- Tham gia với các cơ quan nhà nước và đại diện người sử dụng lao động bàn bạc, giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động.
Thứ bảy, quyền khởi kiện và tham gia vào giải quyết tranh chấp lao động
3.2.1. Về các quy định của pháp luật
Thứ nhất, cần sửa đổi bổ sung Luật Công đoàn hiện hành và một số quy định về tổ chức công đoàn trong Bộ luật Lao động hiện hành.
Những hạn chế của Luật Công đoàn đã ảnh hưởng lớn đến tính khả thi, làm cho Luật Công đoàn mất khả năng đi vào cuộc sống, gây trở ngại lớn đến quyền thành lập và gia nhập công đoàn của đông đảo người lao động. Chính vì thế, mà vẫn còn tồn tại hiện tượng ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.
Do vậy, sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn để phù hợp, tương thích với các quy định của Hiến pháp, Bộ luật lao động, Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan là một vấn đề bức thiết hiện nay. Trong luật cần xác định rõ vị trí, chức năng, quyền và cơ chế đảm bảo để công đoàn thực hiện tốt chức năng trong thời kỳ đổi mới. Xét về mặt nội dung, công đoàn có rất nhiều quyền nhưng lại mang nặng ý nghĩa chính trị - xã hội, ít có ý nghĩa thực tiễn. Hơn nữa, trong khá nhiều quy định của Luật Công đoàn rất khó phân biệt khi nào là "quyền" và khi nào là "trách nhiệm". Do đó, việc sửa đổi bổ sung Luật Công đoàn cho phù hợp với đòi hỏi thực tiễn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn thực hiện các quyền của mình, đặc biệt là các tổ chức
công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể là:
Một là, khắc phục những bất hợp lý của các quy định trong Luật Công
đoàn, các quy định liên quan đến quyền của tổ chức công đoàn trong các văn bản pháp luật khác để xác định những vấn đề còn phù hợp, không còn phù hợp cần sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự hợp lý, tính thống nhất trong điều chỉnh và thực thi Luật Công đoàn, đảm bảo sự phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Hai là, Luật Công đoàn sửa đổi không những phải được xây dựng trên
cơ sở của Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung), đồng bộ, phù hợp với Bộ luật Lao động sửa đổi bổ sung, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan, mà còn phải trở thành văn bản quan trọng nhất điều chỉnh các mối quan hệ trong hoạt động công đoàn, dẫn chiếu đến các văn bản pháp luật khác nếu phạm vi điều chỉnh của văn bản đó có liên quan đến hoạt động công đoàn. Luật Công đoàn sửa đổi, bổ sung theo hướng xác định những vấn đề cần thiết điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của quan hệ lao động, thể hiện chức năng chính của công đoàn là đại diện và bảo vệ người lao động ở tất cả các cấp hoạt động công đoàn.
Ba là, cần phải thống nhất tiêu chí xây dựng những quy định về quyền
công đoàn theo các chức năng cơ bản của công đoàn. Chẳng hạn, công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở sẽ có vai trò và trách nhiệm lớn hơn trong việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động một cách trực tiếp. Công đoàn cơ sở chỉ thực hiện chức năng này khi có sự phân công, phân nhiệm của công đoàn cấp trên cơ sở đối với những nơi có đủ điều kiện.
Bốn là, cần xây dựng cơ chế bảo đảm thực hiện quyền công đoàn. Đây
là những quy định pháp lý vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm cho công đoàn có thể thực hiện được chức năng của mình, song chưa được Luật Công
đoàn hiện hành điều chỉnh. Cụ thể là: Quy định về các chế tài pháp lý đối với những hành vi vi phạm Luật Công đoàn; Vấn đề thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Công đoàn….
Năm là, Luật Công đoàn cần cụ thể hóa những điều kiện đảm bảo cho
hoạt động công đoàn như quy định về việc trích nộp kinh phí công đoàn; quy định về đảm bảo kinh phí, vật chất, điều kiện, phương tiện, thời gian hoạt động công đoàn của cán bộ công đoàn…
Sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn cho phù hợp sẽ góp phần tạo điều kiện cho Luật này đi vào cuộc sống, tiếp tục phát huy hiệu lực và là công cụ hữu hiệu để bảo vệ người lao động cũng như làm cho quan hệ lao động phát triển, hài hòa, ổn định., góp phần thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thứ hai, cần phải nghiên cứu xây dựng các quy định cụ thể để bảo vệ cán bộ công đoàn khi họ đứng ra thực hiện vai trò trách nhiệm của mình. Bởi lẽ, quyền của tổ chức công đoàn chỉ có thể thực hiện được thông qua hành vi của một cá nhân cụ thể - cán bộ công đoàn.
