Tìm hiểu về văn hóa ẩm thực Việt Nam, từ xa xưa những tri thức đó ngoài được sưu tầm thì cũng được nghiên cứu, phân tích trong hệ thống các sách lịch sử, văn hóa như Lĩnh nam chích quái của Trần Thế Pháp, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ
Đến đầu thế kỷ XX, một số sách viết về phong tục có đề cập nhiều đến vấn đề ăn uống của người Việt như Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, Việt Nam văn
hoá sử cương của Đào Duy Anh (1938), Nếp cũ con người Việt Nam của Toan
Ánh, Đất lề quê thói của Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu v.v.... Ẩm thực được coi là một bộ phận không thể thiếu trong nền văn hoá dân tộc. Đặc biệt, trong một số tác phẩm, ẩm thực đã được đặt vào vị trí xứng đáng của nó như các cuốn: Mùa xuân và phong tục Việt Nam của nhóm tác giả Trần Quốc Vượng, Lê Văn Hảo, Dương Tất
Ngoài ra, còn phải kể tới một số công trình nghiên cứu chung về văn hóa của các dân tộc dưới góc độ dân tộc học và nhân học có đề cập phần nào đến lĩnh vực ẩm thực của các dân tộc, trong đó chủ yếu giới thiệu về tập quán ăn uống như: Các dân tộc Tày-Nùng ở Việt Nam của Viện dân tộc học (1992); Phong tục tập quán dân tộc tày ở Việt Nam của Hoàng Quyết và Tuấn Dũng (1994); Một số vấn đề về văn hóa ăn uống trong xã hội cổ truyền người Việt của
Nguyễn Hải Kế (Đề tài NCKH cơ bản, Hà Nội, 2004) v.v... .
Cuốn Văn hóa ẩm thực Việt Nam của tác giả Vũ Ngọc Khánh cũng có chủ đề xuyên suốt khi đề cập đến tầm quan trọng của lối ăn, cách ăn. Theo tác giả “Có lẽ trong kho tàng ngôn ngữ thế giới và cả ngôn ngữ Việt Nam, không có từ nào như từ ăn, khi nó được ghép với vô số những từ tố thông dụng trong tiếng nói con người: ăn làm, ăn chơi, ăn giỏi, ăn nhập... Ăn được ghép vào với những từ khác, để bao trùm được mọi mặt sinh họat, mọi nghề nghiệp, tính cách của con người” [36;tr.12]. Tác giả cho rằng, khái niệm “ăn” của người Việt Nam đã được mở rộng khi xem cái ăn là một vấn đề văn hóa lớn, bao trùm.
Trong phần một của cuốn sách, tác giả trình bày những đặc điểm của văn hóa Việt Nam, đó là quan niệm ăn uống của người Việt, nghệ thuật ẩm thực của người Việt qua đồ ăn thức uống, cỗ bàn, cách thức, ứng xử trong ăn uống và ý thức về tài năng và chất lượng. Phần 2 của cuốn sách, tác giả khảo sát trên một số bình diện từ lễ tục đến lễ vật. Đó là các nghi thức dâng cúng thần linh, việc cưới xin, sinh đẻ, tang ma...Tiếp đó, là những hội thi tài gắn với đời sống ẩm thực của cư dân xưa như hội Tắt đèn, Đốt đuốc, Đội xôi ở làng Ném, Võ Giàng, Hà Bắc cũ, Hội Thi thổi cơm ở xã Định Tường, Thanh Hóa...Những câu phương ngôn, thành ngữ về đặc sản từng vùng miền cũng được tác giả liệt kê cùng danh mục các món ăn Việt Nam. Có thể xem đây là một trong những công trình khá đầy đủ khi nghiên cứu về văn hóa ẩm thực.
