Quyền khởi kiện và tham gia vào giải quyết tranh chấp lao động

Một phần của tài liệu Các quyền của công đoàn trong Luật Công đoàn năm 1990 - thực trạng và phương hướng hoàn thiện (Trang 62 - 65)

- Tham gia với các cơ quan nhà nước và đại diện người sử dụng lao động bàn bạc, giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động.

2.7. Quyền khởi kiện và tham gia vào giải quyết tranh chấp lao động

Khởi kiện và tham gia giải quyết tranh chấp lao động là một trong những quyền năng của tổ chức công đoàn. Quan hệ lao động được hình thành trên cơ sở sự thương lượng, thỏa thuận, tự do, tự nguyện. Vì vậy, khả năng thực hiện các quyền và đặc biệt là nghĩa vụ mang tính tự giác rất cao. Tuy nhiên, với mục đích nhằm đạt lợi nhuận tối đa nên không phải lúc nào người lao động và người sử dụng lao động cũng dung hòa được với nhau về mọi vấn đề trong quan hệ lao động, đồng thời cùng với sự tác động của các nguyên

nhân khách quan trong thị trường nên sự xung đột, bất đồng giữa các bên từ đó dẫn đến tranh chấp lao động dường như là một sự tất yếu khách quan. Do đó, pháp luật Lao động bên cạnh việc quy định các căn cứ làm phát sinh quan hệ lao động cần quy định các chuẩn mực, tiêu chí pháp lý khi giải quyết tranh chấp lao động. Cũng cần chú ý rằng, quy chế pháp lý về giải quyết tranh chấp lao động không chỉ nhằm khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của các bên mà còn phải tiếp tục duy trì, củng cố quan hệ lao động, phòng ngừa các xung đột tiếp theo.

Để đạt được mục đích nói trên, quy định về giải quyết tranh chấp lao động bên cạnh việc chú ý đến cơ chế hòa giải và trọng tài thì một trong những nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động được quy định là: "Có sự tham gia của đại diện công đoàn và của đại diện người sử dụng lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp" [29, Khoản 4 Điều 158]. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ có ý nghĩa khi được hiểu đầy đủ rằng sự tham gia của đại diện các bên phải trực tiếp với tư cách là thành viên của Hội đồng giải quyết tranh chấp. Nhưng, nguyên tắc này hiện nay mới chỉ được áp dụng trong cơ chế hòa giải và trọng tài mà chưa được áp dụng ở Tòa án nhân dân. Mặt khác, hiện nay ở nước ta hầu như chưa có đại diện của giới chủ với đúng ý nghĩa và bản chất của tổ chức này. Vì vậy, để cho thị trường lao động vận động và phát triển, để tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên, để cho mối quan hệ ba bên, hai bên phát huy tác dụng cần thiết phải có quy định về quyền tự nguyện thành lập, tư cách, địa vị pháp lý của tổ chức đại diện giới chủ.

Tranh chấp lao động được chia làm hai loại: tranh chấp cá nhân và tranh chấp tập thể tùy thuộc vào chủ thể tham gia tranh chấp, nội dung, tính chất tranh chấp (khoản 2 Điều 157 Bộ Luật lao động). Sự tham gia của đại diện tổ chức công đoàn vào quá trình giải quyết tranh chấp lao động được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của pháp luật về trình tự giải quyết tranh chấp lao động mà cụ thể là:

- Khi xảy ra tranh chấp, công đoàn đại diện cho tập thể lao động, người lao động (khi có yêu cầu) thương lượng trực tiếp với người sử dụng lao động.

- Trường hợp không thương lượng được, Công đoàn tham gia giải quyết tranh chấp ở Hội đồng hòa giải lao động cơ sở. Hội đồng hòa giải lao động cơ sở được thành lập theo đề xuất của Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc người sử dụng lao động, bao gồm số đại diện ngang nhau của hai bên: người lao động và người sử dụng lao động. Đại diện của người lao động do Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc lâm thời cử. Khi tranh chấp lao động phát sinh và một hoặc hai bên có đơn yêu cầu hòa giải, công đoàn với tư cách thành viên Hội đồng hòa giải tham gia giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, công đoàn còn có thể tham gia phiên họp hòa giải với tư cách là đại diện của người lao động (đối với tranh chấp lao động tập thể) và có thể với tư cách đại diện được ủy quyền nếu người lao động ủy quyền (đối với tranh chấp lao động cá nhân).

Những tranh chấp lao động tập thể mà Hội đồng hòa giải lao động cơ sở đã hòa giải nhưng không thành, khi có đơn yêu cầu của một hoặc hai bên tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh sẽ giải quyết. Thành viên của Hội đồng trọng tài phải có sự tham gia của công đoàn. Việc cử đại diện của công đoàn tham gia Hội đồng trọng tài do Ban thường vụ liên đoàn lao động cấp tỉnh quyết định. Khi Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp, công đoàn cơ sở tham gia với tư cách đại diện tập thể lao động. Nếu không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài, công đoàn có thể yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết hoặc lãnh đạo đình công. Trong trường hợp cần thiết, đại diện của công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có thể được mời tham gia phiên họp của Hội đồng trọng tài. Trong trường hợp tập thể lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài, công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể lao động.

- Khi Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp lao động, đối với tranh chấp lao động cá nhân công đoàn cơ sở có thể tham gia tố tụng với tư cách đại diện được ủy quyền của cá nhân người lao động hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự nếu người lao động yêu cầu. Còn đối với tranh

chấp lao động tập thể, công đoàn cơ sở đại diện cho tập thể lao động tham gia tố tụng với tư cách đương sự, công đoàn cấp trên công đoàn cơ sở nếu khởi kiện có quyền và nghĩa vụ như nguyên đơn.

Một phần của tài liệu Các quyền của công đoàn trong Luật Công đoàn năm 1990 - thực trạng và phương hướng hoàn thiện (Trang 62 - 65)