Vài nét về kinh tế ở vùng đất Anh Sơn trước khi thành lập huyện

Một phần của tài liệu Kinh tế huyện anh sơn từ năm 1963 đến năm 2013 (Trang 33)

7. Bố cục của luận văn

1.2.1. Vài nét về kinh tế ở vùng đất Anh Sơn trước khi thành lập huyện

Nằm trong vùng địa lý tự nhiên có sự đan xen giữa đồng bằng, đồi núi, và trung du là địa bàn chuyển tiếp giữa dải đồng bằng trù phú và miền núi cao trùng điệp đã tạo cho sắc thái kinh tế nơi đây những nét riêng và sự kết hợp giữa các loại hình kinh tế đặc trưng cho từng vùng địa hình. Các làng mạc của người Thái, người Thanh, Người Kinh chủ yếu tập trung ở ven bờ các dòng sông Lam, sông Con, sông Giăng và những vùng đồng bằng, đồi núi thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông đi lại thuận lợi.

Trước năm 1963, cũng như nhiều huyện khác của Nghệ An, nền kinh tế Anh Sơn còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là tiểu nông tự cung tự cấp. Trong đó, chỉ có một số ít các xã làm lúa nước, còn lại đa số đồng bào người dân tộc Thái chủ yếu sống du canh, du cư, đốt nương làm rẫy. Đời sống kinh tế bấp bênh, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống của đại bộ phận nhân dân. Tình trạng khó khăn, lạc hậu đó kéo dài cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Về trồng trọt, bên cạnh canh tác lúa nước ở diện tích ven hai bên bờ các dòng sông Lam, sông Con, sông Giăng là ruộng trồng ngô, sắn, trên các

nương ở thung lũng và trên núi. Ngoài cây lương thực chính là lúa và ngô, các loại cây hoa màu như lạc, chè, cũng được trồng phổ biến.

Về chăn nuôi chủ yếu là để phục vụ cho việc cày, kéo và chăn nuôi gia súc gia cầm thì chủ yếu là để phục vụ cho gia đình. Hình thức chăn nuôi mang tính tự nhiên, trâu bò thả rông trên các vùng đồi, núi, tối có người dồn về bản làng, có khi để trâu bò cả tuần trong rừng. Riêng lợn, không có chuồng trại chạy khắp vườn, đến bữa gia chủ có thể cho một ít khoai, sắn, ngô,... Lợn được nuôi để giết thịt vào các dịp lễ tết, giỗ chạp, hoặc đem bán. Phương thức bán, thường là các gia đình bán cho dân hàng Xeo (những người chuyên buôn bán thịt lợn) hoặc ba, bốn gia đình chung nhau làm thịt sau đó quy giá trị thành lúa để thanh toán cho chủ hộ nuôi (gọi là đụng thịt lợn).

Chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng cũng theo phương thức cổ truyền, chủ yếu để phục vụ cho bữa ăn gia đình, hoặc đem bán ngoài chợ để lấy tiền mua một số hàng hóa cần thiết. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi này mang lại lợi ích kinh tế thấp, vì gà, vịt, ngan, ngỗng thường hay bị dịch, bệnh. Các giống trâu, bò chủ yếu được tuyển chọn theo phương thức tự nhiên có tầm vóc nhỏ, nhưng có khả năng chịu đựng với những biến động của thời tiết, khí hậu. Trâu, bò chủ yếu phục vụ cày kéo. Việc bán trâu, bò thường được thực hiện theo hai phương thức: Thứ nhất, một số thương lái ở vùng Đô Lương, Yên Thành,... lên tận nhà mua và đưa về các huyện đồng bằng tiêu thụ; phương thức thứ hai, là gia chủ đem trâu, bò đến các chợ bán gia súc ở chợ huyện, có khi cách tới 40 - 50 km đường để bán.

Giống như nhân dân các làng xã nằm ở lưu vực sông Lam, các thế hệ người dân sinh sống trên vùng đất Anh Sơn, từ rất sớm biết khai thác nguồn lợi thủy sản mà thiên nhiên ban tặng ở sông Lam, sông Con, sông Giăng hay

các khe suối, hồ, vùng đất ngập nước,... Để khai thác được nguồn lợi có

sẵn này, người dân ở Anh Sơn từ xưa đã biết dùng lưới, vó, chài, nơm, câu,... hay có khi cả làng chung sức be bờ, tát cạn cả một vùng ngập nước để bắt cá.

