Khái niệm, đặc điểm các quyền của Công đoàn

Một phần của tài liệu Các quyền của công đoàn trong Luật Công đoàn năm 1990 - thực trạng và phương hướng hoàn thiện (Trang 25 - 26)

1.2.2.1. Khái niệm các quyền của Công đoàn

Với tư cách là người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cho nên Công đoàn có địa vị pháp lý đặc biệt khi tham gia vào quan hệ lao động. Công đoàn khi tham gia vào quan hệ hoàn toàn với tư cách là một chủ thể độc lập. Xét về bản chất, Công đoàn chỉ là một tổ chức xã hội tự nguyện, song để Công đoàn thực hiện được vai trò sứ mệnh của mình, pháp luật quy định quyền của tổ chức công đoàn, đồng thời đảm bảo thực hiện các quyền này.

Quyền công đoàn được hiểu theo hai nghĩa đó là: Quyền của người lao động và quyền của tổ chức Công đoàn.

Nếu hiểu theo nghĩa là quyền của người lao động thì nó được hiểu là một trong những quyền cơ bản được pháp luật ghi nhận. Mọi công dân, viên chức và những người lao động khác (gọi chung là người lao động), nếu có đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam đều có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai thì quyền công đoàn chính là quyền của tổ chức Công đoàn, với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, được pháp luật ghi nhận. Theo nghĩa này, quyền công đoàn chính là những điều kiện và đảm bảo pháp lý để công đoàn thực hiện các chức năng cơ bản của mình.

1.2.2.2. Đặc điểm các quyền của Công đoàn

Thứ nhất, quyền công đoàn không phải do công đoàn quyết định mà

do pháp luật quy định. Đặc điểm này giúp ta phân biệt quyền công đoàn với một số quyền của các cá nhân, tổ chức khác. Mặt khác, giúp ta phân biệt giữa

quyền công đoàn và chức năng công đoàn. Bởi vậy, quyền công đoàn là những quyền của tổ chức công đoàn do Nhà nước quy định. Quyền công đoàn là những bảo đảm về mặt pháp lý do Nhà nước tạo ra cho công đoàn, để công đoàn sử dụng nhằm thực hiện chức năng của mình. Đó là những điều kiện bảo đảm về pháp lý được công đoàn sử dụng như là một trong những công cụ quan trọng không thể thiếu.

Thứ hai, quyền công đoàn không bao gồm các nghĩa vụ hợp thành.

Điều này có nghĩa là, thông thường trong các quan hệ pháp lý, chủ thể có quyền thường đi đôi với trách nhiệm gánh vác các nghĩa vụ. Quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Tuy nhiên, với tổ chức công đoàn, Nhà nước chủ yếu quy định các quyền mà không trực tiếp quy định các nghĩa vụ của công đoàn. Như vậy cũng không có nghĩa là trong các quan hệ pháp lý, công đoàn không có nghĩa vụ gì mà cần phải hiểu rằng các nghĩa vụ của công đoàn chủ yếu tồn tại dưới dạng các trách nhiệm của công đoàn.

Thứ ba, trong quan hệ lao động, quyền công đoàn góp phần tham gia

điều chỉnh quan hệ lao động. Bởi lẽ, trong quan hệ lao động, công đoàn vừa là một bên quan hệ lao động, vừa tham gia vào việc điều chỉnh quan hệ lao động. Xuất phát từ đặc điểm của quan hệ lao động, người lao động thường có vị thế yếu hơn so với người sử dụng lao động. Do đó, thông qua công cụ pháp luật, Nhà nước quy định cho công đoàn có những quyền với tư cách như một bên quan hệ lao động, đồng thời với tư cách đại diện cho tập thể lao động tham gia điều chỉnh quan hệ lao động, nhằm bảo đảm cho quan hệ lao động được hài hòa ổn định.

Một phần của tài liệu Các quyền của công đoàn trong Luật Công đoàn năm 1990 - thực trạng và phương hướng hoàn thiện (Trang 25 - 26)