Những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế

Một phần của tài liệu CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN đối với NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM tội (Trang 62 - 69)

* Những hạn chế

Ngoài những ưu điểm đã đạt được, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên phạm tội còn có những hạn chế nhất định, đó là:

Theo quy định của pháp luật TTHS, bắt người chưa thành niên phạm tội phải được thực hiện theo Điều 80, Điều 81, Điều 82 và Điều 303 BLTTHS 2003. Tuy nhiên trên thực tế việc xác định căn cứ để áp dụng các trường hợp bắt cụ thể còn lúng túng, có lúc trở nên sai phạm hay quá lạm dụng việc bắt khẩn cấp, không tuân thủ những quy định của Điều 303 BLTTHS. Ví dụ như trên thực tiễn, khi phát hiện thấy một người đang thực hiện tội phạm thì vẫn bắt và giải người đó đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Tại Cơ quan điều tra, các điều tra viên mới có đủ điều kiện để xác định người bắt đã thành niên hay chưa thành niên. Nếu đối tượng bị bắt là người chưa thành niên nhưng lại phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiệm trọng do vô ý… thì việc bắt quả tang lại không đúng với Điều 303 BLTTHS. Nhưng nếu không áp dụng thì hành vi thực hiện tội phạm đó sẽ không còn tính quả tang nữa và không đáp ứng yêu cầu kịp thời ngăn chặn.

Sau khi thực hiện Lệnh bắt khẩn cấp, vẫn có tình trạng Cơ quan điều tra không báo ngay cho Viện kiểm sát mà tiếp tục ra quyết định tạm giữ rồi mới gửi đồng thời Lệnh bắt khẩn cấp và Quyết định tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Hoặc cũng có trường hợp Cơ quan điều tra ra Lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ vẫn không gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát mà hết hạn tạm giữ mới gửi Quyết định gia hạn tạm giữ cùng Lệnh bắt và Quyết định tạm giữ cho Viện kiểm sát xét phê chuẩn. Trong những trường hợp này các Cơ quan điều tra đặt Viện kiểm sát vào tình thế đã rồi, hạn chế vai trò kiểm sát việc

tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát.

Đối với người chưa thành niên bị bắt theo quyết định truy nã lại phải trả tự do khi loại tội phạm mà họ thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng do vô ý. Đó đều là những đối tượng đã từng phạm tội, hoặc đang thi hành án, hoặc đã được áp dụng biện pháp ngăn chặn không tước tự do khác nhưng lại bỏ trốn. Tuy nhiên, trong tình huống này, Cơ quan điều tra vẫn phải chấp nhận thả tự do, hoặc áp dụng một biện pháp ngăn chặn không tước tự do khác mà biện pháp này vốn đã không đủ sức ngăn chặn, tạo điều kiện cho đối tượng lợi dụng để cản trở quá trình điều tra, che giấu tội phạm, tiêu hủy vật chứng hay tiếp tục phạm tội.

Việc quá tải ở nhà tạm giữ, việc xử lý hành chính và tạm giữ tố tụng còn lẫn lộn nên không phân hóa được đối tượng giam giữ, có trường hợp tạm giữ người chưa thành niên cùng với đối tượng đã thành niên. Hơn nữa, việc tạm giữ nhiều người tập trung vào một phòng sẽ gây ra tình trạng vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy, chữa cháy không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người bị tạm giữ. Nhưng hạn chế nhất vẫn là việc tạm giữ quá hạn do thiếu kiểm tra, do tạm giữ hành chính và xử phạt hành chính đã áp dụng lẫn lộn với hoạt động tố tụng.

Đối với biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh, một thực tế là khi người nhận bảo lĩnh, vi phạm cam kết để bị can bỏ trốn thì kinh phí cho việc truy bắt bị can ấy lại đặt vai trò chủ chi cho Nhà nước. Do vậy, có thể buộc họ phải kết hợp việc nhận bảo lĩnh với đặt một số tiền để sung vào công quỹ khi họ vi phạm cam kết để bảo đảm chi phí việc truy bắt. Những vấn đề nêu trên đang trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả việc áp dụng biện pháp bảo lĩnh trong TTHS. Bảo lĩnh thể hiện kết quả tác động tổng hợp lên nhận thức của bị can song cũng là một vấn đề của xã hội xem xét, nó như một sự nương tựa, ô che, nếu bản thân bị can được người có quyền chức đứng ra bảo lĩnh hoặc là con, cháu những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.

* Nguyên nhân của những hạn chế

Thứ nhất, các quy định của BLTTHS còn nhiều vấn đề chưa đồng bộ, chưa thống nhất, còn chồng chéo gây khó khăn cho việc áp dụng.

