chế cạnh tranh bị kiểm soát và xử lý
Căn cứ để xác định một thỏa thuận ấn định giá nhằm hạn chế cạnh tranh để kiểm soát và xử lý bao gồm:
Một là, các doanh nghiệp đã có sự thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Thỏa thuận ấn định giá nhằm hạn chế cạnh tranh là một trong những hình thức hạn chế cạnh tranh điển hình. Theo đó, các bên tham gia thỏa thuận có sự bày tỏ ý chí và mong muốn đạt được sự thỏa thuận về việc ấn định giá hàng hóa, dịch vụ với các chủ thể khác.
Thỏa thuận ấn định giá giữa các doanh nghiệp có thể chỉ là các thỏa thuận riêng lẻ, nhưng cũng có thể là một phần của các thỏa thuận lớn giữa các doanh nghiệp điều tiết hầu hết các hoạt động kinh doanh của các thành viên liên quan, như đấu thầu thông đồng, phân chia thị trường hoặc giới hạn sản xuất hay số lượng hàng hóa mua bán... Các thỏa thuận quyết định giá hay các điều kiện mua bán khác bị pháp luật ngăn cấm trong trường hợp này có thể bao gồm những thỏa thuận liên quan đến khía cạnh cầu, như trong trường hợp cartel nhằm mục đích tăng cường sức mua.
Hai là, mục đích của sự thoả thuận ấn định giá là nhằm hạn chế cạnh
Thỏa thuận ấn định giá nhằm hạn chế cạnh tranh có thể được thể hiện ở dạng thoả thuận theo chiều ngang hoặc thoả thuận theo chiều dọc. Về nội dung, các thỏa thuận ấn định giá nhằm hạn chế cạnh tranh rất đa dạng, điều này tùy thuộc vào sự sáng tạo của nhà kinh doanh, tuy nhiên, dù thế nào thì nó cũng sẽ làm triệt tiêu tính cạnh tranh giữa các nhà kinh doanh tham gia thỏa thuận trên thị trường, đồng thời, tước đoạt quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Còn với doanh nghiệp tiềm năng, họ không có cơ hội để tham gia quá trình sản xuất, kinh doanh đang tồn tại sự cạnh tranh thông thường.
Ba là, về hình thức, các thỏa thuận ấn định giá nhằm hạn chế cạnh tranh phải được thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định.
Thỏa thuận ấn định giá rất khó phát hiện vì phạm vi và sự phức tạp của nó, các thỏa thuận được hình thành bằng nhiều cách, hoặc thông qua dưới hình thức văn bản hoặc thông qua những thỏa thuận không chính thức, đây được coi là bằng chứng trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, về hình thức, các thỏa thuận ấn định giá nhằm hạn chế cạnh tranh là sự thống nhất cùng hành động giữa các doanh nghiệp hoặc công khai hoặc bí mật, được hình thành thông qua các hợp đồng, hiệp định, nghị quyết...
Bốn là, về hậu quả, các thoả thuận ấn định giá nhằm hạn chế cạnh tranh đã làm hạn chế cạnh tranh trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Về hậu quả, việc các doanh nghiệp thỏa thuận với nhau về giá bán hoặc giá mua hàng hóa cũng đã tước đoạt sự lựa chọn của khách hàng để có mức giá hợp lý nhất mà họ lẽ ra có thể được hưởng. Đồng thời với việc tước đoạt quyền lựa chọn cơ bản này của khách hàng trong nền kinh tế thị trường, việc thỏa thuận giữa các doanh nghiệp về giá đã bóp chết sự cạnh tranh hay xóa bỏ hẳn cạnh tranh về giá hàng hóa, dịch vụ giữa các thành viên trong thỏa thuận đó.
Thông thường, người tham gia thỏa thuận ấn định giá là người biết rõ thỏa thuận này hình thành và hoạt động như thế nào, thỏa thuận này cũng có thể được nhận biết qua việc những người tham gia tố cáo hoặc thu thập được trong quá trình hoạt động trên thị trường thông qua việc cơ quan quản lý cạnh tranh giám sát các con số thống kê, ấn phẩm báo chí, các tài liệu báo cáo. Doanh nghiệp đã tham gia vào thỏa thuận ấn định giá nhưng đã cung cấp bằng chứng cho cơ quan cạnh tranh thì có thể không bị xử lý hay nói cách khác doanh nghiệp khi được đề nghị tham gia thỏa thuận ấn định giá hoặc đã tham gia thỏa thuận ấn định giá hợp tác bằng cách cung cấp bằng chứng cho cơ quan cạnh tranh để cơ quan hiểu về thỏa thuận ấn định giá đó, cơ quan quản lý cạnh tranh phải hứa miễn một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm pháp lý đối với doanh nghiệp đó.
