Là nghiệp vụ sử dụng các nguồn vốn của ngân hàng thương mại vào các hoạt động: Cho vay, đầu tư, kinh doanh ngoại tệ… Nghiệp vụ tài sản có của ngân hàng thương mại bao gồm:
• Nghiệp vụ ngân quỹ.
Ngân hàng thương mại phải thường xuyên sử dụng nguồn vốn của mình để thực hiện các nhu cầu thanh toán thường xuyên của khách hàng và phục vụ cho các nhu cầu kinh doanh của bản thân ngân hàng.. Tiền dự trữ của ngân hàng thương mại bao gồm:
+ Tiền mặt tại quỹ: Bao gồm giấy bạc ngân hàng và tiền kim loại. Tuỳ thuộc vào quy mô hoạt động, nhu cầu thường xuyên cũng như nhu cầu thời vụ của các khoản chi tiêu tiền mặt mà ngân hàng thương mại để tồn quỹ tiền mặt cho hợp lý.
+ Tiền gửi ở các ngân hàng khác: Có tác dụng thực hiện các nghiệp vụ thanh toán theo yêu cầu của khách hàng hoặc để sử dụng các dịch vụ của các ngân hàng khác như: mua chứng khoán, bảo lãnh tín dụng.
+ Tiền gửi Ngân hàng Trung ương: Bao gồm tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi thanh toán. Tiền gửi dự trữ bắt buộc còn gọi là tiền gửi dự trữ pháp định, được tính theo tỷ lệ quy định của Ngân hàng Trung ương trên số vốn huy động. Tỷ lệ tiền gửi dự trữ bắt buộc thường do Ngân hàng Trung ương quy định và có thay đổi theo từng thời điểm, phù hợp với chính sách tiền tệ và khả năng thanh toán của các ngân hàng thương mại trong từng thời kỳ. Tiền gửi thanh toán của các ngân hàng thương mại tại Ngân hàng Trung ương để đảm bảo cho nhu cầu thanh toán.
+Ngoài ra các ngân hàng thương mại còn dự trữ các giấy tờ có giá ngắn hạn như Tín phiếu kho bạc, Tín phiếu Ngân hàng Trung ương, các loại giấy nợ khác có khả năng chiết khấu và khi đến hạn có thể chuyển thành tiền.
• Nghiệp vụ cho vay.
Ngân hàng thương mại sử dụng phần lớn nguồn vốn của mình vào việc cho vay đối với các doanh nghiệp và cá nhân, nên còn gọi là tài sản có tín dụng. Trong nghiệp vụ tài sản có thì nghiệp vụ cho vay chiếm tỷ trọng lớn nhất, nên lợi nhuận ngân hàng thương mại chủ yếu được sinh ra từ nghiệp vụ này.
• Nghiệp vụ đầu tư.
Ngoài việc sử dụng nguồn vốn để cho vay, ngân hàng thương mại còn sử dụng một phần nguồn vốn của mình để đầu tư, vừa là để sinh lời, vừa là để phân tán rủi ro.
+ Đầu tư trực tiếp: Ngân hàng thương mại đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp thông qua góp vốn liên doanh, đầu tư cổ phần, mua trái phiếu doanh nghiệp.
+ Đầu tư gián tiếp: Mua trái phiếu chính phủ, Tin phiếu Ngân hàng Trung ương.. vừa tăng khả năng sinh lời và khi càn thiết có thể bán trên thị trường chứng khoán, hoặc chiết khấu ở Ngân hàng Trung ương.
• Nghiệp vụ tài sản có khác.
Ngân hàng thương mại sử dụng vốn vào đầu tư mua sắm tài sản, vừa để sử dụng và có thể cho thuê, các khoản phải thu, đầu tư kinh doanh vàng, ngoại tệ…