Đồng bào Thái ở Anh Sơn, còn dùng một số lá cây giã nhỏ, thả xuống suối để bắt cá tôm. Việc đào ao thả cá, chưa xuất hiện trên vùng đất Anh Sơn trong giai đoạn này.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) tình trạng kinh tế mang tính tự cung, tự cấp vẫn duy trì và phổ biến trên vùng đất Anh Sơn. Đồng bào người Thái vẫn quen lối sống du canh, du cư, chặt cây, đốt nương làm rẫy, chăn nuôi vẫn còn thả rông, khi có nhu cầu thì mới đưa về. Hình thức canh tác, giống cây, con, dụng cụ lao động, cách thức thu hoạch,... vẫn không có nhiều thay đổi so với thời kỳ trước cách mạng Tháng Tám. Năng suất lúa thấp, chỉ khoảng 30 - 40kg/sào; mỗi năm thường trồng một vụ, thành quả lao động của người nông dân chủ yếu dựa vào: "Ơn trời mưa nắng phải thì", không mấy thay đổi so với trước.

Tình trạng ruộng đất vẫn nằm trong tay một số người giàu có và địa chủ. Tuy nhiên là địa hình miền núi nên hầu hết nhân dân Anh Sơn đều khai hoang để canh tác và đó cũng là điều kiện để đảm bảo cho đời sống kinh tế của họ. Công cụ sản xuất chủ yếu dùng cày chìa vôi, cuốc và cào,... Công cụ thu hoạch là liềm, hái, đối với người Kinh; kẹp (xà lép) đối với người Thái. Lúa gặt về thường được đạp bằng chân hoặc đập. Một số gia đình có điều kiện có thể trục lúa bằng đá ong. Người ta có thể sử dụng trâu, bò để trục lúa, hoặc dùng sức người để kéo thay cho trâu, bò. Một số ngành nghề thủ công truyền thống như mộc, nề, rèn, dệt... vẫn chủ yếu trong phạm vi gia đình, một số sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ cho cư dân trong làng xã. Kinh tế tự cung tự cấp bao trùm địa bàn Anh Sơn.

Hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa trong vùng và với các vùng lân cận được duy trì đều đặn, chủ yếu là trao đổi các nhu yếu phẩm nhân dân không tự làm ra được, hoặc một số sản phẩm do dư thừa không dùng đến đem ra trao đổi như: dầu, đèn, muối, cá, quần áo,...

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1954) đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc cải cách ruộng đất, chủ trương người cày có ruộng, thu ruộng đất của địa chủ cho nhân dân. Đây là điều kiện thúc đẩy cho sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới. Tuy có thu được một số thành công nhất định, song Anh Sơn cũng như nhiều huyện, địa phương trên khắp cả nước cũng không tránh khỏi sai lầm trong cải cách ruộng đất, điều đó đã có tác động đến đời sống kinh tế của nhân dân và tâm lý của một bộ phận nhân dân trong huyện. Ngay sau đó công tác sửa sai được tiến hành đã phần nào phát huy được thành quả và ý nghĩa to lớn của công cuộc cải cách ruộng đất của Đảng. Nhân dân trên vùng đất Anh Sơn cùng cả miền Bắc đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương chiến lược lớn cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ và tay sai giành lại độc lập dân tộc.