Bên cạnh đó còn phải kể cuốn Bước đầu tìm hiểu văn hóa ẩm thực Việt
Nam của Phan Văn Hoàn (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006). Đây là một
công trình nghiên cứu tương đối toàn diện và hệ thống về ẩm thực Việt Nam. Trong cuốn sách này, tác giả đã nêu lên những đặc điểm chung khái quát về tự
nhiên và xã hội Việt Nam trong mối quan hệ với truyền thống văn hoá ăn uống của dân tộc, giới thiệu sự phong phú và đa dạng của các món ăn, phân tích mối quan hệ giữa ăn uống với cuộc sống con người Việt Nam đồng thời đề cập tới vấn đề giao lưu văn hoá trong ăn uống. Với nội dung như trên, công trình này đã bao quát được toàn bộ những vấn đề của ẩm thực Việt Nam nói chung.
Ngoài các cuốn sách trên còn phải kể đến cuốn Khám phá ẩm thực truyền
thống Việt Nam của tác giả Ngô Đức Thịnh trình bày về những đặc điểm chung
trong văn hóa ẩm thực Việt Nam và đi sâu vào ẩm thực của người Việt và truyền thống ẩm thực của các dân tộc thiểu số.
Viết về ẩm thực, nhiều tác giả còn đi sâu giới thiệu về đặc sản và văn hóa
ẩm thực của từng vùng như cuốn Quà Hà Nội và Ẩm thực dân gian Hà Nội của
Nguyễn Thị Bảy;Văn hoá ẩm thực Kinh Bắc của Trần Quốc Thịnh (Tài liệu của Hội Văn nghệ dân gian, 1999); Văn hoá ẩm thực xứ Nghệ của Ninh Viết Giao (Hội văn nghệ dân gian Nghệ An, Vinh 2000); Văn hoá ẩm thực dân gian làng Đồng Vang, Phú Xuyên, Hà Tây của Nguyễn Huy Hồng (Hội Văn nghệ
dân gian)…
Viết về ẩm thực, đặc biệt còn có một số nhà văn, dưới ngòi bút tinh tế của họ, ẩm thực không chỉ là những món ăn thông thường mà còn trở thành một thú chơi, một nét nghệ thuật đặc sắc. Đó là Hà Nội ba sáu phố phường của Thạch
Lam. Tác giả đã liệt kê khá nhiều món ngon của Hà Nội, mô tả kỹ lưỡng quà Hà Nội một cách tinh tế như phở, cốm bún chả, xôi...; Trong Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng đã diễn tả nỗi niềm của một người xa Hà Nội qua nỗi nhớ da diết với
ẩm thực của nơi kinh kỳ. Các đặc sản của Hà Nội cũng như của miền Nam đã
được ông thể hiện bằng một bút pháp giàu chất thơ qua những bút ký trong
Miếng ngon Hà Nội và Món lạ miền Nam. Nguyễn Tuân đã đi tìm vẻ đẹp của
quá khứ, trong đó có những bài viết đầy chất thơ về ẩm thực tinh tế của người Việt qua Vang bóng một thời (1940), Tuỳ bút (1941, 1943, 1955). Nhà văn Băng Sơn cũng có hàng loạt tùy bút viết về thú ẩm thực của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng như Thú ăn chơi người Hà Nội (1993); tác giả Ngô Minhđã có một công trình khảo sát lý thú vềĂn chơi xứ Huế v.v... .
Với nhiều sản vật ngon trên khắp cả ba miền cùng nếp ăn, nếp uống theo phong tục riêng, văn hóa ẩm thực người Việt luôn chứa đựng nhiều điều thú vị, hấp dẫn. Có lẽ vì vậy, nghiên cứu về ẩm thực chắc chắn không chỉ dừng lại ở một vài công trình, trong một thời điểm nhất định. Theo thời gian, ẩm thực sẽ được nhìn nhận, tìm hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau thể hiện cái nhìn đa chiều về đời sống văn hóa Việt Nam trong đó văn hóa ẩm thực đóng một vai trò không nhỏ.