Sự cần thiết phải phòng ngừa rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng tại ngân hàng TMCP Quân đội trong điều kiện cạnh tranh tự do giữa các NHTM trên thị trường vốn Việt Nam (Trang 28)

Rủi ro xảy ra làm thiệt hại rất lớn cho bất cứ ai phải đương đầu với nó. Muốn tồn tại và phát triển trong cạnh tranh, các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng cần phải dự đoán được rủi ro để có những giải pháp quản lý và phòng chống rủi ro, chấp nhận rủi ro ở mức độ hợp lý. Bởi vì chỉ cần một sơ suất nhỏ hoặc một quyết định thiếu kịp thời cũng có thể đưa đến cho ngân hàng những bất trắc khó lường, hậu quả của nó thậm chí không cứu vãn được. Rủi ro tín dụng không chỉ tác động tới ngân hàng mà có thể ảnh hưởng tới cả khách hàng, trầm trọng hơn nữa là ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.

• Đối với ngân hàng

- Rủi ro làm giảm uy tín của ngân hàng.

Một khi một ngân hàng có mức độ rủi ro của các tài sản là cao thì ngân hàng đó thường đứng trước nguy cơ mất uy tín của mình trên thị trường. Không một ai muốn gửi tiền vào một ngân hàng mà ngân hàng đó có tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu vượt quá mức cho phép, có chất lượng tín dụng không tốt và gây ra nhiều vụ thất thoát lớn. Thông tin về việc một ngân hàng có mức độ rủi ro cao thường được báo trí nêu lên và lan truyền trong dân chúng, điều này sẽ khiến cho việc huy động vốn của ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc giảm uy tín còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngân hàng đó, càng làm cho hoạt động của ngân hàng gặp nhiều khó khăn hơn.

- Rủi ro làm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của ngân hàng.

Hoạt động chủ yếu của ngân hàng là nhận tiền gửi và cho vay, nếu các khoản tín dụng gặp rủi ro thì việc thu hồi nợ vay sẽ gặp nhiều khó khăn trong khi đó các khoản tiền gửi vẫn phải thanh toán đúng hạn. Trong lúc không huy động được vốn do mất uy tín, người rút tiền ngày càng tăng lên, kết quả là ngân hàng gặp khó khăn trong khâu thanh toán.

- Rủi ro làm giảm lợi nhuận của ngân hàng.

Rủi ro tín dụng xảy ra làm cho ngân hàng không thu được gốc và lãi theo đúng thời hạn trong hợp đồng tín dụng, thậm chí còn làm mất vốn của ngân hàng. Hoạt động tín dụng có lien quan mật thiết với nhiều hoạt động khác, ví dụ như các hoạt động của ngân hàng, do đó rủi ro tín dụng xảy ra không chỉ làm giảm thu nhập của ngân hàng từ hoạt động tín dụng, mà còn làm giảm thu nhập từ các hoạt động khác. Bên cạnh đó, rủi ro tín dụng cao dẫn đến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro và điều này khiến cho lợi nhuận còn lại càng thấp.

- Rủi ro có thể làm phá sản ngân hàng.

Rủi ro tín dụng xảy ra thường tạo cho ngân hàng những tổn thất về tài chính, nhưng những thiệt hại về uy tín, về mất lòng tin về xã hội là những tổn thất còn lớn hơn nhiều. Vấn đề giữ uy tín là điều tối quan trọng, chỉ cần mất niềm tin vào ngân hàng thì người gửi tiền sẽ có thể kéo đến ngân hàng rút tiền. Nếu rủi ro xảy ra ở mức độ ngân hàng không có khả năng ứng phó thì sẽ gây phản ứng dây chuyền trong dân chúng, dân chúng sẽ đổ xô đến ngân hàng rút tiền gửi. Đối với những khoản cho vay dài hạn ngân hàng không thể thu hồi vốn ngay, đồng thời rủi ro tín dụng đã làm mất một phần vốn của ngân hàng, như vậy ngân hàng không còn khả năng thanh toán và sẽ đi đến phá sản.

• Đối với khách hàng

Rủi ro tín dụng không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đối với ngân hàng mà còn có tác động xấu đối với khách hàng.

- Đối với người gửi tiền:

Khi ngân hàng gặp phải rủi ro tín dụng, tức là ngân hàng không thu hồi được gốc và lãi của những khoản đã cho vay. Vốn để ngân hàng tài trợ các doanh nghiệp lại chính là từ nguồn tiền gửi của người gửi tiền. Bên cạnh đó, khi rủi ro tín dụng xảy ra sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng dẫn đến khách hàng kéo đến rút tiền ồ ạt, vì vậy ngân hàng sẽ mất khả năng thanh toán. Khách hàng cũng phải đối mặt với rủi ro là họ không thể thu hồi lại khoản tiền đã gửi ngân hàng.

- Đối với người vay tiền:

Khi ngân hàng có rủi ro tín dụng ở mức độ cao ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng, người gửi tiền tới ngân hàng sẽ ít đi và ngân hàng sẽ phải trả cho họ một lãi suất cao đồng thời ngân hàng áp dụng chính sách thận trọng hơn để đủ bù đắp lãi suất cao từ các khoản tiền gửi. Do đó, người đi vay sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn và phải huy động vốn với lãi suất cao hơn, ảnh hưởng đến chi phí và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đối với người khách hàng gây ra nợ xấu, nợ quá hạn đối với ngân hàng:

Khách hàng sẽ bị áp dụng một mức lãi suất phạt cao hơn đồng thời cơ hội để khách hàng tìm các nguồn tài trợ sẽ giảm đi rất nhiều.

• Đối với nền kinh tế

Hoạt động của ngân hàng có tính chất xã hội hóa cao, nó liên quan đến nhiều ngành nghề. Ngân hàng thương mại được coi là trung gian tài chính quan trọng của nền kinh tế có quan hệ trực tiếp và thường xuyên với tất cả các tổ chức kinh tế và mọi thành phần trong nền kinh tế. Do đó khi rủi ro tín dụng xảy ra có thể gây tổn thất lan truyền đến mọi tổ chức kinh tế và cá nhân khác. Người gửi tiền sẽ bị mất tiền, người vay tiền sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn dẫn tới tăng chi phí hoạt động vốn hoặc thiếu vốn cho quá trình sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, khó có thể thanh toán nợ vay sẽ ảnh hưởng tới cả nền kinh tế cũng như với các ngân hàng khác mà doanh nghiệp vay vốn. Như vậy, sự đổ vỡ của một ngân hàng có thể kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống ngân hàng, gây mất lòng tin ở dân chúng và có thể dẫn đến khủng hoảng của cả nền kinh tế. Có thể thấy rủi ro tín dụng và đầu mối của nhiều cuộc khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Sự tác động này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước có liên quan mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn thế giới.

Chương 2

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng tại ngân hàng TMCP Quân đội trong điều kiện cạnh tranh tự do giữa các NHTM trên thị trường vốn Việt Nam (Trang 28)