Việc giám sát thực hiện hợp đồng xây dựng là trách nhiệm của nhiều bên tham gia trong quá trình thực hiện. Trách nhiệm của từng bên như sau:
- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng của công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư do mình quản lý. Nếu thành lập Ban quản lý dự án, lãnh đạo Ban Quản lý dự án phải có đầy đủ điều kiện năng lực theo quy định. Khi Chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực theo quy định, phải thuê tổ chức Tư vấn có đủ năng lực thực hiện các công việc liên quan đến quá trình đầu tư xây dựng như: Giám sát thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị, đặc biệt đối với công tác quản lý chất lượng tại công trường, công tác nghiệm thu. Tổ chức nghiệm thu khi có đề nghị của đơn vị thi công.
- Đối với đơn vị thi công phải tự tổ chức quản lý việc thi công tại công trường, thi công đúng thiết kế được duyệt, áp dụng đúng các tiêu chuẩn kỹ
thuật xây dựng đã được quy định và chịu sự giám sát, kiểm tra thường xuyên về chất lượng công trình của chủ đầu tư, tổ chức thiết kế và cơ quan giám định Nhà nước theo phân cấp quản lý chất lượng công trình xây dựng; Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và trước pháp luật về thi công xây lắp công trình, kể cả những phần việc do nhà thầu phụ thực hiện theo quy định của hợp đồng giao nhận thầu xây lắp. Vật liệu thành phẩm hoặc bán thành phẩm, cấu kiện xây dựng sử dụng vào công trình phải có chứng nhận về chất lượng gửi cho chủ đầu tư để kiểm soát trước khi sử dụng theo quy định; tổ chức hệ thống bảo đảm chất lượng công trình để quản lý sản phẩm xây dựng, quản lý công trình trong quá trình thi công. Lập đầy đủ, đúng quy định nhật ký thi công xây dựng công trình. Báo cáo đầy đủ quy trình tự kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng. Phối hợp với Chủ đầu tư và đơn vị giám sát, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nghiệm thu. Tổ chức nghiệm thu nội bộ trước khi mời đại diện chủ đầu tư nghiệm thu. Lập hồ sơ hoàn công theo quy định hiện hành.
- Đối với đơn vị tư vấn giám sát thi công xây lắp phải giúp chủ đầu tư quản lý các hoạt động tại công trường. Tư vấn giám sát phải có bộ phận chuyên trách đảm bảo duy trì hoạt động giám sát một cách có hệ thống toàn bộ quá trình thi công xây lắp, từ khi khởi công đến khi nghiệm thu, bàn giao, đảm bảo việc giám sát được thường xuyên, liên tục. Phải kiểm tra các điều kiện khởi công; điều kiện về năng lực các nhà thầu, thiết bị thi công (phù hợp hồ sơ dự thầu), phòng thí nghiệm của nhà thầu hay những cơ sở sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng (khi cần thiết); kiểm tra chứng chỉ xuất xưởng, chứng chỉ chất lượng thiết bị công trình. Lập đề cương, kế hoạch và biện pháp thực hiện giám sát. Kiểm tra chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn, môi trường của công trình, hạng mục công trình. Kiểm tra và xác nhận bản vẽ hoàn công. Giúp chủ đầu tư tập hợp, kiểm tra và trình đơn vị quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng kiểm tra hồ sơ, tài liệu nghiệm thu,
trước khi tổ chức nghiệm thu (giai đoạn, chạy thử, hoàn thành). Đơn vị tư vấn Chịu trách nhiệm về những quy định pháp lý đã nêu trong hợp đồng, đặc biệt là chất lượng sản phẩm và thời gian thực hiện cần phải đảm bảo nghiêm túc. Đảm bảo sản phẩm được thực hiện theo đúng nội dung các bước thiết kế đã quy định; phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng được áp dụng và nhiệm vụ thiết kế, hợp đồng giao nhận thầu thiết kế với chủ đầu tư.
- Đối với đơn vị tư vấn lập thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công phải thực hiện giám sát tác giả trong quá trình thi công xây lắp theo quy định. Yêu cầu đơn vị thi công thực hiện theo đúng thiết kế, đảm bảo về tính năng kỹ thuật của vật liệu hay vật tư kỹ thuật.Tham gia vào quá trình nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình xây dựng, công trình xây dựng để đưa vào sử dụng và một số giai đoạn khi có yêu cầu của Chủ đầu tư.
KẾT LUẬN CHƯƠNG II
Hiện nay công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản cũng được cho là khá lỏng lẻo khi mà Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ, nghị định 83/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 12/2009/NĐ-CP về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đã thực hiện phân cấp mạnh hơn về thẩm quyền quyết định đầu tư cho cấp huyện, xã thì việc quản lý và giám sát lại thiếu chặt chẽ. Nghị định 113/2009/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư đang chủ yếu giám sát về quy trình thủ tục nhiều hơn là quản lý chất lượng đầu tư, theo đó, vốn sau khi được phân bổ cho chủ đầu tư đang được các đơn vị này coi như vốn của mình, cũng chính chủ đầu tư sẽ thực hiện các công đoạn chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, bản vẽ…thậm chí, việc phê duyệt đấu thầu, mời thầu cũng do chủ đầu tư thực hiện. Các Chủ đầu tư được trao nhiều quyền để có thể chủ động tổ chức quản lý đầu tư có hiệu quả nên trách nhiệm của các Chủ đầu tư cũng được nâng cao.
Để phát huy quyền làm chủ, thực hiện tốt việc quản lý đầu tư, nhất là trong giai đoạn quản lý thực hiện hợp đồng các Chủ đầu tư cần không ngừng hoàn thiện, nâng cao năng lực. Các Chủ đầu tư phải am hiểu pháp luật, thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý đầu tư để quản lý hiệu quả nguồn vốn ngân sách. Các Chủ đầu tư cần thực hiện đầy đủ các bước thương thảo, ký kết hợp đồng, nội dung hợp đồng phải đầy đủ chi tiết, tổ chức quản lý thực hiện hợp đồng tạo ra các công trình thiết thực đáp ứng được mục tiêu dự án đề ra.
CHƯƠNG III : ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẤU THẦU VÀ HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG SỬ DỤNG VỐN NGÂN
SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN VÀ ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP