Quy định về tài sản phá sản

Một phần của tài liệu Thanh lý tài sản phá sản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 29 - 30)

Có thể thấy, Luật Phá sản năm 2004 quy định chưa bao quát hết các tài sản của con nợ khi thực hiện tuyên bố phá sản doanh nghiệp, trong khi đó cũng không có quy định loại trừ xử lý đối với một số tài sản đặc biệt. Trong quá trình giải quyết liên quan đến phá sản doanh nghiệp, việc xác định đúng, đầy đủ các tài sản của doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Theo quy định tại Điều 49 Luật Phá sản năm 2004 thì các loại tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản gồm:

- Tài sản và quyền về tài sản mà doanh nghiệp có tại thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

- Các khoản lợi nhuận, các tài sản và các quyền về tài sản mà doanh nghiệp sẽ có do việc thực hiện các giao dịch được xác lập trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

- Tài sản là vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp;

- Giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai.

Như vậy, có bốn nhóm tài sản chính liên quan đến doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, với các quy định mang tính liệt kê như vậy, rất dễ bỏ qua một số tài sản mà lẽ ra có thể thu hồi và thanh lý để trả cho các chủ nợ. Ví dụ, ngoài các tài sản được quy định tại Điều 49 Luật Phá sản năm

2004, thì tài sản và quyền tài sản thu được từ các giao dịch vô hiệu hoặc thu được từ các giao dịch không công bằng của con nợ, tài sản và quyền tài sản mà con nợ có được sau ngày mở thủ tục phá sản... cũng có thể coi là tài sản có thể thu hồi để thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật Phá sản năm 2004 quy định về phạm vi khối tài sản phá sản cũng không đưa danh mục các tài sản thuộc diện loại trừ khỏi khối tài sản phá sản. Trong khi đó, xét ở góc độ nhân đạo và thông lệ chung quốc tế thì đối với trường hợp con nợ là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh thì pháp luật cũng phải xác định tài sản miễn trừ khi giải quyết phá sản đối với các loại hình đó. Các tài sản miễn trừ theo thông lệ quốc tế thường là: đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, các khoản trợ cấp, tiền bồi thường do bị tổn hại sức khỏe, tiền bảo hiểm... Vì vậy, đối với những tài sản này việc quy định miễn trừ khỏi tài sản phá sản là hợp lý và cần thiết.

Một phần của tài liệu Thanh lý tài sản phá sản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 29 - 30)