Ca dao, tục ngữ được xem là kho kinh nghiệm quý về lao động sản xuất, dự báo các hiện tượng thiên nhiên, phản ánh các quan hệ xã hội, tình cảm gia
đình…được dân gian đúc kết lại từ hàng ngàn năm qua. Văn hóa ẩm thực là một nét văn hóa tự nhiên được hình thành trong cuộc sống. Đối với người Việt, việc ăn uống không chỉ là nét văn hóa về vật chất mà còn là nét văn hóa về tinh thần…Qua tục ngữ, ca dao, đời sống ẩm thực người Việt được tái hiện một cách phong phú từ việc lựa chọn các sản vật tự nhiên, phương thức chế biến món ăn, phong tục tập quán trong ăn uống đến những quan niệm triết lý về ăn uống thể hiện lối sống, thế ứng xử của con người trong xã hội nông nghiệp cổ truyển.
Các vấn đề ẩm thực được cả ca dao và tục ngữ tập chung phản ánh chủ yếu là các sản vật, đặc sản ở các địa phương, kinh nghiệm lựa chọn lương thực, thực phẩm, quan niệm, ứng xử của con người về văn hóa ẩm thực, thói hư tật xấu của người Việt phong tục tập quán trong ẩm thực. Sở dĩ có điều này là bởi ở mỗi địa phương lại có điều kiện về đất đai, khí hậu khác nhau nên có những sản vật mang đặc trưng riêng của mảnh đất đó. Ví dụ như ca rô Đầm Sét có ở Thanh Trì- Hà Nội, rau húng, hành có ở làng Láng, tương bần ở Hưng Yên…Cách thức ứng xử, quan điểm, phong tục tập quán trong ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi qua ẩm thực đã phần nào thể hiện phẩm giá con người, xa hơn là trình độ văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, phản ánh về vấn đề về văn hóa ẩm thực cả ca dao và tục ngữ đều sử dụng các phương thức ngắn gọn, cô đúc có khả năng tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của con người.