Về cơ cấu tổ chức, hoạt động; năng lực và chuyên môn của chủ thể thực hiện thủ tục thanh lý tài sản phá sản

Một phần của tài liệu Thanh lý tài sản phá sản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 58 - 62)

chủ thể thực hiện thủ tục thanh lý tài sản phá sản

Ở hầu hết các nước trên thế giới, trong trình tự giải quyết phá sản có hai thủ tục cơ bản là thủ tục phục hồi doanh nghiệp và thủ tục thanh lý doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đã chọn hình thức “thanh lý” thì có nghĩa là họ đã

suy nghĩ tìm mọi cách nhưng không còn khả năng níu kéo được nữa. Để đảm bảo cho các quy định về thủ tục thanh lý tài sản phá sản được thực thi trên thực tế và đạt hiệu quả, pháp luật về phá sản cần quy định chặt chẽ về thiết chế thực thi thủ tục này: từ việc tổ chức bộ máy của Tổ quản lý, thanh lý tài sản; điều kiện vật chất đến năng lực và trình độ chuyên môn của các cán bộ; đồng thời có các chế tài xử lý thích đáng đối với những hành vi vi phạm trong quá trình thực thi thủ tục thanh lý tài sản phá sản. Theo quy định của pháp luật về phá sản, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các vụ phá sản và Cơ quan thi hành án dân sự phải cử Chấp hành viên là Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này được quy định cụ thể tại các điều 9, 10 và 11 Luật Phá sản năm 2004; Điều 20 và từ Điều 22 đến Điều 33 của Nghị định số 67/2006/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Theo các quy định này thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản có hai nhiệm vụ chính, đồng thời cũng là hai nội dung cơ bản và bao trùm của toàn bộ quá trình tiến hành thủ tục phá sản:

- Quản lý, kiểm kê và tổng hợp tình hình tài chính, tài sản của doanh nghiệp; thi hành các quyết định của Thẩm phán, thanh lý tài sản của doanh nghiệp và xử lý các tình huống phát sinh từ việc quản lý, thanh lý tài sản;

- Lập danh sách chủ nợ.

Như vậy, vai trò của Chấp hành viên với tư cách là Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản là đặc biệt quan trọng trong suốt quá trình thực hiện một vụ phá sản. Chỉ khi nào có được danh sách chủ nợ và bản kê tổng hợp tài sản doanh nghiệp thì Thẩm phán mới có thể tiến hành triệu tập Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất để thông qua phương án phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc chuyển sang thủ tục thanh lý tài sản. Do đó, tiến độ và chất lượng giải quyết các vụ phá sản phụ thuộc rất nhiều vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ quản lý, thanh lý tài sản do Chấp hành viên làm tổ trưởng.

Trên thực tế, việc kiểm kê, quản lý và thanh lý tài sản là rất phức tạp, đòi hỏi Chấp hành viên phải có kỹ năng nghề nghiệp và đầu tư nhiều công sức, thời gian để thực hiện. Đây là yêu cầu tương đối cao vì đa số các Chấp hành viên chưa nắm được kỹ năng thực hiện các thủ tục phá sản, cũng chưa có một lớp tập huấn nào tập huấn chuyên sâu cho Chấp hành viên về các kỹ năng này. Các thủ tục phá sản thực chất là các thủ tục tư pháp, có nhiều điểm tương tự các thủ tục tố tụng như làm việc với các chủ nợ, con nợ để đối chiếu các khoản nợ, thủ tục đòi nợ, trưng cầu giám định, kiểm toán, định giá, nghiên cứu hồ sơ tài chính của doanh nghiệp v.v..., nhưng Chấp hành viên do chức trách nghề nghiệp là thi hành án nên hầu hết không có kinh nghiệm thực hiện các thủ tục như Thẩm phán, do đó còn lúng túng khi thực hiện các thủ tục trên. Ngoài ra, Chấp hành viên còn có nhiệm vụ thường xuyên là thi hành các bản án, quyết định của Tòa án với khối lượng công việc là rất lớn nên thời gian đầu tư cho công tác giải quyết vụ việc phá sản còn hạn chế.

