VỊ TRÍ ĐỊA LÍ VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

Một phần của tài liệu Tổ chức lãnh thổ công nghiệp tỉnh Nghệ An (Trang 59)

- Các khu công nghiệp

2.1. VỊ TRÍ ĐỊA LÍ VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

2.1.1. Vị trí địa lí

Nghệ An là một trong 6 tỉnh thuộc vùng kinh tế Bắc Trung Bộ, trải dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam như một bức tranh sơn thủy đa màu. Lãnh thổ Nghệ An nằm trong tọa độ từ 18o35’00’’ đến 20o00’10” vĩ độ Bắc và từ 103o50’25” đến 105o40’30” kinh độ Đông. Về phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Thanh Hóa; phía Nam tiếp giáp với tỉnh Hà Tĩnh; chung đường biên giới phía Tây với nước CHDCND Lào; phía Đông trông ra biển Đông với đường bờ biển dài khoảng 82km.

Về diện tích, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta. Với diện tích tự nhiên của tỉnh là 16490,68km2 chiếm khoảng 5% diện tích của cả nước và với dân số 2919,2 nghìn người (2009) chiếm khoảng 3,5% dân số cả nước [15].

Vị trí địa lý của Nghệ An có nhiều thuận lợi cho tổ chức lãnh thổ kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, tổ chức lãnh thổ ngành công nghiệp nói riêng. Với đầu mối giao thông lớn nhất của tỉnh là thành phố Vinh, nơi hội tụ một số tuyến giao thông huyết mạch của đất nước (đường quốc lộ 1A, đường sắt thống nhất), nơi có khối lượng vận tải lớn đi qua, thuận lợi cho việc giao lưu, xuất nhập khẩu. Nghệ An là cửa ngõ thông thương ra biển của nước bạn Lào qua cửa khẩu Nậm Cắn và xa hơn nữa là vùng Đông Bắc Thái Lan có nhiều điều kiện để phát triển.

Vùng biển rộng lớn với cụm cảng Cửa Lò - Hòn Ngư - Cửa Hội - Xuân Hải, trong tương lai sẽ liên kết với cảng nước sâu Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Vũng Áng (Hà Tĩnh) sẽ tạo tiền đề phát triển mối liên hệ liên vùng cho tổ chức lãnh thổ công nghiệp Nghệ An ngày càng hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi rõ nét, vị trí địa lý cũng gây ra những khó khăn trong tổ chức lãnh thổ công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là trong tổ chức lãnh

thổ công nghiệp theo ngành khi mà tỉnh Nghệ An là một phần của khúc ruột miền Trung với các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội có nhiều nét tương đồng. Do đó, hầu hết các tỉnh trong khu vực đều có các sản phẩm công nghiệp giống nhau. Điều này đặt ra một số vấn đề về bản sắc riêng của cấu trúc không gian công nghiệp. Liệu ngành công nghiệp Nghệ An có tạo ra được dấu ấn riêng hay đâu đâu cũng chỉ là nhà máy vật liệu xây dựng, nhà máy đường, nhà máy chế biến thủy, hải sản. Và hơn nữa liệu các sản phẩm ấy có đủ năng lực cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại ở địa phương lân cận. Câu hỏi đặt ra là, với vị trí hết sức thuận lợi như vậy thì bức tranh công nghiệp Nghệ An đã, đang và sẽ có gì nổi bật.

Một phần của tài liệu Tổ chức lãnh thổ công nghiệp tỉnh Nghệ An (Trang 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(184 trang)
w