- Chiều dày tối thiểu cho các loại mặt đường trên như sau: Số
4.3. Quản lý về mặt tổ chức thi công
Để có thể tổ chức thi công ra các mặt đường BTXM đạt chất lượng cao thì trước hết ta phải tìm hiểu về đặc điểm khí hậu khu vực thi công và các tác động của nó tới quá trình thi công mặt đường BTXM cụ thể như sau :
Các quá trình vật lý xảy ra khi bê tông đóng rắn dưới tác động của các yếu tố khí hậu nóng ẩm:
Khi bê tông đóng rắn dưới tác động của các yếu tố khí hậu nóng ẩm, thì một loạt quá trình vật lý xay ra. Đó là :
- Quá trình mất nước ;
- Quá trình biến dạng mềm (co hoặc nở) ; - Sự thay đổi áp lực hơi trong bê tông ; - Sự hình thành các lỗ rỗng, các vi nứt v.v…
Trong số các quá trình này phải kể đến hai quá trình cơ bản là : Quá trình mất nước và biến dạng mềm. Mất nước làm thay đổi thể tích của bê tông, hình thành trong bê tông những lỗ rỗng và xuất hiện các vết nứt trên mặt bê tông. Do đó, cường độ và độ chống thấm của bê tông sẽ bị suy giảm.
Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình mất nước của bê tông gồm có :
+ Ảnh hưởng của cường độ nắng : Khi trời nắng, bê tông gần như bị sấy khô. Vì vậy cường độ bức xạ mặt trời là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới quá trình mất nước bê tông trong những giờ đầu đóng rắn. Nghiên cứu cho thấy vào lúc 16h trong ngày nắng to, độ mất nước của bê tông cón thể đạt 60-63% tùy theo tỷ lệ N/X. trong khi đó vào ngày nắng yếu chỉ mất 29-52%. Điều đó cho thấy việc che nắng cho bê tông trong những giờ đầu đóng rắn hoặc hạn chế thi công bê tông vào lúc cường độ nắng cao để tránh mất nước là rất quan trọng.
+ Ảnh hưởng của độ ẩm không khí : Những nghiên cứu của tác giả đối với bê tông có tỉ lệ N/X = 0.37÷ 0.54 cho thấy, trong cùng điều kiện nhiệt độ không khí và cường độ bức xạ mặt trời vào một ngày nắng hè tại Hà Nội, với độ ẩm không khí 40-60%, sau 7h đóng rắn, bê tông mất 46-45% lượng nước. Trong khi đó ở độ ẩm không khí 86-93% chỉ mất 32-37% tùy theo tỷ lệ N/X.
+ Ảnh hưởng của thời điểm hoàn thiện bề mặt bê tông : Nghiên cứu cho thấy vào mùa hè ở Hà Nội, tốc độ mất nước của bê tông trong 2-3 giờ đầu đóng rắn đối với bê tông hoàn thiện xong vào lúc 8h sáng và lúc 13h trưa là
tương đương nhau. Điều đó cho thấy thi công vào buổi sáng hay buổi trưa thì cũng phải che đậy mặt bê tông.
+ Ảnh hưởng của mùa khí hậu : Qua khảo sát độ mất nước theo mùa cho thấy độ mất nước của bê tông vào mùa hè ở Hà Nội cao hơn vào mùa đông. Sau 6h đóng rắn vào mùa hè, bê tông mất khoảng 40-60% lương nước ban đầu. Trong khi vào ngày nắng mùa đông chỉ mất khoảng 20%. Điều đó cho thấy việc che đậy bề mặt bê tông vào những ngày hè nắng nóng để hạn chế tốc độ mất nước là rất cần thiết.
Bảo dưỡng ẩm bê tông trong điều kiện khí hậu nóng ẩm Việt Nam
Bảo dưỡng ẩm là quá trình tưới nước giữ ẩm liên tục bề mặt bê tông trong những ngày đầu đóng rắn để giữ cho bê tông không bị mất nước quá nhanh, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng về sau.
Bảo dưỡng ẩm của bê tông có thể chia thành hai giai đoạn :
+ Giai đoạn bảo dưỡng ban đầu : Đây là giai đoạn bê tông mới được hoàn thiện xong bề mặt, còn chưa có cường độ, nên chưa thể tưới nước bảo dưỡng lên mặt bê tông. Ở giai đoạn này cần phải phủ mặt bê tông bằng vật liệu ẩm.
+ Giai đoạn bảo dưỡng tiếp theo : Trong giai đoạn này bê tông cần được giữ ẩm bề mặt liên tục bằng tưới nước ( có thể phủ ẩm hoặc không phủ ) cho tới khi bê tông đạt cường độ bảo dưỡng tới hạn.
Hai thông số kỹ thuật của bảo dưỡng ẩm bê tông :
+ Cường độ bảo dưỡng tới hạn, tính bằng % cường độ mác bê tông, thông số kỹ thuật này trả lời cho câu hỏi : cần bảo dưỡng bê tông đến cường độ nào.
+ Thời gian bảo dưỡng cần thiết, tính bằng ngày đêm. Thông số này trả lời cho câu hỏi cần bảo dưỡng bê tông trong thời gian bao lâu.
Theo số liệu nghiên cứu chứng minh khi bê tông không được bảo dưỡng ẩm bê tông có thể mất 14-35% cường độ mác ở tuổi 28 ngày đêm.