Về việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phạm tội, tại Điều 303 BLTTHS đã quy định về việc xác định độ tuổi và mức độ gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của người chưa thành niên trong trường hợp bắt khẩn cấp và bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã còn nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng.

Việc quy định hai mức tuổi (từ 14 đến dưới 16 tuổi và từ 16 đến dưới 18 tuổi) để áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam như Điều 303 BLTTHS là không cần thiết. Mục đích của các biện pháp ngăn chặn trên là để đảm bảo thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử. Vì việc xác định độ tuổi chỉ đặt ra để xác định tội danh và xét mức hình phạt. Việc phân chia mức độ tuổi để áp dụng các biện pháp ngăn chặn như trên không những không hiệu quả mà nhiều khi còn gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

Quy định về trường hợp bắt khẩn cấp tại khoản 2 Điều 303 là không thống nhất với điểm a khoản 1 Điều 81 BLTTHS và Điều 17 BLHS, đồng thời nó không đảm bảo được tính nhất quán về nội dung nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật TTHS, không đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Điều 17 BLTTHS quy định "người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định phạm" [43]. Và khoản 1 Điều 81 BLTTHS đã cụ thể hóa Điều 17 BLHS, theo đó thì khi có căn cứ cho rằng một người "đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng…" [43] thì được bắt khẩn cấp. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 303 BLTTHS lại quy định "việc bắt khẩn cấp được áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong trường hợp họ chuẩn bị phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng" [43]. Nghĩa là người

chưa thành niên chỉ chuẩn bị phạm tội nghiêm trọng do cố ý là đã bị bắt khẩn cấp rồi, trong khi người đã thành niên thì chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về biện pháp bắt người chưa thành niên phạm tội quả tang, như quy định tại Điều 82 BLTTHS thì "bất kỳ người nào cũng có quyền bắt "nếu phát hiện một người "đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt" [43]. Tuy nhiên lại phải đảm bảo các điều kiện tại Điều 303 BLTTHS về xác định độ tuổi và tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Nhưng " người nào" đó nếu chỉ là công dân bình thường sẽ không có đủ thời gian và điều kiện để xác định độ tuổi hay tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, việc xác định người đó đang ở độ tuổi nào, 14, 16 hay 18 tuổi hay chưa, cũng như việc xác định người đó phạm lỗi cố ý hay vô ý, phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Do đó để thực hiện chính xác theo yêu cầu của Điều 82 và Điều 303 BLTTHS đã quy định thì thực tế rất khó thực hiện.

Trường hợp thi hành lệnh bắt khẩn cấp, theo quy định tại Điều 81 BLTTHS thì Cơ quan điều tra sau khi bắt khẩn cấp phải " báo ngay" cho Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn, nhưng như thế nào gọi là "báo ngay" thì không quy định cụ thể, không có hướng dẫn kèm theo dẫn đến việc áp dụng tùy tiện.

Hay như căn cứ gia hạn tạm giữ theo Điều 87 BLTTHS là "trong trường hợp khẩn cấp" nhưng không giải thích "trường hợp khẩn cấp" bao gồm những trường hợp nào. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự không thống nhất trong nhận thức về vấn đề này, làm phát sinh tình huống cùng một điều kiện phạm tội và nhân thân nhưng có nơi phê chuẩn gia hạn có nơi không.

Về trường hợp thi hành lệnh bắt tạm giam, luật không quy định cụ thể các trường hợp ngoại lệ về thủ tục chứng kiến trong các trường hợp nơi cư trú của đối tượng bị bắt là khu vực địa hình không thuận lợi hay cần đảm bảo bí mật điều tra vụ án, an ninh quốc gia… nên không thể triệu tập đầy đủ những

người chứng kiến theo luật định, để tạo điều kiện thuận lợi cho Cơ quan điều tra trong quá trình áp dụng.

Pháp luật TTHS không quy định rõ cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn không tước tự do đối với người chưa thành niên khi không có căn cứ về việc đối tượng sẽ tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử; hay nếu không tạm giam với họ sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Dẫn đến việc chỉ cần có đủ căn cứ phù hợp với Điều 88 và Điều 303 BLTTHS thì người chưa thành niên vẫn bị tạm giam. Trong khi chỉ cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn không tước tự do là đã đảm bảo tính ngăn chặn đối với họ.

Thứ hai, do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan.

Cơ chế phối hợp giúp các cơ quan có sự liên kết với nhau cùng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên trong một số trường hợp, sự phối hợp giữa không chặt chẽ sẽ gây cản trở cho quá trình áp dụng pháp luật.

