Chủ thể tiến hành thủ tục thanh lý tài sản phá sản

Một phần của tài liệu Thanh lý tài sản phá sản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 48 - 50)

Theo quy định của pháp luật phá sản Việt Nam hiện nay thì chủ thể liên quan đến quá trình thanh toán tài sản phá sản bao gồm Tòa án; Tổ quản lý, thanh lý tài sản; chủ nợ và con nợ. Trong đó, Thẩm phán (đại diện cho Tòa án) có vai trò quyết định chính thức về phương án phân chia tài sản của doanh nghiệp phá sản. Tổ quản lý, thanh lý tài sản do Thẩm phán thành lập đồng thời với quyết định mở thủ tục phá sản. Đây là thiết chế chuyên môn giúp Thẩm phán làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Là cơ quan thực hiện quyết định của Thẩm phán về việc áp dụng thủ tục thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Pháp luật phá sản ở các nước đều có điều khoản quy định về thiết chế quản lý tài sản. Ví dụ, Luật Phá sản của Hoa Kỳ giao quyền quản lý tài sản phá sản

cho Tín thác viên, Tín thác viên là người được ủy thác quản lý tài sản, là đại diện hợp pháp thay mặt chủ sở hữu thực hiện các quyền năng đối với tà sản, tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập và vì vậy có thể trở thành nguyên đơn và bị đơn trong các quan hệ pháp luật cụ thể [43, tr. 291-292]. Trong thủ tục thanh lý, Tín thác viên do các chủ nợ bầu hoặc nếu chưa bầu thì do Tòa án chỉ định Tín thác tạm thời để tiến hành việc quản lý tài sản phá sản cho đến khi Tín thác chính thực được lựa chọn Theo thủ tục này, các chủ nợ cũng có thể bầu ra một Ủy ban với tối thiểu 3 người để tham vấn cho người tín thác và đưa ra những khuyến nghị lên Tòa án. Tín thác viên có các quyền hạn chủ yếu sau: Quyền sử dụng hoặc bán hay cho thuê tài sản phá sản sau

khi có thông báo của Tòa án; quyền đặt cọc hoặc đầu tư một phần giá trị tài sản phá sản; trên cơ sở chấp thuận của Tòa án có quyền được sử dụng các chuyên gia độc lập như luật sư, kế toán, các nhà bán đấu giá, các nhân viên định giá tài sản hoặc hoạt động nhân danh những người này đối với tài sản phá sản; trên cơ sở chấp thuận của Tòa án có quyền tiến hành loại bỏ một hợp đồng đã thực hiện hay chưa hết hạn của con nợ... [60, tr. 57-58]. Theo pháp luật phá sản của Thụy Điển, việc quản lý tài sản của con nợ lâm vào tình trạng phá sản cũng được thực hiện theo chế độ chuyên nghiệp. Sau khi xác định con nợ đã mất khả năng thanh toán và ra quyết định mở thủ tục phá sản thì Tòa án sẽ bổ nhiệm Quản tài viên. Quản tài viên, mặc dù là người có thẩm quyền rất rộng trong việc bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ, nhưng không có quyền can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp [1].

Kinh nghiệm của các nước cho thấy có ít nhất một cơ quan chính chuyên làm nhiệm vụ của người quản lý tài sản đồng thời xử lý tài sản trong tất cả các vụ kiện và được một ủy ban của chủ nợ hỗ trợ. Vì vậy, pháp luật phá sản của Việt Nam cũng cần phải xây dựng tổ chức các nhà quản lý tài sản tư nhân độc lập, có đủ năng lực, phù hợp với thông lệ chung của các nước trên thế giới. Việc thành lập và hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản cần một số giải pháp sau:

- Cần ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm chi phí cho quá trình giải quyết phá sản vì đây là một thiết chế có tính chất mới so với Tổ quản lý tài sản và Tổ thanh toán tài sản trước đây;

- Có sự hướng dẫn việc cử đại diện chủ nợ theo hướng là chủ nợ có số nợ nhiều nhất. Nếu chủ nợ có số nợ lớn nhất là pháp nhân, cá nhân nước ngoài hoặc trong trường hợp chủ nợ có số nợ nhiều nhất không có điều kiện tham gia Tổ, thì Tòa án có thể chỉ định tạm thời một chủ nợ làm đại diện tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản;

- Quy định trách nhiệm của cơ quan trong việc cử cán bộ tham gia vào Tổ quản lý, thanh lý tài sản, tránh tình trạng thờ ơ, vô trách nhiệm của các cơ quan đó, góp phần nâng cao hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản;

- Quy chế hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản cần quy định cụ thể việc phân công, phân nhiệm và lề lối làm việc của các thành viên của Tổ. Cần quy định trách nhiệm cá nhân của Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản và các thành viên của Tổ khi thực hiện các quyết định của Tòa án. Hoạt động của Tổ trưởng có vị trí rất quan trọng của Thẩm phán và thực hiện thanh toán cho các chủ nợ. Do đó, cần quy định rõ chế độ báo cáo của Tổ trưởng đối với Thẩm phán;

- Có hướng dẫn về sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án; - Cho phép Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản có quyền huy động nhân viên kế toán và các cán bộ khác của cơ quan Thi hành án hỗ trợ công tác kiểm tra sổ sách kế toán, quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, tổ chức thi hành các quyết định của Thẩm phán, đóng tài khoản khi có quyết định giải thể Tổ quản lý, thanh lý tài sản và bàn giao tài liệu khi kết thúc công việc giải quyết phá sản.

Một phần của tài liệu Thanh lý tài sản phá sản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 48 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)