Tạo dựng chân dung nhân vật

Một phần của tài liệu Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn Kim Lân ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 79)

3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Kim Lân

3.1. Tạo dựng chân dung nhân vật

Nhân vật trong truyện ngắn của Kim Lân khá ấn tượng với bạn đọc một phần cũng bởi nghệ thuật tạo dựng chân dung nhân vật của tác giả. Nhà văn đã từng quan niệm rằng: “chân dung nhân vật phải nổi bật tính cách nhân vật”. Và để nổi bật được cái tính cách ấy, ông đã sử dụng rất nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Giống như các nhà văn khác viết về nông thôn như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Kim Lân đã cố gắng vận dụng những gì tự nhiên sẵn có để xây dựng nhân vật, làm nên những hình tượng vừa giản dị, quen thuộc, lại vừa gần gũi, chân chất, đáng yêu.

Đặt tên nhân vật là điều được nhà văn rất lưu ý. Với người “nhà quê”, việc đặt tên cho con cái thường qua quýt và theo quan niệm: tên xấu dễ nuôi. Thừa hưởng điều này, nhân vật của Kim Lân cũng mang những cái tên vô cùng quê mùa, dân dã. Ông có thể mượn tên các dụng cụ sản xuất để gọi cho nhân vật của mình như Tràng, Đục (Vợ nhặt), Cót, Vựa (Cầu đánh vật), Tư Mủng (Bố

74

con ông gác máy bay trên núi Côi-kê); dựa vào thứ tự ngôi bậc trong nhà như Tư (Đứa con người vợ lẽ), bà cụ Tứ (Vợ nhặt), ông Hai (Làng), ông tự Năm (Đuổi tà), Cả Chuẩn (Con Mã Mái)…; dựa vào đặc điểm bề ngoài dễ nhận thấy của nhân vật: Quắm Đen (Ông Cản Ngũ), Mộc gù (Người chú dượng), dựa vào tính cách nổi bật: Tư khả dĩ (Con Mã Mái), Tý Trâu, Ông Cản Ngũ (Ông Cản Ngũ) hay dựa vào nghề nghiệp, chức dịch trong làng: Hương Chế, Đồ Thảo, Hương Thân (Con Mã Mái), thậm chí dựa ngay vào chính tên đất, tên làng: Trạng Sặt (Thượng tướng Trần Quang Khải – Trạng Vật), Cả Luốn (Ông Cả Luốn gốc me). Với nhà văn, tên gọi của các nhân vật như gói ghém cả hồn quê đất Việt, như thể hiện cả sự am hiểu sâu sắc của nhà văn về phong tục, tập quán đặt tên của người dân quê. Lại có những nhân vật trong truyện ngắn Kim Lân không hề có tên riêng, dẫu xấu xí, quê mùa. Ở những nhân vật này, ông gọi họ bằng cái tên chung chung khái quát từ cảnh ngộ bi đát: Ông lão ăn mày mù, mẹ con người đàn bà thiếu nợ (Anh chàng hiệp sĩ gỗ) hoặc tên của họ được gọi lên từ mối quan hệ trong gia đình, xã hội như: vợ Đoàn, ông lão hàng xóm (Ông lão hàng xóm), mụ chủ nhà (Làng). Đặc biệt nhà văn tài hoa của đất Kinh Bắc đã làm giàu thêm cho kho từ vựng của dân tộc một tên gọi mới lạ: vợ nhặt. Một tên gọi vừa gợi lên sự nghèo khó, thê thảm, vừa như tước mất vị thế của một con người. Gắn với câu chuyện thì cái tên đó lại lấp lánh bao cảm xúc, chất chứa bao trăn trở của nhà văn về kiếp người trong xã hội cũ: một niềm thương cảm xót xa, một niềm tin mãnh liệt vào nghị lực sống và đau đáu một khát khao đổi đời cho chính những con người khốn khổ nhặt được như thế.

Hầu hết tên nhân vật trong truyện ngắn Kim Lân thường là từ ngữ trúc trắc, khó đọc. Những tên gọi ấy khơi gợi sự phỏng đoán, liên tưởng của người đọc, tạo ấn tượng ban đầu về hệ thống tên nhân vật của ông, rất quê mùa và dân dã nhưng cũng tiềm tàng một cuộc đời, một số phận hay chí ít thì cũng một bước ngoặt không xuôi gió thuận buồm.

