Duyên cách, tên gọi qua các thời kỳ

Một phần của tài liệu Kinh tế huyện anh sơn từ năm 1963 đến năm 2013 (Trang 29)

7. Bố cục của luận văn

1.1.3. Duyên cách, tên gọi qua các thời kỳ

Huyện Anh Sơn hiện nay, được thành lập từ tháng 4 năm 1963, tách ra từ huyện lớn Anh Sơn theo Quyết định số 52/CP của thủ tướng chính phủ ngày 19.4.1963 [1; 5]. Là huyện trung du của tỉnh Nghệ An, bao gồm 20 xã và một thị trấn: Xã Tam Sơn, Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn, Hùng Sơn, Tường Sơn, Đức Sơn, Hội Sơn, Hoa Sơn, Thạch Sơn, Phúc Sơn, Long Sơn, Khai Sơn, Cao Sơn, Tào Sơn, Vĩnh Sơn, Lĩnh Sơn, Lạng Sơn và Thị trấn Anh Sơn.

Ngược về cội nguồn, Anh Sơn vốn là vùng đất thuộc bộ Việt Thường,

một trong 15 bộ của đất Văn Lang thủa các vua Hùng dựng nước. Trong thời kỳ chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, trải qua nhiều lần tách nhập, Anh Sơn thuộc các đơn vị hành chính khác nhau. Đời nhà Hán Anh Sơn thuộc phần đất của huyện Hàm Hoan, đời Đông Ngô là đất của huyện Đô Giao, đời Đường thuộc huyện Nhật Nam của Châu Hoan. Cho đến đời Lê (Thế kỷ XV) mới có tên gọi Phủ Anh Đô, bao gồm phần đất của huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Anh Sơn, Đô Lương như hiện nay. Dưới chế độ phong kiến nhà Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 3 (1822) phủ Anh Đô được đổi tên là phủ Anh Sơn. Đến khi thực dân Pháp xâm lược, cho đến đầu năm 1946, phủ Anh Sơn là 1 trong 5 phủ, 6 huyện của Nghệ An (phủ Anh Sơn lúc này tương đương với 2 huyện Anh Sơn và Đô Lương ngày nay) phần đất Anh Sơn thuộc tổng Lãng Điền và phần lớn tổng Đặng Sơn, là 2 tròn 6 tổng của phủ. [1;5-6]

Anh Sơn từ rất sớm do có điều kiện tự nhiên thuận lợi đã có con người đến cư trú. Dấu vết cư trú của người Việt cổ, đến khai sơn, phá thạch vùng đất này còn in dấu ấn ở các di chỉ hang Đồng Trương (xã Hội Sơn), hang Bò (xã Hoa Sơn). Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở đây nhiều dấu tích của người Việt cổ với nhiều hiện vật như những đồ đá, đồ đồng, đồ sành sứ, thủy tinh, thổ hoàng, mảnh tước, một số di cốt, công cụ ghè đẽo đá... của người Việt cổ, những hiện vật này được các nhà khảo cổ xác định nằm ở 2 giai đoạn: giai đoạn sớm thuộc hậu kỳ đá cũ cách ngày nay từ 10 – 12 nghìn năm thuộc tầng lớp văn hóa Sơn Vi, sơ Hòa Bình có đặc điểm giống các di vật được phát hiện ở hang Thẩm Oi, huyện Con Cuông (di tích Hòa Bình) đã được viện khảo cổ học khai quật trước đây (1972); Giai đoạn muộn thuộc văn hóa kim khí, có thể thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn với niên đại ước đoán trong khoảng từ 3000 – 3500 năm cách ngày nay. Những dấu tích đó là những thông điệp của người xưa gửi lại về một thủa hồng hoang, họ đã sống và lưu dấu nơi đây. Dẫu qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, nhưng những dấu tích khảo cổ học còn lại đã cho thấy dưới các tầng đất Anh Sơn bao trầm tích về lịch sử mở mang bờ cõi, dựng xây non sông gấm vóc của người xưa. Trong trường kỳ lịch sử, bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu biến thiên, những chiến tích trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng tổ quốc diễn ra trên đất Anh Sơn đến nay vẫn còn lưu dấu nơi đây.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, hành trình của vùng đất Anh Sơn chính là khúc tráng ca của công cuộc mở mang phát triển kinh tế, anh dũng chống lại kẻ thù xâm lược bảo vệ thành quả kinh tế và độc lập dân tộc trong suốt chiều dài hơn hai ngàn năm của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Nhân dân Anh Sơn nói riêng cũng như nhân dân Nghệ An nói chung nổi tiếng từ trong lịch sử là dũng cảm, bất khuất và khảng khái, nối tiếp nhà Lý trong công cuộc dựng nước và giữ nước, vua tôi nhà Trần đã ba lần đương đầu với vó ngựa Mông Nguyên hùng mạnh nhất thế giới ở vào thế kỷ XIII.

Do biết dự đoán tình hình, nhận thấy vai trò chiến lược của vùng xứ Nghệ

“Cối kê cựu sự quân tu ký, Hoa Diễn do tồn thập vạn binh”. Danh tướng Hoàng Tá Thốn, có thời gian đóng giữ quân ở Tào Sơn đã góp công sức đánh thắng giặc ngoại xâm bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ, trong số 10 vạn quân đó có sự đóng góp không nhỏ công sức của nhân dân, trai tráng Anh Sơn.

Đầu thế kỷ XV, giặc Minh xâm lược nước ta, cha con nhà Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương đã không huy động được cả quốc gia Đại Việt vào sự nghiệp kháng chiến chung, nhanh chóng để mất nước ta vào tay nhà Minh vào năm 1407. Con cháu nhà Hậu Trần bấy giờ dương cao ngọn cờ chống lại quân xâm lược nhà Minh, dựa vào sự ủng hộ to lớn của nhân dân xứ Nghệ để thực hiện hoài bão cứu nước khôi phục vương quyền. Theo sử sách, nhân dân Nghệ An cũng như Anh Sơn đã dốc sức người, sức của không ngại khó khăn, hi sinh gian khổ ủng hộ và chi viện cho cuộc khởi nghĩa của con cháu nhà Hậu Trần (Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng) làm nên những chiến công vang dội, bước đầu gây cho quân xâm lược hao binh, tổn tướng, duy trì nhà Hậu Trần cho đến năm 1413. Cuối cùng do thế và lực yếu, tương quan lực lượng trong so sánh giữa ta và nhà Minh, cuộc khởi nghĩa thất bại.

Sau sự thất bại của nhà Hậu Trần, ở vùng rừng núi Lam Sơn Thanh Hóa xuất hiện một phong trào khởi nghĩa, yêu nước của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, và quân sư Nguyễn Trãi sau đó 1 thập kỷ đã giành lại quốc thống và bờ cõi cho dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ năm 1417 và phát triển nhanh chóng, lan rộng khắp vùng Thanh Hóa, Nghệ An, tại Nghệ An, nghĩa quân tập trung lực lượng tấn công thành Trà Lân (Con Cuông) Bình

Ngô Đại Cáo có viết: “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật, miền Trà Lân trúc

chẻ tro bay” làm cho quân Minh siêu hồn bạt vía, cổ vũ quân sĩ, nhân dân tiến lên tiêu diệt hoàn toàn quân xâm lược, ngoài ra còn hàng loạt thắng lợi ở Bồ Ải, Khả Lưu. Anh Sơn góp nhiều công sức, cho những chiến thắng oanh liệt đi vào sử sách này.

Bước sang thế kỷ XVIII, khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, trong muôn vàn con em Anh Sơn “áo vải cờ đào” sung quân Bắc tiến lập nhiều chiến công, trong đó đáng chú ý là gia đình Lê Quốc Cầu ở xã Tường Sơn.

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Anh Sơn đã huy động 12.197 người con ưu tú vào bộ đội, 1.043 thanh niên xung phong, 6.697 dân công hỏa tuyến. Trong đó có 2.024 liệt sỹ (Trong đó liệt sỹ 1930-1931 là 165 người; liệt sỹ chống Pháp là 245 người; liệt sỹ chống Mỹ là 1.379 người; liệt sỹ bảo vệ tổ quốc là 235 người). Có 1.184 Thương binh, 577 người là bệnh binh; Được nhà nước tặng thưởng 8.774 huân huy chương các loại; 2 tập thể và 6 cá nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng; 29 bà Mẹ được nhà nước phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng.[49; 136-141]

Trên đất Anh Sơn còn có một hệ thống đình, đền nhà thờ thánh rất phong phú ở khắp các làng xã, điều đó cho thấy bên cạnh một đời sống vật chất no ấm, đời sống tinh thần và truyền thống lịch sử văn hóa là một bề dày của nơi đây và được chăm lo phát triển cùng với đời sống vật chất. Đình làng là nơi thờ Thành hoàng của một làng, có khi của nhiều làng, xưa kia nơi đây cũng là địa điểm diễn ra các cuộc hội họp, các sự kiện trọng đại có ý nghĩa với cả làng, tế lễ hay hoạt động lễ hội vui chơi của cả làng. Mỗi xã có nhiều làng, trong mỗi làng lại có một đình làng riêng, tùy từng làng khác nhau, những đình làng “đinh tài lượng vượng” thì đình to đẹp hơn đình của những làng “dân đinh hy thiểu”. Ngoài hệ thống đình ở các làng, hệ thống đền thờ trên địa bàn huyện cũng rất quy mô và bề thế. Đền thờ các vị quan, tướng, các nhiên thần như Cao Sơn, Cao Các từng có công bảo vệ, phù hộ và giúp đỡ dân làng trong việc sản xuất, lao động, chống giặc ngoại xâm. Đáng chú ý phải kể đến các đình, đền như: Đình Yên Phúc, ngôi đình lớn nhất trên địa bàn huyện Anh Sơn; Đình Hữu Lệ (Tào Sơn); Đền Cả xã Vĩnh Sơn thờ Uy

Minh Vương Lý Nhật Quang; Đền thờ Trương Hán xã Thọ Sơn; Đình làng Dương Xuân, Đình làng Phúc Điền, Quần Tiên,…

Đôi nét về điều kiện tự nhiên, xã hội cho thấy Anh Sơn là vùng đất có một bề dày lịch sử truyền thống, yêu nước và cách mạng, nhân dân cần cù lao động, đoàn kết, sáng tạo. Trên vùng đất ấy, xưa nay các thế hệ người dân là người Thái, người Thanh, hay người Kinh đến từ nhiều vùng miền khác nhau, trong những giai đoạn lịch sử khác nhau đã chung lưng đấu cật, chia ngọt sẻ bùi, khai sơn phá thạch xây dựng bản làng, duy trì bảo vệ các giá trị văn hóa văn minh, góp phần xương máu vào sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm cùng cả dân tộc.

Một phần của tài liệu Kinh tế huyện anh sơn từ năm 1963 đến năm 2013 (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w