h. Nền kinh tế phát triển năng động
2.5.2 Tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao nhưng thiếu tính bền vững
Các số liệu đã phân tích ở phần thực trạng QLNN đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (2.2) và những thành tựu đạt được (2.4.1) của nó, ta nhận ra tốc độ phát triển của Đà Nẵng đạt mức “nóng” trong thời gian qua. Vấn đề đặt ra ở đây là sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến. Muốn phát triển bền vững thì thành phố phải đảm bảo đủ ba yếu tố là kinh tế, xã hội và môi trường. Một khi kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng bỏ qua yếu tố xã hội và môi trường thì sẽ tạo nên những hậu quả về sau. Các dự án đầu tư vào thành phố cần phải được kiểm định về chuyên môn, về trình độ công nghệ đưa vào Đà Nẵng theo dự án cũng như mức độ gây ô nhiễm môi trường của dự án có thể gây ra có trong mức cho phép hay không; một yếu tố khác là các dự án phải đảm bảo mang lại sự phát triển và hoàn thiện cho xã hội của thành phố như nâng cao chất lượng lao động, mức sống của người dân… Muốn như vậy các cán bộ làm công tác thẩm tra dự án phải có trình độ chuyên môn vững vàng, có sự kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành khác để đảm bảo được tính khả thi của dự án và đảm bảo cho việc phát triển bền vững về sau.
Với diện tích là 1.256,53 km², dân số của thành phố đến năm 2007 là 806744 người, mức độ dân số như thế có thể xem là ổn định, nhưng tốc độ tăng dân số, đặc biệt là tốc độ tăng cơ học của Đà Nẵng những năm gần đây là khá cao. Nguồn lao động từ nông thôn, từ các tỉnh khác “đổ” về để sinh sống, làm việc, học tập; đặc biệt
khi Đà Nẵng phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất thì đã thu hút lượng lao động đông đảo không chỉ của riêng thành phố. Vấn đề cần quan tâm của các cơ quan chức năng và chính quyền thành phố là luôn đảm bảo được an ninh lương thực cho người dân cũng như hạn chế những bất ổn về trật tự xã hội, giảm thất nghiệp…