Thứ tự phân chia tài sản phá sản

Một phần của tài liệu Thanh lý tài sản phá sản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 55 - 58)

Theo quy định của Điều 37 Luật Phá sản năm 2004 về thứ tự ưu tiên thanh toán tài sản còn lại của doanh nghiệp thì chỉ ưu tiên thanh toán phí phá sản; và các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết. Các chủ nợ không có bảo đảm được thanh toán từ phần tài sản còn lại theo tỷ lệ tương ứng với số nợ. Thứ tự ưu tiên thanh toán này theo Luật Phá sản năm 2004 chưa thực sự khuyến khích các chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Theo Luật Phá sản của Hoa Kỳ, thứ tự phân chia tài sản được xác định như sau:

- Các chủ nợ có đảm bảo thu hồi nợ theo lợi ích đã được đảm bảo; - Các chủ nợ được trao quyền thu hồi nợ được ưu tiên theo một thứ tự đã quy định;

- Việc thanh toán nợ cho các chủ nợ không đảm bảo đã đưa ra những yêu cầu kịp thời, đúng hạn;

- Việc thanh toán nợ cho các chủ nợ không có đảm bảo đã đưa những yêu cầu muộn hơn;

- Những khoản thanh toán đối với những thiệt hại có tính chất trừng phạt làm gương cho kẻ khác;

- Những chi phí từ ngày khởi kiện cho đến khi các công việc trên được tiến hành;

- Tài sản còn lại thì giao cho chủ nợ.

Những khiếu nại cùng hàng thì được trả theo một tỷ lệ tương ứng.

Trong Luật Mất khả năng thanh toán của Cộng hòa Liên bang Nga tại Điều 31, trình tự đó quy định như sau:

- Các khoản chi phí có liên quan đến: + Thủ tục thanh lý tài sản;

+ Thù lao cho nhân viên quản lý tài sản và thanh lý tài sản;

+ Việc duy trì chức năng của doanh nghiệp mắc nợ được thanh toán không cần qua thứ tự ưu tiên;

- Thanh toán cho các chủ nợ theo thứ tự:

+ Tiền bồi thường cho công dân mà người mắc nợ có trách nhiệm do gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe được trả bằng khoản thanh toán tạm thời;

+ Lương cho người lao động trả trợ cấp trong vòng một năm kể từ ngày mở thủ tục thanh lý, trả thù lao theo hợp đồng tác giả và li-xăng;

+ Các khoản phải nộp ngân sách và quỹ ngoài ngân sách phát sinh trong vòng một năm tính đến ngày mở thủ tục thanh lý;

+ Các chủ nợ tham gia thủ tục phá sản;

+ Các thành viên tập thể lao động doanh nghiệp mắc nợ có phần đóng góp vào tài sản của doanh nghiệp mắc nợ;

+ Các chủ sở hữu; + Các yêu cầu còn lại.

Trong đó, các chủ nợ thứ nhất, thứ hai, thứ ba là chủ nợ ưu đãi. Mỗi chủ nợ cùng một thứ tự ưu tiền được phân phối theo cùng tỷ lệ.

Điều 38 Luật Phá sản của Trung Quốc, trình tự phân chia tài sản là: - Khấu trừ các khoản chi phí từ phá sản;

- Các khoản lương trả cho công nhân viên chức và chi phí bảo hiểm lao động mà doanh nghiệp phải thanh toán;

- Các khoản thuế mà doanh nghiệp phải thanh toán; - Các yêu cầu trong phá sản.

Trong trường hợp tài sản không đủ để đáp ứng theo yêu cầu thanh toán theo trật tự ưu tiên thì sẽ được phân chia theo tỷ lệ.

Có thể thấy pháp luật phá sản của đa số các quốc gia đều quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán nợ từ tài sản phá sản của con nợ: Các khoản chi phí trong quá trình giải quyết phá sản được ưu tiên thanh toán trước; các chủ nợ ưu tiên khác là các cá nhân, tổ chức được hưởng các chi phí giải quyết phá sản như thuế, người lao động và chi phí khác; các chủ nợ: bao gồm chủ nợ có đảm bảo ưu tiên thanh toán trước các chủ nợ không có đảm bảo theo nguyên tắc: các chủ nợ có đảm bảo được thanh toán đầy đủ khoản tiền nợ mà con nợ chưa thanh toán, nếu giá trị tài sản đảm bảo đó không đủ để chi trả hết thì phần thiếu này sẽ được chuyển thành các khoản nợ không có bảo đảm và các chủ nợ có bảo đảm đó được chia như các chủ nợ không có bảo đảm; nếu giá trị này vượt quá số nợ có bảo đảm thì phần chênh lệch sẽ chuyển vào khối tài sản phá sản của con nợ. Các chủ nợ không có bảo đảm được thanh toán theo tỷ lệ. Ngoài ra còn có các chủ nợ được trả chậm như người cho vay có thứ tự thanh toán sau cùng trong một hợp đồng vay hợp vốn; các cổ đông của công ty cổ phần bị phá sản.

Pháp luật phá sản của Việt Nam, mặc dù đã bãi bỏ sự ưu tiên thanh toán cho khoản nợ thuế là hợp lý vì điều đó góp phần bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ nợ là nhà nước và các chủ nợ khác. Tuy nhiên, để khuyến khích chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, pháp luật phá sản của Việt Nam cần ưu tiên thanh toán các chi phí mà chủ nợ bỏ ra khi tham gia vào thủ tục phá sản. Kinh nghiệm rút ra từ quy định tại Điều 39 Luật Phá sản Đức thì tiền thu được từ bán tài sản phá sản được phân chia theo thứ tự ưu tiên, trong đó, chi phí của chủ nợ phá sản phát sinh từ việc tham gia vào thủ tục phá sản được ưu tiên thanh toán trước các khoản nợ thông thường. Đối với chủ nợ

đứng đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Luật cần ưu tiên thanh toán trước khoản nợ này so với các chủ nợ thông thường khác. Nếu có sự ưu tiên thanh toán đối với các chủ nợ đứng đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và chủ nợ tham gia vào thủ tục phá sản thì sẽ khuyến khích các chủ nợ chọn phương án đòi nợ theo thủ tục phá sản chứ không chọn cách khởi kiện đòi nợ theo thủ tục dân sự. Theo kinh nghiệm quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán các khoản nợ trong pháp luật một số nước nêu trên, pháp luật phá sản Việt Nam cần hoàn thiện quy định liên quan đến vấn đề này, cụ thể tài sản phá sản sẽ được phân chia theo thứ tự:

- Các chi phí liên quan đến việc tiến hành thủ tục phá sản;

- Các nghĩa vụ thanh toán đối với người lao động theo hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và pháp luật lao động hiện hành;

- Các chủ nợ không có bảo đảm trong danh sách chủ nợ: + Chủ nợ đứng đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

+ Các chủ nợ tham gia thủ tục phá sản; + Các chủ nợ còn lại;

- Các chủ sở hữu; - Các khoản nợ khác.

Các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ theo nguyên tắc nếu giá trị tài sản đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ đều được thanh toán đủ số nợ của mình; nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng.

Một phần của tài liệu Thanh lý tài sản phá sản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)