Tổ quản lý, thanh lý tài sản là chủ thể có trách nhiệm tiến hành thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp. Các quy định về việc thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản trong các văn bản pháp luật về phá sản đang có sự mâu thuẫn nhau. Tại Điều 9 Luật Phá sản năm 2004 quy định đồng thời với việc ra quyết
định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán ra quyết định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản để làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản doanh nghiệp. Theo hướng dẫn tại Mục 5.1 Chương I Nghị quyết số 03/2005/NQ-HĐTP ngày 28/4/2005 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản năm 2004 thì sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và trong quá trình nghiên cứu hồ sơ việc phá sản, Thẩm phán phải có công văn gửi cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật Phá sản năm 2004 (cụ thể: một chấp hành viên của cơ quan thi hành án cùng cấp; một cán
bộ của Tòa án; một đại diện chủ nợ; đại diện hợp pháp của doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản; cần thiết thì có đại diện công đoàn, đại diện người lao động, đại diện cơ quan chuyên môn tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản sau khi được Thẩm phán xem xét, quyết định) yêu cầu họ cử người tham gia Tổ
quản lý, thanh lý tài sản. Còn theo hướng dẫn tại Điều 16 Nghị định số 67/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/7/2006 về hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản thì đồng thời với việc ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán gửi văn bản đề nghị cử người tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản tới cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Thẩm phán, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Trên thực tế, việc phối hợp giữa Tòa án và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thường bị chậm trễ do không cử người tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản dẫn đến việc không kịp thời thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản nên đã tạo “kẽ hở” cho doanh nghiệp tẩu tán tài sản. Việc chậm thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản còn dẫn đến tình trạng sau khi các chủ nợ biết được thông tin doanh nghiệp đã bị Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản nên đã đến doanh nghiệp thực hiện việc siết nợ, thu tài sản của doanh nghiệp trái pháp luật mà chủ doanh nghiệp bị phá sản không thể ngăn chặn được.
Sau khi được thành lập, Tổ quản lý, thanh lý tài sản là cơ quan thực hiện quyết định của Thẩm phán về việc áp dụng thủ tục thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp. Thực hiện công việc này, Tổ quản lý, thanh lý tài sản có các quyền hạn, nhiệm vụ sau đây:
- Thực hiện việc thu hồi và quản lý tài sản, tài liệu, sổ kế toán và con dấu của doanh nghiệp bị áp dụng thủ tục thanh lý (điểm d khoản 1 Điều 10 Luật Phá sản năm 2004);
- Phát hiện và đề nghị Thẩm phán ra quyết định thu hồi lại tài sản, giá trị tài sản hay phần chênh lệch giá trị tài sản mà doanh nghiệp bị áp dụng thủ tục thanh lý đã bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp trong thời gian 03 tháng trước ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (bao gồm các giao dịch về tặng cho động sản và bất động sản cho người khác; thanh toán hợp đồng song vụ trong đó phần nghĩa vụ của doanh nghiệp rõ ràng là lớn hơn phần nghĩa vụ của bên kia; thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn; thực hiện việc thế chấp, cầm cố tài sản đối với các khoản nợ; các giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp) (điểm g khoản 1 Điều 10 Luật Phá sản năm 2004);
- Trả lại cho chủ sở hữu những tài sản mà doanh nghiệp bị áp dụng thủ tục thanh lý đã thuê, mượn theo quy định tại Điều 40 Luật Phá sản năm 2004;
- Thi hành quyết định của Thẩm phán về việc bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp bị áp dụng thủ tục thanh lý (điểm h khoản 1 Điều 10 Luật Phá sản năm 2004);
- Gửi các khoản tiền thu được từ những người mắc nợ và từ việc bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp vào tài khoản mở tại ngân hàng (điểm i khoản 1 Điều 10 Luật Phá sản năm 2004);
- Thực hiện phương án phân chia tài sản theo quyết định của Thẩm phán phù hợp với thứ tự phân chia tài sản mà pháp luật đã quy định (điểm e khoản 1 Điều 10 Luật Phá sản năm 2004).
Như vậy, sau khi có quyết định áp dụng thủ tục thanh lý tài sản, Tổ quản lý, thanh lý tài sản sẽ trực tiếp quản lý toàn bộ tài sản của doanh nghiệp. Tổ quản lý sẽ tiến hành thu hồi và quản lý mọi tài sản, tài liệu, sổ sách và con dấu của doanh nghiệp bị áp dụng thủ tục thanh lý. Tài sản là hiện vật của doanh nghiệp bị mở thủ tục thanh lý sẽ được bán đấu giá theo quyết định của Thẩm phán. Mọi khoản tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản và từ việc thu hồi từ người mắc nợ sẽ được gửi vào tài khoản mở tại ngân hàng để thực hiện phân chia theo phương án do Thẩm phán quyết định [19, tr.219].