lớp móng đường phía trên.
Chính vì vậy, trong thời gian tới đây, cần có điều chỉnh về việc lựa chọn vật liệu lớp móng trong thiết kế kết cấu áo đường nói chung và riêng cho áo đường cứng (mặt đường BTXM) theo hướng sử dụng các vật liệu cát và đá gia cố xi măng.