Nghĩa vụ trả nợ của chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh

Một phần của tài liệu Thanh lý tài sản phá sản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 53 - 55)

hợp danh của công ty hợp danh

Việc buộc các con nợ bị tuyên bố phá sản là chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh tiếp tục phải trả các món nợ còn thiếu sau khi đã bán toàn bộ tài sản hiện có trong kinh doanh và trong dân sự quy định tại Điều 90 Luật Phá sản năm 2004 là chế tài quá khắt khe, cứng nhắc. Thông thường, các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản đều là những con nợ có số nợ rất lớn, vượt quá nhiều so với giá trị còn lại của doanh nghiệp. Ví dụ, Công ty TAMEXCO thành phố Hồ Chí Minh: nợ phải trả là 368.321.392.108 đ, giá trị tài sản còn lại chỉ có 9.463.842.880 đ; cân đối giữa tài sản có và tài sản nợ cho thấy công ty này đã mất khả năng thanh toán 105.316.029.015 đ. Công ty TNHH Ngọc Thảo thành phố Hồ Chí Minh: nợ phải trả là 324.257.263.422 đ, nợ phải thu là 169.898.000 đ, giá trị tài sản còn lại là 199.315.757.543 đ; cân đối giữa tài sản có và tài sản nợ thì công ty này đã mất khả năng thanh toán nợ 124.771.607.879 đ [50, tr. 3]. Do đó, việc có

bắt buộc con nợ tiếp tục trả nợ sau khi thực hiện xong thủ tục thanh lý hay không là vấn đề quan trọng đối với pháp luật về phá sản của mỗi quốc gia. Luật phá sản các nước khác nhau quy định về vấn đề này cũng có sự khác nhau. Điểm chung nhất ở quy định về vấn đề này là đối với các công ty TNHH, công ty CP thì khi bị phá sản, các thành viên công ty chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn, nghĩa là họ chỉ phải trả nợ cho đến hết số tài sản mà họ đã góp vào công ty. Họ đương nhiên được giải phóng khỏi nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ mà công ty còn thiếu. Còn đối với chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh thì pháp luật các nước có các cách quy định khác nhau. Cách thứ nhất là những người này sau khi đã trả nợ bằng toàn bộ tài sản của mình (bao gồm cả tài sản trong kinh doanh và tài sản dân sự) mà vẫn còn thiếu thì phải tiếp tục trả nợ bằng các tài sản sẽ có trong tương lai, còn sống, còn thu nhập là phải còn trả nợ cho đến khi hết thì mới được giải phóng khỏi các khoản nợ. Cách thứ hai, sau khi trả nợ bằng toàn bộ tài sản hiện có của mình mà vẫn thiếu thì về nguyên tắc, các con nợ này được giải phóng khỏi nghĩa vụ tiếp tục trả nợ. Nhưng pháp luật cũng dự liệu các trường hợp mà họ buộc phải trả nợ đến cùng theo cách thứ nhất.

Pháp luật Việt Nam cần xóa bỏ sự khắt khe và những hạn chế mang lại từ việc quy định theo cách thứ nhất bằng việc tiếp thu kinh nghiệm từ các nước theo cách thứ hai. Cụ thể, chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh sẽ được giải phóng khỏi nghĩa vụ tiếp tục trả nợ sau khi đã dùng toàn bộ tài sản của mình để trả nợ mà vẫn không đủ, nhưng nếu họ có những hành vi vi phạm sau đây thì sẽ không được hưởng quy chế miễn trừ nghĩa vụ trả nợ:

- Trì hoãn việc làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi đã thấy không có bất kỳ triển vọng nào cho việc cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp mà mình đang quản lý, điều hành;

- Có hành vi tẩu tán, hủy hoại hoặc sử dụng một cách lãng phí tài sản trước và sau khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu giải quyết phá sản;

- Vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, nghĩa vụ hợp tác với Tòa án, Hội nghị chủ nợ, thiết chế quản lý và thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết vụ phá sản;

- Đã được hưởng quy chế giải phóng nợ trong một vụ phá sản khác trong một thời hạn nhất định (6 năm hoặc 10 năm) trước ngày thụ lý đơn yêu cầu giải quyết phá sản.

Một phần của tài liệu Thanh lý tài sản phá sản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 53 - 55)