Việc bắt người phạm tội quả tang luôn chiếm tỷ lệ cao trong các trường hợp bắt, song lại nảy sinh vấn đề, do Cơ quan điều tra thường tiếp nhận người bị bắt nhiều hơn là từ hoạt động của mình, do đó có liên quan đến nhiều vấn đề như sự không thống nhất giữa Viện kiểm sát với Cơ quan điều tra trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn tiếp theo hoặc lúc đầu Viện kiểm sát đồng ý nhưng sau lại không đồng ý.

Hay đôi khi Kiểm sát viên không chủ động trong quá trình xét phê chuẩn, chỉ dựa vào tài liệu gửi kèm. Khi tài liệu chưa đúng hoặc chưa đủ thông tin, trong trường hợp cần thiết, theo quy định Kiểm sát viên phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét hay phê chuẩn hay không phê chuẩn, tuy nhiên Kiểm sát viên thường thụ động chỉ dựa vào tài liệu gửi kèm và không xét phê chuẩn dẫn đến việc phải trả tự do đối tượng, gây cản trở công tác điều tra tội phạm.

người THTT.

Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản gây nên những tồn tại, thiếu sót trong khi áp dụng biện pháp ngăn chặn. Những người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn do trình độ năng lực còn hạn chế đã vận dụng không đúng các quy định của pháp luật TTHS về các biện pháp ngăn chặn. Thêm vào đó, thái độ cử chỉ của một số người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn còn thiếu trách nhiệm, chưa tôn trọng các quyền cơ bản của công dân, các quyền trẻ em trong hoạt động tố tụng, không thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã được áp dụng, không kịp thời hủy bỏ hoặc thay thế những biện pháp đó nếu thấy không cần thiết dẫn tới vi phạm về thời gian và quy định khác của pháp luật đối với người chưa thành niên.

Những người THTT thường có xu hướng chỉ quan tâm đến kết quả điều tra vụ án nên đôi khi vi phạm quy định về các biện pháp ngăn chặn, như bắt thì phải tạm giữ; tạm giữ nếu chưa tìm được căn cứ khởi tố thì gia hạn đủ hai lần để tiếp tục điều tra tìm cho bằng được căn cứ; tạm giam khi không còn căn cứ cản trở công tác điều tra vẫn không thay đổi biện pháp ngăn chặn; hay một số cán bộ điều tra thiếu kỹ năng nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, ngại khó, ngại khổ nên không thuyết phục được những người tham gia chứng kiến theo luật định.

Các cơ quan THTT hiện vẫn chưa có đội ngũ chuyên trách để giải quyết những vụ án do người chưa thành niên thực hiện, hầu như có rất ít Điều tra viên, Kiểm sát viên được bồi dưỡng về tâm lý và kỹ năng làm việc đối với người chưa thành niên phạm tội. Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết vụ án, Thủ trưởng các cơ quan THTT không có sự phân biệt giữa việc giải quyết vụ án nói chung với vụ án do người chưa thành niên thực hiện nên không có sự phân công, bố trí cán bộ am hiểu về tâm lý người chưa thành niên, có kỹ năng và kinh nghiệm làm việc với người chưa thành niên. Do đó, khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên đều có xu hướng áp

dụng biện pháp ngăn chặn tước tự do mà không quan tâm đến yếu tố tâm lý, đặc điểm của người chưa thành niên phạm tội.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

1. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ công chức có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã từng bước nâng cao trình độ chuyên nghiệp vụ, nắm vững kiến thức pháp luật khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên phạm tội. Ngoài ra, còn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan THTT, trên cơ sở tuân thủ pháp luật, hạn chế sự phối hợp mang tính chất thỏa thuận. Do đó, đã hạn chế được sai phạm, quyền lợi của người chưa thành niên được đảm bảo.

2. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên phạm tội còn có những hạn chế nhất định. Trên thực tế, nhiều trường hợp áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên còn lúng túng, có lúc trở nên sai phạm, không tuân thủ những quy định của pháp luật. Việc quá tải ở nhà tạm giữ, việc xử lý hành chính và tạm giữ tố tụng còn lẫn lộn nên không phân hóa được đối tượng, thậm chí còn trường hợp tạm giữ chung người chưa thành niên với đối tượng đã thành niên. 3. Những hạn chế đó là do các quy định của BLTTHS còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chồng chéo, gây khó khăn cho việc áp dụng. Ngoài ra, còn do sự phối hợp giữa các cơ quan THTT còn chưa kịp thời; do hạn chế về nhận thức, năng lực, kỹ năng nghiệp vụ của người THTT. Đây là những nguyên nhân cơ bản gây nên những tồn tại, thiếu sót trong khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Chương 3

Một phần của tài liệu CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN đối với NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM tội (Trang 62 - 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(93 trang)
w