75

Nếu nhân vật của tiểu thuyết là một “thế giới” thì nhân vật của truyện ngắn chỉ là một “khoảnh khắc”. Vì thế, việc miêu tả ngoại hình nhân vật của truyện ngắn thường chỉ khắc sâu vào chi tiết đắt giá để làm nổi rõ điều này. Kim Lân cũng đã làm như thế. Trong truyện ngắn Người chú dượng, bức chân dung của lão Mộc được hiện lên chi tiết, cụ thể: “ Ông ta là một người lùn thấp và to lớn bè bè như cái cối xay. Cả người ông ta như bị một sức nặng gì đè cho lún xuống mà ông thì lúc nào cũng đang lấy hết gân sức mình đội cái sức nặng vô hình ấy lên. Tất cả những bắp thịt trên người, trên mặt, trên vai, trên cổ nổi lên từng cục và đang di chuyển dưới lớp da cháy đỏ như đồng tụ. Ông ta chừng độ ngoài năm mươi tuổi, mặt ngắn, trán ngắn, bàn chân, bàn tay đều ngắn, nứt nẻ, sần sùi như cành củi gộc...Đầu và cổ thì rụt vào trong vai. Cả người ông đều xù ra như một con gấu ngồi thu mình, bằn bặt trong cái vắng lặng của mấy gian nhà. Cái khuôn mặt vuông ngắn, gồ ghề những thớ thịt và những nếp răn khía sâu chồng lên nhau” [26, tr. 169]. Đây là chân dung của một lão nông tri điền thực thụ, khỏe mạnh, thô mộc, cũng là cái dáng hình của những con người ẩn chứa bao nỗi đau, ngang trái, thậm chí sẵn sàng hằn học với đời, với người vốn tị hiềm với họ. Thật dễ dàng tìm thấy ở lão Mộc những đường nét bất công của tạo hoá và vết tích một cuộc đời nhiều khổ đau, oan trái mà lão phải chịu đựng. Cái đói, cái nghèo, cái uất ức theo năm tháng như chạm khắc, như tạc nên dáng hình có vẻ cục súc của nhân vật.

Lối khắc họa chân dung người nông dân thô kệch, cục mịch như thế còn được nhà văn sử dụng khi tạo dựng nhân vật Tràng (Vợ nhặt), anh thanh niên của năm đói: “ Hắn vừa đi vừa tủm tỉm cười, hai con mắt nhỏ tý, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ gì vừa lý thú,vừa dữ tợn” [24, tr. 146]. Một thanh niên lao động thô kệch, vất vả, lam lũ, được hóa công đẽo gọt quá sơ sài và dường như vẫn phảng nét hoang dại. Bức chân dung này càng tô đậm thêm, lí giải rõ hơn cái hoàn cảnh nguy cơ ế vợ của Tràng, để rồi việc

76

Tràng có vợ sau này lại càng làm cho mọi người và ngay cả chính anh ngạc nhiên và thương cảm hơn nữa.