Từ 1958 đến 1960, Anh Sơn cùng cả miền Bắc bước vào giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế văn hóa. Thắng lợi của công cuộc cải cách ruộng đất và khôi phục kinh tế đã làm cho đời sống chính trị, kinh tế

của nhân dân Anh Sơn có nhiều thay đổi. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị

trung ương lần thứ 14 “đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế cá thể của nông dân”, hội nghị khẳng định: “Trong toàn bộ công tác nông thôn thì việc đẩy mạnh sản xuất, gắn liền với củng cố phát triển tổ đổi công, hợp tác xã là công tác trọng tâm chủ yếu nhất ở Anh Sơn”.[1; 177]

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, hình thức tương trợ giúp đỡ lẫn nhau của nông dân nhằm khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất là tổ đổi công, bên cạnh việc đổi công toàn vụ còn có hình thức đổi công từng loại công việc như cày, cấy,… đã hình thành ở các xã Đặng Sơn, Long Sơn, Đức Sơn. Hình thức đổi công đã đem lại những hiệu quả tích cực trong sản xuất kinh tế nông nghiệp. Việc sử dụng nhân công được tập trung hơn, nên kịp thời vụ, đồng thời đoàn kết được bà con trong làng, trong xã với nhau.

Đặc biệt, thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 3 (9/1960), dưới sự chỉ đạo của Tỉnh Đảng bộ Nghệ An, cả Nghệ An dấy lên phong trào thi đua sôi nổi quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1964 - 1965). Hơn thế nữa, chuyến thăm và làm việc của Hồ Chủ Tịch năm 1961 có tác dụng to lớn trong việc động viên tinh thần lao động sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An.

Đối với các huyện ở trung du, miền núi Nghệ An, từ cuối năm 1959 đến đầu năm 1960, cuộc vận động xây dựng tổ đổi công, HTX nông nghiệp bậc thấp, HTX mua bán, HTX tín dụng,... được triển khai một cách đồng bộ và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo số liệu của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Anh Sơn, đến cuối năm 1960, trên địa bàn Anh Sơn ngày nay có 88 HTX nông nghiệp bậc thấp, có xã đã xây dựng từ 3 - 4 HTX, mỗi HTX gồm 2 - 3 xóm cư dân theo địa dư có vài trăm mẫu ruộng và vài trăm lao động. Bên cạnh phong trào xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp, ở nhiều địa phương bắt đầu xây dựng các hợp tác xã tín dụng hoạt động có hiệu quả. Xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp gắn với tăng gia sản xuất là động lực thúc đẩy kinh tế của nhân dân Anh Sơn và đồng bào dân tộc ít người có cuộc sống no đủ và ngày càng ổn định hơn.

Đề hướng dẫn lực lượng lao động thủ công, đi vào làm ăn tập trung, hiệu quả, trong các hợp tác xã tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, một số hợp tác xã may mặc, làm giày dép, cắt tóc được thành lập. Để đảm bảo cho lưu thông hàng hóa hiệu quả thông suốt, phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi của bà con trong huyện, các hợp tác xã mua bán ra đời.

Trong vòng 2 năm 1961 - 1962, trên vùng đất Anh Sơn phong trào xây dựng HTX nông nghiệp bậc cao phát triển mạnh. Kết quả là hầu hết các hợp tác xã bậc thấp được sát nhập thành các hợp tác xã bậc cao. Do bệnh thành tích, chủ quan, hầu hết các huyện ở miền Tây Nghệ An trong giai đoạn này triển khai đồng loạt việc xây dựng các loại hình HTX mà không căn cứ vào

thực tiễn địa phương, do đó bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế, tồn tại.

Tóm lại: Trước khi Anh Sơn trở thành một đơn vị hành chính trên bản đồ Việt Nam, kinh tế trên vùng đất Anh Sơn không có những nét nổi bật so với những huyện lân cận. Tình trạng tồn tại nền kinh tế tự cung, tự cấp kéo dài trong suốt nhiều thế kỷ. Trong kháng chiến chống Pháp, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, kinh tế tự cung, tự cấp vẫn tồn tại phổ biến trên vùng đất Anh Sơn. Cải cách ruộng đất và phong trào xây dựng HTX nông nghiệp, một số loại hình HTX khác từ năm 1956 - 1962, đã xóa bỏ toàn bộ phương thức sản xuất cũ, mở đường cho việc hình thành một phương thức sản xuất mới lấy kinh tế HTX làm trung tâm và sở hữu toàn dân. Nhìn từ góc độ kinh tế, chuyển biến này đã làm thay đổi toàn bộ bức tranh xã hội trên vùng đất Anh Sơn.

Một phần của tài liệu Kinh tế huyện anh sơn từ năm 1963 đến năm 2013 (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w