3.2.2.1. Mục đích
- Công tác tổ chức có vai trò đặc biệt trong quản lí, quyết định sự thành công hay thất bại của tổ chức. Tổ chức lao động một cách khoa học trong đội ngũ cán bộ, giáo viên sẽ tạo nên "tính trồi" của hệ thống, giúp cho tổ chức có sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả lao động của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong Trung tâm.
- Việc sắp xếp lao động cũng như trong phân công giảng dạy hợp lí phát huy được tiềm năng của mỗi cán bộ, giáo viên trong công việc, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, nâng cao hiệu quả của giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
3.2.2.2. Nội dung và phương pháp tiến hành
Tổ chức lao động là quá trình tuyển chọn, sắp xếp bố trí các sức lao động và phối hợp các loại lao động của con người, trong việc sử dụng lao động tác động lên đối tượng lao động nhằm đạt được mục đích của quá trình đó. Trong thực tế, đối với các Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chỉ có thể tiến hành khâu tuyển chọn đối với giáo viên hợp đồng còn đội ngũ giáo viên biên chế ít và hầu hết đã đủ theo quy định của UBND tỉnh (16 cán bộ, giáo viên, nhân viên). Nguyên tắc tuyển chọn sử dụng tối đa năng lực của họ; căn cứ vào tiêu chuẩn quy định; dựa vào kết quả nghiên cứu thận trọng và toàn diện.
* Đối với cán bộ quản lí:
- Chỉ đạo tốt việc xây dựng Kế hoạch năm học, Quy chế dân chủ, Quy chế làm việc, Kế hoạch kiểm tra của Trung tâm đảm bảo khoa học, chính xác, sát đúng với tình hình thực tế của đơn vị. Chỉ đạo các bộ phận, tổ nhóm xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm học.
- Phân công trách nhiệm các thành viên trong Ban giám đốc để theo dõi, chỉ đạo cán bộ, giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cụ thể:
Giám đốc:
Điều hành trung tâm theo chế độ thủ trưởng; trực tiếp quản lí, điều hành và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lí cấp trên về toàn bộ các hoạt động của trung tâm.
Quyết định mọi chủ trương biện pháp lớn nhằm hoàn thành nhiệm vụ của TTGDTX.
Trực tiếp phụ trách công tác tư tưởng chính trị, công tác tổ chức, tài chính, thi đua.
Điều hành công việc thông qua các phó giám đốc và các tổ trưởng chuyên môn. Nhiệm vụ cụ thể:
+ Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát đánh giá việc thực hiện kế hoạch nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm học.
+ Quản lí cơ sở vật chất và tài sản của trung tâm.
+ Quản lí nhân viên, giáo viên và học viên của trung tâm.
+ Quyết định ký kết các loại hợp đồng về sử dụng giáo viên, người lao động ngoài biên chế; quyết định thành lập các tổ, các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó theo đúng quy định.
+ Quyết định nhận, cho thôi học, chuyển đi đối với học viên; Quyết định khen thưởng, kỷ luật.
+ Quyết định thu chi, phân phối thành quả lao động, làm chủ tài khoản cơ quan. + Trực tiếp phụ trách một tổ chuyên môn; theo dõi và ký duyệt hồ sơ của khối lớp 10.
Phó giám đốc:
Giúp giám đốc phụ trách một số mặt được Giám đốc phân công. Liên đới chịu trách nhiệm cùng Giám đốc về công việc được giao trước nhà nước.
Lập kế hoạch công tác được giao, thường xuyên báo cáo Giám đốc diễn biến, kết quả lao động công việc, cùng với Giám đốc tìm các biện pháp để giải quyết.
Thay mặt Giám đốc giải quyết mọi công việc được uỷ quyền, phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc và Nhà nước về những công việc được uỷ quyền đó theo đúng quy định quy chế ban hành.
Nhiệm vụ cụ thể:
Phó Giám đốc thứ nhất:
+ Lên kế hoạch cho các đợt thao giảng, tuyển chọn giáo viên, học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém.
+ Phụ trách công tác tổ chức lớp, tổ chức các hình thức học.
+ Điều hành kiểm tra, đôn đốc các thành viên thực hiện tốt nội quy quy chế chuyên môn.
+ Chỉ đạo giáo vụ chủ động xếp thời khoá biểu, phân công giáo viên, kiểm tra thực hiện tiến độ về chương trình.
+ Kiểm tra nền nếp dạy học, theo dõi giờ dạy giáo viên, cùng với Giám đốc duyệt tăng giờ.
+ Phụ trách công tác kiểm tra nội bộ
+ Phụ trách ký duyệt giáo án các tổ văn hoá, sổ Kế hoạch giảng dạy, sổ ghi đầu bài, sổ dự giờ của GV.
+ Tổ chức cho giáo viên học tập ngoại khoá, chuyên đề.
+ Hàng ngày điều hành công việc thông qua các tổ trưởng, giáo vụ và giáo viên. + Lên kế hoạch tuần, tháng báo cáo Giám đốc.
+ Trực tiếp phụ trách một tổ chuyên môn; theo dõi và ký duyệt hồ sơ khối 12. + Thực hiện các công việc khác do Giám đốc phân công
Phó Giám đốc thứ hai:
+ Phụ trách CSVC, phụ trách công tác hướng nghiệp và dạy nghề, công tác liên kết và đào tạo, công tác nề nếp trật tự, công tác HSSV.
