- Các khu công nghiệp
4.3.1. Các giải pháp tổng thể
4.3.1.1. Về tổ chức quản lý Nhà nước
- Cần thành lập bộ phận qui hoạch lãnh thổ trong Sở Công Thương và Sở Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu và phát triển TCLTCN của tỉnh, tìm ra các phương án tổ chức lãnh thổ tối ưu để khai thác có hiệu quả nhất các tiềm năng vốn có của Nghệ An cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.
- UBND tỉnh cần xem xét để thành lập sớm Sở Kinh tế đối ngoại làm nhiệm vụ thông tin kinh tế - kĩ thuật - thị trường và tư vấn cho các doanh nghiệp trong tỉnh cũng như tạo hành lang pháp lý và đảm bảo các nguyên tắc quản lí hành chính nhà nước làm chỗ dựa để thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài, giúp cho các nhà đầu tư yên tâm về bộ máy của tỉnh trong việc đảm bảo các cam kết. Đây là một giải pháp rất quan trọng để giải quyết tổng hợp các vấn đề trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Góp phần thúc đẩy các quan hệ hợp tác liên ngành, liên lãnh thổ nhằm
làm tăng tính hiệu quả của không gian kinh tế của tỉnh. Đồng thời, sự ra đời của Sở Kinh tế Đối ngoại sẽ góp phần giảm được sự chồng chéo nhiều cửa trong quá trình tiếp nhận và quản lí các dự án đầu tư từ bên ngoài.
4.3.1.2. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Dự báo dân số đến năm 2020 của Nghệ An tăng bình quân gần 1%/năm. Như vậy, dân số của tỉnh năm 2020 sẽ vào khoảng 3.500 nghìn người. Dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh dự kiến tăng bình quân 1,27%/năm giai đoạn 2011-2020. Dự kiến số người trong độ tuổi lao động của Nghệ An vào khoảng 2.240 nghìn người năm 2020. Chất lượng nguồn nhân lực của Nghệ An được nâng lên, dự kiến tỷ lệ lao động qua đào tạo sẽ đạt khoảng 65-70% vào năm 2020 [61]. Nguồn lao động này đủ đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong những năm tới. Để thực hiện được kết quả đó, từ nay đến năm 2020, giải pháp đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh như sau:
- Rà soát lại hệ thống giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề.
Khả năng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành kinh tế của tỉnh mới chỉ đảm bảo khoảng 67% nguồn lao động qua đào tạo dự kiến vào năm 2020 (tức là khoảng 1 triệu lao động). Số còn lao động còn lại tỉnh cần phải có kế hoạch liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh hoặc thu hút nguồn nhân lực của tỉnh được đào tạo ở những trung tâm văn hóa kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
- Về hình thức đào tạo, để nâng cao chất và lượng nguồn nhân lực cần phải:
+ Đào tạo nghề dài hạn để có đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ lành nghề đủ khả năng tiếp cận và sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Theo hướng này sẽ cũng cố và nâng cao các trường dạy nghề trọng điểm của tỉnh. Cần phải mở các trung tâm liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để đảm bảo khả năng tiếp cận việc làm và khả năng thích ứng ngay với công việc của người lao động. (Các trung tâm này có thể nằm trong 2 trường đại học và 2 trường cao đẳng về kĩ thuật)
+ Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề ngắn hạn tại các trường dạy nghề nhằm tạo cơ hội cho người lao động tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm. Theo hướng này có các hình thức đào tạo như: Đào tạo nghề dịch vụ, chế biến
nông lâm hải sản tại các trung tâm dạy nghề và cơ sở dạy nghề ở huyện thị; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo các nghề truyền thống ở các làng nghề.
- Có chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về công tác tại địa phương. Nghệ An vùng đất nghèo nhưng giàu truyền thống hiếu học. Nhiều con em người Nghệ An đã đi học và làm ở nhiều trung tâm kinh tế trong nước cũng như trên thế giới. Do đó, đây là nguồn chất xám cực kì quí giá cho phát triển công nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Bởi vậy, tỉnh cần phải có các chính sách thu hút nguồn lực này về làm việc và xây dựng quê hương với những ưu đãi cụ thể như:
+ Cấp nhà ở cho giáo sư, phó giáo sư.
+ Cấp phòng làm việc được trang bị hiện đại cho tiến sĩ và các nhà khoa học. + Ưu tiên công việc cho những người có học vị thạc sĩ cũng như những người có bằng kĩ sư trong các lĩnh vực kĩ thuật. Đây là nguồn lực mà tỉnh còn rất thiếu.
+ Có chế độ xét thưởng hàng năm thích đáng để tôn vinh những người lao động giỏi, những người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển quê hương.
Giải pháp này giao cho 02 trường Đại học và Sở Giáo dục Nghệ An phối hợp thực hiện và tham gia tư vấn cho UBND tỉnh. Sở Công Thương và Ban Quản lí KKT Đông Nam chịu trách nhiệm lấy thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và làm cầu nối liên kết đào tạo với các trường.
4.3.1.3. Giải pháp về vốn và thu hút đầu tư
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2020 là 56.393 tỉ đồng. Trong đó, nhu cầu cho sản xuất công nghiệp là 17.983 tỉ đồng, cho xây dựng hạ tầng cơ sở các KCN, KKT là 1.700 tỉ đồng và cho điện, nước là 37.710 tỉ đồng. Trong khi đó, dự báo khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư: từ ngân sách Nhà nước là 7%, từ vốn tín dụng là 33%, từ nguồn liên kết, liên doanh với nước ngoài là 36%, từ vốn tự có của doanh nghiệp là 24% [69].