Khi cơ quan cạnh tranh điều tra vụ việc về thỏa thuận ấn định giá, cơ quan cạnh tranh nên tìm các bằng chứng trực tiếp, như các thỏa thuận viết tay giữa các doanh nghiệp, bản cam kết giữa các thành viên hoặc bản ghi nhớ tham gia thỏa thuận, các cuộc trao đổi qua điện thoại giữa các đối thủ cạnh tranh hay thỏa thuận của doanh nghiệp được mời tham gia thỏa thuận ấn định giá. Tuy nhiên, việc tìm kiếm những bằng chứng như vậy tương đối khó khăn bởi vì họ luôn giấu kín các tài liệu như vậy, các bản sao tài liệu có thể được tìm thấy về dưới giá sàn, trên giá trần trong nhà ở hoặc trong phòng làm việc của lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu không tìm thấy các tài liệu viết tay nào, cơ quan cạnh tranh có thể thu thập nhật ký, bản ghi nhớ về các cuộc họp, giấy báo telex, fax, thư, file máy tính, thư điện tử [20, tr. 71, 72].
Ngoài các bằng chứng trực tiếp nói trên, cơ quan cạnh tranh có thể sử dụng các bằng chứng gián tiếp, chẳng hạn, cơ quan cạnh tranh có thể theo dõi các hoạt động của các doanh nghiệp ví như trong một thời điểm các doanh nghiệp đồng loạt cùng tuyên bố họ sẽ tăng giá với mức độ như nhau. Tuy
nhiên, khi xem xét hiện tượng đó, cần phải tính tới việc tăng giá đó có phải do sự gia tăng chi phí đột ngột, sự thay đổi đột ngột về cầu sản phẩm, sự thay đổi giá của sản phẩm thay thế hay không.
Chúng ta cũng chú ý đến bằng chứng về hành vi giống nhau trong ngành công nghiệp tập trung, đây là hành vi thống nhất trong việc định giá, nó thường xảy ra trong các ngành độc quyền nhóm, bán các sản phẩm thuần nhất, tuy nhiên sự thống nhất trong hành vi ở đây không phải do bắt nguồn từ một thỏa thuận mà là hành vi kinh doanh chiến lược của đối thủ.
Tóm lại, các điều tra của cơ quan cạnh tranh phải xác định được tại sao và làm thế nào giá bị thay đổi, chẳng hạn, trong quá khứ, giá cả thường thay đổi và biến đổi rất ít giữa các doanh nghiệp, nhưng bỗng nhiên trở nên giống nhau và khá ổn định thì các điều tra phải tập trung vào giai đoạn này để tìm ra các bằng chứng cáo buộc các doanh nghiệp vi phạm. Đôi khi nếu giá không thay đổi trong một thời gian dài nhưng đôi khi biến đổi trong giai đoạn ngắn cũng là một dấu hiệu nghi vấn mà cơ quan cạnh tranh chú ý.
Tuy nhiên, không phải bao giờ các doanh nghiệp thỏa thuận ấn định giá với nhau đều bị xem bất hợp pháp. Khi tiến hành đánh giá sự tác động của thỏa thuận ấn định giá tới quá trình cạnh tranh là tiến hành xác định thị trường liên quan. Điều này quan trọng bởi vì, nếu các doanh nghiệp trong thỏa thuận ấn định giá có thị phần nhỏ trên thị trường thì họ ít có khả năng tác động đến thị trường chung. Hay nói cách khác, việc xác định và đánh giá thị phần của các bên liên quan là cách để xác định sự tác động đến quá trình cạnh tranh, nhưng việc xác định thị phần trong nhiều trường hợp tương đối khó khăn, khi đó, chúng ta phải cân nhắc giữa các thỏa thuận với lợi ích nó đem lại, nếu lợi ích là không rõ ràng hoặc thỏa thuận không gắn liền với lợi ích thì thỏa thuận ấn định giá đó là bất hợp pháp.