+ Chỉ đạo và lên kế hoạch lao động hàng tuần, hàng tháng; công tác vệ sinh môi trường.
+ Phối hợp với PGD để chỉ đạo làm tốt công tác tư vấn cho các TTHTCĐ ở các xã, thị trấn trong huyện.
+ Ký duyệt giáo án dạy nghề
+ Phối hợp với các đoàn thể trong việc chỉ đạo thực hiện và hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vân động.
+ Lên kế hoạch tuần, tháng báo cáo Giám đốc.
+ Thực hiện các công việc khác do Giám đốc phân công
- Nâng cao vai trò của các tổ chuyên môn; phát huy tính chủ động sáng tạo của tổ, nhóm, cá nhân trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy.
* Đối với giáo viên:
Bên cạnh những giáo viên trong chỉ tiêu biên chế, sau mỗi năm học giám đốc trung tâm phải đánh giá lại hiệu quả lao động của mỗi cán bộ, giáo viên và rút kinh nghiệm cho việc sắp xếp đội ngũ; đồng thời có kế hoạch tuyển chọn giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng. Quá trình tuyển chọn thông qua 4 bước:
+ Bước 1: Nghiên cứu hồ sơ cá nhân, nghĩa là phải xem xét một cách cụ thể, khách quan như: trường đào tạo, kết quả học tập, giới tính, tuổi tác, sức khỏe, nhu cầu công tác….phù hợp với nhu cầu của đơn vị.
+ Bước 2: Thử thách, nghĩa là cho giáo viên dạy thử có đánh giá của Hội đồng sư phạm, đồng thời phải qua thời gian thử việc trước khi ký hợp đồng.
+ Bước 3: Xét duyệt, bước này dựa vào cơ sở của các bước trên, đặc biệt là năng lực và khả năng tiến bộ sau một thời gian thử việc có hướng dẫn.
+ Bước 4: Ký kết hợp đồng và lập văn bản trình cấp trên.
Bên cạnh nguyên tắc tuyển chọn cần phải có chính sách mềm dẻo, thu hút kêu gọi những giáo viên còn dư thừa trên các địa bàn khác để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên bộ môn; vận động, khuyến khích những đội ngũ giáo viên giỏi, có năng lực về giảng dạy tại trung tâm đồng thời tạo điều kiện cho họ được hợp đồng dài hạn giúp cho họ yên tâm để công tác tốt hơn.
Việc sắp xếp đội ngũ giáo viên phải khoa học, biết tận dụng điểm mạnh của họ để phát huy, sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc. Đối với giáo viên được mời đến từ các cơ sở giáo dục khác ưu tiên việc xếp lịch, thời khóa biểu và phân cùng khối mà họ đang thực hiện ở đó .
Việc tuyển chọn, sắp xếp và phân công lao động trong đội ngũ giáo viên còn phải chú ý đến sự phối hợp hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình dạy học. Người này có thể thay thế cho người kia khi cần thiết hoặc khi có sự thay đổi, mặt khác còn tào điều kiện cho họ trao đổi đúc rút kinh nghiệm, chia sẻ với nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
* Trong phân công giảng dạy, Giám đốc trung tâm cần kết hợp hài hoà lợi ích của tập thể với lợi ích của cá nhân; kết hợp đồng bộ, hợp lí các phương án phân
công: phân công theo năng lực giáo viên, phân công theo nguyện vọng của giáo viên, phân công theo điều kiện của các TTGDTX, phân công theo đề nghị của tổ chức chuyên môn và phân công chuyên sâu. Đối với công tác bồi dưỡng học viên giỏi và với các lớp cuối cấp cần phân công theo năng lực chuyên môn của giáo viên và phân công chuyên sâu; đối với lớp đầu cấp cần lựa chọn giáo viên chủ nhiệm có năng lực quản lí lớp, có khả năng làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức. Khi phân công chuyên môn cần lắng nghe ý kiến góp ý của Công đoàn, của tổ, nhóm chuyên môn; trong từng trường hợp cụ thể cần xem xét đến nguyện vọng chính đáng của giáo viên. Việc sắp xếp đội ngũ cũng cần phải chú ý đến điều kiện của Trung tâm để có thể phát huy được hiệu quả lao động và có tính khả thi.
Khi phân công lao động phải đảm bảo nguyên tắc: Tính pháp lí; Đảm bảo chất lượng và hiệu quả; Đảm bảo dân chủ và công bằng; Đảm bảo tính linh hoạt.
3.2.2.3. Điều kiện thực hiện
- Giám đốc trung tâm phải có năng lực nhìn nhận, đánh giá khả năng của mỗi cán bộ, giáo viên trong đơn vị; biết khơi dậy tiềm năng và sở trường công tác của mỗi cá nhân; biết động viên mọi người khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
- Giám đốc trung tâm phải có cái nhìn công bằng và đánh giá khách quan, toàn diện đối với từng thành viên của đơn vị. Trong phân công lao động phải công bằng, khách quan, không vị nể cá nhân, không thiên vị và đặt quyền lợi của tập thể lên trên hết.
- Trong dạy học phải có đầy đủ cơ cấu đội ngũ giáo viên của các bộ môn giảng dạy, giáo viên phải được chuẩn hoá theo yêu cầu nhiệm vụ.