7. Bố cục của luận văn
2.2.1.3. Tiểu thủ công nghiệp
Các ngành thủ công nghiệp như nung vôi, làm gạch, ngói, khai thác vật liệu xây dựng: Đá, sỏi, cát trên các dòng sông, dệt thảm bẹ, đan dè cót, sản xuất công cụ,… được tổ chức quy mô tăng lên, mở rộng sản xuất kinh doanh đáp ứng một phần cung ứng nguyên liệu cho công cuộc xây dựng cơ bản, cải tạo đất, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu cho nhân dân.
Anh Sơn kịp thời chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ổn định sản xuất gắn liền với vùng nguyên liệu. Củng cố các hợp tác xã thủ công nghiệp, sản xuất đồ mộc, sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là các lò gạch ngói, từ chỗ chỉ có một cơ sở chế biến, nhưng đến năm 1985 nhiều xã đã có lò gạch ngói, ngoài ra còn sản xuất thảm bẹ ngô, hàng vạn công cụ, phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng cao từ 6,6 triệu đồng, thời kỳ 1976 - 1980 lên 13 triệu đồng thời kỳ 1981 - 1985.
Về phân phối lưu thông, thương nghiệp có các hợp tác xã mua bán ở các xã luôn tạo nguồn hàng về phục vụ đời sống của nhân dân. Đồng thời, làm tốt công tác thu mua lương thực, thực phẩm, hàng năm đều vượt kế hoạch trên giao. Ngành thương nghiệp, tài chính có nhiều cố gắng để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho hoạt động sản xuất. Nhiệm vụ trọng tâm mà huyện xác định cho ngành thương nghiệp, tài chính trong thời gian này là phục vụ đời sống
nhân dân, đặc biệt sau lũ lụt, gắn với việc thực hiện nghị quyết của trung ương về giá cả và hợp đồng kinh tế hai chiều. Đây là nhiệm vụ mới được tiến hành đã có tác động đến việc nâng cao trách nhiệm của nhân dân đối với nghĩa vụ nhà nước, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, động viên nguồn hàng vào tay nhà nước cao hơn các năm trước như: Lương thực, thực phẩm, lâm sản và nông sản xuất khẩu.
Công tác tài chính và tiền tệ mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các ngành tài chính ngân hàng có nhiều nỗ lực tập trung vào đầu tư các nhiệm vụ kinh tế trọng tâm như khai hoang, thủy lợi, xây dựng cơ bản đồng thời đi sâu kiểm tra chế độ thu chi, kiểm tra tiền mặt, hàng hóa tồn kho quá mức quy định và hướng dẫn các ngành sản xuất kinh doanh, thực hiện phương thức phân phối hàng hóa một cách hợp lý, động viên tiền gửi có nhiều hình thức sáng tạo, thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong nhân dân, đưa số dư bình quân đạt 35 đồng/ đầu người, góp phần giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của nhân dân và của cán bộ công nhân viên chức. Công tác lưu thông phân phối, có chuyển biến nhất là việc thu mua lương thực và huy động tiền gửi, đến năm 1985, Anh Sơn đã có số dư lên đến 1,7 triệu đồng, đạt 141% so với những năm trước. Thu chi ngân sách tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đã từng bước giảm bớt chi, tăng nguồn thu, phấn đấu từng bước cân đối với ngân sách trên địa bàn huyện.