Điểm đặc biệt trong nghệ thuật tạo hình nhân vật của Kim Lân là ông khá chú tâm vào miêu tả khuôn mặt của họ. Có lẽ, nhà văn rất tôn trọng câu nói của dân gian: trông mặt mà bắt hình dong khi sáng tạo đứa con tinh thần của mình. Ít nhiều con người, tính cách, tâm trạng nhân vật đều bộc lộ trên những khuôn mặt ấy. Trong tác phẩm Trả lại đòn, Kim Lân đã thể hiện rất rõ tài năng và sự tinh tế của mình khi miêu tả hai khuôn mặt của hai con người khá đặc biệt: Chánh Bảy và nhà sư. Họ đang cùng nhau hợp bàn mưu kế cho trận quyết đấu cuối cùng nhằm thực hiện cái lời nguyền tự thuở nào. Và cái khuôn mặt của Chánh Bảy thật đáng sợ: “Cái bộ mặt to lớn, thô kệch và gân guốc sạm đen. Cặp lông mày sâu róm xếch ngược trên tảng trán dô cao, chờm ra che cặp mắt trắng dã, tròn như ốc nhồi, nhìn vào đâu thì trô trố không chớp. Cái mũi sư tử thấp tẹt sù sì, đỏ hỏn náu giữa hai chiếc xương lưỡng quyền nhô cao. Cặp môi thâm sì như hai miếng thịt trâu chết vều lên để lộ bộ răng vẩu cải mả. Và cái quai hàm bạnh ra rất lớn, râu quai nón lâu ngày chưa cạo mọc ra tua tủa, đen sì như bôi nhọ nồi quanh mồm, quanh mặt.” [24, tr. 95] Cái lối miêu tả bằng thành ngữ, bằng so sánh, bằng tần suất từ láy, từ ghép chính phụ dày đặc, cùng với sự lựa chọn chi tiết đã giúp đắc lực cho nhà văn khắc họa lên chân dung một con người xấu xí mà dữ tợn, một tay chơi có tiếng, lại mang chút máu giang hồ. Cũng lối tả kĩ lưỡng như thế, nhà văn đã mang đến cho bạn đọc chân dung một nhà sư quả là hiếm gặp: “ Lão có một nước da trắng trẻo hồng hào. Cái mũi dọc dừa nhòm xuống cái mồm mỏng dính, tỏ ra hay nói. Nhưng đến đôi mắt thì thật quỉ quyệt gian hùng, nhỏ tí mà lúc nào cũng chớp chớp nháy nháy, mỗi lần liếc nhanh coi rất bén, rất sắc sảo, ngời lên những ánh dữ tợn” [24, tr. 95]. Bức chân dung ấy thật phù hợp và được hoàn thiện hơn bằng hàng loạt những câu chuyện kể, lời nói, hành động của chính nhân vật: “ Nhà sư luôn kể cho khách nghe những chuyện đâm chém giết người với đốt nhà lấy của”, “ Ôi chà ! Sư với mô gì,

77

chẳng qua là núp bóng cửa thiền làm ăn cho dễ đấy thôi, chứ thiết gì”, lão ngừng nói, tợp một hớp rượu, gắp một miếng thịt nhồm nhoàm nhai”. Rồi nóng quá“ nhà sư phanh chiếc áo nâu rộng tay để hở cả ngực, cả bụng gãi sồn sột”.

[24, tr 97,98]. Chừng ấy câu chữ cũng đủ để bạn đọc nhận ra cái chân tướng thật của vị chân tu này. Cùng với Chánh Bảy, họ làm nên một cặp bài trùng của sự ngang ngược, lì đòn, tàn bạo, đậm chất dân “anh chị”.

Nhân vật Nhược Dự trong truyện Con chó xấu xí cũng được nhà văn dụng công miêu tả như thế. Chỉ một chi tiết chòm râu trên khuôn mặt mà nói được bao điều về con người này: “anh còn để cả bộ râu dài lượt mượt như ông cụ nữa. Bộ râu lạc lõng trên khuôn mặt non choẹt, trắng nhẫy như râu đóng kịch”[24, tr. 210]. Chỉ vậy thôi cũng đủ để khắc họa con người nhân vật, kẻ khôn ngoan luôn tìm cách che đậy con người thật của mình. Anh ta muốn “già hoá” khuôn mặt non chọet để dễ bề trốn tránh công việc kháng chiến. Anh ta luôn đưa: “ Bộ mặt rầu rĩ, băn khoăn, than thở đủ chuyện ốm đau bệnh tật” để chối từ. Ta như thấy thấp thoáng bóng dáng của nhân vật Hoàng trong Đôi mắt

của nhà văn Nam Cao đâu đó lại lần về trong chân dung một con người cơ hội, giả dối, ham sống sợ chết . Miêu tả như thế là Kim Lân đã dự báo cho một hành động nhục nhã của anh ta sau này: “dinh tê” viết báo chửi kháng chiến.