Như vậy, để có thể đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp nói chung, phát triển TCLTCN Nghệ An nói riêng, trong thời gian tới UBND tỉnh cần chỉ đạo phối hợp thực hiện các giải pháp sau:
- Để tạo nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển các điểm, cụm, khu công nghiệp đồng thời với việc lập quy hoạch chi tiết gắn với việc hình thành các đô thị, thị trấn, thị tứ thực hiện quy hoạch các khu dân cư kèm theo để bán, sử dụng tiền chuyển quyền sử dụng đất thu được cho đầu tư phát triển.
- Khuyến khích các nhà đầu tư có dự án đầu tư vào các khu công nghiệp bỏ chi phí để tự san nền trên diện tích mà nhà đầu tư thuê để xây dựng nhà máy. Với phương thức này, thì phần lớn chi phí san nền sẽ huy động của các nhà đầu tư.
- Cần tạo điều kiện để có thể thu hút được những dự án đầu tư nước ngoài có qui mô lớn để có thể xây dựng một cách đồng bộ từ hạ tầng cơ sở đến qui trình công nghệ sản xuất với tác phong quản lý chuyên nghiệp.
- Vận động các đơn vị cung cấp dịch vụ như điện, nước, viễn thông lắp đặt hệ thống cung cấp đến chân hàng rào doanh nghiệp. Qua đó làm giảm chi phí đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.
- Tìm nguồn vốn ODA hoặc nguồn vay ưu đãi của nước ngoài để xây dựng các hạ tầng như cấp nước, trạm xử lý nước thải…
Giải pháp này trước mắt giao cho Sở Kế hoạch đầu tư và Ban Quản lý KKT Đông Nam phối hợp thực hiện.
4.3.1.4. Giải pháp phát triển thị trường
- Phát triển thị trường trong tỉnh gắn với thị trường ngoài tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh việc xúc tiến thị trường xuất khẩu. Đây là nhiệm vụ của bộ phận nghiên cứu thị trường sẽ được thành lập với sự ra đời của Sở Kinh tế Đối ngoại. Đối với các sản phẩm đã có thị trường thì cần giữ vững và mở rộng thêm thị trường mới, đối với sản phẩm chưa có thị trường cần tích cực tìm kiếm và phối hợp nhiều hình thức như quảng cáo, tham gia hội chợ, giới thiệu trên trang Web...
- Phải coi trọng và đáp ứng tốt thị trường nội tỉnh. Để làm tốt giải pháp này cần có chính sách hỗ trợ thị trường nông thôn, thị trường này còn chưa được khai thác nhiều do sức mua còn hạn chế. Hiện nay, tỉ lệ dân nông thôn và diện tích khu vực nông thôn còn lớn. Nghệ An cần phải có những mô hình tiếp thị linh động để có thể đi sâu và định hướng được thị trường này. Cụ thể như xây dựng thêm các
trung tâm mua sắm và giới thiệu sản phẩm trên địa bàn nông thôn. Giữa các doanh nghiệp cần phải có sự phối hợp tốt để khai thác hiệu quả thị trường này.
- Để xúc tiến xuất khẩu cần đổi mới công nghệ sản xuất ở các doanh nghiệp hiện có đồng thời trong đầu tư mới cần quan tâm đến nhập khẩu công nghệ hiện đại để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
- Nâng cao khả năng tiếp thị của các doanh nghiệp hiện có.
- Tăng cường việc tham gia các hội chợ chuyên ngành được tổ chức trong nước cũng như ở nước ngoài để tìm kiếm thị trường mới cũng như nắm bắt kịp thời xu thế tiêu dùng đối với các loại sản phẩm chủ yếu và có thế mạnh của tỉnh như: chế biến hải sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng, cao su, lâm sản… Đồng thời, Nghệ An cần tổ chức các mô hình hội chợ như hội chợ du lịch biển ở thị xã Cửa Lò để quảng bá các sản phẩm công nghiệp.
Trước mắt Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Công Thương để thực hiện giải pháp này. Sau khi Sở Kinh tế đối ngoại được thành lập thì sẽ thực hiện chuyên trách.
4.3.1.5. Giải pháp công nghệ và bảo vệ môi trường
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao của công nghiệp theo phương án lựa chọn thì từ nay đến năm 2015 phải tập trung giải quyết tốt vấn đề công nghệ. Hướng chính là hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước.
Đối với các dự án đầu tư nước ngoài cần cân nhắc áp dụng công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển, không nhập khẩu công nghệ và thiết bị đã lạc hậu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, không ngừng tích lũy để tiếp tục tái sản xuất mở rộng. Tập trung đổi mới công nghệ và đưa nghiên cứu khoa học vào phục vụ sản xuất trước hết là các ngành công nghiệp có thế mạnh của địa phương như khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm thuỷ hải sản, thực phẩm, sản xuất VLXD… Ưu tiên cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để đổi mới công nghệ, đặc biệt là các công nghệ thân thiện với môi trường.
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Nghị quyết 41/NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 36-CT-TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Tỉnh cần có các biện pháp thực hiện như sau:
- Tiến hành sớm việc đánh giá hiện trạng môi trường đối với toàn bộ các khu công nghiệp hiện có, các cơ sở sản xuất bao gồm: đánh giá lượng ô nhiễm do khí thải công nghiệp, khí thải của xe cộ…
- Đánh giá tác động đến môi trường của tất cả các nhà máy sẽ xây dựng, nhất là đối với những nhà máy đã được cấp giấy phép đầu tư xây dựng nhưng chưa có đánh giá tác động môi trường.
- Kiểm kê các nguồn gây ô nhiễm chính trong công nghiệp (cả quốc doanh lẫn ngoài quốc doanh), định kỳ quan trắc, phân tích thành phần các chất thải độc hại. Hỗ trợ kỹ thuật cho công tác quan trắc, thanh tra và quản lý môi trường.