Sáng tác của Kim Lân sau Cách mạng tháng Tám 1945

Một phần của tài liệu Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn Kim Lân ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 25)

1. Hành trình sáng tác của Kim Lân

1.2.Sáng tác của Kim Lân sau Cách mạng tháng Tám 1945

Sau Cách mạng tháng Tám, Kim Lân tiếp tục làm báo, viết văn. Ông tích cực hoạt động trong hội Văn hóa cứu quốc và vẫn chuyên về truyện ngắn, vẫn chuyên về làng quê Việt Nam - mảng hiện thực mà từ lâu ông đã hiểu biết sâu sắc. Thời đại, cuộc sống, tư tưởng mới đã khiến những tác phẩm của nhà văn mang những hơi thở mới, hơi thở của thời đại làm chủ, dựng xây và đổi đời nhờ Cách mạng. Tác phẩm của ông đến với bạn đọc cũng dày dặn hơn với Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962). Ngoài ra còn một số truyện ngắn viết cho thiếu nhi như Anh chàng hiệp sĩ gỗ

(1958), Ông Cản Ngũ (1984)…

Kim Lân vẫn viết về làng quê, về những cảnh đời nghèo khổ, nhưng bằng cái nhìn của con người đã chứng kiến tất cả sức mạnh của người nông dân trong cuộc Cách mạng vĩ đại tháng Tám 1945. Vì vậy, các nhân vật của ông thường có những bước chuyển mình đáng kể, từ tư tưởng đến lối sống, đến việc làm… Đặc biệt, nhà văn thường đi sâu vào khám phá và thể hiện những thay đổi tình cảm của họ trong những bối cảnh lịch sử mới của dân tộc. Nổi bật hơn cả ở giai đoạn này là hai truyện ngắn nhà văn viết năm 1948: LàngVợ nhặt. Tác phẩm đã thực sự mở ra cho rất nhiều thế hệ bạn đọc một cái nhìn khác về hình ảnh người nông dân trong cuộc sống. Ở Làng, đó là sự đổi mới nhận thức và tình cảm của người nông dân về thời cuộc đất nước, về quê hương xứ sở và về cả chính bản thân họ. Thông qua câu chuyện nhân vật ông Hai tự hào rồi đau đớn, rồi lại tự hào, hãnh diện về làng Chợ Giầu của mình trong kháng chiến, nhà văn đã dựng lên được chân dung người nông dân trong thời đại mới bình đẳng, tự tin, trách nhiệm trong từng việc làm, từng nếp nghĩ. Đến Vợ nhặt, câu chuyện lại gợi ra

20

nhiều điều thật ý nghĩa, thật lớn lao. Một anh cu Tràng ngụ cư thô kệch, một chị con gái đói, nghèo theo không về làm vợ, một người mẹ già cũng nghèo xơ xác và một nạn đói quắt quay đang bủa vây… quanh một đám cưới. Mượn cái đói, nhà văn đã vừa đề cao được nhân phẩm con người, vừa nói lên được niềm tin vào tương lai tươi sáng. Người nông dân lao động, dù họ có rơi vào hoàn cảnh hết sức bi đát thì cũng vẫn hướng tới cuộc sống gia đình, vẫn muốn cưu mang nhau và vẫn không thôi hi vọng.

Nên vợ nên chồng, tác phẩm được viết năm 1954, ngay sau Cải cách ruộng đất đã phản ánh rất đậm không khí của đất nước, không khí của sự đổi đời cho những thân phận người bị hắt hủi. Nhà văn đã có những cái nhìn rất tinh tế và thể hiện cái thời cuộc một đi không trở lại đó của đất nước một cách đa dạng. Có thể đó là cái nhìn mang đậm màu sắc chính trị của thời điểm hiện tại, cũng có thể chỉ cần sau đó vài năm, Kim Lân đã nhìn cuộc cải cách đó khác đi (Ông lão hàng xóm), nhưng những gì viết trong tác phẩm thực sự là nguồn tư liệu quý

báu với bạn đọc về không khí làng xã thời ấy.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Kim Lân có viết một số truyện dài hơi hơn. Và cũng vẫn những vấn đề nóng hổi của thời cuộc lại được đưa vào trang sách, nhưng thường là những vấn đề dưới góc nhìn của một người nông dân, một người dân bình thường của cuộc sống thời chiến. Điều được ông quan tâm hơn cả chính là đời sống của họ ở hậu phương. Họ cũng như những chiến sĩ nhưng là trên mặt trận xây dựng đất nước và điểm tựa cho tiền tuyến. Cuộc sống của họ cũng sôi nổi không kém nơi chiến trường. Cái tài tình của nhà văn là ở chỗ ông đã đi sâu khám phá cuộc sống, công việc của những con người rất bình dị mà lớn lao, lặng thầm mà không kém phần ý nghĩa. Đó là những ông Cả Luốn với phong trào ra nhập Hợp tác xã (Ông Cả Luốn gốc me), là ông Tư Mủng với cái việc tưởng nhỏ nhoi lại hóa ra vô cùng quan trọng: đánh kẻng báo tin cho dân làng mỗi khi có máy bay càn qua (Bố con ông gác máy bay trên núi Côi- ), rồi bà mẹ bộ đội tận tình vá áo cho các anh (Bà mẹ Cẩn)…

21

Cũng trong thời gian này, nhà văn có một số sáng tác dành cho đối tượng khá đặc biệt: thiếu nhi (Ông Cản Ngũ, Anh chàng hiệp sĩ gỗ). Dù hướng tới những độc giả nhỏ tuổi nhưng không khó để nhận ra rằng, tác phẩm của Kim Lân vẫn đau đáu một nỗi niềm hướng tới việc hoàn thiện nhân cách con người và khơi gợi, vun đắp ý thức các em hướng vào không khí của thời cuộc, của đất nước.

Bút pháp nghệ thuật truyện ngắn Kim Lân giai đoạn này cũng có những đổi thay đáng kể. Đặc biệt là việc tạo dựng những bước ngoặt cho cuộc đời, số phận các nhân vật và cách thức tổ chức cốt truyện có những gấp khúc, đan xen đa dạng… nhằm phù hợp với vấn đề biểu hiện trong tác phẩm.

Trong cả hai giai đoạn sáng tác, Kim Lân viết chuyên về truyện ngắn và viết không nhiều. Tuy nhiên, ở chặng đường nào, ông cũng có tác phẩm hay dành cho bạn đọc. Nhắc đến văn xuôi Việt Nam thế kỷ XX, đặc biệt là nhắc đến truyện ngắn, không thể không nhắc đến Kim Lân bởi những đóng góp của ông. Dường như ở mỗi trang văn ấy, “ta lại cảm thấy không có một bước ngoặt, một chặng đường nào của con người Việt Nam trong gần nửa thế kỷ qua mà Kim Lân không đả động tới, dẫu chỉ bằng sự chạm trổ hết sức khiêm tốn là truyện ngắn” [17]. Ông chính là minh chứng tiêu biểu cho quan điểm quý hồ tinh bất quý hồ đa từ thuở cha ông ngày trước.

Một phần của tài liệu Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn Kim Lân ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 25)