3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Kim Lân
3.2. Đặt nhân vật vào những tình huống thử thách,
Mặc dù chỉ viết về những chuyện của đời thường nhưng Kim Lân lại có khả năng tạo ra những tình huống truyện rất độc đáo. Nhân vật của ông khi đặt trong những tình huống đó đã phần nào tự bộc lộ con người, nhân cách của chính mình.
Có thể đó là những tình huống éo le khiến nhân vật tự bộc lộ hoàn cảnh, số phận bi đát của mình. Ví như cụ Cả Nhiêu sau khi trao hết ruộng đất cho con bỗng trắng tay và trở thành “của nợ” trong mắt người con bất hiếu (Cơm con),
cô Lan xinh đẹp, giỏi giang bỗng rơi vào cạm bẫy của anh chàng Sở Khanh và trò đùa quái ác của đám trai làng ( Nỗi này ai có biết), người kép già vì hoàn cảnh riêng phải cam chịu cảnh ăn nhờ ở đậu và nhận lòng thương hại của đứa con, của người ngoài (Người kép già). Các truyện theo kiểu này thường có kết thúc buồn, tương lai của các nhân vật khá mù mịt. Cụ cả Nhiêu bị con trai chửi mắng, hắt hủ, Lan phải bỏ nhà ra đi khi bụng mang dạ chửa, Thạ trong Đứa con người cô đầu, phải lang thang kiếm sống với bộ dạng tội nghiệp ở nhiều nơi, anh không còn một sự lựa chọn nào khác cho cuộc đời mình… Thân phận bé nhỏ của người nông dân lại càng trở nên mong manh hơn nữa khi nhà văn đặt họ vào những tình huống như thế.
Một kiểu tình huống nữa cũng được nhà văn sử dụng để thử thách nhân vật, đó là đặt nhân vật vào những tình huống bất ngờ, những chuyện khó xử, phải đối mặt. Ở Con chó xấu xí, tình huống chạy loạn nguy cấp đã khiến nhân
80
vật “tôi” rơi vào tình thế khó xử, lưỡng lự không biết đối xử như thế nào với con chó xấu xí. Bỏ nó lại hay là mang nó đi? Chính điều này đã tạo ra một cái cớ rất tự nhiên giúp nhà văn kể chuyện về Nhược Dự, về tôi được dễ dàng mà thuyết phục hơn. Rồi chuyện trở về trung thành của con chó và chuyện ra đi đớn hèn, phản bội của Nhược Dự cũng được kể lại qua tình huống ấy…
Đặc biệt, truyện ngắn Vợ nhặt và Làng là hai tác phẩm xuất sắc nhất, tiêu biểu cho nghệ thuật sáng tạo tình huống của ông. Ở Làng, Kim Lân đã đặt nhân vật ông Hai trước một tình huống éo le, đầy thử thách: nghe tin làng Chợ Giầu- quê ông theo giặc. Tình huống này quá bất ngờ, khiến ông Hai đau đớn, hổ thẹn và tuyệt vọng khi nghĩ về làng quê yêu dấu của mình… Sáng tạo tình huống này, nhà văn cũng đo luôn cái tấm lòng yêu quê hương, yêu nước của nhân vật ông Hai. Truyện cứ thế cuốn theo những diễn biến tâm lí, quá trình đấu tranh nội tâm, giằng xé trong tình cảm của nhân vật. Ở Vợ nhặt, một trong những điều làm nên giá trị tác phẩm chính là nhờ tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn. Vợ nhặt – điều không bình thường trong cuộc sống nhưng lại thành rất đời thường trong hoàn cảnh của tác phẩm. Tràng- một anh nông dân ngụ cư, nghèo xơ xác, xấu xí, thô kệch bỗng nhiên lại “nhặt” được vợ. Quả thực là một tình huống bất ngờ, nó khiến Tràng là người trong cuộc mà cũng hoang mang, ngờ vực “ngờ ngợ như không phải thế”, nó khiến cả bao người khác trong câu chuyện cũng ngạc nhiên không kém. Đó là người dân xóm ngụ cư xôn xao lên, là bà cụ Tứ “thấy mắt mình nhoèn ra thì phải”. Họ không thể tin vào cái hạnh phúc lại có thể tồn tại và mãnh liệt đến thế bên cái nghèo, cái đói… Và trong cảnh đó, việc Tràng lấy vợ còn là một tình huống hết sức éo le, trớ trêu, nó đặt nhân vật trước một cuộc thách đố vô cùng mạo hiểm với đời: sống chỉ là tồn tại hay sống là phải có hạnh phúc… Nhà văn đã rất tinh tế khi tạo ra cái tình huống tưởng vu vơ mà giàu ý nghĩa này. Chính ông cũng đã cho rằng: “Nơi ngưỡng cửa khốn khổ đó, họ sẽ chứng tỏ số phận và tính cách của mình, đồng thời ở nơi đó họ sẽ bắt đầu một niềm tin mới, một niềm hạnh phúc mới, dù là rất mong manh”[72].
81
Khi đặt nhân vật của mình vào những tình huống đặc biệt như vậy, nhà văn đã tạo ra những thử thách cho nhân vật trước muôn mặt cuộc đời, cũng để từ đó khắc họa vẻ đẹp của họ, những con người mộc mạc mà có một niềm yêu người, yêu sống đến thiết tha.