biện pháp ngăn chặn
Ở Việt Nam, bảo đảm quyền của người chưa thành niên phạm tội là bảo đảm cho những quy định của pháp luật về người được thực hiện trên thực tế, phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời bảo vệ quyền của người chưa thành niên phạm tội khi có sự xâm hại, sự vi phạm quyền của các em từ các cơ quan, các chủ thể thực hiện việc xem xét, xử lý hành vi phạm tội của người chưa thành niên. Hiện nay, trong pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, hàng loạt các chế định pháp luật mang tính cá biệt nhằm bảo đảm quyền của người chưa thành niên phạm tội, trong đó có chế định về các biện pháp ngăn chặn.
Các biện pháp ngăn chặn trong BLTTHS là một chế định có vai trò hết sức quan trọng, chúng đảm bảo cho việc đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm có hiệu quả, bảo đảm hoạt động của các cơ quan thực hiện tố tụng được thuận lợi, thể hiện sự chuyên chính của Nhà nước XHCN trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Việc quy định các biện pháp ngăn chặn trong BLTTHS thể hiện sự nghiêm minh của Nhà nước trong việc ngăn chặn chống tội phạm, không để cho người có hành vi phạm tội bỏ trốn, tiếp tục phạm tội hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xét xử tội phạm. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ. Tội phạm trực tiếp hoặc gián tiếp xâm hại đến sự bền vững và ổn định của chế độ chính trị, chế độ kinh tế - xã hội, đến tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm và tài sản của công dân cũng như những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN. Vì vậy, Nhà nước ta luôn chú trọng công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, nhằm tiến tới loại trừ tội
phạm ra khỏi đời sống xã hội.
Áp dụng đúng đắn các biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên phạm tội góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do cư trú và đi lại…. Vì vậy, khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các cơ quan có thẩm quyền cần có thái độ đối xử với người chưa thành niên là bị can, bị cáo như công dân bình thường, không định kiến với những tiêu cực trong quá khứ của họ vì họ chưa phải là người bị kết tội.
Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp đối với người chưa thành niên còn góp phần ngăn chặn người chưa thành niên tiếp tục phạm tội, gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và đảm bảo thi hành án. Đồng thời góp phần bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hình sự được khách quan, toàn diện, đầy đủ và đúng pháp luật.