Quyền tổ chức và lãnh đạo đình công

Một phần của tài liệu Các quyền của công đoàn trong Luật Công đoàn năm 1990 - thực trạng và phương hướng hoàn thiện (Trang 65)

- Tham gia với các cơ quan nhà nước và đại diện người sử dụng lao động bàn bạc, giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động.

2.8.Quyền tổ chức và lãnh đạo đình công

Theo quy định của pháp luật đối với tranh chấp lao động tập thể, khi không đồng ý với quyết định của Trọng tài lao động thì công đoàn cơ sở có quyền yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động hoặc đình công. Theo quy định hiện hành của pháp luật, Công đoàn là tổ chức đại diện duy nhất có quyền tổ chức, lãnh đạo và khởi xướng đình công. Tuy nhiên, sự tổ chức đình công của công đoàn, tập thể lao động phải tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định.

Khi tham gia giải quyết tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp, Chủ tịch công đoàn cơ sở có quyền đề xuất việc thành lập Hội đồng hòa giải lao động cơ sở và số lượng thành viên tùy theo số lượng người lao động để người sử dụng lao động ra quyết định thành lập Hội đồng hòa giải lao động cơ sở. Ban chấp hành công đoàn cơ sở cử đại diện tham gia Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, luân phiên cùng người sử dụng lao động làm chủ tịch và thư ký Hội đồng hòa giải lao động cơ sở. Hòa giải tại Hội đồng hòa giải lao động cơ sở là một thủ tục bắt buộc, nó là cơ sở và điều kiện để xác định tính hợp pháp của các thủ tục giải quyết tranh chấp sau này ở Hội đồng trọng tài lao động tỉnh, tòa án. Vì vậy, vai trò của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở tham gia Hội đồng hòa giải lao động cơ sở là rất quan trọng và nhất là trong giai đoạn đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở là chủ tịch hoặc thư ký theo chế độ luân phiên trong việc chuẩn bị kế hoạch hòa giải, thu thập chứng cứ.

Trong trường hợp tham gia giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án, nếu công đoàn cơ sở được người lao động ủy quyền thay mặt họ trước tòa án, hoặc Ban chấp hành công đoàn cơ sở sử dụng quyền khởi kiện vụ án lao động thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn. Trong trường hợp công đoàn cấp trên khởi kiện thì Ban chấp hành công

đoàn cơ sở vẫn tham dự phiên tòa với các quyền và nghĩa vụ của một nguyên đơn. Đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở có quyền rút đơn kiện hoặc thay đổi yêu cầu, cung cấp chứng cứ, yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, tham gia hòa giải trước và tại phiên tòa, có quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, có quyền yêu cầu kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Trường hợp công đoàn cơ sở không khởi kiện thì vẫn tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo ủy quyền hoặc với tư cách người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự với các quyền và nghĩa vụ theo luật định.

Căn cứ vào quyết định của tòa án về tính hợp pháp hay bất hợp pháp của cuộc đình công và lỗi của các bên, Ban chấp hành công đoàn cơ sở tiến hành thương lượng, thỏa thuận với người sử dụng lao động về tiền lương của người tham gia đình công trong thời gian đình công. Công đoàn cơ sở có quyền thỏa thuận mức lương cụ thể cho từng công việc, thỏa thuận mức lương tối thiểu của doanh nghiệp, nguyên tắc nâng lương, thời gian thanh toán lương cũng như phương thức bồi thường khi người sử dụng lao động trả lương chậm ghi vào thỏa ước lao động tập thể. Ngoài ra, công đoàn cơ sở còn có quyền yêu cầu người sử dụng lao động giải quyết nhanh chóng, kịp thời, thỏa đáng cho người lao động khi người sử dụng lao động không trả, chậm trả hoặc trả lương không đúng theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể. Và trước khi ra quyết định khấu trừ lương của người lao động, người sử dụng lao động phải thảo luận với Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Phụ thuộc vào các cấp công đoàn khác nhau, hoặc từng lĩnh vực hoạt động khác nhau mà quyền của công đoàn cũng được phân định khác nhau. Phần lớn đó là quyền được tham gia hoặc được hỏi ý kiến, còn quyền quyết định thuộc về cơ quan nhà nước hoặc người sử dụng lao động, như trong lĩnh vực công bố mức lương tối thiểu, thang bảng lương, xây dựng chương trình quốc gia về bảo hiểm xã hội, hoặc xây dựng pháp luật về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội… Một số lĩnh vực như trong

thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp, công đoàn và người sử dụng lao động có quyền ngang nhau.

Một phần của tài liệu Các quyền của công đoàn trong Luật Công đoàn năm 1990 - thực trạng và phương hướng hoàn thiện (Trang 65)