Mỗi nhân vật tuỳ vào tình cảnh, vào tính cách mà nhà văn lựa chọn chi tiết phù hợp, sao cho vừa có thể phản ánh được hiện thực cuộc sống, vừa làm nổi bật con người cá thể của họ. Với lối miêu tả ngoại hình nhân vật như vậy, Kim Lân đã xây dựng nên những con người cụ thể, rõ nét - góp phần tạo nên những ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc

Bên cạnh cái lối miêu tả ngoại hình nhân vật sắc sảo ấy, nhà văn cũng khá chọn lọc khi miêu tả những hành động, cử chỉ của nhân vật, sao cho lột tả rõ nhất cái ý đồ nghệ thuật của mình. Đọc Vợ nhặt, bạn đọc hẳn không thể quên cái cử chỉ của người đàn bà vợ Tràng khi về nhà chồng. Thị bước đi trong dáng “đầu hơi cúi xuống”, “rón rén, e thẹn”, “chân nọ bước díu cả vào chân

78

kia”[24, tr. 147]. Thị sợ những ánh mắt tò mò sẽ phơi ra sự thật phũ phàng về thân phận vợ nhặt của mình. Trên đường “rước dâu” dài dặc giữa xóm ngụ cư, cái cô nàng cong cớn và trơ trẽn hồi nào bỗng trở nên e dè ngượng ngập. Ban trưa, lúc ở ngoài chợ, thị sấn sổ, cong cớn để được ăn, còn bây giờ, thị đang về nhà chồng… Vả lại, thị là người vợ theo không. Thị chẳng có chút quyền uy nào, kể cả quyền lựa chọn nên đành chấp nhận số phận khi đã đến bước đường cùng. Tiếng thở dài nén lại khi về đến ngôi nhà mới của thị cũng là vì thế. Thị

“ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần”, và khi đối diện với mẹ chồng“Thị cúi mặt xuống, tay vân vê cái tà áo đã rách bợt”. Đó là những cử chỉ của một con người vừa ngượng nghịu, vừa tủi hổ, đắng cay và có cả lo âu cho cái tương lai mờ mịt nữa. Thực tại buộc họ phải đối mặt, khiến họ không dám tự tin vào chính mình để dựng xây hạnh phúc.

Đến Ông lão hàng xóm, người đọc hẳn không khỏi ám ảnh cái tiếng hát của ông lão nhà bên cạnh Đoàn, một tay kép tuồng đã về già, không con, không vợ. Mỗi tích tuồng cũ ấy như nỗi lòng của ông trước thời cuộc còn nhiều trắng đen lẫn lộn. “Từ ngày cải cách ruộng đất bắt bớ, giam cầm những người hoạt động cũ ở đây, ông lão càng hay hát. Hình như ông hát cho đỡ quạnh hiu. Hát để thấy mình còn sống ở cuộc đời này, và cuộc đời cũng còn nhiều ý vị đáng sống” [24, tr. 198]. Tiếng hát của ông như đã tiếp thêm sức lực cho Đoàn rất nhiều trong những tháng ngày tủi cực, nó khiến anh khuây khỏa và biết thêm đôi phần tình hình thời cuộc bên ngoài cánh cổng nhà mình. Cái tích tuồng ông lão hát “đêm nay” mới thật đặc biệt. “Đoàn nghe như ông lão khóc. Không biết lão có tâm sự gì. Cái đầu cứ thấy la đà trên mâm rượu mà rung lên… Ông lão móp ngực công cổ hát. Ông lão hát như con vật bị thương rống lên. Xóm làng nghe càng lạnh lẽo. Ông lão đặt con mèo xuống chiếu, chống tay lảo đảo đứng dậy, bước từng bước chững chạc ra giữa nhà, đảo mắt nhìn xung quanh, đưa một ngón tay lên, lại hát:“- Gương Tần soi i i cho thấy dạ Kim Lân ư hư… “ [24,

79

tr.199]. Không phải vô tình mà nhà văn lại miêu tả kĩ lưỡng đến thế. Tiếng hát lần này của ông lão như chứa chất bao nỗi buồn thay, giận thay trước tình cảnh của Đoàn trong câu chuyện. Tiếng hát của ông cũng là lời nhắn nhủ tới Đoàn về một “cái hầm ” dùng được. Đó là tấm lòng, là sự cảm thông, thương cảm; cao hơn, là sự chở che, đùm bọc của những con người tối lửa tắt đèn có nhau, nghèo khổ mà thật đầm ấm.

Một phần của tài liệu Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn Kim Lân ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 79)