Thực tế hiện nay do chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn nên ở nhiều nơi cán bộ công đoàn cơ sở đứng ra bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động lại bị người sử dụng lao động trù dập, chuyển công việc khác, hạ lương, thậm chí sa thải. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù trong hệ thống pháp luật lao động hiện hành cũng đã có những quy định về bảo vệ cán bộ công đoàn và những người lao động tham gia hoạt động công đoàn như Điều 154 khoản 3 Bộ luật Lao động quy định: "Người sử dụng lao động không được phân biệt đối xử vì lý do người lao động thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn hoặc dùng biện pháp kinh tế và các thủ đoạn khác để can thiệp vào tổ chức và hoạt động công đoàn". Hay Điều 155 khoản 4 Bộ luật Lao động quy định:
Khi người sử dụng lao động quyết định sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người là Uỷ viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở, thì phải có sự thỏa thuận với Ban chấp hành công đoàn cơ sở; nếu là Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn cơ sở thì phải có sự thỏa thuận của tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp [29]. Tuy vậy, những quy định này còn chung chung, chưa cụ thể và thực tế đã chứng minh các quy định này không có hiệu quả trong việc bảo vệ cán bộ công đoàn. Chính vì vậy, xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn là một yêu cầu bức thiết đặt ra nhằm làm cho cán bộ công đoàn yên tâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thứ ba, cần có quy định cụ thể về thành phần Ban chấp hành công đoàn cơ sở để Ban chấp hành công đoàn cơ sở có thể là đại diện cho quyền lợi của người lao động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thực thi có hiệu quả quyền đại diện của tổ chức công đoàn.
Để có một quan hệ lao động hài hòa, ổn định công đoàn cơ sở rất cần có cơ cấu tổ chức phù hợp để tổ chức này có thể đại diện cho quyền lợi của tập thể người lao động một cách độc lập và không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động. Tuy nhiên, ở Việt Nam đa số thành phần Ban chấp hành công đoàn cơ sở là nhà quản lý, người lãnh đạo. Vì vậy, công đoàn cơ sở khó có thể đại diện cho quyền, lợi ích đa dạng của người lao động độc lập với người sử dụng lao động. Do đó, đổi mới thành phần Ban chấp hành công đoàn cơ sở là một giải pháp nhằm tăng cường chức năng đại diện của công đoàn tại nơi làm việc, giúp công đoàn cơ sở độc lập với người sử dụng lao động, tham gia hiệu quả hơn vào quá trình thực hiện quyền của tổ chức công đoàn. Đổi mới thành phần Ban chấp hành công đoàn cơ sở, Nhà nước cần xây dựng và thực hiện một số quy định về bầu Ban chấp hành công đoàn cơ sở, từ đó cho phép ứng cử viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở được đối thoai với các thành viên công đoàn, qua đó các đoàn viên công đoàn có thể lựa chọn cho mình người
đại diện tốt nhất. Đồng thời, cũng cần có quy định về thành phần Ban chấp hành công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp để đảm bảo sự đại diện công bằng cho mọi người lao động trên nguyên tắc dân chủ.
Từ thực tiễn thi hành cho thấy, Bộ luật Lao động hiện hành trao quyền và trách nhiệm cho công đoàn cơ sở trong quan hệ lao động rất lớn, song điều kiện để thực hiện những quyền đó lại rất hạn chế. Trong khi đó, vai trò và trách nhiệm của công đoàn cấp trên công đoàn cơ sở trong mối quan hệ lao động lại khá mờ nhạt. Vì vậy, theo quan điểm của cá nhân, tôi cho rằng, Bộ luật Lao động cần có những sửa đổi bổ sung lớn theo hướng quy định tăng cường vai trò, trách nhiệm của công đoàn cấp trên cơ sở. Ngoài ra, cần quy định điều kiện thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp sao cho có tính thiết thực và khả thi hơn. Một vấn đề quan trọng đặt ra là phải tăng cường cho được cơ chế bảo vệ việc làm, tiền lương của cán bộ công đoàn, để công đoàn có thêm điều kiện thực hiện vai trò, trách nhiệm cũng như quyền của mình. Phân định rõ thêm chức năng, quyền và nghĩa vụ của tổ chức công đoàn; tạo điều kiện và cơ sở pháp lý thuận lợi cao nhất cho việc thực hiện, nâng cao quyền công đoàn của người lao động; vai trò, vị trí và hiệu quả hoạt động của công đoàn các cấp trong việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,…, thuộc mọi thành phần kinh tế.
Tại buổi góp ý cho Dự thảo Luật công đoàn các đại biểu cũng đã phân tích rằng về kỹ thuật lập pháp, Luật Công đoàn năm 1990 đã bộc lộ nhiều hạn chế như chưa xác định đối tượng và phạm vi điều chỉnh một cách cụ thể, rõ ràng, nhất quán (Công đoàn là gì và trước hết là của ai đang được ghi nhận theo lối tư duy cũ, không còn phù hợp với yêu cầu của công nhân lao động trong nền kinh tế thị trường và hội nhập)
Đã thế, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn chưa được xây dựng theo một tiêu chí rõ ràng, nên không đảm bảo tính thống nhất và
logic; nhiều chế định diễn đạt bị lẫn lộn, trùng lắp giữa chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Nhiều thuật ngữ sử dụng không chính xác, không phù hợp với các thuật ngữ pháp lý hiện hành. Thiếu các cơ chế bảo đảm thi hành, đặc biệt là các chế tài pháp lý cụ thể đối với các hành vi vi phạm quy định của Luật Công đoàn.