- Các khu công nghiệp
2.7.2. Các yếu tố quan hệ liên lãnh thổ
2.7.2.1. Các mối quan hệ theo chiều dọc
a. Mối quan hệ giữa tổ chức lãnh thổ công nghiệp Nghệ An với tổ chức lãnh thổ công nghiệp Bắc Trung Bộ
Nghệ An là một tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, là vùng có nhiều tiềm năng về nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản, thực phẩm; khai khoáng; sản xuất VLXD... Trong quá trình phát triển, ảnh hưởng của vùng này đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp nói riêng của Nghệ An là
rất lớn. Bởi vậy, khi tổ chức lãnh thổ công nghiệp Nghệ An cần xem xét đến định hướng phát triển của vùng này.
Loại hình lãnh thổ đặc biệt sẽ được phát triển ở khu vực này là kinh tế vùng biên, nhằm khai thác lợi thế giao lưu giữa nước ta với các nước láng giềng phía Tây - thông qua hoạt động kinh tế cửa khẩu. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế hướng ra biển cũng là một trong những chiến lược quan trọng trong tương lai.
b. Ảnh hưởng của khu kinh tế Vũng Áng và khu kinh tế Nghi Sơn
Dự án mỏ sắt Thạch Khê phấn đấu sau năm 2010 có công suất từ 5-8 triệu tấn/năm cung cấp cho nhà máy luyện thép liên hợp công suất 4,5 triệu tấn sản phẩm/năm với các sản phẩm thép phôi, thép cán, thép ống, thép hình... với công nghệ - thiết bị tiên tiến. Ngoài ra Hà Tĩnh còn triển khai đầu tư Trung tâm nhiệt điện Vũng Áng đã được Bộ Công nghiệp phê duyệt tại Quyết định số 2582/QĐ-BCN ngày 20/9/2006 có công suất 1.200 MW. Tổng vốn đầu tư cho trung tâm nhiệt điện Vũng Áng khoảng 2,5 tỷ USD [69].
Dự án liên hợp lọc dầu Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 6 tỉ USD, công suất lọc dầu 200 nghìn thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm) [69], nhằm thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực sau dầu khí (cả lọc dầu và hóa dầu), góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (nhất là sản phẩm xăng dầu). Khi nhà máy đi vào vận hành thương mại, khu vực nam Thanh Hóa, bắc Nghệ An và vùng phụ cận sẽ có điều kiện phát triển mạnh một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Nghệ An ở giữa Thanh Hoá và Hà Tĩnh là hai tỉnh hiện nay đang triển khai một số dự án có quy mô rất lớn. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho tổ chức lãnh thổ công nghiệp Nghệ An. Bởi vậy, việc phát triển các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp của tỉnh sẽ theo hướng phối hợp với các tỉnh bạn để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí (phục vụ cho sản xuất thiết bị điện, cảng biển, đóng tàu), công nghiệp hoá chất (sử dụng các sản phẩm hoá dầu của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn). Ngoài ra, với tốc độ triển khai nhanh các dự án đầu tư lớn, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp của hai tỉnh bạn sẽ rất cao và sẽ rất cần địa điểm để bố trí các cơ sở công nghiệp, Nghệ An sẽ là nơi lý
tưởng (nhất là vùng đất giáp ranh giữa hai tỉnh) cho các nhà đầu tư bố trí các dự án phụ trợ sản xuất linh, phụ kiện phục vụ nhu cầu tăng trưởng cao của vùng.
2.7.2.2. Các mối quan hệ theo chiều ngang
Nghệ An giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ở phía Tây với 419 km đường biên giới và giáp biển Đông ở phía Đông với chiều dài 82 km. Vị trí này tạo cho Nghệ An có vai trò quan trọng trong mối giao lưu kinh tế - xã hội theo chiều Đông - Tây, xây dựng và phát triển kinh tế biển, kinh tế đối ngoại và mở rộng hợp tác quốc tế.
Quốc lộ 7 dài 225 km, quốc lộ 46 dài 90 km, quốc lộ 48 dài 122 km (trong thời gian tới sẽ hoàn chỉnh thêm 40 km nối với cửa khẩu Thông Thụ) là những tuyến đường nối liền phía Đông và Tây của tỉnh, với các cửa khẩu của nước bạn Lào, cùng với 421 km đường cấp tỉnh và 3.670 km đường cấp huyện [72] đã tạo nên mạng lưới giao thông thuận tiện, đóng vai trò quan trọng trong giao lưu hàng hoá, vận tải quá cảnh và luân chuyển hàng hoá nội tỉnh.
Cảng Cửa Lò có khả năng nâng cấp đạt công suất 6-8 triệu tấn vào năm 2020, tàu ra vào 3-4 vạn tấn, là tiềm năng lớn cho ngành vận tải biển và xuất nhập hàng hoá của Nghệ An, khu vực Bắc Trung Bộ, đồng thời là cửa ngõ thông ra biển của nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan. Nằm giữa hai cảng nước sâu Nghi Sơn, Vũng Áng, nếu phối hợp tốt với các cảng này trong vận tải hàng hoá thì vai trò cảng Cửa Lò của Nghệ An trong việc tăng năng lực vận chuyển hàng hoá sẽ càng được phát huy [72].
Nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền My-an-ma - Thái Lan - Lào - Việt Nam - Biển Đông theo đường 7 đến cảng Cửa Lò. Đây là điều kiện để phát triển Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành một Khu kinh tế tổng hợp, bao gồm các ngành công nghiệp; cảng và dịch vụ cảng; du lịch; trung chuyển hàng hoá... góp phần làm tăng năng lực sản xuất khu vực phi nông nghiệp của tỉnh, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, dịch vụ của cả vùng; nâng cao vai trò của tỉnh trong việc thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại trong vùng và giữa vùng với các địa phương khác trong nước và với các nước khác, nhất là các nước Lào, Thái Lan và Trung Quốc.
Đây là những nhân tố tạo ra những sắc thái mới trong tổ chức không gian công nghiệp của tỉnh với việc bố trí những KKT cửa khẩu trong đó có các khu chế xuất và khu công nghiệp có lợi thế về nguồn nguyên liệu từ nước bạn Lào, và KKT ven biển với việc hình thành các khu chế xuất và các khu công nghiệp có lợi thế về nguồn nguyên liệu từ biển Đông cũng như sản xuất ra các sản phẩm phục vụ cho “ngành công nghiệp không khói”.
Ngoài ra, những nhân tố ngoài nước, bối cảnh quốc tế và khu vực, sự chuyển dịch các dòng đầu tư và công nghệ từ bên ngoài, cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới cũng góp phần tác động không nhỏ đến vấn đề tổ chức không gian công nghiệp của tỉnh.