Từ đó cho thấy, tổ chức của Tổ quản lý, thanh lý tài sản hiện nay là chưa được chuyên nghiệp hóa và hoạt động chưa thực sự hiệu quả so với yêu cầu của pháp luật. Tại Điều 9 Luật Phá sản năm 2004 có ấn định thành phần Tổ quản lý, thanh lý tài sản chỉ gồm một Chấp hành viên và một thư ký Tòa án. Nhưng cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam, các doanh nghiệp không những lớn về quy mô sản xuất mà cả tài sản cũng như thị phần. Với những vụ việc phá sản lớn, phức tạp thì liệu một Chấp hành viên có đủ khả năng để thực hiện vai trò của một người Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản? Cần phải có quy định mở cho việc tham gia của các thành phần này. Điều này là cần thiết để có thể đáp ứng đủ yếu tố về lượng trong hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ khi hiện nay, trình độ của đội ngũ Chấp hành viên của nước ta còn rất nhiều bất cập, do đó, cần có quy chế cụ thể trong công tác tuyển chọn các Chấp hành viên có đạo đức nghề nghiệp và đủ năng lực tham gia các quyết định phá sản với tư

cách là Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản. Thêm nữa là các quy định về ủy thác của cơ quan thi hành vụ phá sản cho các cơ quan khác nếu tài sản của doanh nghiệp phá sản nằm rải rác ở nhiều địa phương khác nhau. Cơ quan được ủy thác phải có trách nhiệm thực hiện nội dung được ủy thác và báo cáo lại cho cơ quan thi hành án đã ủy thác về kết quả thực hiện, tránh tình trạng phối hợp không đồng bộ, khiến vụ án phải kéo dài.

Việc công nhận các chuyên gia độc lập đảm nhận công việc quản lý và thanh toán nợ để tăng cường tính chuyên nghiệp, chính xác, nhanh chóng và hiệu quả trong quá trình xử lý tài sản phá sản là cần thiết để đảm bảo hiệu quả của thủ tục này. Hiện nay, nước ta đã có công ty mua bán nợ và các tài sản tồn đọng của doanh nghiệp nhà nước và một số công ty quản lý tài sản của ngân hàng thương mại. Để giúp việc tổ chức lại doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp, các công ty quản lý nợ cần có đại diện tham dự vào Hội nghị chủ nợ trong quá trình giải quyết phá sản. Quyền này sẽ chỉ thực hiện được một cách có hiệu quả khi các nhân viên của Công ty phải được đào tạo một cách có hệ thống về giải quyết phá sản. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, các chuyên gia của công ty quản lý nợ cũng cần có tư vấn quốc tế giúp đỡ và tương lai các công ty này cần được mở rộng phạm vi hoạt động thành các công ty quản lý tài sản tư nhân độc lập, có năng lực, với các chuyên gia được đào tạo cơ bản. Việc thuê chuyên gia là cần thiết vì họ tiến hành công việc một cách độc lập, khách quan, đồng thời lại có chuyên môn nghề nghiệp cao. Những người này thường là các chuyên gia về pháp luật, kế toán – tài chính, kinh doanh có am hiểu về thực tế ở các doanh nghiệp, mặt khác, điều này cũng tăng cường tính thống nhất trong hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Do đó, những việc họ tiến hành sẽ nhanh chóng, chính xác, hợp lý, bảo vệ và xử lý tốt tài sản của doanh nghiệp phá sản. Vì vậy, cần phải có kế hoạch đào tạo dài hạn những quản lý viên chuyên nghiệp, có nghiệp vụ quản lý tài sản để thay thế Tổ quản lý, thanh lý tài sản.

Một phần của tài liệu Thanh lý tài sản phá sản theo pháp luật Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)